Những ngày này ở châu Âu, du khách có thêm một nơi tham quan đặc biệt: các nghĩa trang.
Toussaint (Lễ Chư Thánh) diễn ra vào ngày 1/11 hàng năm, gần như lễ Tảo mộ của phương Đông, là dịp tất cả mọi người thăm lại nơi an nghỉ của người thân, quét dọn sạch sẽ, đặt lên mộ phần một bình hoa tươi thắm… Không gian trang nghiêm trầm mặc, những hàng cây được cắt tỉa cẩn thận khoác màu áo thu rực rỡ, nghĩa trang trông như một khu vườn lớn với hàng vạn bông cúc đủ màu sắc – hoa của mùa thu vĩnh hằng.
Lễ Toussaint trong Ki-tô giáo, là ngày tôn vinh tất cả các vị Thánh Ki-tô, được biết đến hoặc vô danh, đang hưởng phúc trên Thiên Đàng. Ngày kế tiếp được gọi là Lễ Các Đẳng Linh Hồn, dành để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất chưa được về bên Chúa. Một blogger từng viết: [Lễ Các Đẳng Linh Hồn] là dịp để chúng ta nghĩ về thân phận mỏng dòn của mình để sống cho có ý nghĩa […] Nghĩa cử mà họ đang cần chúng ta không phải là mâm cao cỗ đầy mà là những lời kinh nguyện, những hy sinh, những việc bác ái mà khi còn sống họ đã thiếu sót với Thiên Chúa và với tha nhân.
Dấu ấn của đức tin còn in đậm trong cuộc sống của người phương Tây, dẫu cho nền văn minh vật chất có náo nhiệt thế nào chăng nữa. Ngoài lễ Toussaint, vào mỗi dịp Thiên Chúa giáng sinh, Lễ Phục Sinh… người Pháp đều được nghỉ học nghỉ làm và trở về với cội nguồn tâm linh của họ. Rõ ràng, tín ngưỡng và tôn giáo không hề mâu thuẫn với sự phát triển của văn minh vật chất; ngược lại, ở những nơi con người còn có niềm tin vào Thần, nơi ấy đạo đức còn được ước thúc, xã hội lại càng hài hòa phồn vinh. Các nhà khoa học vĩ đại như Newton và Einstein đều tin vào sự tồn tại của Thần. Newton từng nói:
“Vạn vật trong vũ trụ, chắc chắn phải có một vị Thần Toàn Năng đang quản thúc và thống trị. Ở mức cùng cực của kính viễn vọng, tôi đã nhìn thấy vết tích của Thần.”
Việt Nam ta cũng có những ngày lễ tương tự: Lễ Xá Tội Vong Nhân, Thất Tịch, ngày Phật Đản, Rằm tháng Giêng… Tuy nhiên, chúng đều đã lùi vào sinh hoạt dân gian, không còn được đón chào một cách chính thức như “quốc lễ”, toàn dân cũng không được nghỉ vào các dịp này. Thay vào đó, những ngày lễ chính thức của quốc gia hiện nay thường gắn với lịch sử đấu tranh chính trị trong thời cận đại như: 30/4, 1/5, 2/9… Văn hóa Thần truyền truyền thống ngày càng mai một, dẫn tới những lớp người bơ vơ lạc mất cội nguồn. Một bộ phận không nhỏ người Việt Nam giờ đây đói khát đời sống tâm linh, phó thác sinh mệnh của mình cho tiền-tình-danh-lợi.
Ngày nghỉ lễ là dịp để con người tạm dừng lại nhịp sống hối hả, tìm về các giá trị nhân văn cao đẹp truyền thừa từ tổ tiên. Việt Nam ta nếu muốn chấn hưng thuần phong mỹ tục của dân tộc, thì trước tiên cần làm sống lại cái hồn văn hóa, tâm linh nước Việt. Muốn như vậy, những ngày lễ truyền thống và nội hàm thần thánh của chúng cần được khôi phục vị trí vốn có trong đời sống nhân dân.
“Thanh Minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh…”
Mã Lương
Xem thêm: