Một chàng cư sĩ trẻ tuổi đến bái viếng vị cao tăng. Hai người trò chuyện suốt từ sáng đến chiều. Đến lúc ăn cơm trưa, người giúp việc trong chùa nhìn thấy hai người chuyện trò vô cùng tâm đắc, bèn chuẩn bị hai tô mì, một to một nhỏ cho họ.
Vị cao tăng nhìn hai tô mì rồi đẩy cái tô to đến trước mặt chàng cư sĩ, nói rằng: “Cậu hãy ăn tô to này vậy!”.
Theo lệ thường, thì chàng cư sĩ này nên đẩy nhường lại tô mì to đến trước mặt vị cao tăng để tỏ rõ lòng cung kính mới phải. Nhưng vị cư sĩ này không đẩy lại chút nào, mà bưng bát mì lên ăn rất tự nhiên.
Vị cao tăng trông thấy như vậy, không khỏi nhíu mày, lòng nghĩ: “Vốn tưởng rằng cậu ta huệ căn không tệ, nhưng hóa ra lại là người không hiểu lễ nghĩa chút nào!”.
Sau khi chàng cư sĩ ăn xong, nhìn thấy cao tăng vẫn chưa cầm đũa lên, hơn nữa trên mặt có vẻ không vui, bèn cười hỏi vị cao tăng: “Sư phụ cớ sao ngài không ăn?”.
Chàng nhìn thấy cao tăng không nói lời nào, bèn cung kính nói: “Tôi thật sự là rất đói rồi, chỉ biết cặm cụi ăn như hổ đói, quả thật có chỗ thất lễ. Tuy vậy nếu tôi đẩy cái tô mì mà ngài nhường cho tôi về lại trước mặt ngài, đó vốn không phải là bản nguyện của tôi. Nếu như đã không phải là bản nguyện của tôi, thế thì tại sao tôi phải làm như thế chứ? Tôi muốn hỏi sư phụ, mục đích mà ngài nhường tô mì cho tôi là gì đây?”.
Vị cao tăng nói: “Dùng bữa”.
Chàng cư sĩ nghiêm túc nói: “Nếu như mục đích là dùng bữa, ngài ăn là dùng bữa, tôi ăn cũng là dùng bữa, hà tất phải kẻ nhường người đẩy! Lẽ nào ngài nhường cái tô to cho tôi không phải là thật lòng hay sao?”.
***
Trong quan niệm của nhiều người, khiêm nhường với kẻ dưới và cung kính với bề trên là một biểu hiện của lễ độ. Tuy nhiên, lễ nghĩa chỉ là hình thức bề ngoài, mà quá câu nệ vào hình thức sẽ khiến người ta quên rằng thành tâm mới chính là gốc rễ.
Trong Đại Học, Trang Tử viết: “Ý thành nhi hậu tâm chính, tâm chính nhi hậu thân tu (…) Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân, nhất thị giai tu thân vi bản”, nghĩa là ý nghĩ thành thực, tâm tư mới ngay thẳng; tâm tư ngay thẳng, phẩm đức bản thân mới tu dưỡng tốt. Từ bậc thiên tử cho đến người bình dân, ai ai cũng lấy tu dưỡng bản thân làm căn bản.
Vậy nên, thẳng thắn chân thành mới là đạo lý làm người thật sự.
Thiện Sinh biên dịch