Nhiều người cho rằng sống trên đời khôn ngoan một chút thì được thoải mái hơn một phần. Vậy nên ai cũng tranh tranh đoạt đoạt, cố giành phần lợi cho mình. Nhưng thông minh quá liệu có thực sự là chuyện tốt? 

Người đời hay nói “Khôn sống, mống chết“, xem ra câu ấy không phải lúc nào cũng thật đúng. Khôn ngoan, tài giỏi lắm thì thường gặp vạ. Cổ nhân nói: “Anh hùng đa nạn, hồng nhan đa truân” là vậy.

Hơn 2000 năm trước, Trang Tử cũng từng nói: “Khôn chết, dại chết, biết sống“. Chuyện kể rằng, một hôm Trang Tử cùng học trò ra ngoài vân du, ngắm cảnh núi sông. Lúc lên núi chơi, họ bắt gặp mấy người tiều phu đứng bên cạnh một gốc cây to đùng, cành lá rườm rà, quặt quẹo. Mấy tiều phu nói với nhau: “Cây này chẳng dùng vào việc gì được, tìm cây khác mà đốn vậy“. Trang Tử quay sang bảo với học trò: “Cái cây này vì bất tài mà thoát chết vậy“.

Lúc sau, họ đi xuống một thôn làng dưới chân núi, vào nhà người quen thăm hỏi. Chủ nhà thấy Trang Tử đến thì mừng lắm, sai gia nhân đi chuẩn bị tiệc chiêu đãi cho mấy thầy trò. Gia nhân hỏi: “Có hai con chim, một con biết gáy, một con không. Thịt con nào ạ?“. Chủ nhà nói: “Thịt con không biết gáy“.

Học trò ngơ ngác nhìn Trang Tử hỏi: “Hôm qua thầy bảo cái cây vì bất tài mà được sống, sao hôm nay con chim không biết gáy lại phải chết?“. Trang Tử ôn tồn giảng: “Có tài hay là bất tài thì cũng đều không tốt cả. Khôn chết, dại cũng chết, chỉ có biết mới sống“.

“Biết” ở đây chính là hiểu thời thế, biết tiến biết lùi, biết lúc nào nên khôn, lúc nào nên dại, biết hàm dưỡng trong xử thế. Lão Tử cũng từng giảng: “Đại trí nhược ngu“, ý tứ là những bậc có trí tuệ lớn thường nhìn bề ngoài như ngốc nghếch. Đương nhiên họ không ngốc thật, chỉ là biết cách cư xử mà thôi.

“Biết” ở đây chính là hiểu thời thế, biết tiến biết lùi, biết lúc nào nên khôn, lúc nào nên dại, biết hàm dưỡng trong xử thế. (Ảnh: pinterest.com)

***

Lại kể một chuyện nữa, một lần Khổng Tử vượt nghìn dặm xa xôi đến thỉnh giảng Lão Tử về Đạo. Đàm đạo cùng nhau mãi, cuối cùng trên đường tiễn Khổng Tử, Lão Tử nói mấy câu này:

Ông phải nhớ kỹ: Không tranh với đời, thì thiên hạ không ai có thể tranh cùng, đó là học theo đức của nước vậy. Nước gần với Đạo. Đạo không nơi nào không có, nước không nơi nào không có lợi, tránh chỗ cao mà về chỗ thấp, chưa bao giờ trái ngược, là giỏi tìm chỗ đứng.

Ông lần này đi rồi, nên bỏ cái ngạo khí trong lời nói và biểu cảm, xóa bỏ cái chí dục ở dung mạo. Nếu không, người chưa đến mà tiếng tăm đã đến, thân chưa tới mà gió đã động, hiển lộ phô trương, như hổ đi trên phố, ai dám dùng ông?“.

Khổng Tử là bậc hiền nhân quân tử, ôm cái chí cao vọng muốn sửa đổi lễ phép của thiên hạ, hướng lòng người về truyền thống, có thể nói là tài năng hơn người, vạn người hiếm gặp. Nhưng cũng chính vì thanh danh của Khổng Tử quá lớn như vậy nên chẳng có bậc quân chủ nào thực bụng dùng ông.

Lão Tử thậm chí đã tiên đoán được trước cuộc đời Khổng Tử, ấy là ngạo khí quá cao, chí dục quá lớn nên long đong bao nhiêu nước mà chẳng tìm được minh quân để thực hành đạo học của mình.

Phàm là người khôn thì đều là giả ngốc, biết một trượng nhưng chỉ nói một thước, tài học mênh mông như nước Đông Hải nhưng thể hiện ra bên ngoài thì có phần hồ đồ, nông cạn. Ấy mới thực sự là người khôn thật sự vậy.

Lão Tử đã chỉ ra cho Khổng Tử hiểu rằng người khôn là người gần với Đạo của nước ở chỗ thấp mà không tranh dành. (Ảnh: tinhhoa.net)

***

Ngẫm kỹ ra, trên đời, ngốc nghếch một chút cũng tốt. Sống đơn giản thì đời thanh thản, không so đo được mất thì nhẹ nhõm tâm thân, tự tại an nhiên. Việc gì cũng kỹ càng, sáng suốt quá thì dễ khiến tâm can tổn thương, lao tâm khổ lực, mệt mỏi vô cùng.

Người quân tử nhìn sự vật đều là phóng khoáng, khoan dung, cho nên cũng không cầu sự tranh đoạt. Chỉ có kẻ tiểu nhân mới soi xét kỹ càng, xét nét tiểu tiết. Do vậy những bậc anh hùng thực sự trên đời đều ít nhiều có chút “dại dột” trong con mắt người khác vậy.

Trong lịch sử, có biết bao nhiêu kẻ kiêu dũng vì quá ngạo mạn mà phải chịu kết cục thảm bi. Văn Chủng cùng với Phạm Lãi, làm quân sư cho Việt Vương Câu Tiễn. Sau này khi đại nghiệp của Câu Tiễn đã thành, Phạm Lãi lập tức cáo quan đi du ngoạn sông hồ, ai cũng cho là dại. Văn Chủng không nghe lời khuyên của bạn, cứ ở lại hầu hạ Câu Tiễn.

Cuối cùng, Phạm Lãi sau này kinh doanh phát đạt, trở thành đại thương nhân. Còn Văn Chủng ở lại bị Câu Tiễn nghi ngờ, cuối cùng dùng kiếm chém chết. Nếu Văn Chủng có thể biết “dại dột” hơn một chút thì có lẽ số phận đã không ngang trái như vậy.

Ngốc nghếch không phải là xuẩn ngốc, mà là sống chân thật, trung hậu với người.

Ngốc nghếch không phải là cam chịu bắt nạt, mà là rộng lượng, phóng khoáng.

Ngốc nghếch không phải là kém cỏi, mà là nhường nhịn, ẩn nhẫn trước dòng đời.

Người làm ra bộ ngốc nghếch thực ra đều nhìn thấu lẽ đời, chỉ là họ không thích soi mói, tranh đua hơn thiệt mà thôi.

Tranh vẽ chân dung Phạm Lãi. (Ảnh: wikipedia.org)

***

Nhân sinh như mộng, cùng lắm là mấy chục năm trời hưởng niềm hoan lạc thế gian, hà tất phải so đo hơn thiệt, vì mối lợi nhỏ mà nhìn nhau như kẻ thù.

Không tranh với đời thì chính là người trí huệ, biết buông bỏ lại là cảnh giới của cao nhân, hoàn toàn không phải kẻ ngu ngốc.

Phật gia giảng, mọi thứ có được ở kiếp này đều là phúc đức kiếp trước dồn tích lại, căn bản không phải bởi vì tranh giành mà có được, càng không phải do khôn ngoan mà chiếm lấy.

Người ngốc nghếch một chút, dại khờ một chút thì đêm kê cao gối ngủ an lành, ra đường không sợ tai họa rình rập, quan hệ với người thì cũng chẳng e ngại, ý tứ trước sau.

Tâm nhàn chính là phúc khí lớn nhất của đời người. Không tranh thì tự nhiên được ung dung, thanh thản. Dại khờ một chút cũng có sao? Chính là:

Người nhàn hoa quế rụng rơi
Đêm xuân thanh tĩnh núi đồi lặng thinh
Trăng lên chim núi giật mình 
Tiếng kêu thảng thốt trong ghềnh suối xuân

(Điểu minh giản – Vương Duy)
Bản dịch: DKN

Văn Nhược