Kinh Dịch rộng lớn thâm sâu huyền bí, chứa Đạo của Trời Đất. Nhưng người xưa nói, đại Đạo chí giản, Đạo bất viễn nhân, nghĩa là Đạo lớn cực kỳ đơn giản, Đạo không xa con người. Trong Kinh Dịch cao thâm cũng bao hàm rất nhiều trí tuệ nhân sinh bình dị thực tiễn, gắn liền với cuộc sống con người, ngay cả ở nơi trung tâm và căn bản của nó.
Trong “Kinh dịch – Hệ từ thượng” có viết: “Dịch có thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”. Bát quái, tứ tượng, âm dương, thái cực, chính là chỗ căn bản trung tâm của Kinh Dịch, đối ứng với trí tuệ nhân gian là: 8 loại tu dưỡng, 4 loại lựa chọn, 2 loại tư duy và 1 loại cảnh giới.
2. Tứ tượng: 4 loại lựa chọn
Sở dĩ con người đều mông lung, chính vì không thấy rõ có bao nhiêu khả năng. Sở dĩ con người rối bời, chính vì không biết lựa chọn thế nào trong mỗi khả năng có thể xảy ra.
“Tứ tượng” trong “Chu Dịch” đã cung cấp cho chúng ta căn cứ tốt nhất để lựa chọn. Tứ tượng có nghĩa là tổ hợp của hai nhóm âm dương: thượng âm hạ âm, thượng dương hạ dương, thượng âm hạ dương và thượng dương hạ âm. Bát quái, 64 quẻ, cho đến nhiều quẻ hơn nữa, chẳng qua đều là khả năng nhiều tổ hợp âm dương hơn nữa mà thôi.
Về ứng dụng cụ thể, chính là: nguyên nhân và kết quả của sự phát triển của sự vật đều có hai mặt âm dương. Khi hai tổ hợp âm dương phát sinh mối quan hệ, thì sẽ sinh ra 4 loại tổ hợp âm dương. 4 loại tổ hợp này chính là kết quả của tứ tượng – chỉ có thể có 4 loại kết quả này.
Lấy ví dụ: Chúng ta đang cân nhắc làm một việc, đứng trước sự lựa chọn là làm hay không làm, thì làm hay không làm; chính là một tổ hợp âm dương. Bất kể là làm hay không làm, kết quả xảy ra chỉ có 2 loại, tốt hoặc xấu. “Tốt xấu” lại là một tổ hợp âm dương. Như vậy kết quả không gì ngoài 4 loại: “làm – kết quả tốt”, “không làm – kết quả xấu”, “làm – kết quả xấu” và “không làm – kết quả tốt”.
Biết được tất cả các khả năng có thể xảy ra, tức là biết được phương pháp lựa chọn. Không biết được tất cả các khả năng mà làm, thì giống như làm đề thi điền chỗ trống. Biết được tất cả các khả năng mà làm thì giống như làm đề thi lựa chọn đáp án đúng. Biện pháp làm đề thi chọn đáp án đúng luôn nhiều hơn so với làm đề thi điền chỗ trống, tỷ lệ làm đúng cũng cao hơn. Đơn giản nhất là phương pháp loại trừ: trong 4 khả năng, cái nào có khả năng xảy ra thấp nhất? Sau đó loại trừ đi.
Các sự lựa chọn còn lại có thể phân tích thêm, chúng ta đều có chút lý giải với tình huống của sự việc, những điều này có thể làm căn cứ phân tích và phân biệt. Sau khi phân tích, có đáp án xác định thì càng tốt, còn nếu không có đáp án xác định, chí ít cũng có thể tiếp tục phép loại trừ. Trong mấy đáp án để lựa chọn đó, sẽ có đáp án có khả năng cao hơn.
Nếu thực sự vẫn không xong, vẫn có thể chọn ngẫu nhiên trong các đáp án còn lại, thì tỷ lệ chính xác cũng vẫn cao hơn so với chọn bừa trong 4 đáp án. Dù sao thì cuộc đời cũng có lúc khó tránh được phải bất đắc dĩ đánh bạc với số mệnh, phải nghe theo mệnh Trời.
Âm dương: 2 loại tư duy
“Chu dịch” viết: “Nhất âm nhất dương chi vị đạo”, nghĩa là “một âm một dương gọi là Đạo”. Câu này đã nói ra toàn bộ bí mật văn hóa phương Đông: Cái gọi là đại Đạo, chính là âm dương. Do đó “Hoàng Đế nội kinh” cũng nói: “Âm dương là Đạo của Trời Đất, là kỷ cương của vạn vật, là cha mẹ của biến hóa, là cội người của sống chết, là biệt phủ của Thần linh”.
Âm dương là học vấn lớn nhất trong Trời Đất
Vạn vật không xa rời âm dương, khi chúng ta hiểu âm dương, thì có thể hiểu được quy luật phát triển của sự vật. Đây là tinh hoa trí tuệ phương Đông, chúng ta có thể dùng nó để giải thích bất kỳ sự việc gì, hết thảy không cái gì mà không lấy âm dương làm chuẩn mực. Nắm được 6 quy luật lớn này, chúng ta sẽ có được tư duy biện chứng, toàn diện, chỉnh thể và viên dung.
1. Âm dương nhất thể: vạn sự vạn vật trong giới tự nhiên đều đồng thời tồn tại hai phương diện âm dương. Chúng tuy đối lập nhưng lại thống nhất, trong biến hóa lại sinh ra vạn vật.
2. Âm dương tương sinh: Âm dương tương hỗ là tiền đề cho sự tồn tại, dựa vào nhau tồn tại, tác dụng tương hỗ lẫn nhau, đều không thể tồn tại một mình được. Do đó nói rằng “Chỉ có âm thì không sinh được, chỉ có dương thì không lâu dài”.
3. Âm dương tiêu trưởng (cái này tiêu vong thì cái kia sinh trưởng): Sự biến hóa của âm dương luôn luôn nằm trong sự cân bằng động, cái này tiêu vong, cái kia sinh trưởng, cái này tiến thì cái kia thoái.
4. Âm dương chuyển hóa: Mức độ của âm dương tiêu trưởng không ngừng lớn lên, lớn đến điểm giới hạn chính là vật cực tất phản, chuyển hóa theo chiều hướng ngược lại, dương biến thành âm, âm biến thành dương. Điều này như ngày đêm thay nhau, bốn mùa luân chuyển.
5. Âm dương hỗ bổ (âm dương bổ sung cho nhau): Trong dương có âm, trong âm có dương. Trong bạn có tôi, trong tôi có bạn. Âm dương đã bổ sung lẫn nhau, lại là nhân tố nội tại biến hóa lẫn nhau.
6. Âm dương hấp xích (âm dương hấp dẫn, bài xích): Cùng tính thì bài xích nhau, khác tính thì hấp dẫn nhau. Hiện tượng này trong giới tự nhiên đều như vậy, ví dụ nam nữ mới hợp thành gia đình, hai con gà trống ở một chỗ sẽ đánh nhau.
Âm dương: nguyên lý cao nhất của cuộc đời
Nếu chúng ta vận dụng 6 quy luật lớn của âm dương, đối chiếu với các hiện tượng nhân sinh và xã hội, thì sẽ minh bạch rất nhiều đạo lý. Thế gian và cuộc đời, kỳ thực nơi nào cũng là âm dương, không gì không có thể dùng âm dương giải thích, cũng không gì là không thể dùng âm dương giải quyết.
- Âm dương nhất thể: Không có phẩm hạnh nào có thể gối đầu cao ngủ yên
Một người thanh cao, càng cần phải khoan dung hơn, nếu không dễ trở thành cao ngạo cô độc. Một người nhân từ, càng cần phải quyết đoán hơn, nếu không dễ thành mềm yếu. Người mạnh mẽ càng cần phải hiểu kính sợ, nếu không sẽ dễ sinh hung bạo. Người giàu có, càng cần phải tiết kiệm, nếu không dễ thành sa hoa. Người học rộng, nói chuyện càng cần phải nông cạn bình dị, nếu không dễ thành cứng nhắc giáo điều. Người cao quý càng cần phải khiêm hạ, nếu không dễ sinh ngạo mạn.
- Âm dương hỗ sinh: “Họa là nơi phúc dựa, phúc là nơi họa nấp”
Con người khi vận đỏ đến, khó tránh khỏi lòng dạ vui sướng, khí thế cao ngạo, khinh thường người khác, thế là dễ bị ngã lộn nhào. Con người khi vận đen đến, nhà cửa lạnh ngắt, chính là lúc tự phản tỉnh kiểm điểm bản thân, tích lũy tu dưỡng, đợi chờ thời cơ. Chịu khổ tức là kết thúc khổ, hưởng phúc tức là tiêu tán phúc. Trong khổ có hy vọng, phúc đến cần đề phòng. Do đó tâm thái tốt nhất là tĩnh khí và yên định. Phúc và họa, thuận và nghịch đến đến đi đi, phải có thể nhảy được ra.
- Âm dương tiêu trưởng: Cuộc đời hữu hạn, ở một điểm bỏ nhiều thời gian và tinh lực, thì ở chỗ khác sẽ ít, do đó phải làm tốt phép cộng và phép trừ.
Phép cộng là truy cầu tri thức, thành công, phú quý, danh lợi, cuộc đời cũng vì thế mà phong phú nhiều sắc thái. Nhưng nếu muốn được quá nhiều, lòng tham không đáy, vực ham dục khó lấp đầy, thì rất bi ai. Thế là còn phải làm phép trừ: xem nhẹ danh lợi thành bại, tri túc, tiết chế, cảm ơn, tiếc phúc, tránh họa. Sắp xếp hợp lý các bước tiến thoái, lấy bỏ của cuộc đời thì cuộc sống mới lành mạnh. Phép cộng là sự trưởng thành, phép trừ là sự thành thục.
- Âm dương chuyển hóa: Chuyển hóa là vật cực tất phản, vậy nên muốn lâu dài thì phải học được không quá mức độ.
Trong thực tế cuộc sống, nắm được “mức độ” rất quan trọng. Mức độ chính là chừng mực, là giới tuyến giữa tốt và xấu, chính xác và sai lầm, lợi và hại. Có mức độ chính là vừa vặn đến mức tốt. Nắm được mức độ tốt là trí tuệ. Loại trí tuệ này trầm lắng và rèn luyện ra được từ những thất bại, trắc trở trong thực tế cuộc sống, là ngộ ra được khi suy xét bản thân trong thất bại, là báo đáp của khổ nạn cho con người.
- Âm dương hỗ bổ: Người trẻ tuổi luôn coi trọng mặt “dương’, “thiên hành kiện, tự cường bất tức” (Trời vận hành mạnh mẽ, người quân tử luôn tự cường không ngưng nghỉ).
Họ khắc khổ học tập, nỗ lực công tác, nhưng lại luôn luôn lơ là mặt “âm”, tức là “địa thế khôn, hậu đức tải vật” (Địa thế khôn, người quân tử đức dày mang vạn vật). Đối với người, họ thờ ơ lãnh đạm, không quan tâm đến bề trên, tính cách kỳ dị phô trương. Khi tuổi cao thì lại quay ngược trở lại, quá “âm”, quá chú ý đến người khác, mà không đủ “dương”, không biết sống cho bản thân rực rỡ. Do đó người trẻ tuổi cần “âm” lại, người có tuổi cần ‘dương’ lên.
- Âm dương hấp xích: Mọi người đều biết “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, “Cùng tính chất bài xích nhau, khác tính chất hấp dẫn nhau”, nhưng đằng sau của bài xích, hấp dẫn cũng có cái lý của âm dương.
Khuyết điểm thường luôn luôn với ưu điểm thể hiện cái ở trong cái ở ngoài. Ưu điểm chiếm ưu thế, thì khuyết điểm khiến người ta khó chịu đựng. Chọn người yêu, cư xử với đồng nghiệp đặc biệt cần hài lòng. Nếu chúng ta thấy một người hoàn mỹ, chúng ta không thực sự hiểu hết được họ, thì nhất định phải sau khi hiểu rõ ưu điểm khuyết điểm rồi mới quyết định.
Hết thảy đều là âm dương, hết thảy đều là tương đối. Chúng ta khi xem xét con người, xã hội vạn sự vạn vật trong thế giới, kết hợp nguyên lý âm dương, thì có thể nhìn thấu rất nhiều sự tình.
Thái cực: một loại cảnh giới
Giống như thái cực đồ hiển thị, thái cực là trạng thái hoàn chỉnh, hài hòa của âm dương hợp nhất. Môn võ thái cực quyền truy cầu chính là trạng thái này. Tu luyện của cuộc đời cũng như bộ thái cực quyền, đánh tốt chính là một cảnh giới.
Thái cực có một âm một dương
Tâm trí chúng ta, một nửa là tích cực, như lòng hoan hỷ, tâm từ bi; còn một nửa là tiêu cực, như tham lam, ngạo mạn.
Thế giới cũng là một đen một trắng. Một nửa là Trời, một nửa là Đất; một nửa là nam, một nửa là nữ; một nửa là thiện, một nửa là ác; một nửa thanh tịnh, một nửa dơ bẩn. Thật đáng tiếc, chúng ta yêu cầu hoàn mỹ, không tiếp thu một nửa khiếm khuyết. Điều này không phải nói là thế giới không hoàn mỹ, cũng không phải là vận mệnh bất công, mà là nội tâm chúng ta có khiếm khuyết. Học được bao dung, thì sẽ có một thế giới hoàn chỉnh.
Thái cực có thế khởi đầu và thế thu
Làm người phải biết ngẩng đầu, cũng biết cúi đầu. Trong một cái ngẩng đầu cúi đầu, không chỉ là một tư thế, mà còn là một loại thái đội, một loại phẩm chất. Khi nghịch cảnh đến biết ngẩng đầu, đó là dũng khí và tín tâm. Khi hoàn cảnh thuận lợi đến biết cúi đầu, đó là sự trầm tĩnh và khiêm cung.
Làm người cần phải có dũng khí đảm đương để thành tựu sự nghiệp, cũng phải có tĩnh khí tàng chứa bên trong không lộ ra. Tàng chứa, thu lại vào trong là lớn mạnh chân chính, giản đơn là thâm thúy đích thực, khoan dung là hàm dưỡng chân chính.
Tinh thần thái cực nằm ở mê, cũng nằm ở ngộ
Từ mê đến ngộ là một quá trình trường kỳ, cũng là một quá trình tu luyện lâu dài của đời người.
“Mê” là mượn giả tu chân, tu luyện cảnh giới tốt nhất, rèn giũa tĩnh tâm và trầm lắng bình ổn. Mặt nước tĩnh mới có thể phản chiếu bóng trăng hoàn chỉnh và viên mãn. Tâm tĩnh mới có thể tiếp thu những tín tức và năng lượng tốt của Trời Đất. Tiếp nhận tín tức tốt, mới có được tâm thái tốt, tâm thái quyết định thành bại và khổ lạc. Người tâm tĩnh không nóng nảy, người trầm tĩnh thì không bộp chộp.
“Ngộ” là có lòng độ lượng để bao dung nhẫn nhịn những việc không thể thay đổi được, có nghị lực để thay đổi những việc có thể thay đổi được, có năng lực phát hiện và buông bỏ những việc có cũng được mà không cũng được, có trí tuệ phân biệt những việc không thế này thì thế kia, có dũng khí đối diện với việc đã làm sai, có tín tâm kiên trì những việc đúng.
Cuộc đời cần bộ thái cực thuộc về riêng bản thân mình, sống trí tuệ và lành mạnh, sống ở cảnh giới cao.
Theo Soundofhope
Nam Phương biên dịch