Trong tâm thức dân gian, nhân vật Bao Công đã trở thành biểu tượng mang tính thần thánh. Theo truyền thuyết, vì lúc mới chào đời Bao Công có diện mạo quá xấu xí nên cha mẹ ông đã bỏ đi, và ông được người chị dâu nuôi dạy nên người.
Nhưng nhờ thông minh và cần cù hơn người nên ông đã yết bảng vàng, sau thành trung thần vang danh thiên hạ, được vua trao quyền có thể trảm trước tấu sau.
Vào đời nhà Tống, trong Khai Phong phủ có câu ngạn ngữ lưu truyền: “Quyết định không được, đã có Bao lão Diêm vương.” “Bao lão Diêm vương” là thiên tử của Diêm vương, quản điện Sâm La, còn gọi là Diêm La vương. Từ đây có thể thấy địa vị của Bao Công trong lòng bách tính là như thế nào. Những vụ án nổi tiếng chắc ít ai có thể quên như lấy con báo đổi Thái tử, Trát Mỹ án…
Ở đây không bàn đến vấn đề Bao Công xử án thần thánh như thế nào, chỉ xin bàn đến diện mạo bên ngoài của ông.
Bao Công còn được gọi là Thiết Diện Vô Tư, đã là Thiết Diện thì phải có màu đen. Trong truyền thuyết cũng như trong nghệ thuật, hình ảnh Bao Công là khuôn mặt đen. Đen như thế nào? Bao Công cũng còn có biệt hiệu là “Bao hắc thán” (hắc thán là than đen). Ngoài khuôn mặt đen thì trên trán Bao Công còn có vầng trăng lưỡi liềm, người ta truyền là do đi chăn trâu bị trâu đạp vào.
Thực ra, Bao Công ngoài đời thực hoàn toàn khác với hình ảnh mang tính nghệ thuật này.
Bao Công thực có gia cảnh xuất thân rất lý tưởng, cha của ông là Bao Lệnh Nghi (包令仪), Tiến sĩ năm thứ 8 thời Thái Bình Thiên Quốc (976 – 984), sau khi chết được phong Hình bộ thị lang, dù nhà không phải đại phú quý nhưng ít nhất cũng không nghèo. Bao Chửng có ba anh em, nhưng hai người anh mất sớm. Có thể nói ông không phải đi sống nhờ vả người khác, càng không có chuyện phải đi chăn trâu. Ông thuộc dòng con nhà quan chuẩn mực, lớn lên trong cuộc sống đủ đầy, được hưởng thụ giáo dục tốt.
Bao Chửng thi đậu tiến sĩ năm 28 tuổi, khi người cha của ông vẫn còn khỏe mạnh. Triều Tống là triều xem trọng hiếu đạo, Bao Chửng từ quan không làm, về nhà chăm sóc cha mẹ, sau khi cha mẹ qua đời ông chịu tang xong mới ra làm quan, khi đó ông đã 36 tuổi.
Kiếp sống làm quan của Bao Chửng thực ra rất bình thường, ông không là tham quan hay hôn quan, nhưng dù sao cũng làm được vài việc đáng khen ngợi, nhưng không thần kỳ như người ta vẫn tuyên truyền. Trong lịch sử không có Vương Triều Mã Hán, không có nam hiệp Triển Chiêu, không có Công Tôn tiên sinh đa mưu túc trí, không có ba cây trát đao (Long, Hổ, Cẩu – ND), cũng không có Trần phò mã giết vợ hủy con. Có người là Trần Thế Mỹ, nhưng là quan triều nhà Thanh. Người này vì đắc tội với một người đồng hương của mình là Hồ Mộng Điệp nên bị đối phương trả thù, làm ra án Tần Hương Liên (秦香莲) làm bại hoại thanh danh, sau này khi làm phim lại đưa Bao Công vào, gọi là “Trát Mỹ án”.
Về tướng mạo của Bao Công thì trong chính sử không thấy ghi rõ, nhưng ông là người xuất thân phú quý nên chắc hẳn mặt không đen như than. Hình Bao Công được thờ trong từ đường Bao Công ở thành phố Hợp Phì tỉnh An Huy là một thư sinh nho nhã da trắng, ngoài ra còn hình trong Cố Cung cũng chứng minh mặt Bao Công không phải màu đen. Có thể hình ảnh khuôn mặt đen là do người ta suy diễn từ biệt hiệu “Thiết Diện Vô Tư” mà thôi.
Theo Secretchina
Tinh Vệ biên dịch
Xem thêm: