Bằng chính con đường gian nan ngay từ những ngày đầu dựng lập ngôi trường của mình, Khổng Tử đã dạy cho học trò và cả đám quan lại hủ bại lúc bấy giờ bài học của người làm quan, trước tiên phải có đạo đức và năng lực phân biệt trắng đen, tốt xấu.

Đứng trước thiện ác, đúng sai, lợi hại, mỗi người chúng ta đều phải tự đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Đó là kết quả cuối cùng của sự học, chứ không phải việc thăng tiến, giàu sang đến đâu trong cuộc đời.

Khổng Tử mở trường dạy học, động chạm tới quyền lợi các quan trong triều

Mùa hè năm 522 TCN, việc Khổng Tử mở trường tư dạy học là một chuyện động trời, hàng chục học trò hào hứng học “Lục Nghệ”. Tiếng vang của Hạnh Đàn (tên trường do Khổng Tử mở) ngày một lan rộng khắp nước Lỗ. Điều này đã gây ra xung đột và thách thức đối với Quý Vũ Tử, vị tông chủ thứ tư của Quý tôn thị, một trong Tam Hoàn của nước Lỗ dưới thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc.

Một hôm, Vũ Tử nói với người thân tín bên cạnh mình là Thiếu Chính Mão rằng: “Quốc quân và Mạnh Hỷ Tử đều ủng hộ Trọng Ni mở trường tư, ta lo một ngày nào đó, khi các đệ tử của Khổng Môn thành thế lực chính trị, sẽ làm tổn hại đến tiền đồ của ta”.

Nghe xong, Thiếu Chính Mão hiểu ý, liền lập tức cho mở trường dạy học. Sau khi tin này loan ra, Khổng Tử biết rõ Thiếu Chính Mão định cạnh tranh với mình, nhưng ông bỏ ngoài tai, tiếp tục giảng dạy cho học trò, không quên thường xuyên nhắc nhở học trò về thái độ học tập.

Ông cho rằng, học tập phải được đúc kết từ kinh nghiệm cuộc sống, không thể chỉ đọc sách hoặc nghiền ngẫm sách. Học phải đi đôi với hành. Học và làm người là hai việc không tách rời, làm người không ai không mắc lỗi sai, nhưng khi phát hiện ra sai thì phải lập tức sửa, đó mới thực sự là học, là người có đạo đức. Ông giải thích vì sao gọi học trò là đệ tử, bởi kính nên gọi họ là đệ, yêu nên gọi họ là tử (con), cùng tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau học tập và trưởng thành.

Quan viên nước Lỗ miễn học phí, lấy lợi ích để thu hút học sinh

Thiếu Chính Mão cố tình xây trường học ở gần Hạnh Đàn, sau khi công trình hoàn thành, ông đặt tên trường là Mão Đàn. Thiếu Chính Mão hướng về phía trường Hạnh Đàn nói to: “Ta Thiếu Chính Mão là đại phu nước Lỗ, trường ta mở ra là trường học làm quan, tất cả học sinh vào trường đều được miễn học phí”.

Sau khi thông báo được đưa ra, rất nhiều học sinh đã đến Mão Đàn đăng ký học, trong số các đệ tử của Khổng Môn cũng có một số chuyển sang học ở Mão Đàn.

Tuy nhiên, Khổng Tử vẫn không hề mảy may bị ảnh hưởng, không vì một số học sinh chuyển đi mà thấy thất vọng, ông tiếp tục dạy học như bình thường. Đồng thời, ông thường xuyên nhắc đi nhắc lại với học trò về đạo đức làm người.

Bức thư pháp Đại Học tại Minh Luân Đường Miếu Khổng Tử ở Đài Nam, Đài Loan (ảnh: M. Weitzel/Wikimedia Commons).

Ông đã từng nói với học trò rằng: “Là một học trò, học là để làm việc. Để làm tốt được công việc, nhất định phải nhận thức được cốt lõi của làm người là bồi dưỡng đạo đức của người quân tử, chú trọng việc giúp đỡ người khác, sống vui vẻ, không xa hoa, không tham lam. Bồi dưỡng đạo đức cao thượng, theo đuổi nhân cách tốt, tinh thần trong sáng. Mọi việc, lời ăn tiếng nói, hành vi đều nên cẩn trọng. Thường xuyên học hỏi người có tu dưỡng. Làm như vậy, một mặt là đã học được cách làm người, mặt khác đã học được cái cốt lõi của nghề”.

Lời dạy của Khổng Tử càng làm cho các học trò yên tâm học hành. Trong khi đó, các đệ tử nơi Mão Đàn thường xuyên tranh giành cao thấp, so bì lẫn nhau, cả một tập thể rất lộn xộn.

Sau này, những học trò đã từng rời khỏi Hạnh Đàn đều lũ lượt quay về trường cũ học, không những thế, có một bộ phận học trò ở Mão Đàn cũng lũ lượt rủ nhau đến Hạnh Đàn học tập.

Chính Mão khi thấy tình hình này, vô cùng tức giận, ông liền lợi dụng địa vị là một cấp dưới thân cận của Vũ Tử để thuyết phục mọi người, ông đích thân đi thuyết phục Mạnh Ý Tử.

Ông ta nói với Mạnh Ý Tử: “Kính mời ngài đến học tại trường của tôi và đảm nhận vị trí Đệ nhất đệ tử, cái này rất có lợi, để tạo quan hệ thân thiết giữa ngài và Lý Tôn. Ngài chỉ núp dưới cái áo vải thì có lợi gì chứ?”.

Mạnh Ý Tử trả lời: “Anh em nhà Mạnh Thị chúng tôi làm đệ tử Khổng Môn là tâm nguyện của cha. Thiếu Chính đại phu mặc dù là người tài giỏi của đất nước, nhưng anh em chúng tôi cũng không thể làm đệ tử được, xin ngài thông cảm!”.

Bị từ chối, làm sao Thiếu Chính Mão có thể để yên được, ông liền cho một số đệ tử to khỏe đến nơi ở của để tử Khổng môn tìm cách lôi kéo. Kết quả, vào buổi học hôm sau, Hạnh Đàn lại giảm đi một ít học sinh.

Về việc này, Khổng Tử không một chút bận lòng, ngược lại, ông còn nói:

Nhân cách có chí, chọn thầy tùy ý, đến đi cứ tự nhiên. Tự bản thân phải biết nhận định, đi hay ở ta đều không trách.

Ảnh: Sound Of Hope.

Khổng Tử dạy học trò làm quan

Khổng Tử vừa đối phó với những vấn đề can nhiễu xảy ra, lại vẫn chuyên tâm dạy bảo học trò đạo đức. Một lần, ông đã tăng cường giáo dục đạo đức làm quan đối với một số học trò có tư tưởng muốn làm quan.

Ông nói: “Học tốt có thể làm quan, nhưng để làm quan tốt thì nhất định phải có được đạo đức của một người làm quan, lấy đạo đức tốt của người làm quan để xử lý công việc, giống như ngôi sao Bắc Đẩu chỉ đường dẫn lối, các sao trên trời đều phải di chuyển xung quanh nó”.

“Làm quan, tư tưởng nhất định phải ngay thẳng, con người nhất định phải vui vẻ, nhẹ nhàng, bản thân phải công bằng chính trực, thì mới ra được quyết định thấu đáo, khi ta ngay thẳng thì kể cả không ra lệnh người dân vẫn chấp hành, ngược lại, khi đã không ngay thẳng, thì lệnh ban ra cũng không ai theo”.

Quan lại triều đình lại chứng tỏ những phẩm chất trái ngược với lời dạy của Khổng Tử

Thiếu Chính Mão lòng đầy lo lắng nói: “Hạnh Đàn đến nay ngày một hưng thịnh, còn Mão Đàn của ta thì ngày một suy kiệt, nếu cứ như thế này, ta phải làm sao? Không biết huynh Dương Hóa có cách nào không?”.

Dương Hóa nói: “Khổng Khâu từ lâu đã là cái gai trong mắt ta rồi, ta nhất định sẽ giúp Thiếu Chính đại phu đánh đổ Hạnh Đàn”.

“Được thế thì quá tốt rồi, tôi thực lòng vô cùng biết ơn!”. Thiếu chính Mão nói xong, từ biệt Dương Hóa, vui vẻ trở về Mão Đàn chờ tin.

Ngày hôm sau, Dương Hóa, một con người thô lỗ, ngạo mạn đã trực tiếp đến Hạnh Đàn, hắn hét to với tất cả học sinh đang học ở Hạnh Đàn rằng: “Tất cả đệ tử của Hạnh Đàn nghe rõ đây, ta Dương Hóa hiện đang là đệ nhất đệ tử của Thiếu Chính đại phu! Ở nước Lỗ, tài nghệ của Thiếu Chính đại phu là bậc nhất, ông vừa là quan, vừa là thầy giáo, trường ông mở là trường đào tạo làm quan, trực thuộc Lý Tôn Tướng quốc.

Các ngươi phải biết, một trường học như thế đào tạo học sinh làm quan rất đơn giản! Nếu muốn vào quan trường, hãy đến làm học trò của Thiếu Chính đại phu đi! Lý Tôn Tướng Quốc có thể cho các ngươi làm quan! Ta cũng có thể đề bạt các ngươi làm quan!”.

Do những lời nói của Dương Hóa rất có sức hút nên một số học sinh không có bản lĩnh đã lập tức nghe theo lời của Dương Hóa, lại quay về Mão Đàn học.

Khổng Tử không cáu giận, ông bình tĩnh nói với học trò: “Học trò học với thầy nào cũng thế, ta không để tâm vấn đề bao nhiêu học sinh. Nhưng, ta chủ trương dạy học sinh biết phân biệt trắng đen, thái độ học tập nghiêm túc, có như thế mới có thể thành người tài cho đất nước”.

Người xưa có câu, “rượu ngon không sợ ở quá sâu trong hẻm”. Sau này, Hạnh Đàn của Khổng Tử không ngừng được củng cố, phát triển, còn Mão Đàn dần dần hết học sinh phải đóng cửa.

(Bài viết này được lấy từ tập Khổng Tử – Con đường thành công của những bậc danh nhân Thế Giới của Lưu Minh Sơn)

Quỳnh Chi
Tham khảo Sound Of Hope