Bạc tiền châu báu đều không có gì đáng kể, trăm năm qua đi rồi cũng mất. Chỉ có nhân cách, đạo đức con người mới là thứ lưu lại muôn đời. Trong kinh doanh, làm ăn, đạo lớn chính nằm ở việc giữ gìn chữ tín, phẩm chất, phúc hậu vậy.
Mấy năm trước, tôi cùng với nhóm bạn đi ăn lẩu. Ông chủ quán lẩu là người vùng Đông Bắc. Giá nồi lẩu tính ra cũng khá rẻ, nguyên liệu cũng rất phong phú, chỉ có điều mùi vị lại rất mặn. Một người bạn trong nhóm vừa ăn vừa nói: “Khẩu vị của người miền Bắc khá là mặn” cứ như thể cậu ấy hiểu rõ vì sao ông chủ quán lại cho nhiều muối như vậy.
Tuy nhiên, khi dùng bữa đến nửa chừng, ai nấy đều khát không chịu được. Khi ấy chúng tôi phát hiện đã trúng kế của ông chủ. Thì ra giá cả đồ uống trong tiệm cực kỳ đắt. Một chai Coca bán với giá 35.000 đồng, một chai nước khoáng bình thường cũng bán 30.000 đồng. Giá tiền mấy chai nước cộng lại đã vượt qua cả giá tiền của nồi lẩu.
Trong lúc chúng tôi cùng phân bua về chuyện giá đồ uống quá đắt, ông chủ quán thản nhiên nói: “Nếu như các cậu thấy đắt quá thì có thể không mua, không uống. Tôi không ép buộc ai cả”. Dù vậy, phần lớn chúng tôi đều khát đến không thể chịu nổi, bất đắc dĩ đã phải mua đồ uống với giá cắt cổ trong quán.
Chỉ vừa ra khỏi quán, mấy người trong nhóm đều lớn tiếng tuyên bố: “Ông chủ quán này thật biết gài bẫy người. Lần sau tôi quyết sẽ không đến quán này ăn nữa!”. “Cái quán này thật không có đạo đức gì cả, giở trò ranh ma đùa cợt khách hàng!”. “Tôi sẽ nói với bạn bè, bảo họ tuyệt đối đừng có đến đây”…
Nếu chỉ vì chiếm lấy chút lợi nhỏ nhoi mà bỏ qua phẩm giá, nhân cách, làm trò ranh ma, lừa lọc gian dối, cuối cùng người chịu thiệt hại chính là bản thân mình.
Một khi chữ tín đã mất thì còn nói gì đến chuyện làm ăn, buôn bán? Ông chủ quán lẩu là một ví dụ minh hoạ rất rõ ràng. Ngay từ đầu đã cố ý giở trò tinh ranh, lừa lọc khách hàng, thử hỏi ông sẽ tìm đâu ra được những khách hàng trung thành đây?
Không có khách hàng trung thành, công việc kinh doanh dù đang phát đạt đến đâu cũng luôn tiềm ẩn hậu họa khôn lường, cũng sẽ không kéo dài bền vững được. Có câu “Tiếng lành đồn xa, tiếng ác cũng đồn xa”, chỉ một thời gian ngắn, tiếng xấu sẽ hủy hoại danh dự và công việc kinh doanh của người buôn bán không thật lòng. Không ngoài dự tính, mấy tháng sau tôi có việc đi ngang qua quán lẩu đó, thấy nó đã đóng cửa từ bao giờ.
“Trăm năm bia đá cũng mòn. Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”, doanh nghiệp nào không tạo được cái “bia miệng” tốt thì không mong có thể tồn tại lâu dài, trường cửu. Người chủ hàng quán, doanh nghiệp có đạo đức hay không chính là quyết định việc “bia miệng” lưu lại danh thơm hay tiếng xấu.
Tôi nhìn thấy ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) có rất nhiều cửa tiệm rất nhỏ nhưng đã tồn tại hàng trăm năm. Mỗi cửa tiệm đều có nét độc đáo riêng biệt. Nhưng điểm chung của chúng là đều đón tiếp khách hàng rất niềm nở, đon đả, chủ hàng ăn cũng rất phúc hậu, có đạo đức. Ví như có một quán ăn cũ rất nhỏ, ngoài món chính ra thì quanh năm bốn mùa đều miễn phí phục vụ hai loại nước trà nóng lạnh cho khách hàng.
Suốt mấy chục năm như vậy, chuyện cấp nước miễn phí chưa hề gián đoạn, khiến cho thực khách đến dùng cơm đều cảm thấy ấm áp bội phần. Còn có một cửa hàng nhỏ còn quy định rằng thực khách sau khi ăn xong bát cơm hoặc tô mì thứ nhất, nếu đói có thể yêu cầu cho thêm một bát thứ hai hoàn toàn miễn phí.
Dù chỉ là những hành động rất nhỏ như vậy nhưng những chủ hàng ăn ấy lại khiến cho thực khách cảm nhận được một sự hiếu khách, phúc hậu, một tấm lòng nồng hậu, ấm áp. Khách hàng chắc chắn sẽ quay lại hai, ba, bốn… vô số lần nữa, càng đến càng không thể dứt ra.
Những cửa tiệm trăm năm ấy thường rất nhỏ, thực khách đến ăn rất nhiều đều phải đứng chờ hoặc ngồi chen chúc. Nhưng họ đều chấp nhận sự bất tiện nhỏ ấy để được dùng bữa tại đây.
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, những cửa tiệm trăm năm ở Tokyo này thực sự đã dựng nên được một tấm “bia miệng” vô cùng tốt đẹp. Một đồn mười, mười đồn trăm, ngày càng có thêm người tìm đến quán ăn, không chỉ để dùng bữa mà còn để được hưởng một sự tử tế trong văn hóa kinh doanh.
***
Kinh doanh cũng chính là phản ánh đạo làm người. Người ta đã quen với quan niệm “Mười người buôn, chín kẻ gian” và cho rằng đó mới là đạo lý đích thực của kinh doanh, rằng thương nhân là phải buôn gian, bán lận. Kỳ thực, đó là một quan niệm hoàn toàn biến dị. Giao dịch công bằng, giữ chữ tín, chiều lòng khách hàng mới chính là đạo lý chân chính của thương nhân.
Thời xưa, người thương nhân chân chính đều rất xem trọng uy tín và danh dự. Họ coi việc giữ gìn chữ tín chính là sinh mệnh của mình. Trong 4 nguyên tắc đạo nghĩa của người xưa, có một đạo dành cho người kinh doanh, đó là: “Thương Đạo thù Tín”, tức là đạo kinh doanh đền đáp cho người biết giữ chữ Tín.
Ngoài chữ tín ra, kinh doanh cần nhất là cái tâm phúc hậu, lấy thiện đãi người, biết nghĩ cho khách hàng trước khi mưu cầu lợi nhuận. Rất nhiều người làm ăn chỉ cốt trục lợi, bóp nặn túi tiền của khách hàng. Trong tâm của họ, chữ Tiền đã lấp đầy cả. Họ xa rời giá trị truyền thống, dị ứng với những điều tử tế trong đạo đức kinh doanh, sẵn sàng dè bỉu những việc tốt.
Kiểu người ấy rồi sẽ không thể thành công, sự nghiệp đang rực rỡ đến đâu cũng sớm lụi tàn. Bởi họ không nắm được cái gốc của kinh doanh: Đạo đức. Người phúc hậu, có đạo đức thì không tranh giành mối lợi nhỏ, không tính toán so đo, luôn khoan dung, độ lượng, giữ gìn tâm thiện, không vì đồng tiền mà rẻ rúng con người.
Trong kinh doanh, ông chủ có tâm là ông chủ biết nghĩ cho nhân viên, cho khách hàng trước khi nghĩ cho chính mình. Kinh doanh trước tiên là phục vụ khách hàng, bồi đắp đạo đức nhân luân, làm cho xã hội phồn thịnh, sau đó mới là kiếm lấy lợi nhuận cho bản thân mình. Thương gia như thế mới đáng được gọi là tinh anh, là viên ngọc quý của xã hội.
Phật gia cho rằng của cải, bạc tiền của người ta rốt cuộc chỉ là thứ ảo mộng, trăm năm chớp mắt qua đi hai bàn tay trắng lại hoàn tay trắng, cát bụi lại về với bụi cát mà thôi. Làm giàu đương nhiên là việc tốt. Nhưng chỉ sống vì bạc tiền thì lại là một thứ suy đồi. Nó có thể dẫn đến sự phá hủy đạo đức, nhân luân.
Tại sao rất nhiều tỷ phú ở phương Tây đều cam kết ủng hộ từ thiện đến 99% tài sản mà mình vất vả cả đời kiếm được? Tại sao họ không để lại cho con cháu mình thừa hưởng? Câu trả lời chỉ có thể là giữa bạc tiền và đạo đức, họ đã lựa chọn điều thứ hai. Ông cha ta hay nói: “Có đức mặc sức mà ăn”. Đạo đức chính là nền tảng của mọi thứ của cải vật chất, mọi sự sang giàu vinh hiển trên đời này.
Thiện Sinh