Đời người thật ngắn ngủi, hãy để oán hận tan theo gió mây, như chưa từng xảy ra, như vậy trong lòng mới nhẹ nhàng, thanh thản.
Tô Đông Pha viết trong “Lưu Hầu Luận” rằng: “Một người bình thường khi bị người khác sỉ nhục, có thể rút kiếm đánh trả, như thế này chưa phải là dũng”.
Tranh đấu không phải là thể hiện của lòng dũng cảm. Vậy nếu ở hoàn cảnh đó thì chúng ta sẽ xử sự như thế nào?
Tha thứ là từ bi, có thể thiện giải được ác duyên
Có câu chuyện kể về một vị hòa thượng trên đường đi khất thực, khi đến một gia đình giàu có thì vừa lúc trời mưa to, vị hòa thượng xin phép chủ nhà được ngủ lại trú mưa. Nhưng chủ nhà không đồng ý, chỉ cho hòa thượng nằm ở ngoài hiên cửa, suốt cả đêm, hòa thượng vừa lạnh vừa đói.
Sáng sớm hôm sau, người quản gia ngủ dậy và bắt đầu công việc, vị hòa thượng vừa trông thấy người quản gia, xin hỏi tên của chủ nhà rồi vội vàng rời đi.
Sau nhiều năm, hòa thượng nọ đã trở thành sư trụ trì của một ngôi chùa rất có tiếng tăm, vợ của gia chủ giàu có kia nghe danh tiếng ngôi chùa nên đã đến làm lễ.
Vừa đến cổng chùa, bà liền nhìn thấy tên chồng mình được khắc trên một cây cột. Lấy làm lạ, bà tìm hỏi một vị hòa thượng nguyên do.
Vị hòa thượng nói: “Vì người chủ gia đình này từ chối bố thí người tu hành nên sư trụ trì của chúng tôi đã khắc tên ông ta lên đó…”
Vị hòa thượng chưa hết lời, vợ của gia chủ giàu có không kìm nén được cơn giận, lớn tiếng nói: “Sư trụ trì các ông sao lại có lòng dạ hẹp hòi như vậy?”
Vị hòa thượng tiếp lời: “Không phải vậy đâu, sư trụ trì cho rằng gia chủ không bố thí cho ông ngày đó là bởi nhất định kiếp trước ông đã kết ác duyên với gia chủ. Do đó, sư trụ trì mới viết tên của gia chủ lên cây cột đó để mỗi ngày tụng niệm kinh Phật cầu bình an cho gia đình gia chủ, mong hóa giải được ác duyên này”.
Nghe xong những lời này, vợ của gia chủ giàu có cảm động không nguôi, lập tức về nhà kể lại mọi chuyện với chồng.
Gia chủ giàu có khi nghe vợ kể lại câu chuyện, trong lòng vô cùng hối hận, đích thân đến chùa dâng hương bái Phật và cảm tạ vị sư trụ trì.
Câu chuyện cho chúng ta thấy rằng, thiện tâm có thể hóa giải được các ác duyên tiền kiếp. Oan oan tương báo đến khi nào mới thôi? Chi bằng hãy khởi tâm từ bi, khoan dung độ lượng mà thiện giải hết thảy.
Tha thứ khiến nội tâm rộng mở
Trong một lớp học, cô giáo hỏi học sinh: “Nếu như có ai đó làm tổn thương các em, các em sẽ lựa chọn tha thứ cho họ hay quên đi chuyện đó?”
Một học sinh trả lời: “Thưa cô, em có thể tha thứ nhưng không thể quên ạ”. Đa số học sinh trong lớp đều tán thành với câu trả lời này.
Cô giáo gật đầu nói: “Không thể quên cũng có nghĩa là không buông bỏ được oán hận”.
Chính vì “không thể buông bỏ” nên thường khiến con người bị giam hãm trong phiền não, tức giận và oán hận. Trong tôn giáo giảng, trước khi đầu thai kiếp kế tiếp, phải uống bát canh của Mạnh Bà để quên đi tất cả những ký ức trước đó. Đó chẳng phải là yêu cầu buông bỏ đó sao?
Mọi người thường nói phải học cách quên đi, cần phải hoàn toàn quên được thì mới buông bỏ được oán hận. Đời người thật ngắn ngủi, hãy để oán hận tan theo gió mây, như chưa từng xảy ra, như vậy trong lòng mới nhẹ nhàng, thanh thản.
Khổng Tử nói: Mọi người nên học cách “Tha thứ”
Trong Luận ngữ, Khổng Tử nói: “Đạo của ta nhất quán một điểm thôi”. Tăng Tử nói: “Đạo của thầy chỉ có một chữ ‘Trung thứ’ mà thôi”.
Trung là trung thành và tận tâm theo Đạo. Thứ có nghĩa là cái mình không muốn thì sẽ không làm cho người khác.
Người xưa rất coi trọng việc tu dưỡng bản thân, bỏ qua những khuyết điểm của người khác với tấm lòng khoan dung, độ lượng. Điều này không chỉ đề cao đạo đức cá nhân mà còn cảm hóa, thiện hóa được người khác.
Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, có từ nào có thể lấy làm nguyên tắc để thực hành suốt đời không?”
Khổng Tử nói: Chính là “tha thứ”.
Trong Đạo đức kinh có viết: “Người tốt, ta đối xử tốt với họ; người không tốt, ta cũng đối xử tốt với họ”.
Câu chuyện của Lưu Bị thời Tam quốc
Lưu Bị dẫn mười nghìn dân đi lánh nạn ở miền nam, nguyện cam chịu cảnh khó khăn cùng mọi người chứ không rời đi.
Cảm động trước lời nói và hành động của Lưu Bị, Gia Cát Khổng Minh mới đến Nam Dương giúp đỡ. Một người nhân nghĩa, tấm lòng khoan dung, rộng lượng luôn có người nguyện ý đồng hành.
Trong xã hội hiện nay, một số người chỉ coi trọng tiền tài, vật chất, lời nói và hành động bất nhân, bất nghĩa. Người như vậy dù họ có cố gắng đạt được thứ gì thì rồi cũng sẽ mất.
Phật gia giảng, người có nợ nghiệp thì phải hoàn trả. Trong suốt hành trình luân hồi của sinh mệnh, có thể chúng ta đã từng gây rất nhiều tổn hại cho người khác, nên tại kiếp này ta phải chịu khổ để trả nợ. Hãy xem đây là việc tốt, để sinh mệnh ngày một nhẹ nhàng thăng hoa.
Khi ngồi tĩnh lặng một mình cần nghĩ đến sai sót của bản thân, lúc nhàn rỗi cũng không bàn đến khuyết điểm của người khác. Chúng ta hãy xả bỏ oán giận trong lòng để cùng nhau đạt đến cảnh giới cao đẹp này.
Theo bldaily.com
Tâm Kính biên dịch