Người phụ nữ bị hoàng đế Tống Triết Tông bỏ rơi, nhưng vẫn dựa vào sức mình, giúp nhà Tống tồn tại thêm 153 năm nữa.

Vì hiền thục xuất chúng nên được chọn làm hoàng hậu

Mạnh Thị đến từ Hán Đan, Hồ Bắc, sinh năm 1073 trong một gia đình quan chức. Năm bà 16 tuổi, bà cùng với 100 cô gái được lựa chọn từ những nhà quan thần nhập cung. Bởi vì tư thế đoan trang, hiền thục, cũng không kiêu ngạo như những tiểu thư được nuông chiều khác, nên bà rất được lòng Cao thái hậu. Bà dựa vào lễ mà tiết chế, thấu tình đạt lý nên Cao thái hậu cho rằng bà là người thích hợp nhất với tiêu chuẩn một hậu phi. 

Dưới sự chủ trì của Cao thái hậu, Mạnh Thị 20 tuổi và Tống Triết Tông 16 tuổi tổ chức hôn lễ lớn, bà cũng được lập vị trở thành “Nguyên Hựu hoàng hậu”.

Cao Thái Hậu nói với hoàng đế Tống Triết Tông: “Là hoàng đế, chọn được người vợ hiền thục này thật không dễ dàng, phải biết trân trọng.” 

Khi đó Cao thái hậu còn tự nhủ một cậu: “Nàng (Mạnh Thị) là người phụ nữ hiền thục, chỉ tiếc phúc phần quá bạc, nhưng tương lai nếu quốc gia có biến cố, thì phải nhờ vào nàng ấy rồi!”

Câu nói này thực sự đã trở thành một lời tiên tri.

Từ mẫu nghi một nước chớp mắt trở thành đạo cô

Một năm sau, Mạnh hoàng hậu sinh hạ con gái đầu lòng, công chúa Phúc Khánh. Nhưng hoàng đế Tống Triết Tông không yêu thích bà, chỉ sủng ái Lưu Thanh Tinh. Thanh Tinh rất xinh đẹp, lại đa tài, nên được sủng thành kiêu. Bà không tuân theo quy tắc trong cung, thường thờ ơ vô lễ với Mạnh hoàng hậu, người trong cung thấy vậy cũng bất bình, nhưng Mạnh hậu lại thường nhẫn nhịn chịu đựng. 

Năm 1096, Phúc Khánh công chúa lâm bệnh nặng, không thuốc nào chữa được. Sau khi công chúa qua đời, Thanh Tinh vốn ghen ghét Mạnh hoàng hậu liền đảo lộn thị phi, buộc tội bà cố tình nguyền rủa hoàng đế Tống Triết Tông. 

Tống Triết Tông phái người đi điều tra, sở quan hoàng thành dùng cực hình ép cung những người bên cạnh hoàng hậu, hàng chục người bị tra tấn dã man, thậm chí số người bị cắt lưỡi, đánh gãy chân tay không phải ít. Họ đều không muốn làm hại Mạnh hoàng hậu, cuối cùng, sở quan đành giả mạo lời khai, vu khống bà.

Hoàng đế Tống Triết Tông lấy lý do bà “mê hoặc tà đạo” đưa Mạnh Thị vào cung Dao Hoa xuất gia, tự là “Hóa Dương giáo chủ”, “Ngọc thanh diệu tịnh tiên sư”, pháp danh là “Trùng Chân”. Từ một mẫu nghi thiên hạ, Mạnh hoàng hậu ngay lập tức trở thành một đạo cô, khi đó bà mới 23 tuổi. 

Tống Triết Tông
Chân dung hoàng đế Tống Triết Tông (ảnh: wikipedia).

Thăng trầm lên xuống, lại bị phế truất

Cái gọi là “Dao Hoa cung” trên thực tế chỉ là một căn phòng nhỏ cũ nát. Mạnh hậu cứ như vậy sống những ngày tháng khổ cực nơi lãnh cung.

Tin tức từ cung điện truyền tới: Lưu Thanh Tinh được phong làm Hiền Phi, không lâu sau sinh được con trai, và được sắc phong hoàng hậu mới. Sau đó, hoàng tử của bà qua đời. 

Cứ như thế lại qua 4 năm, tin tức kinh thiên động địa lại truyền tới: Tống Triết Tông hoàng đế băng hà! 

Một ngày nọ, đột nhiên có cỗ xe ngựa đến cung Dao Hoa, nói là muốn đón Mạnh Thị trở về cung. Thì ra, hoàng đế mới đăng cơ là Tống Huy Tông muốn khôi phục chức vị cho Mạnh hoàng hậu. 

Khi đó, Lưu Thanh Tinh cũng đang được sắc phong hoàng hậu, tôn là “Nguyên Phù hoàng hậu”, Mạnh hoàng hậu sau này chỉ được tôn là “Nguyên Hựu hoàng hậu”.

Một năm sau, Lưu hoàng hậu câu kết với Thái Kinh và những kẻ khác, hại Mạnh Thị bị phế một lần nữa, lại bị đầy về Dao Hoa cung.  

Trải qua 2 lần lập vị, 2 lần phế, Mạnh Thị lại thay áo đạo sỹ, trở về cung điện Dao Hoa đổ nát, hơn nữa lần này ở lại nơi đây suốt 20 năm. 

Mạnh Hoàng hậu
Chân dung Mạnh hoàng hậu (ảnh: wikipedia).

Trong những năm dài ngột ngạt, đối với Mạnh Thị dường như ngày này qua ngày khác không có gì thay đổi nhưng ở bên ngoài, rất nhiều đại sự đã xảy ra: Lưu hoàng hậu đã tự sát, giang sơn cũng có những thay đổi lớn, Kim Quốc trỗi dậy, Đại Tống lâm vào nguy nan. 

Trong họa có phúc, buông rèm chấp chính

Năm 1126, cung điện Dao Hoa bốc cháy, Mạnh Hậu được chuyển đến một lãnh cung khác là Diên Ninh Cung, nhưng cung điện này lại một lần nữa bốc cháy. Khi đó quân Kim đã vây khốn Đại Tống, hoàng thất rất khó tự bảo vệ mình, Mạnh Hậu đành tự tìm đường sống cho mình, bà chuyển đến sống trong đền Tương Quốc trước nhà mẹ đẻ. 

Tháng giêng năm 1127, quân lính Kim Quốc đã chiếm được thành phố Biện Kinh, bắt 470 hoàng thân quốc thích, hơn 2000 người văn võ bá quan, lưu đày đến phía Bắc, với ý đồ tiêu diệt toàn bộ Đại Tống. 

Mạnh Hậu giờ đã là thường dân nên không có tên trong danh sách hoàng thất, trong nạn lại có phúc, tránh bị lưu đày đến phương bắc xa xôi. Thế sự đảo lộn, Kim quốc chắc hẳn không thể ngờ tới chỉ nhờ vị đạo cô này mà Triều Tống không bị diệt vong. 

Sau khi quân đội Kim quốc rời đi, đã để lại một chính phủ bù nhìn ở thành Khai Phong, do Trương Bang Xương xưng là Sở Đế nắm quyền. Hoàng thất Đại Tống chỉ còn lại Mạnh Hậu, chính vì thế Trương Bang Xương đã mời Mạnh Thị đến cung Diên Phúc sống, tiếp nhận sự kính trọng của bách quan trên triều, phong làm “Tống thái hậu”, khôi phục tôn hiệu của Mạnh Thị “Nguyên Hựu hoàng hậu”. Mời bà buông rèm chấp chính, nghe các quan thần nghị sự. 

Gặp chuyện mà không kinh sợ, cứu vãn giang sơn Đại Tống

Những tổn thương và oan ức hơn nửa đời người phần lớn đến từ hoàng thất đại Tống, nhưng Mạnh Thị không hề căm hận những chuyện đã xảy ra. Bà một lòng vì vương triều Đại Tống mà dốc sức. Bà nói rằng, quốc gia nguy vong, ta là con dâu của vương triều Đại Tống, không dám khoanh tay đứng nhìn. Bà đích thân viết chiếu thư, cổ vũ người dân đứng lên giúp đất nước vượt qua khó khăn này. 

Để bảo vệ giang sơn Đại Tống, bảo vệ Triệu Gia, Mạnh Thị một bên miễn cưỡng đối đáp với Trương Bang Xương, một bên phái người tìm hậu nhân thất lạc của Tống triều, tức con trai thứ 9 của Tống Huy Tông, Triệu Cấu. Bà phái người đưa mật thư thuyết phục Triệu Cấu xưng đế, khôi phục nhà Tống. 

Có chiếu thư của Mạnh Thái hậu, Triệu Cấu, 21 tuổi ở Ứng Thiên phủ (nay là Nam Kinh) đăng cơ, lấy hiệu là Tống Cao Tông, tức hoàng đế khai quốc của Nam Tống. Từ đó vương triều Đại Tống vẫn được tiếp tục kéo dài. 

Tống Cao Tông
Chân dung hoàng đế Tống Cao Tông, Triệu Cấu (ảnh: Wikipedia).

Ngày Tống Cao Tông đăng cơ, Mạnh Hậu rút khỏi triều đình, không còn buông rèm nhiếp chính nữa. Tống Cao Tông hoàng đế tôn bà là Nguyên Hựu thái hậu, sau này đổi thành Long Hựu thái hậu. 

Chưa đầy 2 năm sau, loạn quân Miêu, Lưu nổi dậy tạo phản, bao vây cung điện của Tống Cao Tông, buộc hoàng đế phải thoái vị, đưa thái tử 3 tuổi lên ngôi và mời Mạnh thái hậu một lần nữa buông rèm nhiếp chính.

Mạnh thái hậu gặp biến không kinh sợ, bề ngoài thì đồng ý với yêu cầu của phản loạn, nhưng lại âm thầm phái người đem chiếu thư ra khỏi thành bí mật liên lạc với cần vương (chỉ những người cứu giúp triều đình trong cơn hoạn nạn). Không lâu sau, Hàn Thế Trung dẫn đại quân dẹp loạn quân Miêu Lưu, Tống Cao Tông được phục vị, Mạnh thái hậu tiếp tục rút vào hậu cung. 

Nội loạn vừa bình thì quân Kim lại đánh xuống phía nam, muốn bắt sống Tống Cao Tông và Mạnh thái hậu, tận diệt nhà Tống. Mạnh thái hậu lưu vong đến Giang Tây, lúc nào cũng trong tình trạng chạy trốn, cuối cùng Mạnh hậu được Tống Cao Tông nghênh đón ở Hàng Châu.

Những năm cuối đời của Mạnh Hoàng Hậu

Mạnh Hậu tính tình kính cẩn, từ việc không cho hoàng đế sắc phong người thân của mình, đến cuộc sống của bà cũng rất đạm bạc, mỗi tháng chỉ lĩnh một ít tiền sinh hoạt phí, đủ để sống qua ngày. Bà thích uống rượu, Triệu Cấu ra lệnh cho người mua rượu ngọt cho bà uống, Mạnh hậu liền cử người trả tiền, chưa bao giờ thấy bà lấy rượu mà không trả tiền.

Với tấm lòng từ bi, nhân nghĩa bà cũng xin triều đình miễn thuế cho những nơi mà bà lưu vong qua. Bà để hậu phi của Tống Triết Tông sống trong cung, thậm chí đối với các con của Lưu Thanh Tinh bà cũng lấy đức báo oán, chiếu cố cho họ. 

Tống Cao Tông và Mạnh hậu không có huyết thống, nhưng nếu không có bà, ông cũng không thể đăng cơ hoàng đế, cũng rất khó thoát khỏi nguy nan.

Tống Cao Tông tôn kính bà giống như mẹ ruột của mình, ông đích thân quan tâm, chăm sóc bà; nếu có thứ gì tươi ngon, nhất định phải dâng cho Mạnh hậu trước sau đó mới dám dùng. Khi Mạnh hậu lâm bệnh nặng, ông cũng không quản ngày đêm chăm sóc bà bên giường bệnh.

Năm 1131, Mạnh thái hậu qua đời ở tuổi 58. Tống Cao Tông đau buồn đến mức ông không thể lên triều trong vài ngày. Sau này Mạnh thái hậu được chôn cất ở làng Thượng Hồ, Thiệu Hưng. Linh bài của bà không chỉ được đặt trong phòng thờ cúng Tống Triết Tông mà còn được đặt trên bài vị của Lưu hậu, sắc phong “Chiêu Từ Hiến Liệt hoàng hậu”. 2 năm sau, Triệu Cấu cảm thấy danh hiệu này chưa đủ với bà liền đổi thành “Chiêu Từ Thánh Hiến Hoàng hậu”

Là một người phụ nữ, Mạnh hậu không gặp được được cuộc hôn nhân tốt đẹp, phu quân vô tình bạc nghĩa, con gái duy nhất thì đoản mệnh. Mặc dù được sắc phong hoàng hậu, nhưng không có được sự yêu thương của hoàng đế, bị hãm hại, hàm oan, sống ở nơi đổ nát trong suốt hơn 30 năm.

Trong suốt những thăng trầm của cuộc đời, Mạnh Thị tùy sóng mà trôi dạt, không những thế còn vượt lên yêu hận thường tình, tôi luyện cho mình trí tuệ và tấm lòng nhân từ vượt qua chông gai, tự mở rộng lề lối của bản thân, nâng cao cảnh giới chính mình. Nhờ có bà mà triều đại Nam Tống mới có thể tồn tại trong lịch sử, và nhà Tống kéo dài thêm 153 năm nữa.

Theo Epochtimes
Ngọc Linh biên dịch

Video xem thêm: Đập Tam Hiệp bị tuyên án tử hình? Truyền thông Trung Quốc nói: ‘Đã làm hết sức rồi!’

videoinfo__video3.dkn.tv||6ee6b5907__