Từ xa xưa, quan hệ mẹ chồng nàng dâu luôn là vấn đề nhức nhối trong gia đình. Đôi khi một cuộc hôn nhân hạnh phúc cũng có thể bị rạn nứt bởi những chuyện cỏn con mà nguyên nhân lại từ chính xích mích giữa mẹ chồng và nàng dâu.
Mẹ chồng và con dâu không phải là mẹ đẻ và con gái. Cả hai đều phải học cách làm quen: con dâu cần học cách kính trọng, mẹ chồng cần học cách buông tay, còn người chồng ở giữa thì cần học cách xử lý hài hòa.
Là mẹ chồng, cần học cách buông tay
Một số mẹ chồng không thể buông tay khỏi con trai họ. Nhưng con trai nay đã trưởng thành rồi, cần phải chịu trách nhiệm với bản thân và với gia đình nhỏ của chính mình. Suy cho cùng, chuyện vợ chồng thì chỉ có người trong cuộc là hiểu rõ nhất, bất cứ ai cũng không nên xen vào.
Lời khuyên của chuyên gia tư vấn dành cho các bà mẹ:
“Con trai chỉ chọn vợ cho mình, chứ không giúp mẹ chọn con gái. Vậy nên, xin hãy học cách buông tay, không can thiệp vào chuyện giữa hai vợ chồng trẻ”.
Có lẽ một số mẹ chồng vẫn còn ôm giữ lối nghĩ rằng: Tại gia thì tòng phụ, xuất giá thì tòng phu, con dâu đã lấy chồng thì phải theo thói nhà chồng. Nhưng mọi thứ đã khác rồi, chuyện thời nay không còn giống như xưa.
Vậy cần đối xử với con dâu như thế nào cho thỏa đáng? Chuyên gia tư vấn khuyên rằng:
“Mẹ cô ấy thì chỉ có một, mà chẳng phải mẹ chồng. Mẹ đẻ tát một cái, ngày hôm sau quên rồi. Mẹ chồng dạy một câu, ngày sau còn nhớ mãi”.
Thế nên, là mẹ chồng thì chớ nên hà khắc yêu cầu con dâu phải tận hiếu với mình. Chỉ cần coi cô ấy là người bạn bên cạnh con trai, cùng cậu ấy đi suốt cả cuộc đời, vậy là đủ rồi. Đối xử bình đẳng với con dâu, rồi mọi chuyện sẽ ổn.
Là người đàn ông của gia đình, hãy xem bản thân đã cống hiến ra sao
Người cao tuổi thường cố chấp, cha mẹ già thì lại càng như thế. Khi đứng giữa mâu thuẫn giữa mẹ và vợ, nếu chồng không biết cách khéo léo cư xử thì rất khó giảng hòa. Các mối quan hệ đều có liên quan tương hỗ, vợ chồng muốn được trọn đời bên nhau thì lại càng như thế.
Chuyên gia tư vấn khuyến cáo:
“Xin đừng đánh giá mối quan hệ theo hai tiêu chuẩn. Bạn muốn cô ấy cống hiến bao nhiêu cho bố mẹ bạn, muốn cô ấy lựa chọn nơi nào ở, muốn cô ấy sắp xếp việc nhà ra sao, giúp bạn nuôi dạy con cái như thế nào, muốn cô ấy trang hoàng trong phòng khách, đảm đương chuyện bếp núc… việc gì bạn cũng muốn cô ấy làm theo ý mình. Nhưng trước khi đòi hỏi cô ấy phải cống hiến, thì chính bạn cũng cần xem lại bản thân mình đã cống hiến được bao nhiêu. Bạn cần phải nhớ rằng: tấm lòng của bạn cần phải lớn hơn cô ấy ít nhất 30%”.
Nam nữ có thể đến được với nhau, trở thành một gia đình là bởi vì cô ấy yêu chồng. Không phải cô ấy đến để làm người giúp việc, phục vụ cả chồng và gia đình nhà chồng. Bạn mong muốn cô ấy vì bạn, vì gia đình mà góp sức, thế thì bạn cũng phải suy nghĩ về bản thân: Mình đã làm được những gì?
Ai cũng ngập tràn trong cảm xúc, muốn được quan tâm và yêu thương. Khi trạng thái tâm lý mất cân bằng, một bên lãnh đạm vô tình còn một bên thì không ngừng vun đắp, vậy sẽ khiến tình cảm sớm đi đến hồi kết, và khiến bên cống hiến không ngừng kia không thể cố gắng thêm được nữa. Khi ấy họ sẽ tìm kiếm một mối quan hệ tình cảm mà trong tâm họ cảm thấy công bằng.
Để mẹ chồng và nàng dâu hòa thuận, cần có chất bôi trơn
Là người chồng, nếu muốn vợ hòa thuận với mẹ mình thì hãy làm “chất bôi trơn” – người dung hòa các mối quan hệ. Đừng quên rằng cô ấy vừa mới chân ướt chân ráo đến ở nhà bạn, mọi thứ đều chưa quen, vậy nên bạn đừng cố thay đổi cô ấy, đó không phải là mái nhà nơi cô ấy lớn khôn lên.
Chuyên gia tư vấn truyền lại một bí quyết quan trọng:
“Nếu có điều gì tốt cho mẹ thì đó là công của vợ. Khi mẹ nói ra suy nghĩ về con dâu, là người chồng tuyệt đối không kể lại”.
Nhiều người cũng đồng ý với quan điểm rằng các đức ông chồng không nên kể những chuyện qua lại giữa vợ và mẹ. Rất nhiều lời nói đều mang theo tâm trạng, cho nên những lúc ấy bạn không cần phải quá thật thà. Lời tốt hay xấu, một từ cũng không nên tiết lộ, nếu không sẽ gây nên nhiều rắc rối và tổn thương.
Thế nên, vấn đề mẹ chồng nàng dâu không phải là cuộc chiến giữa hai người phụ nữ. Mối quan hệ giữa vợ và mẹ có thể dung hòa được hay không, trách nhiệm chính là một phần của bạn.
Theo Cmoney
Tâm Kính biên dịch