Triệu Vĩnh Trinh từ trong giấc mộng choàng tỉnh dậy, sợ toát mồ hôi khắp mình. Sự việc trong mộng rành rành trước mắt, giống như từng nhát dao khắc sâu vào trong tim anh.
Vào những năm Chính Đức đời Minh, một thầy bói mệnh đã xem cho một thanh niên và nói: “Do đời trước cậu làm rất nhiều việc thiện, đã tích rất nhiều phúc đức, cho nên khi 23 tuổi cậu sẽ kim bảng đề danh”.
Nghe thấy thầy bói mệnh nói như thế, chàng thanh niên này vui mừng mặt mày rạng rỡ. Chàng trai tên là Triệu Vĩnh Trinh, là người học thức uyên bác, tư duy mẫn tiệp. Anh rất tin lời nói của thầy bói mệnh, vì ông đã nói đúng rất nhiều chuyện xưa của anh, chuẩn xác đến kỳ lạ.
Thầy bói mệnh lại trịnh trọng nói tiếp: “Nếu cậu từ nay trở đi làm nhiều việc thiện hơn nữa thì hậu phúc sẽ vô lượng. Nhất định phải trân trọng, sau này nhất định không được hành sự bừa bãi”.
Mấy câu nói bổ sung đầy ý tứ và trịnh trọng này, Triệu Vĩnh Trinh dường như nghe chẳng lọt tai. Vì anh đã bất giác đắc ý nổi lên rồi, việc này làm sao không vui mừng cho được? Thấy tiền đồ sáng láng đang mở rộng ra trước mắt mình, nửa đời sau giàu sang phú quý chỉ chốc lát là đến tay rồi.
Cầm chắc phần thắng trong tay, Triệu Vĩnh Trinh vào kinh dự thi
Chờ mong mãi, cuối cùng thời gian khoa cử cũng đã tới. Triệu Vĩnh Trinh hứng khởi lên đường tham dự thi hương, thi hội. Quả nhiên với một bụng đầy kinh văn, với chân tài thực học, hai kỳ thi hương, hội anh đều đứng đầu. Tiếp đến là kỳ thi điện (thi đình), sau khi thi xong, anh tin chắc mình sẽ có tên trên bảng vàng.
Cuối cùng, ngày yết bảng cũng đã tới. Đứng trước bảng đề danh, Triệu Vĩnh Trinh bắt đầu sốt ruột đổ mồ hôi, vì anh xem đi xem lại mấy lần mà không tìm thấy tên mình đâu. Cuối cùng, anh không thể không tin vào sự thực bày ra trước mắt: bảng đề danh không có tên anh, anh đã bị trượt.
Làm sao lại như thế được? Cảm giác thất bại thật không cách nào diễn tả nổi. Trong tim anh thầm thì: “Lẽ nào thầy bói mệnh lại xem không chuẩn? Tại sao ông ấy lại lừa mình? Nói về tài năng học thức, thì mình sao có thể trượt được? Ông Trời sao lại bất công với mình như thế này!”
Văn Xương Đế Quân khiến anh bừng tỉnh ngộ
Đêm hôm đó, Triệu Vĩnh Trinh chán ngán nằm ở quán trọ, không tài nào chợp mắt nổi. Thế là ngay trong đêm, anh đến miếu Văn Xương Đế Quân thắp hương xin báo mộng. Thật kỳ lạ, sau khi thắp hương xong trở về, anh liền ngủ say và chìm vào giấc mộng.
Trong mơ, Triệu Vĩnh Trinh thấy mình lại đến miếu Văn Xương Đế Quân, anh nhìn rõ rành rành Văn Xương Đế Quân Thần Thánh uy nghiêm dùng lời chính nghĩa chỉ vào anh và nói: “Ngươi thật là đáng tiếc. Năm nay ngươi vốn thi đỗ giải Nguyên, công thành danh toại, rạng danh tổ tông. Nhưng vì ngươi nhìn trộm nữ tỳ lõa thể, dùng lời tà dâm trêu ghẹo cô gái hàng xóm, nên Thượng Thiên nổi giận đã cắt bỏ công danh lợi lộc của ngươi đi”.
Triệu Vĩnh Trinh biện giải rằng: “Con tuy có sinh tà niệm, nhưng thực tế không làm việc gian dâm, Thượng Thiên sao lại trừng phạt con nghiêm khắc vậy?”.
Văn Xương Đế Quân nghiêm mặt nói: “Ngươi cho rằng có cấu thành dâm loạn nhục thể mới tính là có tội sao? Hễ lòng dâm điên đảo, ý xấu nảy sinh, suy nghĩ bậy bạ, tuy thân thể chưa hành dâm, nhưng cái tâm đã nghĩ tà, cái mắt đã nhìn tà, thì cũng là tà dâm, do đó công thành danh toại bị tiêu hủy”.
Văn Xương Đế Quân nói tiếp: “Hơn nữa, ngươi tán tỉnh trêu ghẹo, vỗ vai cô gái, kéo tay áo họ thì sao? Hỏi ngươi khi trêu ghẹo họ, thì rốt cuộc tâm suy nghĩ gì? Còn dám mồm mép xảo biện ư! Hãy mau tỉnh ngộ mà hối lỗi! Đúng là chấp mê bất ngộ!”.
Triệu Vĩnh Trinh nghe vậy mồ hôi ướt đầm đìa, quả thực Thiên nhãn như điện vậy. Anh vẫn tự cho rằng chỉ là những lỗi nhỏ, không ngờ bị Thần nhìn rõ mồn một, lại còn vì vậy mà bị trừng phạt nghiêm khắc. Bỗng chốc, anh hổ thẹn nóng bừng khắp mặt mũi cứ ngây người ra không biết làm gì nữa.
Triệu Vĩnh Trinh giật mình tỉnh ngộ, vội vàng quỳ xuống không ngừng khấu đầu tạ tội với Văn Xương Đế Quân, đồng thời khóc lóc thề rằng: “Có Đế Quân ở trên chứng giám, con phát nguyện bắt đầu từ hôm nay, sẽ luôn luôn làm được mắt không nhìn tà sắc, tâm không động vọng niệm. Nếu dám mảy may phóng túng bản thân, nguyện sẽ bị đầu lìa khỏi cổ, chết chẳng được chôn”.
Văn Xương Đế Quân gật đầu khen ngợi: “Xem ra ngươi đã thật lòng hối cải. Nếu ngươi có thể khuyên mọi người giới bỏ tà dâm thì sẽ tích thêm công đức. Như thế sẽ khôi phục công danh của ngươi, tiền đồ vô lượng”.
Đế Quân còn dùng bút chỉ vào tim và miệng Triệu Vĩnh Trinh và nói: “Hy vọng ngươi sẽ tâm khẩu như một, nói được làm được. Đó chính là cái gọi là “Tri thác năng cải, thiện mạc đại yên” (Biết sai thì sửa, thì không cái thiện nào lớn bằng). Hãy nhớ kỹ! Hãy nhớ kỹ!”.
Hành thiện tu thân, cuối cùng ‘Kim bảng đề danh’
Triệu Vĩnh Trinh từ trong giấc mộng choàng tỉnh dậy, sợ toát mồ hôi khắp mình. Sự việc trong mộng rành rành trước mắt, giống như từng nhát dao khắc sâu vào trong tim anh.
Từ đó, anh không dám chểnh mảng, cẩn thận từng lời nói từng hành vi, không ngừng cảnh giác và khích lệ bản thân, tiêu trừ hết thảy những niệm đầu tà dâm ác độc. Không chỉ nghiêm khắc tự giác kỷ luật bản thân, anh còn chăm chỉ tích cực làm rất nhiều việc thiện.
Đồng thời, anh dốc sức truyền bá các thư tịch về những tấm gương trừ tà dâm tích âm đức của người xưa. Tâm của anh cũng trở nên ngày một thuần khiết, thiện lương hơn, đạo đức cũng ngày một cao thượng hơn.
3 năm trôi qua, một khoa thi nữa lại đến. Quả đúng là Trời xanh chẳng phụ người lành, Triệu Vĩnh Trinh năm 26 tuổi cuối cùng cũng đã ‘Kim bảng đề danh’. Từ đó trở đi, anh càng cảm kích ân đức của Văn Quân Đế Xương đã răn dạy, càng nỗ lực làm việc thiện, in ấn thư tịch về giới cấm tà dâm, đem tặng rộng rãi khuyên răn người đời. Sau khi thư tịch khuyên răn người đời của anh phát hành được 4 năm, anh được thăng chức tới Thị lang. Sau đó, lại vinh hạnh thăng làm Phiên mục bá.
Không chỉ như vậy, quả thực đã ứng nghiệm lời nói của Văn Xương Đế Quân, phúc đức do Triệu Vĩnh Trinh tích tụ nhờ làm nhiều việc thiện đã ân trạch đến cháu con đời sau. Các đời sau của anh đều có người làm quan hiển danh rạng rỡ gia tộc, đúng là hậu phúc vô cùng.
(Nguồn “Tập phúc tiêu tai chi Đạo”)
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiến Thiện biên dịch