Lùi một bước biển rộng trời trong, nhường ba phần tâm tình khoáng đạt. Khoan dung với người chính là một môn nghệ thuật. Nắm vững được nghệ thuật này, bạn sẽ gặt hái được rất nhiều kỳ tích.
Trên chuyến xe khách đường dài, một hành khách nữ vì không tìm được chỗ ngồi nên phải đứng ở giữa xe. Đến đoạn quành gấp khúc trên đường núi, cả xe nghiêng ngả, cô cũng mất đà loạng choạng. Đúng lúc ấy, cô cảm thấy như có người đụng phải người mình một cái, rồi sau đó phát hiện ví tiền không còn nữa, liền lớn tiếng hô mất trộm.
Tuy nhiên nhân viên bán vé trên xe khi ấy không giục tài xế lái xe đến đồn công an gần đó mà nói với tất cả hành khách rằng:
“Mọi người ra khỏi nhà vốn không dễ dàng gì, tiền bạc cũng chẳng có dư. Mong người nhanh tay này rộng lòng phối hợp, hãy để túi tiền xuống sàn. Trước mặt sắp phải đi qua một đường hầm, sẽ không ai nhìn thấy bạn cả. Nếu như chỉ vì chuyện này mà bị tuyên phán hai năm tù, thì quả thật là không đáng“.
Thế là, sau khi chiếc xe chạy qua đường hầm tối đen, ví tiền đã trở về tay của nữ hành khách nọ.
Trong cuộc đời này, không có đường rẽ nào là không thể quay đầu lại, không có sai lầm nào là không thể cải chính. Đối diện với sai lầm của người khác, có khi khoan dung lại có sức mạnh cải biến hơn cả trừng phạt.
Khiến cho tình huống ngày càng đen tối hơn thường thường không phải là sai lầm, mà chính bởi trái tim lạnh lùng không chịu bỏ qua, không chịu tha thứ cho người khác.
Nếu như người bán vé đó bảo tài xế lái xe đến sở cảnh sát thì “người nhanh tay” móc ví kia chắc chắn sẽ phải nhận sự trừng phạt của pháp luật. Tuy hành động là giương cao chính nghĩa, trừng trị tội phạm nhưng nó lại khiến một người mãi mất đi cơ hội sửa sai, chuộc lại lỗi lầm, làm lại từ đầu.
Người bán vé thông minh nọ không chỉ đã bảo vệ được tài sản của nữ hành khách mà còn cho kẻ trộm ví một cơ hội hoàn lương. Nhận được sự tha thứ, khoan dung, kẻ trộm kia có lẽ từ đây cũng sẽ hồi tâm chuyển ý, sống cuộc đời mới. Nếu điều đó thực sự xảy ra, người nhân viên bán vé há chẳng phải đã cứu vớt được một linh hồn sa ngã đó sao?
Nói về lòng khoan dung, thứ tha, thời Chiến Quốc (476 – 221 TCN) cũng có một câu chuyện nổi tiếng thế này.
Sở Trang Vương một hôm cho bày yến tiệc linh đình, thết đãi các đại thần. Trong tiệc, gió lớn nổi lên bỗng thổi tắt hết đèn nến. Khi ấy, một quan viên lợi dụng đêm tối, kéo áo chọc ghẹo cung nữ của nhà vua. Người cung nữ ấy nhanh tay giật đứt giải mũ của ông này rồi tâu lên Sở Trang Vương, sau đó muốn thắp đèn nến lên, tìm xem ai là người đã chọc ghẹo mình và xử tội.
Đùa giỡn ái cơ của vua có nghĩa là làm nhục đến nhà vua. Đó là hành vi đại nghịch và coi thường đạo lý vua tôi. Nhưng, Trang Vương nghĩ một lát rồi cao giọng nói to lên:
“Khoan hãy châm nến! Hôm nay trẫm muốn cho các khanh được vui vẻ sáng khoái. Không cần phải mũ áo thật chỉnh tề, mọi người hãy giật đứt hết các giải mũ thì mới vui?”.
Văn võ bá quan ngơ ngác, nhưng lệnh vua nào ai dám trái, thế là các đại thần văn võ đều giật đứt giải mũ của mình! Nhân thế, người trêu ghẹo cung nữ kia không bị lộ mặt nữa.
Hai năm sau, nước Sở đánh nhau to với nước Tấn. Qua năm trận kịch chiến, quân Sở có một võ tướng liều mình, tả xung hữu đột, không màng sống chết, luôn đi tiên phong. Quân Sở nhờ vậy thường thắng luôn. Sau này Sở Trang Vương lấy làm lạ, bèn cho gọi đến hỏi ngọn ngành.
Người ấy bèn thưa: “Thần chịu nghĩa xưa, đội ơn dày của bệ hạ đã tha cho tội khi quân. Vốn mong muốn liều chết để báo đền ân đức bệ hạ, đến nay thần mới có dịp. Thần là Tưởng Hùng, là người năm xưa trêu ghẹo cung nữ của bệ hạ trong tiệc rượu”.
Sở Trang Vương quả thực có lòng hào hiệp, bụng dạ cũng không chút hẹp hòi, nhỏ nhen. Nếu không tha thứ cho Tưởng Hùng lỗi lầm trên bàn rượu đêm hôm ấy thử hỏi lấy ai là kẻ tiên phong, xông vào mũi tên hòn đạn mà chiến đấu hết mình cho ông đây?
Sở Trang Vương nhẫn chịu được cái nhục ái thiếp bị trêu ghẹo, khoan dung với người mà có được một dũng sĩ chịu xả thân cứu chủ. Đây chính là một thu hoạch bất ngờ có được, một phúc báo chính người gieo trồng ra nó cũng không nghĩ tới.
Trong đời, ai cũng có thể mắc sai lầm nhưng tha được cho người thì cứ tha, lùi một bước biển rộng trời trong, nhường ba phần tâm tình khoáng đạt. Khoan dung với người chính là một môn nghệ thuật. Nắm vững được nghệ thuật này, bạn sẽ gặt hái được rất nhiều kỳ tích.
Và bạn hãy nhớ rằng:
Hãy học cách khoan dung, bởi tình yêu bao giờ cũng vĩ đại hơn thù hận, khoan dung bao giờ cũng có sức mạnh hơn trừng phạt.
Tha thứ không phải là ban phát ơn huệ cho kẻ khác mà là tự cởi trói cho chính mình.
Tha thứ, khoan dung không hề khó, cái chính là bạn không thể cởi bỏ được oán hận trong lòng mình.
Cái gốc của tha thứ chính là tâm từ bi, lương thiện. Để có thể tha thứ cho người khác dễ dàng hơn, phải chăng bạn luôn nên nuôi dưỡng cho mình một tấm lòng thiện lương, nhân hậu?
Điều đó chính là:
Oán hận ngút trời dù muôn kiếp
Buông tâm để giữ được thiện lương.
Thiện Sinh