Đời người, giống như một đường parabol liên tục không ngừng, có đi lên sẽ có lúc đi xuống, lặp đi lặp lại như vậy, mãi cho đến hồi kết của đời người. 

Chúng ta luôn mong muốn một đời đều ở trong thuận cảnh, bởi vậy chúng ta luôn có sẵn tâm lý đối kháng nghịch cảnh, và ta dễ thấy khó chịu mỗi khi nó xuất hiện, chứ không biết rằng cuộc đời có lên có xuống, có thuận cảnh thì sẽ có nghịch cảnh, nếu chỉ có thuận cảnh thôi thì cuộc đời này sẽ không trọn vẹn, cũng giống như câu: “Người có buồn vui tan hợp, trăng có khi tròn khi khuyết” trong bài thơ “Thủy điệu ca đầu” của đại thi hào Tô Đông Pha. 

Con người quý ở tự ngã, một tự ngã độc lập thì quý ở sự kiên trì. Đời người dù gặp phải nghịch cảnh nào cũng đừng đánh mất phương hướng, khó khăn và nghịch cảnh là phép thử giúp ta rèn giũa ý chí, khiến ý chí và nghị lực của người ta được nâng lên, quan điểm về cuộc sống cũng sẽ theo đó mà có sự thay đổi. 

Không ai có thể tránh khỏi nghịch cảnh của đời người. Vậy vào những lúc ấy, ta cần phải đối đãi ra sao? Có hạt cát lọt vào trong thân con trai, tuy rất khó chịu nhưng nó lại không cách nào bài trừ hạt cát đó ra ngoài. Nó chỉ có thể dùng cơ chế tự chữa lành vết thương có sẵn mà tiết ra một chất bao bọc lấy hạt cát, khiến hạt cát dần dần trở thành viên ngọc tròn trịa, quý giá.

Loài ngựa hoang khi bị loài dơi cắn và hút máu, nó cũng chẳng hề dễ chịu. Vì không cách nào đuổi được loài hút máu kia, nó chỉ còn cách chạy ngược chạy xuôi một cách điên cuồng khiến không ít chú ngựa hoang phải bỏ mạng. Các nhà khoa học nghiên cứu phát hiện ra: loài dơi chỉ hút một lượng máu rất ít, không thể khiến ngựa hoang chết vì mất máu được, mà chúng chết bởi sự nổi giận và chạy điên cuồng.

Đời người mười phần thì có đến tám chín phần không như ý. Tại sao chúng ta không thể như con trai kia, học cách thích nghi, dùng sự bao dung độ lượng để chấp nhận mọi điều không như ý, và cuối cùng biến nó thành động lực cho bản thân. Chúng ta không nên học theo chú ngựa hoang hễ gặp chuyện bực mình thì đùng đùng nổi giận, cuối cùng người phải chịu tổn thương vẫn là bản thân mình.

Hãy để bản thân học được cách thích nghi với mọi hoàn cảnh, thậm chí là những nghịch cảnh… Vì chính những hoàn cảnh trái chiều là điểm tựa cho thành công sau này của bạn, mọi đau khổ và uất ức của đời người đều là những bài học quý giá nhất dạy bạn biết cách mở rộng tấm lòng.

Ảnh: Freepik.

Dần dần bạn sẽ hiểu ra rằng: đời người phải biết xem nhẹ những lời nói dối, biết chấp nhận và biết nhẫn nại trước sự lừa gạt. Và cũng dần dần bạn sẽ hiểu ra rằng: nên để cho bản thân một không gian yên tĩnh, nên học được cách suy nghĩ, học được sự chờ đợi, học điều chỉnh bản thân. Đời người có nhiều lúc không cần phải quá câu nệ mà cần bạn biết quay đầu nhìn lại và có thể nở nụ cười thoải mái nhất.

Nhà hiền triết Hy Lạp cổ Plato nói với học trò của mình rằng ông có thể dời núi, học trò bèn thỉnh giáo ông phương pháp dời núi và chuẩn bị làm theo thầy. Khi này, Plato cười lớn và nói rằng: “Thực ra rất đơn giản, núi mà không tới đây thì ta hãy đi đến đó”. Lời vừa dứt, các học trò đều cười ồ lên một cách thích thú.

Trên đời này vốn không có cái gọi là thuật dời núi, bí quyết duy nhất có thể di dời ngọn núi chính là: Nếu ngọn núi không qua đây thì ta hãy đi qua nơi đó. Cũng đạo lý này, con người không thể thay đổi hoàn cảnh, vậy thì hãy thay đổi chính mình. Chúng ta không thể quay lại quá khứ, nhưng chúng ta có thể thay đổi tương lai, bởi vì hiện tại luôn nằm trong tay chúng ta, và cách duy nhất để thay đổi tương lai là bắt đầu thay đổi hiện trạng, thay đổi từng chút một, đều sẽ tạo thành ảnh hưởng với tương lai chúng ta. Ở đời không có thành công ngay trong tức khắc, chỉ có người kiên trì không giải đãi bản thân. “Nước chảy đá mòn không phải là việc của ngày một ngày hai”. Vạn vật trên đời đều có quá trình biến đổi từ số lượng rồi đến chất lượng.

Đại văn hào Lev Tolstoy nói: “Thế gian chỉ có hai loại người: Một loại là người chỉ biết trông ngóng, một loại là người chuyên tâm thực hành. Đại đa số người đều muốn thay đổi thế giới, nhưng không ai muốn thay đổi chính mình”.

Bạn muốn thay đổi hiện trạng, thì trước tiên cần phải thay đổi chính mình. Những lúc được như ý nguyện, hãy nhắc nhở bản thân đừng kiêu ngạo và tự mãn. Những lúc không được như ý muốn, hãy nói với bản thân rằng bạn thực sự rất tuyệt vời, đừng nản lòng và đừng đắm chìm trong vũng lầy của thất bại, thất bại chỉ là tạm thời, điều thật sự khiến bạn ngã quỵ không phải là thất bại trước mắt, mà là tâm thái tuyệt vọng buông xuôi. 

Trốn chạy khó khăn, ngại đối diện nghịch cảnh không thể giải quyết vấn đề, trái lại càng làm hoàn cảnh trở nên tồi tệ hơn. Hãy nhìn thẳng vào vấn đề, phân tích nó và tìm ra giải pháp sau cùng tốt nhất trong phạm vi có thể.

Duy chỉ có hành động mới có thể tiêu trừ bất an, hồi phục tín tâm và tăng thêm dũng khí cho người ta. Rất nhiều khi kết quả của hành động có thể là uổng công nhưng vẫn luôn tốt hơn là không làm gì cả. Đồng thời, bạn cần phải nhớ rằng hành động sớm trước khi tình huống trở nên xấu đi mới chính là thượng sách. Hãy nói với chính mình rằng vẫn cơ hội vẫn luôn ở đó. Hãy tự dặn lòng mình: Đừng ở mãi trong bóng tối, ánh bình minh sẽ đến mau thôi.

Thất bại vốn không đáng sợ, điều đáng sợ là bạn xem nó là kết cục chứ không phải là quá trình! Hãy luôn nhớ rằng, thất bại vốn không phải là kết quả mà chỉ là quá trình. Đời người ta không phải kết thúc ở những thất bại.

Thông thường, nếu có thể làm được như vậy, ta sẽ thấy rằng mọi chuyện vốn không đáng sợ như ta tưởng tượng. Có một câu châm ngôn rằng: “Thuyền đến đầu cầu ắt sẽ thẳng”, chỉ cần có ý chí kiên cường, không gì có thể làm khó bạn. Trân trọng từng giây phút hiện tại, sống trong thực tại để cải biến nó. Như thế chẳng phải nghịch cảnh, khó khăn hay thất bại chính là món quà mà cuộc đời ban tặng bạn hay sao?

Theo Duwenzhang
Vũ Dương biên dịch

Từ Khóa: