Thiên lý ước chế tất cả, từng lời nói, hành động, từng suy nghĩ, ý niệm của con người. Từ cổ chí kim, con người đều tin rằng: “Thiện ác cuối cùng đều có báo ứng, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi”.

Lừa tiền tài hại mệnh, sống đã thấy địa ngục

Những năm Thuận Trị triều Thanh (1644-1661), tỉnh Giang Tây có người tên Ngô Trạm Thất làm nghề bán vải. Tính anh ta tham lam xảo quyệt, lòng dạ khó đoán. Khi bán vải anh ta thường hay bày vải đẹp làm mẫu, để có được sự tín nhiệm của khách hàng. Khi khách hàng chọn được vải, anh ta liền dùng hàng kém chất lượng thay thế hàng tốt, khiến khách hàng mua phải vải xấu. Vải đã bán xong mà mẫu vẫn còn, anh ta hoán đổi rất khéo léo.

Có vị thương gia phương Tây cử một người bạn cùng nghề đi mua vải, bị Ngô Trạm Thất giở trò, mua hàng xấu về. Vị thương gia trách mắng bạn mình, người bạn rất tức giận nói rằng: “Vậy thì đích thân ông đi xem, cũng chẳng tránh được bị lừa”.

Vị thương gia nói: “Đâu có đạo lý như vậy? Nếu lần này đi mua không được hàng thật, tôi quyết không gặp lại ông”.

Ngày hôm sau, vị thương gia đích thân ra đi. Ông vừa tìm đã thấy mẫu vải ưng ý trong kho hàng của Ngô Trạm Thất, vị khách bèn ngồi xổm trên cuộn vải, khiến Ngô Trạm Thất không thể tráo đổi. Ngô Trạm Thất thấy vậy vô cùng lo lắng, thế là trong lòng nảy ra một kế, vội vàng ra khỏi quầy chào đón, quần áo chỉnh tề, cung kính hành lễ chào vị thương gia như chào một người bạn cũ. Vị khách bất đắc dĩ đành phải vội vàng đứng lên đáp lễ, rồi lại nhanh chóng ngồi xổm trên cuộn vải. Nhưng nhằm vào lúc sơ hở này, Ngô Trạm Thất đã ngầm sai người đổi cuộn vải đó. Vị thương gia không phát hiện ra, trả xong tiền, liền vội vàng trở về nhà. Gặp bạn ông ngay lập tức mang vải ra cho bạn xem. Người bạn lấy vải ra xem, kiểm tra kỹ càng, hóa ra vẫn là loại vải thô vô cùng kém chất lượng, mục nát, mỏng tới mức không thể dùng được. Người bạn mang ra so với cuộn vải lần trước thì không có chút khác biệt. Người bạn trách vị thương gia: “Ông đích thân đi mua, sao lại thế này?”

Vị thương gia mua phải vải xấu đã rất phiền lòng, lại nghe bạn khiển trách; ông nhớ tới lời nói cao ngạo trước đây mà tự lòng mình thấy vừa xấu hổ, vừa giận dữ liền treo cổ tự vẫn.

Ngô Trạm Thất âm mưu quỷ quyệt, chỉ mưu tính lợi riêng, qua việc này có thể thấy được một phần. Đến những năm Thiên Khải, trên đường đi ông ta mắc trọng bệnh, nằm ở nhà trọ thường mơ thấy những con quỷ đuổi bắt mình mang đi hành hình, phải chịu đựng đủ mọi hình phạt lao tù. Cho nên thường hay phát ra tiếng kêu khóc khủng khiếp, ngày đêm không dứt. Ông ta từng nằm trên chiếu hét lớn: “Cứu ta với! Cứu ta với! Chúng bắt ta trói trên giường lửa rồi!”.

Mọi người xung quanh bất lực chẳng biết làm thế nào, thấy sau lưng y quả nhiên xuất hiện một vệt màu đỏ như bị thép nóng nung. Ông ta còn lớn tiếng kêu gào: “Ôi trời ơi! Sao lại dùng móc sắt móc lưng của ta mà cân thế này!”.

Mọi người càng cảm thấy kỳ dị, chỉ biết lần theo tiếng kêu của y mà xem xương sống lưng, thấy vết sưng đỏ khoảng một thốn, dường như quả thực có người đang dùng móc ông ta lên cân. Ông ta không ngừng kêu lên những cực hình đau đớn trong địa ngục, quả thực như sống trong địa ngục vậy. Ông ta chịu đau đớn như thế này trong vài ngày liên tiếp mới chết.

Thực tế bất kể hành vi độc ác của con người có gian ngoan, xảo quyệt và được che giấu kỹ như thế nào, cũng đều đã gieo quả ác, báo ứng chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.

(Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Giấu bạc bị sét đánh, báo ứng phân minh

Thời nhà Thanh có một bà lão ở góa, thêu thùa kiếm sống nuôi đứa con trai. Người con lớn lên, làm việc tại một tiền trang (ngân hàng xưa), lương bổng cũng đủ phụng dưỡng mẹ già. Nhưng bà lão vẫn không ngừng thêu thùa, nên cũng dư dả và tích cóp được mấy chục nén bạc, chuẩn bị tiền cho con trai cưới vợ. Căn nhà nghèo nhỏ hẹp, chỉ cách hàng xóm một vách ngăn. Mỗi lần bà ra ngoài, vì sợ đánh mất tiền, nên đều buộc vào thắt lưng.

Một hôm bà phải tới Đạo quán Viên Diệu dâng hương. Nghe nói trong đó có nhiều kẻ móc túi, bèn tháo tiền buộc ở thắt lưng ra, nhờ người tên Giáp mà bà quen biết làm ở cửa hàng gạo cất giữ hộ. Bà thắp hương xong bèn tới chỗ Giáp lấy tiền. Giáp trở mặt nói: “Ai giữ tiền của bà!”

Bà lão kinh ngạc, khóc lóc biện bạch. Giáp chỉ lên trời mà thề nhằm thể hiện là mình bị oan ức. Hai người tranh cãi không dứt, mọi người vây quanh xem rất đông nhưng không thể nào phân biệt được ai đúng ai sai.

Khi bà lão đưa tiền cho Giáp, có Ất là người hàng xóm của cửa hàng này cũng có mặt tại đó, tận mắt chứng kiến việc trên. Khi hai người tranh cãi, Ất vẫn ở trong cửa hàng. Bà lão bèn nhờ Ất làm chứng. Ất cười và nói rằng: “Bà đúng là gặp phải quỷ rồi. Tôi vừa từ Xương Môn về, đến bà tôi cũng chưa từng thấy mặt, sao có thể biết được hai người ai đúng ai sai!”

Mọi người nghe xong lời của Ất, đều thi nhau tranh luận, cho rằng bà lão không đúng. Bà lão không thể nào nói lại họ, đành uất ức ra về treo cổ tự vẫn.

Người con trai trở về, thấy mẫu thân treo cổ tự vẫn, lại không hay biết nguyên cớ vì sao, vô cùng đau khổ, đành mang mẫu thân đi khâm liệm, an táng. Gặp chuyện không may bất ngờ ập tới, lại không thể tìm được căn nguyên, anh vô cùng đau khổ mà lâm bệnh. Trong cơn hôn mê, mơ thấy mẫu thân đến trước mặt nói với anh rằng: “Con trai ơi, ngày mai trước Đạo quán Viên Diệu, Trời sẽ phóng sét đánh chết hai người, nỗi oan của ta sẽ được minh bạch, tiền của chúng ta sẽ được trả lại. Con dù mang bệnh cũng nên tới đó mà xem”.

Ngày hôm sau, người con trai quả nhiên tới đó, đến trước Đạo quán, chỉ thấy bầu trời trong sáng. Không lâu sau, đột nhiên mây đen ùn ùn kéo tới, sấm chớp liên hồi, một tiếng nổ lớn vang lên, sét đánh dội thẳng xuống, Giáp và Ất mỗi người cầm một túi bạc, quỳ trên mặt đất, đã bị sét đánh chết.

Một lúc sau Ất hồi tỉnh, kể lại tường tận mọi chuyện với mọi người đứng vây quanh: “Hôm đó, sau khi bà lão đưa bạc nhờ Giáp giữ hộ, Giáp liền nảy lòng tham âm mưu nuốt trôi số bạc, chia cho tôi 3 phần 10. Không ngờ hai người chúng tôi mạo phạm làm trời phẫn nộ. Âm ty kết tội Giáp đầu têu, miễn tội chết cho tôi, ra lệnh cho tôi kể lại chuyện này cho mọi người biết và trả lại số bạc cho con trai bà lão ấy. Tôi lại không biết tính danh người con trai đó, nên làm thế nào đây?”.

Có người trong số đó biết chuyện này, liền chỉ con trai của bà lão nói: “Đây chẳng phải là người mất bạc hay sao?”.

Người con trai nhận lại số bạc trước mặt mọi người, về đến nhà, cúng tế mẫu thân và khóc lớn một lúc lâu, sức khỏe anh liền hồi phục lại bình thường.

Ất nằm liệt giường nửa năm mới đi lại được, nhưng một bên tay và một bên chân đã bị gãy, mang thân tàn tật suốt đời.

(Ảnh minh họa: pixabay.com)

Có câu thơ rằng:

Cần cù thêu vá khổ tấm thân,
Mấy chục nén bạc cả đời công.
Ngươi cùng bạn giấu mưu chiếm đoạt,
Trời xanh chẳng phụ người khổ tâm.

(Nguồn tham khảo: “Thái thượng cảm ứng thiên – Lệ chứng”, “Tọa hoa chí quả”)

***

Con người sống ở nhà thì có nếp nhà, trong nước thì có phép nước, ở cõi trần gian có chuẩn mực đạo đức quy định. Nhưng trái đất nơi nhân loại sinh sống lại nằm trong hệ Ngân Hà, trong vũ trụ, nên chịu sự chi phối bởi quy luật của những không gian cao hơn, rộng lớn hơn, đó là quy luật tự nhiên, quy luật vũ trụ mà theo cách gọi xưa là lẽ Trời (Thiên lý) hay Đạo Trời (Thiên Đạo).

Thiên lý ước chế tất cả, từng lời nói, hành động, từng suy nghĩ, ý niệm của con người. Thiện ác của con người, không chỉ là hành động hay lời nói, mà ngay trong suy nghĩ xuất phát ra thì quả báo thiện ác đã tự phân rõ trắng đen, tốt xấu phân minh. Từ cổ chí kim, con người đều tin rằng: “Thiện ác cuối cùng đều có báo ứng, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi”.

Vì nhân quả báo ứng là quy luật vũ trụ, giống như lực và phản lực vậy, khi chúng ta đấm vào bức tường mạnh bao nhiêu thì bức tường sẽ có phản lực tác động ngược lại tay ta lớn như thế. Nhân quả báo ứng cũng giống như tiếng vọng chốn núi rừng, khi ta thét to bao nhiêu thì tiếng vọng đến lớn bấy nhiêu, và chậm hơn lúc ta thét một chút. Thiện ác báo ứng cũng vậy, chỉ có điều khác, đó là tác động đến từ vũ trụ, nên nó sẽ xảy ra chậm hơn một chút mà thôi.

Kiến Thiện
Theo vi.minghui.org

videoinfo__video2.dkn.tv||db639a14b__