Hai anh em gia tộc họ Hà nhờ hành mỹ đức, đã được lưu lại trong “Nam sử” và “Lương thư”.
Thời kỳ Nam Bắc Triều ở Trung Quốc, có hai anh em Hà Điểm và Hà Dận phú quý và đức hạnh. Tuy nhiên, có một vụ thảm án về nhân luân đã khắc sâu ấn ký trong lòng họ, khi người cha nổi cơn điên loạn đã ngộ sát người mẹ, và bị quan phủ xử tử. Sau một thời gian lang thang trong thế giới phồn hoa, hai anh em Hà gia cuối cùng đã chọn về ở ẩn. Kể từ đó, trong Thanh sử đã xuất hiện hai cái tên “Hiếu ẩn sĩ” và “Tiểu ẩn sĩ”. Cả hai huynh đệ được mô tả trong cuốn “Nam Sử”, được khen ngợi bởi mỹ đức, và cả những giấc mộng kỳ lạ của họ.
Vì nỗi bất hạnh của gia đình, người con hiếu thảo không lấy vợ
Hà Điểm (437-504), hiệu là “Du hiệp xử sĩ”. Tổ phụ của ông, Hà Thượng Chi, từng nhậm chức Tống Ti Không trong Nam triều, và phụ thân của ông, Hà Thước, từng nhậm chức Thái thú Nghi Đô.
Hà Thước bị mắc bệnh tâm thần, một năm nọ bị phát tác cơn điên loạn, mất lý trí, đã ngộ sát thê tử của chính mình, và bị quan phủ xử hình. Năm Hà Điểm 11 tuổi, lần lượt bị mất cả cha mẹ; với thiên tính nhân đức, hiếu thảo, ông vì phụ mẫu mà thủ tang, chứ trong tâm đau khổ không muốn sống.
Dần trưởng thành, mỗi khi nghĩ đến cảnh người cha loạn trí sát hại mẹ, ông cảm thấy vạn phần thương cảm. Chính vì vậy mà ông cự tuyệt bước vào quan nghiệp, và cũng từ chối kết hôn. Tổ phụ của ông, Hà Thượng Chi, đã ép ông kết hôn với Lang Vương Thị. Lễ mai mối đã hoàn tất, chỉ chờ ngày đẹp để đón nàng dâu. Nhưng Hà Điển đã khóc rất nhiều, kiên trì không đổi chí, hôn sự cuối cùng phải bãi bỏ.
Thiên tính thoát tục và nhân từ
Hà Điểm bản tính thông đạt, thoát tục, sẵn lòng bố thí. Người ta tặng ông tài vật, ông không bao giờ từ chối, đều nhận hết. Nhưng sau đó đều cho đi tất cả.
Một lần, Hà Điểm đi qua phố Chu Tước, có một người đàn ông đã lấy trộm quần áo của ông để sau xe. Hà Điển nhìn thấy mà không nói gì. Nhưng có người khác bắt được tên trộm và giao cho Hà Điểm. Ông đã tặng bộ y phục cho tên trộm. Tên trộm lương tâm cắn rứt không dám nhận, Hà Điểm dọa lên báo quan phủ, tên trộm sợ nên mới dám nhận quần áo. Hà Điểm cũng bảo anh ta mau chóng rời đi.
Kỳ tăng nhập mộng tặng cho dược liệu
Hà Điểm, từ khi còn là một thiếu niên đã bị bệnh lỵ, và đã không khỏi bệnh sau nhiều năm điều trị. Sau này, ông đã giảng đạo ở chùa Ngô Trung Thạch. Chính tại nơi ông đang giảng kinh, ông chợp mắt một chút vào ban ngày, và trong mộng nhìn thấy một vị tăng nhân có tướng mạo phi phàm. Vị tăng nhân đã cho ông những viên thuốc, và ông đã ăn những viên thuốc đó trong mộng. Từ đó về sau, căn bệnh bao năm không khỏi của ông đã được chữa lành. Người dân thời đó tin rằng, điều này là do đức hạnh của Hà Điểm đã cảm động các vị thần.
Những hành động đức hạnh có thể khiến cảm động con người, và cảm động Thần linh, và chúng cũng được phản ánh qua người em trai Hà Dận của ông.
Hà Dận, một vị quan nhân từ
Hà Dận (446-531). Người đương thời gọi Hà Điểm là “Hiếu ẩn sĩ” và Hà Dận là “Tiểu ẩn sĩ”. Mặc dù họ xuất thân từ một đại gia tộc, nhưng họ tu rất cao, cũng là những chi sĩ học rộng, được nhiều đại phu ngưỡng mộ tài đức và sẵn sàng giao du, học tập họ.
Hà Dận là một vị quan cao quý, nhưng luôn có tấm lòng vị tha, bao dung độ lượng, không tham lam. Hà Dận thời Nam triều đệ nhị, từng đảm nhậm chức Thái thú Kiến An. Ông đề cao việc quản trị nhân từ, là một vị quan ân đức và tín nghĩa, lấy đức mà phục nhân, đạt đến cảnh giới mà người ta không nỡ lừa dối ông.
Mỗi tháng 12 âm lịch hàng năm, Hà Dận ra lệnh thả các tù nhân về nhà để họ đoàn tụ với gia đình. Khi đến thời hạn đã thỏa thuận, tất cả các phạm nhân sẽ trở về theo đúng lịch, và tiếp tục chấp hành án. Vị Thái thú và bách tính tin tưởng lẫn nhau, và ngay cả các phạm nhân cũng đều tuân thủ chữ tín của họ.
Sau này, Hà Dận đến đất Ngô và ẩn cư tại chùa Vũ Khâu Sơn. Có những tăng nhân có học thức đã theo ông học tập. Các quan phương đều đến thăm ông khi đi qua nơi này.
Tâm có nhân đức, cảm động cả cầm thú
Hà Dận sùng Phật, và thường cấm giết hại sinh linh. Một lần, có Ngu Nhân, một quan phụ trách Sơn Trạch Uyển, đuổi theo một con nai hoang dã. Con nai hoang dường như muốn cầu xin Hà Dận giúp đỡ, chạy đến bên cạnh Hà Dận, nằm bất động trên mặt đất. Một lần khác, một đàn chim hồng hạc kỳ lạ xuất hiện, tụ tập tại nơi giảng đường của Hà Dận, ngoan ngoãn cho đến gần nhưng không mổ người, giống như gia cầm được thuần hóa.
Hà Dận đã từng dựng trụ ngọc trong chùa Bát Nhã, và trụ đó phát sáng trong bảy ngày đêm. Hà Viễn (470-521), khi đó là Thái thú Nam Lương Vũ Xương, đã báo cáo sự việc với Thái tử Hiếu Tông (501-531). Thái tử khâm phục cao đức của Hà Dận, đã đích thân lấy bút viết lệnh phong thưởng, còn sai thân tín Hà Tư mang tặng cho ông.
Thần linh báo mộng, nhờ đại đức nên có thể kéo dài tuổi thọ
Sau khi Hà Dận lâm bệnh, thê tử của ông là Giang Thị có một giấc mộng, trong đó có một vị thần nói với bà rằng: “Phu quân của bà thọ số đã tận, nhưng vì ông ấy có đại đức, nên có thể kéo dài thọ mệnh, bà có thể thay ông ấy mà đi.” Sau khi Giang thị tỉnh dậy, đã nói với gia nhân về giấc mơ này. Ngay sau đó, bà ngã bệnh và qua đời, còn Hà Dận thì bình phục.
Trước khi Hà Dận chết, ông đã mơ thấy một vị nữ thần dẫn theo hơn 80 người, quỳ xuống bái giường của ông. Ngay cả sau khi đã thức dậy, ông vẫn có thể nhìn thấy họ. Biết rằng mạng sống của mình đã tận, không lâu sẽ tạ thế, ông đã lệnh cho mọi người chuẩn bị đồ tang lễ. Sau đó, bệnh của ông tái phát, và ông mất vào năm Trung Đại Đồng thứ ba (531).
Hai anh em gia tộc họ Hà nhờ hành mỹ đức, đã được lưu lại trong “Nam sử” và “Lương thư”. Không chỉ vậy, mà cả những giấc mộng đặc biệt – như những mảnh vụn trong cuộc đời họ – truyền tụng lòng từ bi của các vị Thần che chở cho con người. (Theo “Nam Sử” tập 30, “Lương thư” tập 51 )
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Tác giả Hồng Xiêm, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch