Võ Đại Lang phát hiện ra chuyện vụng trộm của vợ mình liền bị Tây Môn Khánh đánh trọng thương. Vương Bà bèn bày kế cho Phan Kim Liên hạ độc chồng để bịt miệng, sau đó mới có thể cùng với Tây Môn Khánh bàn tính chuyện trăm năm…

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã phơi bày những góc khuất của chính quyền Trung Quốc. Chứng kiến Trung Quốc thao túng chính trị và các tổ chức quốc tế nhằm che giấu dịch bệnh, không ít người đã gọi Bắc Kinh là “đại dâm phụ” trong Kinh Thánh. Điều thú vị là văn học cổ điển Trung Hoa cũng có một đại dâm phụ, đó chính là Phan Kim Liên – vợ của Võ Đại Lang, anh trai của Võ Tòng trong Thủy Hử.

Mặc dù “đại dâm phụ” Bắc Kinh không liên quan đến “đại dâm phụ” của Thủy Hử, nhưng có người đã mượn hình tượng Phan Kim Liên để châm biếm các thủ đoạn của Bắc Kinh trong việc thoái thác trách nhiệm gây ra đại dịch. Ví dụ như bịt miệng nhân chứng, giả làm nạn nhân, hay phản công thông qua các chiến dịch tuyên truyền và đổ tội.

Dưới đây là một phóng tác minh họa cho câu chuyện trên.

Chuyện kể rằng, ngay khi Võ Đại Lang phát hiện ra chuyện vụng trộm của vợ mình thì bị Tây Môn Khánh đánh đến mức trọng thương. Vương Bà liền bày kế cho Phan Kim Liên hạ độc chồng để bịt miệng, sau đó mới có thể cùng với Tây Môn Khánh bàn tính chuyện trăm năm…

Một: Bịt miệng, xóa dấu vết

Nghe lời Vương Bà, Phan Kim Liên cất độc dược vào tay áo rồi đắc ý trở về nhà. Thấy Võ Đại đang nằm bệt trên giường, hơi thở khó nhọc, nàng ta liền giả bộ ra chiều thương xót khóc òa lên.

Kim Liên: “Thiếp là người đoan chính, đâu dám một dạ hai lòng với chàng. Nhưng người ta thấy thiếp nhẹ dạ cả tin nên mới lừa vào tròng, thiếp cũng chẳng biết phải làm sao. Bây giờ chàng phải chịu thiệt thòi như thế, thiếp quả thực rất đau lòng”.

Võ Đại: “Nàng đã nói như vậy thì ta cũng không còn chấp nhặt chuyện quá khứ làm gì. Chỉ e ta ốm đau không biết đến ngày nào khỏi được”.

Kim Liên: “Chàng đừng lo, thiếp đã mua thuốc về rồi đây. Thầy lang dặn là đợi đến nửa đêm thì sắc uống, rồi đắp chăn kín mít cho toát mồ hôi là sáng mai sẽ khỏi”.

Võ Đại vốn người chất phác không ngờ vợ đang mưu kế hại mình. Đêm ấy Võ Đại vừa uống xong bát thuốc liền ôm bụng quằn quại, đau đớn như xé ruột xé gan rồi thổ huyết mà qua đời.

Vương Bà biết mọi sự đã xong, liền chạy sang giúp Phan Kim Liên lau sạch vết máu trên sàn nhà. Chuyện xảy ra giữa đêm hôm khuya khoắt nên phố xá không ai biết, xóm làng không ai hay…

Hai: Giả làm nạn nhân

Võ Tòng đã xong việc ở Đông Kinh bèn vội vã trở về huyện Dương Cốc. Khi đi trời tàn đông lạnh lẽo, đến khi trở về đã bắt đầu sang tiết tháng ba, khí trời ôn hoà dễ chịu nhưng trong lòng Võ Tòng thì thảng thốt không yên, chỉ mong sao về ngay để thăm huynh trưởng ở nhà.

Võ Tòng: “Ca ca! Tẩu tẩu! Đệ đã về rồi đây!”.

Tây Môn Khánh đang ở trên gác nghe tiếng gọi, hoảng hốt leo qua cửa sổ trốn sang nhà Vương Bà ngay sát vách, còn Phan Kim Liên thì vội vàng lau sạch phấn son rồi khoác chiếc áo tang vào, vừa bước xuống cầu thang vừa nức nở.

Kim Liên: “Thúc thúc, sao giờ này thúc thúc mới về?”.

Võ Tòng vừa bước vào đã thấy cờ rủ khăn tang và bài vị của đại ca, toàn thân như chết lặng hồi lâu, chàng lảo đảo bước vài bước rồi bất giác quỳ xuống trước bàn thờ. Kim Liên thấy vậy lại càng khóc lóc vật vã.

Kim Liên: “Lang quân chàng hỡi, sao nỡ lòng nào bỏ thiếp mà đi như thế? Sao chàng không gắng thêm đôi ba ngày chờ thúc thúc trở về, để đến nỗi bây giờ âm dương cách biệt, lòng thiếp lại đau đớn muôn phần…”.

Võ Tòng: “Tẩu tẩu, ca ca vì sao lại chết?”.

Kim Liên: “Thúc thúc vừa đi được dăm hôm thì lang quân bị đau bụng đến tám, chín ngày. Tôi phải vay mượn làng xóm rồi chạy vạy khắp nơi tìm thầy thuốc, phí tổn không biết bao nhiêu mà kể, nhưng cũng không thể nào cứu chữa được”.

Nói rồi lại úp mặt vào khăn mà khóc.

Võ Tòng: “Xưa nay ca ca không bao giờ đau bụng, sao bây giờ lại thế?”.

Kim Liên không biết đối đáp ra sao, bèn giả bộ gục đầu vào bàn thờ than vãn.

Kim Liên: “Lang quân ơi, thiếp chăm sóc chàng chu đáo như thế, ân cần như thế, cớ sao chàng lại đổ bệnh để đến nông nỗi này? Rồi khi chàng ốm thiếp lại phải lo lắng thuốc thang, vậy mà chàng vẫn cứ bỏ thiếp mà đi. Giờ thiếp phải bơ vơ, việc nhà một mình lo toan gánh vác, ma chay, hương khói, mộ phần… thứ gì cũng đến tay. Đàn bà liễu yếu đào tơ như thiếp biết phải làm sao đây?”.

Võ Tòng: “Ca ca đã uống thuốc, cớ sao vẫn không khỏi?”.

Kim Liên: “Tôi đâu phải lang y, làm sao biết được? Nói không chừng người ta thấy tôi cả tin, nên bán cho thuốc giả cũng nên. Người chết thì cũng đã chết rồi, giờ tôi sống cảnh góa bụa, rốt cuộc cũng chỉ là nạn nhân mà thôi”.

Ba: Phản công

Đêm hôm ấy Võ Tòng trải chiếu ngủ ở linh đường, trong mơ thấy oan hồn của Võ Đại hiện về thấp thoáng. Võ Tòng biết ca ca chết không minh bạch nên đi tìm chị dâu hỏi cho ra lẽ.

Võ Tòng: “Tẩu tẩu, hãy nói thật cho đệ biết, ca ca vì sao lại chết?”.

Kim Liên: “Sao thúc thúc vội quên thế? Chẳng phải hôm qua tôi đã nói rồi sao?”.

Võ Tòng: “Đệ không cần lý lẽ, đệ chỉ cần sự thật”.

Kim Liên: “Thật đúng là ‘trong hoạn nạn mới biết chân tình bạn’. Tôi chân yếu tay mềm, bao ngày qua một mình lo toan tất cả, thúc thúc đã chẳng giúp được gì mà lại còn gieo rắc nỗi sợ hãi. Giờ thúc thúc lại chất vấn tôi là làm sao?”.

Võ Tòng: “Con người chứ có phải gỗ đá đâu, không thể nói chết là chết, nói xong là xong được”.

Kim Liên: “Tôi điều gì cũng minh bạch cởi mở. Thúc thúc mà nghi ngờ thì chính là coi thường tôi đấy”. 

Võ Tòng: “Ca ca chết không rõ ràng, đệ nhất định phải tìm cho ra sự thật. Tẩu tẩu là người gần gũi ca ca nhất, chẳng lẽ lại dễ dàng phủi tay vậy sao?”.

Kim Liên: “Nghi ngờ và buộc tội người khác không khiến mình cao quý hơn, cũng không thể cứu được mạng người. Khi lang quân đau ốm, chỉ mình tôi là người ngày đêm chăm sóc, còn thúc thúc thì giúp được gì? Đến khi lang quân chết đi, chỉ mình tôi lo ma chay tang sự, lúc ấy thúc thúc ở đâu? Trong lúc nhà cửa rối ren, sao thúc thúc không về mà tận mắt chứng kiến? Thúc thúc đã không an ủi tôi thì chớ, lại nói ra những lời vô tình như vậy. Nếu như lang quân nợ tôi một lời cảm ơn, thì thúc thúc đang nợ tôi một lời xin lỗi đấy!”.

Bốn: Đổ tội

Võ Tòng nghe nói vậy, tức giận rút thanh bảo kiếm ra nghe thấy “choang” một tiếng. Phan Kim Liên dù lòng dạ sắt đá cũng phải kinh hồn bạt vía, biết Võ Tòng sẽ không chịu yên nếu không tìm ra được thủ phạm nên nàng ta bèn nghĩ cách đổ tội, thoái thác trách nhiệm.

Kim Liên: “Thúc thúc đừng nóng, lang quân qua đời, tôi cũng đau xót nào kém gì thúc thúc đâu? Vậy để tôi thử nghĩ xem liệu có ai liên quan đến chuyện này, rồi cùng thúc thúc tìm cho ra đen trắng”.

Kim Liên nhớ đến Huy Ca là cậu bé bán lê vốn rất thân thiết với Võ Đại. Đứa trẻ ngây thơ hẳn sẽ không thể tranh luận hay lý lẽ, nên nàng ta liền nghĩ cách đổ tội cho Huy Ca:

Kim Liên: “Lang quân ngày nào gánh bánh bao ra chợ đều gặp Huy Ca. Hôm ấy gặp cậu ta rồi mới về nhà đổ bệnh, liệu có phải là…”.

Võ Tòng: “Một đứa con nít chưa hiểu sự đời mà tẩu tẩu lại nghi ngờ, chẳng phải nực cười sao!”.

Kim Liên lại nghĩ cách đổ thừa cho thầy lang, vốn là người chỉ có trong tưởng tượng. Nếu hung thủ là người mà Võ Tòng không thể tìm ra tung tích thì chẳng phải vụ án sẽ kết thúc tại đây?

Kim Liên: “Lang quân uống thuốc của thầy y rồi mới qua đời, liệu có phải do thuốc ấy có gì bất tất hay chăng? Chỉ tiếc là thầy y không phải người trong vùng, giờ muốn tìm thì cũng không biết quê quán ở đâu mà tìm”.

Võ Tòng: “Vớ vẩn, ca ca là người nhút nhát, xưa nay nào có chuốc oán gây thù với ai. Một kẻ chẳng quen chẳng biết, chẳng oán chẳng thù, sao có thể hại ca ca cho được? Nếu tẩu tẩu có ý đổ cho người vô tội, vậy đệ nghĩ tẩu tẩu mới thực là đáng ngờ nhất đấy”.

Kim Liên (nổi giận): “Thúc thúc nói vậy mà nghe được sao? Vậy để tôi hỏi cho ra nhẽ: Khi thúc còn chưa đến huyện Dương Cốc thì lang quân vẫn khỏe mạnh, cớ sao thúc vừa đến có mấy ngày thì xảy ra chuyện? Thúc thúc sớm không đi, muộn không đi, vì sao vừa đi khỏi thì lang quân ở nhà liền đổ bệnh? Lang quân bệnh nặng để một mình tôi lo liệu, sao lúc ấy thúc không về cùng gánh vác, mà chờ đến khi hậu sự xong xuôi mới chịu trở về? Giờ thúc thúc thấy tôi đau đớn mất chồng, vẫn chưa mãn hạn tang, cớ sao lại nhằm đúng lúc này để trút mọi điều tiếng lên vai tôi? Thúc thúc nói xem, tôi có nên nghi ngờ thúc gây chuyện rồi đổ tội cho chị dâu hay không?”.

Võ Tòng chua chát cười vang một tiếng, rồi “phập!”, chàng đút thanh bảo kiếm vào bao.

Võ Tòng: “Nói hay lắm, nói hay lắm, thật giống như lý lẽ của truyền thông Trung Quốc. Đệ tin vào Thiên Lý, tẩu tẩu không thể dùng miệng lưỡi để đổi trắng thay đen được đâu. Nếu Võ Tòng của Thi Nại Am dựa vào cái dũng của đấng trượng phu, thì Võ Tòng ngày hôm nay sẽ dùng cái trí của bậc quân tử để đòi lại công lý. Tẩu tẩu cứ chờ xem, đệ sẽ sớm có đầy đủ tang chứng, vật chứng, và nhân chứng, lúc ấy nhất định tẩu tẩu sẽ tâm phục khẩu phục. Còn như nói phân xử ra sao, hãy chờ đến khi Hoa Kỳ cùng liên minh châu Âu tính sổ với Trung Quốc sẽ rõ…”.

Video: Trong thảm họa dịch bệnh, thế giới còn nhớ lời cảnh tỉnh của người Hồng Kông?

videoinfo__video3.dkn.tv||90cb739cc__

Có thể bạn quan tâm: