Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Khi còn là một Hoàng tử, Ung Chính đã rất chăm chỉ, đọc nhiều sách, rất quan tâm đến tình trạng đạo đức của đất nước. Ông quan tâm sâu sắc đến các truyền thống tín ngưỡng và triết học của Trung Hoa, coi chúng như kim chỉ nam để xây dựng chính sách trị vì.

Tham nhũng là một vấn nạn lớn của vương triều Mãn Thanh. Có thể bạn đã từng nghe những câu chuyện về tham quan Hòa Thân nổi tiếng. Nhưng Hòa Thân cũng mới chỉ là một cá nhân trong số rất nhiều quan lại biến chất của vương triều được đưa ra ánh sáng. Để chống nạn tham ô, các Hoàng đế triều Thanh đã áp dụng rất nhiều biện pháp, từ mềm mỏng đến nghiêm khắc. Nhưng hiệu quả nhất vẫn là cách làm của Hoàng đế Ung Chính.

Hoàng đế Ung Chính triều đại nhà Thanh (1644 – 1911) đã sử dụng một phương pháp toàn diện và hệ thống hơn từ năm 1722 đến năm 1735. Ông áp dụng lối tiếp cận vấn đề trên toàn thể xã hội, thực thi những cải cách dài hạn giúp cải thiện chính sách ở mọi tầng cấp. Khi Ung Chính kế vị, Hoàng đế Khang Hy đã để lại cho ông một đế chế hùng mạnh nhưng bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bè phái và các nhóm đặc quyền lớn, đặc biệt là người Mãn, những người đã chinh phạt Trung Quốc, thiết lập triều Thanh, và kiến tạo nhóm tinh hoa hoàng tộc.

Dù Khang Hy là một Hoàng đế có năng lực lãnh đạo, thi hành nhiều chính sách hiệu quả trong suốt 60 năm trị vì, giới quý tộc vẫn không tôn trọng những nỗ lực tập trung quyền lực của ông. Để tránh chia sẻ quyền lực và khích động phiến loạn, Hoàng đế phải thu phục những người này.

Để biết Ung Chính đã làm cách nào xử lý di sản phức tạp này và tiếp nối sự nghiệp của Khang Hy, chúng ta cần nhìn vào cách ông áp dụng các triết lý vào trong chính sách trị vì của mình.

1. Chuyên cần trở thành nguyên tắc hàng đầu

“Chân dung Hoàng đế Ung Chính khoác Hoàng bào”, của một họa sỹ hoàng gia khuyết danh, triều đại Ung Chính (1723-1735). Ảnh dẫn theo vi.wikipedia.org

Khi còn là một Hoàng tử, Ung Chính đã rất chăm chỉ, đọc nhiều sách, rất quan tâm đến tình trạng đạo đức của đất nước. Ông quan tâm sâu sắc đến các truyền thống tín ngưỡng và triết học của Trung Hoa, coi chúng như kim chỉ nam để xây dựng chính sách trị vì.

Việc Ung Chính rèn luyện bản thân thành một bậc trượng phu có nguyên tắc và tín nghĩa không chỉ là vấn đề sở thích cá nhân, mà còn là sự cấp thiết chính trị. Ung Chính chỉ là một trong 24 người con trai của Khang Hy, việc ông kế thừa đế vị gây ra nhiều tranh cãi trong giới hoàng tộc Mãn Châu.

Trong khi đó, người Hán có số lượng áp đảo tất cả các nhóm dân tộc khác (bao gồm cả người Mãn) thì không tin tưởng vào sự cai trị của ngoại tộc. Tuy nhiên, những lời dạy của Nho gia về gia đình, đạo đức và trị nước thì đã hòa làm một vào chính đất nước Trung Hoa. Thêm vào đó, việc Ung Chính tín ngưỡng đạo Phật cũng rất phù hợp với văn hóa tinh thần của người Trung Quốc.

Bằng cách duy hộ những giá trị truyền thống này, Ung Chính có thể xóa nhòa ranh giới khác biệt giữa người Mãn và người Hán. Trong 13 năm trị vì, Ung Chính đã viết nhiều bài luận nhấn mạnh vai trò quan trọng của học thuyết Nho giáo và giá trị đạo đức.

Điều này được miêu tả trong cuốn “Tái định hướng Mãn Châu” của tác giả Hoàng Bồi. Những tác phẩm của Ung Chính được tập hợp trong cuốn “Thánh dụ quảng huấn”, đã trở thành tài liệu học tập bắt buộc cho giới hoàng tộc và quan lại triều đình thuộc tất cả sắc tộc.

2. Thanh lọc hệ thống tài chính

Ung Chính nói là làm. Để làm sạch bộ máy hành chính quan liêu và giới hoàng tộc, ông đã thực thi nghiêm ngặt các quy định về thuế để chấm dứt thâm hụt ngân sách và đảm bảo nợ nần được thanh toán đúng hạn. Vào cuối thời trị vì của Ung Chính, dự trữ bạc quốc gia tăng vọt tới 60 triệu lạng.

Điều duy nhất khiến người ta giảm bớt đi sự khâm phục đối với vị Hoàng đế này là việc ông trừng phạt những người anh em của mình khi họ bất bình trước việc ông lên nối ngôi. Rất nhiều hình phạt được áp dụng, từ tịch thu tài sản, lưu đày biệt xứ hoặc giam giữ tại nhà. Tuy nhiên, cùng lúc đó, Ung Chính đã thanh lọc đội ngũ quan lại và trừng phạt kẻ tham nhũng, góp phần cải thiện cuộc sống của lê dân trăm họ.

3. Cải thiện đời sống nhân dân

Những cải thiện trong chính sách thuế giúp Ung Chính mang thịnh vượng đến toàn thể xã hội. Ở vùng nông thôn, ông thay hệ thống thuế tính theo đầu người đã có từ hàng nghìn năm bằng hệ thống thu thuế mới dựa trên giá trị đất đai. Nhờ đó, cuộc sống của những nông dân nghèo có rất ít đất hoặc không có đất phần nào trở nên thoải mái hơn. Cùng lúc đó, Hoàng đế đầu tư tiền của xây dựng lại những vùng quê nghèo khó đã bị tàn phá trong những cuộc phiến loạn trong suốt triều đại trước.

Ung Chính cũng bãi bỏ tầng lớp xã hội hạ lưu, tương tự như những “tiện dân” ở Ấn Độ. Những người này từng bị coi là công dân hạng hai, bị gọi là “kẻ vô giá trị”. Giờ đây, họ được nâng lên ngang hàng với những công dân bình thường khác. Mặc dù trong thực tế, để xóa đi sự phân biệt đối xử cần thời gian lâu dài, đạo luật của Ung Chính đã mang đến cho những người bị gọi là “vô giá trị” trước đây những cơ hội việc làm và hòa nhập xã hội tưởng như không thể với tới trước đây. 

4. Thực thi nền hành chính mạnh mẽ và công bằng 

Giới quý tộc Mãn Châu mà Ung Chính và vua cha Khang Hy thuộc về được hưởng nhiều đặc quyền đặc lơi. Thời Ung Chính, triều Thanh đã tồn tại khoảng tám thập kỷ và bản thân tầng lớp quý tộc đã trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Sự tranh đấu của Ung Chính với nhiều anh em của ông cho đế vị đã thể hiện tính trầm trọng của cuộc khủng hoảng nhãn tiền này. 

Hoàng đế mới thiết lập một hệ thống hành chính mạnh mẽ, đảm bảo giới quý tộc chiểu theo các chuẩn mực như nhau. Bằng cách này, đất nước có thể được cai trị hiệu quả. Thông qua việc làm mạnh nền hành chính, nền pháp quyền được thực thi bởi quan lại, những người được bổ nhiệm qua thi cử chứ không phải giới hoàng tộc.

Một khía cạnh quan trọng của những cải cách của Ung Chính là người Mãn và người Hán trở nên bình đẳng trước pháp luật. Như Hoàng Bồi nhận xét: “Ung Chính “đã giới hạn đặc quyền của giới hoàng tộc cùng hệ thống Bát kì quan liêu, từ đó hạn chế đặc quyền hành pháp của người Mãn, đồng thời thiết lập trật tự hành chính cấp tỉnh để trừng phạt những kẻ phạm pháp bất kể họ thuộc dân tộc nào”.

Cùng lúc đó, sự hòa nhập dần dần của người Mãn, bao gồm việc tăng cường việc học Khổng giáo mà Ung Chính khuyến khích, đã cho phép họ giữ được địa vị (là nhóm thiểu số) thống trị triều đại nhà Thanh trong gần 200 năm sau khi Ung Chính băng hà.

Thành phố Tô Châu hưng thịnh dưới triều đại nhà Thanh. Ảnh dẫn theo thoibao.today

Nhổ tận gốc tham nhũng và xây dựng ổn định thật sự đòi hỏi một nỗ lực thực sự trong việc cải tổ xuyên suốt toàn xã hội. Như đã thấy ở trên, Ung Chính thực sự đã làm được điều đó. Ông trị vì giữa 2 hoàng đế vĩ đại nhất của Trung Quốc: Khang Hy, lên ngôi vào năm 1662 và Càn Long, người cai trị trong 64 năm cho tới khi băng hà năm 1799. Hơn 140 năm đó được xem là thời đại vàng kim của triều đại Thanh cũng như văn hóa Trung Hoa. 

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Anh 
Thanh Ngọc biên dịch 

Xem thêm: