“Cha truyền con nối” là phương thức duy trì quyền lực phổ biến của các triều đại phong kiến Trung Quốc và Việt Nam. Dẫu có những chuyện như: Thái hậu Dương Vân Nga của nhà Đinh nhường ngôi cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, khai mở triều Tiền Lê; Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh đánh dấu sự chuyển giao triều đại Lý-Trần… nhưng đều có phần cưỡng ép. Nếu không vì thế nước nguy nan ngàn cân treo sợi tóc, thì cũng là mưu đồ tiếm quyền đoạt vị.
Ấy thế mà, trong lịch sử có một vị Hoàng Đế đã chủ động nhường ngôi cho người hiền trong thiên hạ. Ông chính là Đế Nghiêu.
Đế Nghiêu (2337 TCN–2258 TCN) là một trong Ngũ Đế thời cổ đại của Trung Hoa. Cùng với các vua Thuấn và Vũ sau này, Nghiêu được xem là vị Hoàng đế vĩ đại bậc nhất trong lịch sử. Khổng Tử ca ngợi : “Làm vua như vua Nghiêu thật là vĩ đại thay! Thật là cao quý thay! Chỉ có trời là cao lớn nhất, cũng chỉ có vua Nghiêu là người biết dựa vào đạo trời. Công đức của vua Nghiêu to lớn không cùng, dân chúng không thể ca ngợi cho xiết. Công lao của vua Nghiêu vô cùng vĩ đại. Chế độ lễ nhạc do vua Nghiêu đặt ra vô cùng sáng tỏ, chiếu tỏa hào quang khắp mọi nơi.” (Luận Ngữ)
Nghiêu quyết không nhường ngôi cho con trai
Vua Nghiêu tuyển quan và chọn lọc người kế vị, hoàn toàn xuất phát từ nghĩa công, không luận thân sơ xa gần, nhất loạt đều dùng tiêu chuẩn kính thuận Thiên thượng, hiếu thuận thuần chính, đức dày mà có lợi cho trăm dân thiên hạ. Có người tên Phóng Tề tiến cử Đan Chu con trai Nghiêu, vua Nghiêu nghiêm túc nói: “Không được, con ta kém đức hạnh, hay tranh cãi với người.” Ông cho rằng nhượng ngôi cho Đan Chu, người trong thiên hạ ắt chịu thiệt hại. Vì lợi ích của một mình Đan Chu mà tổn hại đến đại đạo Thiên thượng và người trong thiên hạ, vua Nghiêu quyết không làm.
Nghiêu muốn nhường ngôi cho Hứa Do
Thời vua Nghiêu, có Hứa Do là ẩn sĩ tài đức vẹn toàn. Nghiêu rất khiêm nhường, tự nhận mình kém cỏi, muốn nhường ngôi báu cho Hứa Do vì cho rằng tài Hứa Do ngời sáng như mặt trăng mặt trời, đức thấm nhuần thiên hạ như mưa tưới đất cằn. Hứa Do không nhận, bảo rằng thiên hạ đã thái bình rồi, nếu ông nhận ngôi báu thì tựa hồ vì lý do khác chứ không phải vì hạnh phúc người dân. Trang Tử cho Hứa Do trả lời vua như thế này :
Hứa Do nói: “Ngài trị vì thiên hạ thì thiên hạ đã thái bình rồi. Nếu tôi thay chỗ ngài, chẳng phải vì tôi háo danh sao? Danh chỉ là vẻ ngoài của điều chân thật, chẳng lẽ tôi vì cái vẻ ngoài sao? Chim ri làm tổ trong rừng sâu không cần nhiều hơn một cành; chuột chũi đi uống nước sông không cần đầy hơn một bụng. Thôi nhà vua hãy về nghỉ đi, tôi chẳng biết dùng thiên hạ để làm gì! Đầu bếp nấu nướng mà không rành thì thầy cúng cũng không thể bỏ chỗ để thế hắn được.”
Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn
Vua Nghiêu lại trưng cầu ý kiến những vị thủ lĩnh tứ phương, nói: “Ta tại vị đã 70 năm, các ngươi ai có thể thuận theo Thiên ý, tiếp quản chức vị của ta?” Các vị thủ lĩnh đáp: “Chúng tôi vô đức, không xứng tiếp quản vương vị.”
Nghiêu nói: “Các vị cũng có thể minh xét và tiến cử những bậc hiền giả cấp dưới ẩn cư.” Chúng thần nhao nhao tiến cử với vua Nghiêu rằng: “Có một vị nam tử độc thân ẩn cư tại nhân gian, gọi là Ngu Thuấn.” Vua Nghiêu nói: “Được! Ta cũng từng nghe nói đến người này. Ông ta thế nào?” Các vị thủ lĩnh nói: “Ông ấy là con trai của nhạc sư Cổ Tẩu. Phụ thân ngoan cố ngu xuẩn, mẹ kế ăn nói hỗn xược, huynh đệ ngạo mạn hung ác, Thuấn cũng có thể dùng hiếu lễ sống hòa hợp với họ, dùng đức sáng cung kính, sáng suốt lo liệu việc nhà chu toàn, trong lòng không hề có bất kỳ tà niệm nào.” Vua Nghiêu nói: “Ta muốn thử ông ta xem! Gả con gái cho ông ta, khảo nghiệm xem đạo đức mà ông dùng để chung sống với hai con gái ta.” Nên bèn lệnh cho hai người con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh đến bến Cô Nhuế gả làm vợ Thuấn.
Nghiêu cũng phong quan cho Thuấn, nhiều lần giao việc khó làm, đồng thời cử chín nam tử cùng Thuấn chung sống, quan sát nguyên tắc hành sự triều chính của ông, và dặn ông phải dốc lòng tận hết trách nhiệm. Thuấn trồng trọt tại Lịch Sơn, người Lịch Sơn đều nhường nhau mốc giới thửa ruộng; ông đánh cá tại Lôi Trạch, mọi người xung quanh đều nhường nhau chỗ ở; ông làm gốm sứ bên dòng sông Hoàng Hà, gốm sứ do người dân bên dòng sông sản xuất ra không thô ráp, vỡ hỏng. Nơi Thuấn ở, một năm đã biến thành thôn trang, hai năm thành thị trấn, ba năm thành đô thị. Nên Nghiêu ban thưởng cho ông y phục và đàn, cho ông sửa kho chứa, ban tặng trâu dê.
Phụ mẫu, huynh đệ của Thuấn muốn giết Thuấn, Thuấn mấy lần dùng trí huệ trốn thoát. Sau khi trở về, Thuấn lại càng hiếu thuận với phụ mẫu, thiện đãi huynh đệ. Nên Nghiêu bèn cho ông đi phổ truyền ngũ giáo, lệnh cho ông tán dương đạo đức tốt đẹp nhân luân ngũ thường, nghiêm khắc dùng năm đạo đức luân lý là “nghĩa phụ, ơn mẫu, huynh hữu, đệ kính, tử hiếu” là quy phạm dẫn dắt bách tính. Khi bách tính đều có thể tuân theo năm quy phạm đạo đức này, vua Nghiêu liền lệnh cho Thuấn tới phủ các quan làm việc. Thuấn đều làm rất tốt. Ba năm sau vua Nghiêu truyền ngôi cho Ngu Thuấn.
Thuấn lại nhường ngôi cho Vũ…
Sau này, vua Thuấn không truyền ngôi cho con mình là Thương Quân mà lại nhường ngôi cho Hạ Vũ, là người có công trị thủy. Tương truyền, trong những năm Đại Vũ trị thủy, ông đã đi ngang qua nhà của mình ba lần nhưng không vào. Lần đầu tiên đi ngang qua, ông nghe nói rằng vợ của mình đang sinh đẻ. Lần thứ hai đi ngang qua, con trai của Vũ đã có thể gọi tên cha mình. Gia đình thúc giục Vũ trở về nhà nhưng ông từ chối vì lũ lụt vẫn xảy ra. Lần thứ ba đi ngang qua, con trai của ông đã hơn 10 tuổi. Mỗi lần như vậy, Vũ đều từ chối đi vào cửa, nói rằng vì lũ lụt đã khiến vô số người vô gia cư, ông chưa thể nghỉ ngơi được. Cảm phục Hạ Vũ, Dao Cơ – con gái thứ 23 của Tây Vương Mẫu đã dùng thần thông giúp đỡ ông. Sau 49 ngày, đá đã từ từ trở nên mềm và những người thợ đã có thể tạo ra một đường dẫn băng ngang qua Vũ Hán để cho nước lũ thoát ra biển.
Nghiêu Thuấn có thật trong lịch sử?
Một số người cho rằng thời thái bình thịnh trị của Nghiêu, Thuấn chỉ là huyền thoại. “Truyền thuyết kể lại rằng sau 70 năm cai trị của vua Nghiêu, Mặt trời và Mặt trăng sáng rực rỡ như đồ trang sức, năm hành tinh sáng lên như ngọc trai xâu thành chuỗi, phượng hoàng làm tổ trong sân cung điện, suối pha lê chảy ra từ những ngọn đồi, cỏ ngọc bao phủ các vùng nông thôn, vụ mùa hết sức bội thu, hai con kỳ lân (điềm báo của sự thịnh vượng) xuất hiện tại kinh đô Bình Dương, và lịch hạt kỳ diệu xuất hiện, cho mỗi ngày một hạt đậu trong nửa tháng trước khi 15 hạt héo từng cái một trong những ngày kế tiếp”.
Các triều đại phong kiến về sau vẫn lấy Nghiêu Thuấn làm lý tưởng mẫu mực để noi theo. Bên trong điện Thái Hòa (thành nội Huế), ngay trên ngai vua có bài thơ:
Văn hiến ngàn năm dựng
Núi sông vạn dặm xa
Hồng Bàng thuở lập quốc
Nghiêu Thuấn vững sơn hà.
Thời Trần, các vua nhường ngôi cho con về làm Thái Thượng Hoàng, thường được đặt tôn hiệu có tên của vua Nghiêu. Cách đặt này ngoài ngụ ý so sánh Thái Thượng Hoàng như vua Nghiêu, còn so sánh vua kế vị như vua Thuấn. Ví như Trần Thái Tông khi làm Thái Thượng Hoàng có tôn hiệu Hiển Nghiêu, Trần Thánh Tông là Quang Nghiêu, Trần Nhân Tông là Hiến Nghiêu, v.v…
Vậy rốt cuộc, Nghiêu Thuấn có thật trong lịch sử hay không?
Gần đây, các nhà khảo cổ học Trung Quốc hiện đã xác nhận sự tồn tại của kinh đô cổ xưa liên quan đến Đế Nghiêu huyền thoại. Di chỉ khảo cổ Đào Tự, Sơn Tây, Trung Quốc đã được xác nhận nơi đây từng là kinh đô cổ xưa, với tên gọi là Bình Dương.
Ông He Nu, một học giả thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết: “Theo một số tư liệu lịch sử Đào Tự chính là Bình Dương, kinh đô của triều nhà Nghiêu… Thời đại vua Nghiêu và hậu duệ là Thuấn và Vũ không phải huyền thoại. Họ thật sự tồn tại trong lịch sử”.
Đế Nghiêu vì sao lại nhường ngôi cho người không thân thích?
Sau thời Tam Hoàng Ngũ Đế, các triều đại phong kiến Trung Hoa nối tiếp nhau cai trị thiên hạ, viết nên những trang sử bi tráng “binh chinh thiên hạ, thắng giả vi anh hùng”. Mỗi một lần thay triều hoán đại thường dấy động đao binh, nhân dân thống khổ. Khổng Phu Tử không ưa dùng võ lực, từng tỏ ý ngợi khen vua Thuấn vì được Nghiêu truyền ngôi, còn Võ Vương nhà Chu tuy diệt Trụ cứu dân nhưng phải động binh đánh dẹp (Luận Ngữ: Khổng tử khen nhạc Thiều: “Cực hay lại cực tốt lành”, khen nhạc Võ: “Cực hay, nhưng chưa cực tốt lành”).
Đế Nghiêu thuận theo Đạo Trời mà giáo hóa và cai trị dân chúng: “Nghiêu soái thiên hạ dĩ đạo nhi dân tòng chi” (Nghiêu dùng Đạo thống lĩnh thiên hạ mà lòng dân theo). Ông nhường ngôi cho người hiền trong thiên hạ lại cũng là chiểu theo Đạo Trời. Có câu: “Hoàng thiên vô thân, duy đức thị phụ; dân tâm vô thường, duy huệ chi hoài” (Tạm dịch: “Trời xanh không kể thân thích, chỉ trợ giúp người có Đức, lòng người thay đổi vô thường, chỉ ban ân huệ cho người có tấm lòng”). Mệnh trời sẽ chỉ chiếu cố những vị vua có đức, nếu con trai Nghiêu lên ngôi Thiên tử mà thiếu đức, ắt sẽ khiến thiên hạ suy vong. Bởi thế, Đế Nghiêu thuận theo Đạo Trời mà tìm người hiền đức trong thiên hạ để nhường ngôi.
Thời Nghiêu-Thuấn-Vũ vua thánh tôi hiền, vạn vật tốt tươi, bách tính an cư lạc nghiệp suy cho cùng cũng bởi bậc quân vương kính cẩn thi hành Thiên Đạo. Không như cách hiểu sai lầm của một số người rằng nghe theo Thiên mệnh là “thụ động, thủ tiêu đấu tranh”; thực tế, hiểu thấu Đạo Trời là trí huệ phi phàm của cổ nhân, bởi “Thiên nhân hợp nhất”, con người sống hài hòa với Đạo thì sẽ mang tới an lạc và phúc thọ. Ví như Lão Tử từng nói: “Thượng thiện nhược thuỷ. Thuỷ thiện lợi vạn vật nhi bất tranh. Xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ vu Đạo” (Làm người nên giống như nước vậy, nước nuôi dưỡng vạn vật, nhưng chưa bao giờ cùng vạn vật tranh cao thấp, phẩm chất này mới là gần với Đạo nhất).
Ngược lại, Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày nay lại rao giảng vô thần luận, “nhân định thắng thiên”, ngang nhiên tuyên bố “đấu trời là niềm vui vô tận, đấu đất là niềm vui vô tận, và đấu người là niềm vui vô tận” (Mao Trạch Đông). Mảnh đất Trung Hoa ngày nay, mưa không thuận nắng chẳng hòa, từ đất đai, sông ngòi đến không khí đều ô nhiễm nghiêm trọng, đạo đức băng hoại hàng ngày, tiếng ai oán thấu cả trời xanh. Đó chẳng phải là quả báo cho sự ngông cuồng chống lại Đạo Trời hay sao?
Từ xưa đến nay, không ít người đã từng mơ về một thời thái bình thịnh thế “Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn. Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền” (Nguyễn Trãi). Để đạt được mong ước ấy, phải làm sao để trong tâm người ta có Đạo. Từng giờ từng khắc, mỗi tư mỗi niệm đều theo “Chân-Thiện-Nhẫn”, chẳng phải đó là con đường nhanh nhất sao?
Mã Lương
Xem thêm: