Quan Vũ trong “Tam Quốc diễn nghĩa” được mọi người ca ngợi là “anh dũng bậc nhất, sức địch vạn người”. Ông chém Hoa Hùng ở Hổ Lao quan khi chén rượu vừa rót ra vẫn còn nóng ấm; lấy đầu Nhan Lương, Văn Xú trong trận chiến ở Quan Độ, vô cùng uy dũng. Nhưng một anh hùng cái thế, kiêu dũng thiện chiến như vậy lại mang hoạ sát thân bởi ba câu nói của chính mình.

“Nghìn vạn hùng binh không cản nổi, một đao một ngựa chém Nhan Lương, chỉ bởi Vân Trường võ nghệ mạnh, khiến cho mãnh tướng thúc thủ vong”. Về tài võ nghệ, thao lược binh pháp, có lẽ ít dũng tướng nào vượt qua Quan Vũ. Văn võ song toàn, chiến trận luôn đi đầu, Quan Vũ chính là mãnh tướng bậc nhất của Thục Hán. Nhưng tiếc là ngạo khí của ông quá lớn, nhiều khi chủ quan khinh địch, làm mất lòng người, dẫn đến tai vạ sau này.

Nuôi con tò vò

Lưu Phong vốn có tên là Khấu Phong, là con trai của La hầu trấn thủ Phàn Thành (Trường Sa), con đẻ của em gái Lưu Bị. Lưu Bị vừa thấy Phong đã đem lòng quý mến, nhận làm con nuôi, cho mang họ Lưu, đổi tên thành Lưu Phong. Khi Lưu Phong được Lưu Bị đưa về bái Quan Vũ, Trương Phi làm chú, Quan Vũ đã nói: “Đại huynh nay đã có con, hà tất phải nuôi con tò vò? Sau này thế nào cũng có loạn”. “Con tò vò” ý là chỉ con nuôi, không phải con ruột của mình. Cũng bởi câu nói này là Quan Vũ đã kết oán với Lưu Phong.

Khi Quan Vũ bị vây khốn ở Mạch Thành, từng cầu viện Lưu Phong, Mạnh Đạt, nhưng Mạnh Đạt lại khích bác Lưu Phong rằng chớ quên năm xưa Quan Vũ đã giễu cợt mình là con tò vò. Lưu Phong nghe xong, oán xưa trỗi dậy, thẳng thừng cự tuyệt xuất binh cứu viện. Cuối cùng, Quan Vũ chiến bại ở Mạch Thành.

Đến chết mới thôi

Lưu Bị không lấy được Tây Xuyên, quân sư Bàng Thống bị trúng tên mất mạng ở gò Lạc Phượng, bèn cử Quan Bình đến Kinh Châu mời Khổng Minh giúp đỡ. Khổng Minh trao cho Quan Vũ gánh lấy trọng trách trấn thủ Kinh Châu. Khổng Minh mở tiệc rồi giao ấn thụ. Khổng Minh trịnh trọng nhắc: “Tất cả trách nhiệm lớn lao gởi vào tay tướng quân đây”. Quan Vũ đáp: “Ðại trượng phu nhận lãnh trọng trách, trừ phi tuyệt mạng mới thôi”.

Dân gian gọi những lời không may mắn này là “vạ miệng”. Người xưa rất kỵ nói ra những lời vạ miệng như vậy. Khi Quan Vũ nói ra từ “tuyệt mạng” này, Khổng Minh nghe vậy lòng chợt không vui nhưng việc đã giao rồi. Quan Vũ cuối cùng thật sự đã chiến tử ở Kinh Châu, câu nói này không ngờ đã trở thành một lời sấm!

Tranh vẽ Quan Vũ (ảnh: Sohu).

Con hổ không gả cho loài chó

Năm 219, Lưu Bị đánh chiếm được Đông Xuyên từ tay Tào Tháo, lại đánh lui được đại quân Tào, tự xưng là Hán Trung vương. Quan Vũ được phong làm Tiền tướng quân và ban cho cờ tiết, lưỡi phủ việt.

Tôn Quyền sau đó tiếp tục muốn củng cố tình thân với Lưu Bị, bèn sai sứ giả đến xin cầu hôn con gái Quan Vũ cho con trai mình. Tuy nhiên, Quan Vũ không nhận thức được tầm quan trọng của liên minh Tôn – Lưu như Gia Cát Lượng từng nhấn mạnh, không những từ chối mà còn nhục mạ Tôn Quyền. Ông quát vào mặt sứ giả Đông Ngô: “Con gái ta như loài hổ, lại thèm gả cho loài chó à!”.

Từ đó quan hệ giữa Đông Ngô và Kinh Châu lại căng thẳng hơn trước. Người duy nhất chủ trương giữ hòa khí với Lưu Bị là Lỗ Túc đã qua đời nên Tôn Quyền chủ trương ngả theo Tào Tháo để lấy toàn bộ Kinh Châu.

Quan Vũ anh hùng một đời nhưng lại thảm bại bởi ba câu nói này, thật là một bài học cảnh tỉnh hậu thế! Người xưa vì để tránh họa từ miệng ra, rất chú trọng lời ăn tiếng nói, không vạ miệng, không ăn nói tùy tiện, đặc biệt là không tùy tiện phát lời thề độc để tránh mang lại tai họa cho chính mình. 

Vũ Dương
Theo Secret China

Một câu nói ác ý có thể làm hao tổn phúc báo cả đời người

videoinfo__video3.dkn.tv||ab2e68952__