Trong lịch sử, Thuấn Đế được coi là một trong năm vị vua huyền thoại của Trung Hoa, được Đạo gia tôn vinh là “Địa quan đại đế”, sánh ngang với “Thiên quan đại đế” của vua Nghiêu và “Thủy quan đại đế” của Hạ Vũ. Vậy vì sao vua Thuấn lại trở nên thần thánh đến như vậy? Tất cả chỉ nằm ở một chữ “Hiếu” này mà thôi…

Câu chuyện về Ngu Thuấn

Tương truyền, vào đêm trước khi sinh ra Thuấn Đế, mẹ ông là Ốc Đăng mộng thấy một con chim rất lớn bay tới, đầu dài như đầu ngỗng, lưng giống như một con kỳ lân, trên ngực lại có những vảy vân hoa như rồng. Con chim bay lượn nhảy nhót trên bầu trời, khi thì lộng lẫy như phượng hoàng, lúc lại uyển chuyển như chú chim thanh tước trên cây ngô đồng.

Sau màn nhảy múa kỳ lạ ấy, chú chim bay vào bụng bà Ốc Đăng và biến mất. Sáng sớm hôm sau khi mặt trời ló rạng, bà Ốc Đăng hạ sinh một bé trai, đặt tên là Trọng Hoa, về sau được gọi là Thuấn, hay Ngu Thuấn.

Chân dung Ngu Thuấn. (Ảnh: wikipedia)

Mẹ của Thuấn mất sớm, chưa đến ngày mãn tang, cha ông đã vội vàng đi thêm bước nữa. Mẹ kế của ông là người phụ nữ cay độc hiểm ác, yêu quý con ruột của mình hơn con riêng của chồng nên đối đãi với Thuấn vô cùng tàn ác.

Cũng chính bà đã kích động khiến cha ông thù ghét con trai mình. Nhưng dù bị ngược đãi thế nào, Thuấn vẫn cung kính hiếu thuận với cha và mẹ kế, tận hiếu và giữ đúng đạo làm con. Ông đối với hàng xóm láng giềng cũng vô cùng nhân từ, hết lòng vì người khác.

Lòng hiếu thảo làm cảm động Trời xanh

Trong “Nhị thập tứ hiếu” còn ghi lại câu chuyện hiếu thuận của Ngu Thuấn làm cảm động trời xanh. Chuyện kể rằng, khi Ngu Thuấn còn trẻ, cha và mẹ kế bắt ông đi cày ở núi Lịch Sơn – một nơi nổi tiếng có nhiều thú dữ ăn thịt người. Biết rõ đây là nơi đất dữ, Thuấn vẫn vâng lời không hề ca thán.

Lúc Thuấn cày ruộng, đột nhiên xuất hiện một con voi từ trong rừng đi ra. Con voi không tỏ ra hung dữ mà còn chủ động giúp ông làm việc, rất nhanh chóng mảnh đất cằn cỗi đã được cày xong. Đến khi ông cần nhổ cỏ gieo hạt, lại có một bầy chim bay tới giúp ông nhổ cỏ.

Con voi không tỏ ra hung dữ mà còn chủ động giúp Thuấn cày ruộng (Tranh vẽ của Utagawa Kuniyoshi [歌川国芳; 1798 – 1861] trong cuốn “Nhị thập tứ hiếu” ). (Ảnh: artsy.net)

Thấy không hại được Thuấn, cha và người mẹ kế lại sai ông đi đánh cá ở hồ Lôi Trạch, vốn là nơi có nhiều sóng to gió lớn. Nhưng khi Thuấn đến thì sóng lặng gió yên, mặt nước hiền hòa.

Một lần khác, cha và mẹ kế sai ông sửa chữa kho thóc. Khi Thuấn dùng thang trèo lên, người cha ở dưới đã rút thang rồi châm lửa, hòng thiêu chết Thuấn. Thuấn không thể xuống được, đành cầm hai cái nón mà ông mang theo để che nắng, rồi nhảy xuống giống như chú chim đang hạ cánh. Cái nón được gió đỡ nhẹ nhàng, Thuấn từ từ đáp xuống đất, không bị sây sát gì.

Người cha và em cùng cha khác mẹ của Thuấn vẫn không cam chịu, lại bảo ông đi đào giếng. Khi Thuấn ở dưới đáy giếng, hai người ở trên xô đất đá xuống định bụng sẽ chôn sống Thuấn ở dưới. Không ngờ, Thuấn đã nhanh trí đào một cái hầm thoát hiểm, và lại an toàn trở về nhà.

Dân gian kể rằng tất cả những thần tích ấy là sự bảo hộ của Thần Phật dành cho một người con hiếu thảo như Ngu Thuấn. Tấm lòng hiếu thảo của ông đã được truyền tụng khắp mọi nơi.

Cho đến khi vua Nghiêu chu du để thiên hạ tìm người kế vị, nghe tin Thuấn là người con hiếu đức, vua Nghiêu liền đến nhà gặp mặt, cũng là muốn thăm dò phẩm hạnh và tài năng của Thuấn. Về sau vua còn gả hai người con gái của mình là Nga Hoàng và Nữ Anh cho Thuấn.

Sau này khi Thuấn Đế nối nghiệp vua Nghiêu, dân chúng đều được hưởng an lạc hạnh phúc. Khi vua Thuấn cúng tế trời đất, trên trời đã có hàng trăm con chim và phượng hoàng cùng bay tới tế lễ. Đây cũng là Thần đang công khai nói rằng việc trị quốc của vua Thuấn là hợp với ý Trời nên được trời đất Thần Phật ủng hộ.

Thế mới nói, tấm lòng hiếu thảo của Ngu Thuấn làm cảm động Trời xanh, bởi lòng hiếu thảo mà ông có được thiên hạ, và cũng bởi lòng hiếu thảo mà ông có thể cai trị được thiên hạ.

Từ câu chuyện của Thuấn Đế bàn về chữ “Hiếu”

Trong tiếng Hán, “孝顺” (hiếu thuận) vừa là từ chỉ sự hiếu thảo của con cái với cha mẹ, vừa để chỉ con cái cần thuận theo cha mẹ. Có một chi tiết thú vị là hai chữ “顺” (thuận) và “舜” (Thuấn) là đồng âm, do vậy mà có ý kiến cho rằng từ “孝顺” (hiếu thuận) tiền thân trước đây có thể là “孝舜” (hiếu thuấn).

Trong kinh điển Nho gia, chữ hiếu mang nhiều nội hàm và được khai mở rộng hơn nữa. Ý nghĩa thông thường của từ “hiếu” là để chỉ sự hiếu thuận, phụng dưỡng và vâng theo sự dạy dỗ chỉ bảo của con cái đối với cha mẹ.

Đây chính là biểu hiện của hiếu và thuận giữa con với cha. Khi hướng lên vị trí cao hơn, chữ “hiếu” có thể thăng hoa thành quan hệ vua – tôi, biểu hiện thành chữ “trung” của bề tôi với vua và đất nước.

Khi hướng sang ngang hàng có thể mở rộng thành sự hòa thuận vui vẻ giữa anh và em, sự thành tín nghĩa khí giữa bạn bè với nhau. Sự hòa thuận giữa anh em với nhau sẽ làm cho cha mẹ được yên lòng, đây cũng chính là biểu hiện của sự hiếu kính với cha mẹ.

Đồng thời việc thành tín nghĩa khí giữa bạn bè với nhau cũng sẽ làm cho tình bạn không có mâu thuẫn, từ đó cũng làm cho cha mẹ yên tâm với hành vi đạo đức của con cái mình, đây cũng là một biểu hiện của sự hiếu kính với cha mẹ.

Theo Secretchina 
Kiên Định biên dịch 

Từ Khóa: