Có một câu chuyện cảm động lòng người, lan truyền mãi ở quê tôi. Mọi người kể cho nhau nghe như chuyện cổ tích về chị Xuân, một phụ nữ chân chất, thật thà, đã vượt qua mọi khó khăn thử thách bằng chính sự thiện lương của mình, cuối cùng được Thần Phật ban hưởng phúc báo.

Tiếp theo Phần 1.

Phần 2. Hạnh phúc viên mãn

Một buổi tối, các vị Thần từ trên cao nhìn xuống ngôi nhà tồi tàn ấy, nơi có ba con người với trái tim rực sáng không gợn chút bụi trần. Các vị đã an bài mọi việc tỉ mỉ để thử thách, trong đó có những thử thách tưởng như khó có thể vượt qua được.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Tuần trước ấy, cả anh và chị đều hết sạch tiền trong khi họ không còn đồng nào dự trữ. Chị lục hết các túi áo khoác tìm được năm nghìn đồng, vừa may gặp hàng khoai, chị mua mang về luộc cho con ăn tạm, vì nhà vừa hết gạo từ hôm qua, còn anh về thì cũng không có được đồng nào trong túi. Không ai nói mà họ cùng hiểu nhau, động viên con gái ăn khoai lang vừa mát ruột, vừa đổi món, còn bố mẹ đã ăn rồi. Hai vợ chồng cố đi vào giấc ngủ với cái bụng rỗng không giữa đêm khuya gió rét.

Sáng dậy sớm chị đi làm theo lịch hẹn thì không gặp được chủ nhà vì họ đi công tác đột xuất, gọi thử vài nhà để đổi lịch dọn nhà đều không được, đành phải vừa đói vừa mệt lả ra về tay không. Trên đường về, may nhặt được vài thứ đồng nát mang bán được mươi nghìn vừa đủ mua cân gạo và mớ rau. Anh đưa con đi học xong thì ra điểm đón khách, vừa đói, vừa rét, lại mưa nên chẳng ai ra đường, không có khách, đành phải về tay không. Cả buổi chiều hai người đều như vậy, có những lúc khó khăn đến dồn dập, suốt mấy ngày trong tuần đều như thế. Vì trời mưa dầm gió bấc, không ai muốn lau dọn nhà, cũng ít người đi lại mà cần xe ôm, cả tuần liền họ chỉ có vừa đủ tiền để mua gạo thôi.

Hôm nay không có việc làm nên chị ở nhà để khâu vá sửa lại quần áo cho hai bố con, xong thì ra hồ Thành Công hái rau sam, rau dền dại mọc quanh hồ để đỡ tiền mua thức ăn.

Anh thì xe sắp hết xăng, vừa may có cuốc khách vừa đủ tiền đổ xăng. Đang chờ khách thì một cụ già xách tay nải đi đến, cụ nói muốn hỏi đường đi bộ đến bệnh viện Bạch Mai. Anh mời cụ đi xe vì đường xa phải hơn ba cây đấy, cụ nói muốn lắm nhưng giờ chẳng có tiền. Anh chỉ đường, cụ già đi theo hướng tay chỉ, nghĩ thương cụ già quá, anh lại làm phúc chở cụ đi miễn phí. Vừa về thì có cậu sinh viên chạy đến, vừa thở hổn hển vừa chìa ra mấy tờ tiền lẻ quăn queo nói, em chỉ còn mấy nghìn lẻ, nhờ anh chở em đến trường cho kịp giờ thi, em bị muộn rồi mà mệt quá chạy không được nữa. Anh không cần suy nghĩ nói lên xe đi và lập tức chở cậu đến trường. Trưa về đưa mấy đồng tiền quăn queo đó cho vợ đi mua vừa đủ cân gạo. Cả buổi chiều lại chẳng có khách nào, lại về tay không.

Các vị Thần từ trên cao nhìn xuống ngôi nhà tồi tàn ấy, nơi có ba con người với trái tim rực sáng không gợn chút bụi trần. Các vị đã an bài mọi việc tỉ mỉ để thử thách, trong đó có những thử thách tưởng như khó có thể vượt qua được. (Ảnh: youtube.com)

Tối qua có một lỗ dột nhỏ, nước mưa rơi vào giường làm ướt một đám chiếu, chị nằm lên lạnh buốt, chị nhường chồng con nằm vào chỗ khô ráo hơn. Giờ này ba người ấy đang ăn cơm chỉ với canh rau dại nấu muối trắng, họ ăn rất ngon lành, hơn cả người nhà giàu ăn cao lương mỹ vị. Nhường nhịn cho con ăn trước, cơm vẫn thiêu thiếu, còn lại miếng cháy thì chị đưa mời chồng, anh vẫn thích ăn cháy mà, chị nói, chồng lại nhường vợ, cuối cùng thì miếng cháy chia đôi. Đói khổ thế nhưng cả ba người vẫn vui vẻ hạnh phúc, chăm sóc nhau bằng cả trái tim chân thiện.

Tất cả những suy nghĩ, hành động dù là nhỏ ấy đều được một vị Thần ghi chép lại. Những sự việc ấy đã làm các vị Thần bội phục, các vị Thần xúc động trào nước mắt, hài lòng lắm, cùng mỉm cười. Ba người đã vượt qua những thử thách gay go nhất của cuộc đời, họ xứng đáng được hưởng phúc, các vị an bài tiếp cho hậu vận mười năm sau được hưởng những điều tốt đẹp. Ông Thần Tơ Hồng cũng mỉm cười với an bài xe duyên cho bé Mai lấy chồng ở Nhật, có một cậu bé là người tốt đang chờ Mai.

Sau cơn mưa, trời lại sáng

Thần Phật sức mạnh vô biên, đã an bài thế nhưng cũng thể hiện rất phù hợp với cõi trần, hợp lý nơi cõi trần. Quả vậy, ngay sau đó, may mắn đã đến với họ. Chị đã gặp được một thầy thuốc có tâm, ông đã giúp chữa bệnh cho Mai miễn phí hoàn toàn. Cách thức cũng rất đơn giản, ông nói chữa bệnh này phải chữa từ tâm, nên hàng ngày phải tu tâm và thực hiện một số động tác tập rất đơn giản, con bé chăm chỉ thực hành tu dưỡng và tập luyện. Rồi phép màu đến thật, chỉ vài tháng sau Mai đã có thể dần dần tự bỏ xe lăn, tự đứng lên đi lại trước sự ngỡ ngàng của các bạn, của mọi người hàng xóm khu bãi rác. Cả nhà họ mừng vui khôn xiết, họ tạ ơn Phật đã mang lại cuộc sống mới cho con mình.

Câu chuyện của họ chưa hết, phần cuối còn rất có hậu và mỹ diệu. Tốt nghiệp phổ thông, Mai thi vào trung cấp điều dưỡng của Đại học Y Thái Bình, học hai năm tốt nghiệp xuất sắc, cộng với tự học tiếng Nhật rất khá, Mai được nhận đi làm điều dưỡng y tế ở Nhật đúng như ước mơ của cô và bố mẹ. Sau 6 tháng bồi dưỡng nghiệp vụ thêm và học tiếng ở Nhật, một bà chủ ở Tokyo đến trực tiếp xem hồ sơ, phỏng vấn đã chọn cô và làm thủ tục xin trung tâm điều dưỡng cho về điều dưỡng riêng cho bà, một người bệnh tim nặng.

Tốt nghiệp xuất sắc, cộng với tự học tiếng Nhật rất khá, Mai được nhận đi làm điều dưỡng y tế ở Nhật đúng như ước mơ của cô và bố mẹ. (Ảnh minh họa: news.asiantown.net)

Mai càng lớn càng xinh, gom chọn hết nét trội và nhân cách tốt đẹp của bố mẹ, nét mặt rất hiền lành dễ thương, thùy mị nết na, toát lên từ một tâm hồn thanh cao thánh thiện, đạo đức tốt đẹp.

Mai rất chăm chỉ, làm việc rất chuyên nghiệp, rất có trách nhiệm, rất có tâm, lại thông minh, nhanh nhẹn, với ngôn ngữ giao tiếp khá lưu loát vì thế bà chủ rất yêu quí. Bởi Mai thực sự là người tốt nên dần dần được bà tin tưởng, cô cũng trở thành người không thể thiếu đối với bà, không chỉ với tư cách người điều dưỡng y tế mà còn giống như một người con gái, một người thư ký. Bà gọi cô bằng con, xưng mẹ, cô cũng yêu quý, chăm sóc bà như mẹ mình.

Chồng bà là chủ tịch một công ty lớn ở Nhật, ông đột ngột ra đi trước khi sự nghiệp đang ở độ chín, để lại việc điều hành các cơ sở kinh doanh ở Nhật, Mỹ, Dubai cho bà. Hai con trai bà đều quá trẻ chưa thể giao toàn bộ việc điều hành hoạt động của công ty nên bà mặc dù bị bệnh nhưng vẫn phải gánh vác trách nhiệm nặng nề, quán xuyến toàn bộ hoạt động của công ty gần nghìn người, nên rất bận rộn. Bà nhờ cô làm thêm các việc giao dịch trả lời thư điện tử, trả lời trên Facebook và muốn cô làm phiên dịch tiếng Việt nữa nên bà đã bố trí cho cô đi học thêm tiếng Nhật vào buổi tối.

Bà cũng rất hiểu và thông cảm hoàn cảnh của Mai. Ngay từ đầu bà đã ứng trước mười tháng lương để cô gửi về nhà trả nợ tiền đóng đi Nhật, bà còn tặng hai cái điện thoại xịn có cài Viber cho cô, cô gửi một cái về cho mẹ để nói chuyện với nhau mỗi ngày, đồng thời gửi hình ảnh cho bố mẹ xem. Ba người nhà cô xa nhau cả một vùng trời nhưng tình cảm vẫn dành cho nhau thắm thiết. Thỉnh thoảng bà cũng nói chuyện với mẹ cô, thông qua cô phiên dịch, bà còn động viên bố mẹ Mai hãy học tiếng Nhật để nếu có cơ hội còn sang đây chơi.

Lại nói, con trai cả của bà làm tổng giám đốc chi nhánh ở Mỹ. Người con trai thứ làm tổng giám đốc điều hành công ty ở Nhật, sống cùng với mẹ. Tên anh là Amida nghĩa là “vị Phật của ánh sáng tinh khiết”, một cái tên rất được yêu thích, anh hai mươi sáu tuổi, hơn Mai bảy tuổi.

Anh là một người rất tuấn tú, thông minh và rất tốt. Nói về lòng tốt của người Nhật thì cả thế giới phải nể phục, họ rất nhân văn, cao cả, yêu thương, chia sẻ, nhường nhịn, người ta gặp nhau là cúi đầu chào hỏi. Còn nhớ thảm họa động đất sóng thần năm 2011, biết bao câu chuyện xúc động lòng người về đạo đức và tính nhân văn của người Nhật đã khiến cả thế giới chấn động. Sau thảm họa, những người mất hết nhà cửa, mất người thân, trong cái lạnh, cái đói nhưng đã không hỗn loạn, không tranh giành thức ăn, họ lặng lẽ xếp hàng đến lượt nhận thức ăn cứu trợ.

Amida là con trai thứ hai của bà chủ, anh là một người rất tuấn tú, thông minh và rất tốt (Ảnh minh họa: okwave.com)

Câu chuyện cảm động được báo chí nói nhiều nhất là về một cậu bé 9 tuổi rét run, đứng xếp hàng chờ nhận thức ăn, cả bố mẹ và em gái khả năng đều bị mất trong thảm họa. Một cảnh sát thương cảm đã cởi áo khoác trùm lên người em, vô tình gói khẩu phần ăn tối của anh bị rơi ra, anh ấy nhặt lên đưa cho em bé vì lo rằng đến lượt em thì hết thức ăn. Em bé cúi người cảm ơn, nhận lấy rồi bất ngờ đưa phần thức ăn đó lên để vào thùng thức ăn đang phát rồi quay lại xếp hàng tiếp. Em nói có nhiều người cũng đói, để phát chung cho công bằng.

Amida đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về, anh rất mừng và yên tâm vì có Mai chăm sóc cả ngày cho mẹ. Lúc đầu anh không để ý đến cô, vì anh nghĩ cô cũng giống nhiều người điều dưỡng trước đây thôi, không có ý miệt thị nhưng có thể có khoảng cách về ngôn ngữ, văn hóa không tương đồng. Cô thì không dám nhìn anh vì anh quá cao sang.

Một buổi tối bão tuyết rất mạnh, mẹ anh lo lắng nên nhờ anh tiện đường đi làm về qua đón Mai ở lớp học tiếng. Đến lúc này hai người mới có dịp làm quen, anh ngỡ ngàng vì cô nói khá chuẩn, là người có nhân phẩm, văn hóa thanh lịch. Mẹ anh cứ khen cô là phải, giờ anh mới biết, anh hứa sẽ dành mỗi ngày một giờ để giúp cô thực hành tiếng Nhật.

Hai người đến từ hai nền văn hóa khác nhau, hai tầng lớp giàu nghèo khác nhau nhưng cùng là người tốt, cùng có bản tính thiện lương, cùng yêu thiên nhiên, yêu các con vật, thích thơ ca, thích âm nhạc, hội họa… Những buổi hội thoại về các chủ đề này rất tâm đầu ý hợp. Chỉ sau vài tháng hai bạn trẻ đã thực sự hiểu nhau, họ cảm thấy thời gian gần nhau trân quý nhường nào.

Từ ngày Mai đến ở ngôi biệt thự này, gần như muôn loài có ở Tokyo đều tụ tập về cái vườn nhỏ ấy. Mỗi buổi tối họ ngồi nói chuyện trong vườn thì chúng đều đồng thanh ca hát, tiếng chim, tiếng vẹt, tiếng sáo sậu, cả tiếng quạ, cả sóc nữa, chúng bay lượn quanh, sà sát xuống ngắm nhìn đôi bạn trẻ âu yếm bên nhau, chúng như mừng vui cho đôi bạn.

Họ biết mình sinh ra là dành cho nhau, thuộc về nhau. Những ngày anh đi công tác xa không về là cô xao xuyến, thổn thức không ngủ. Anh cũng thế, anh thấy xao xuyến bồi hồi mỗi khi nhìn thấy nét mặt hiền hậu thanh tú của cô, mỗi khi xa nhau anh cũng không ngủ, hai người gọi điện thủ thỉ cả đêm. Mẹ anh cũng là người ủng hộ cuộc tình này, bởi vì chính bà trước đây cũng từng bị nhà chồng phản đối vì xuất thân nghèo khó. Bà rất trân quý người tốt, công ty của bà là nơi quần tụ của những người tốt.

Bà cũng thường xuyên phải đi công tác. Lần này bà sang Dubai xem xét cơ sở kinh doanh ở đó một tháng, dĩ nhiên là cô đi tháp tùng, giờ đây cô đã trở thành thư ký riêng của bà. Mới ở Dubai một tuần mà đôi bạn trẻ đã gây ra không biết bao nhiêu chuyện. Cô thì vừa làm vừa nghĩ đến Tokyo, nơi có Amida, cô hình dung mình vẫn đang ở đó, bà phải gọi mấy lần mới kéo được cô về thực tại. Còn Amida cũng thế, đã mấy lần lơ đễnh suýt làm hỏng việc, anh xin mẹ cho sang Dubai chơi dù chỉ một ngày thôi cũng được, bà đồng ý.

Đôi bạn trẻ lại gặp nhau như sau mấy kiếp mới gặp lại. Mừng vui khó tả, anh xin phép mẹ cho anh được cầu hôn với Mai. Bà hỏi Mai có đồng không, Mai lí nhí không nói, chỉ ôm lấy bà khóc trong hạnh phúc. Bà hỏi Mai có muốn đưa ra đề nghị gì không, vì người Nhật có truyền thống ấy, Mai thưa muốn được mời bố mẹ sang. Bà mỉm cười nói, việc đó con yên tâm, mẹ đã có kế hoạch từ trước rồi.

Thực ra bà đã ngầm nhờ bạn thân ở Đại sứ quán tìm đến tận nhà tìm hiểu gia cảnh và giúp đỡ. Bà đang rất cần những người tốt như vậy để giúp một số việc hậu cần cho công ty ở Tokyo, nên đã xin phép mời cả hai bố mẹ Mai sang làm. Bố mẹ cô tưởng mình nghe người Nhật dịch nhầm, nhưng họ nói chính xác như vậy, cả hai người xúc động nhận lời sang làm cho công ty của bà để có điều kiện gần con gái. Họ thỏa thuận bí mật để tạo cho cô một bất ngờ.

Sau bao vất vả gian nan gia đình nhỏ ba người đã được hưởng phúc với một lễ cầu hôn sẽ tổ chức tại một khách sạn bảy sao xịn nhất Dubai vào sau một tuần nữa.(Ảnh minh họa: theknot.com)

Bà quyết định lễ cầu hôn sẽ tổ chức tại một khách sạn bảy sao xịn nhất Dubai vào sau một tuần nữa. Bà mời rất nhiều người nhà, bạn bè thân đến dự, dĩ nhiên bố mẹ Mai cũng sẽ có mặt. Đây sẽ là một lễ ăn hỏi trang trọng và hoành tráng.

Thật là “phúc đức tại mẫu”, chị Xuân đã hết lòng vì con, chỉ làm việc tốt để phúc đức cho con; các cụ cũng nói đời người gieo trồng cây ngọt thì sẽ được hái quả ngọt. Ba người họ đã trải qua những tháng ngày thử thách gian khổ nhưng vẫn kiên trì tín Phật và giờ đây họ hoàn toàn xứng đáng được hưởng phúc báo.

(Hết)

Nắng Mới