Trong cuộc sống ta thường bắt gặp một số người chỉ gặp chút việc là nổi trận lôi đình hoặc buông lời nhục mạ. Nhưng cũng có một số người lại dùng tâm thái hết sức bình tĩnh để xử lý vấn đề, không sợ hãi trước vinh nhục. Đó là bởi tâm họ “tĩnh như nước”.

Bình tĩnh không phải là sự nhàm chán, không phải là trống rỗng, không phải sự cứng nhắc, mà là sự trật tự, rành mạch, phong phú trong nội tâm. Là một sự tự kiềm chế bản thân không để tâm việc được mất, tốt xấu từ thế giới bên ngoài làm ảnh hưởng tới cách sống của bản thân. Bản lĩnh bình tĩnh không chỉ là sự trầm tĩnh lặng lẽ, mà là một loại thần thái, là một loại trí tuệ và cao thượng.

Câu chuyện về nhà thư pháp gia nổi tiếng

Có một nhà thư pháp gia nổi tiếng sau khi hoàn thành tác phẩm của mình liền đưa cho một người đồng nghiệp trong ngành xem. Người đồng nghiệp quan sát một hồi liền chỉ vào hai hàng chữ viết ngay ngắn thẳng hàng khen: “Này, xem những chữ này đi, vừa nhìn là biết được cậu viết khi tâm trạng rất bình tĩnh, nhìn xem, bắt đầu từ chữ này, là tâm cậu đang bị hỗn loạn!”.

Cuối cùng, cậu ta nói một cách ẩn ý: “Nghĩ gì vậy? Khi tâm không tĩnh, nét bút sẽ không có lực, không có thần khí! Luyện viết thư pháp cũng giống như là đang rèn luyện nội tâm vậy”.

Nghe xong, nhà thư pháp gia thầm sửng sốt. Đúng là sáng nay anh và vợ có chút mâu thuẫn nên lòng dạ không yên, vì vậy mà chữ viết có sự thay đổi lớn như vậy, hình dáng lộn xộn, chứ không thể quy củ như lúc đầu. Nhìn lại từng từ từng chữ ở phía trên được viết hôm qua, càng nhìn càng thấy thích, từng đường nét, từng chữ được viết lên một cách cứng cáp đẹp đẽ.

Rõ ràng là sự bình tĩnh, sáng tỏ hội tụ ở ngòi bút, cái tĩnh đó viết ra như đang khắc họa từng nhịp đập tích tắc tích tắc của trái tim, từ ngòi bút chan chứa mà xuất ra, vì vậy “luyện thư pháp lâu ngày, điều luyện được là sự tĩnh lặng như nước chảy ở chỗ sâu của tâm hồn”.

Nhìn cách viết chữ có thể đoán biết trong tâm người viết đang nghĩ gì, tâm có động ắt chữ cũng động theo. (Ảnh: Genk)

Bình tĩnh là một loại bản lĩnh

Có câu nói “Muốn làm việc lớn cần phải có tĩnh khí”. Các bậc thánh nhân, càng gặp phải những việc lớn kinh thiên động địa, việc nguy hiểm thì càng có thể tĩnh tâm như nước, không hề sợ hãi.

Trận chiến Phì Thủy (Phì thủy chi chiến) lừng danh trong lịch sử, quân Đông Tấn chưa đến 10 vạn binh sĩ phải chống cự lại 100 vạn binh sĩ dũng mãnh của quân Tiền Tần, tình thế không thể nói là không nguy kịch. Nhưng lúc này, tại sở chỉ huy hậu phương, chủ soái Tạ An vẫn đang chơi cờ vây mà không một chút hoang mang.

Đợi đến lúc quân tiền tuyến báo về, ông chỉ nhìn thoáng qua rồi lại tiếp tục chơi cờ. Người bên cạnh thực sự đã không thể nhịn được nữa, liền hỏi ông tình hình chiến sự ra sao, lúc này Tạ An mới nhẹ nhàng nói: “Bọn trẻ chúng đã đánh bại quân địch rồi”.

Có một số người khi gặp việc lớn lại rất hoảng sợ, đó là vì họ không đủ tự tin, cũng chính là không có năng lực và bản lĩnh kiểm soát đại sự. Tục ngữ có câu “Thủ trung hữu lương, tâm trung bất hoảng” (trong tay có lương thực rồi thì trong tâm không phải lo lắng).

Bình tĩnh ức chế lửa sân hận là một cảnh giới cao thượng trí tuệ

Có câu nói “Cơn nóng giận giống như đốm lửa trong tay, khi chưa kịp ném sang người khác nó đã đốt cháy tay chính mình” hay “Không nên làm gì khi bạn nóng giận vì khi nóng giận mọi việc bạn làm đều không lý trí”.

Vì vậy người có nội tâm tĩnh lặng sẽ không để ngọn lửa sân hận thiêu đốt chính mình và cũng không làm những việc khờ dại khi bất bình bởi tâm họ “tĩnh như nước”.

Mỗi một người đều có cảm xúc, nếu như khi gặp phải những chuyện không thuận tâm liền buông lơi cảm xúc, chỉ sẽ khiến cho vấn đề càng trở nên rối rắm phức tạp. Tâm trạng rối bời cũng giống như chiếc xe đang lao nhanh xuống dốc, nếu không biết đạp thắng cho xe dừng lại ngay lúc đó, chiếc xe có thể sẽ lao xuống khe núi, xe hỏng người chết cũng là điều khó tránh khỏi.

Thất phu bị nhục, rút kiếm đấu lại là lẽ thường, nhưng có thể nhẫn được thì đã là cảnh giới cao rồi. (Ảnh: Youtube)

Làm thế nào để có thể giữ được tâm thái tĩnh lặng trước mọi việc?

Tĩnh khí” của một người đến từ đâu? Nó không phải là sinh ra đã có, nó cũng không phải từ trên trời rơi xuống, nó đòi hỏi phải không ngừng rèn luyện và tích lũy mà thành.

Sách vở chính là món ăn tinh thần, thông qua đọc sách, chúng ta có thể hấp thụ kiến thức của những người đi trước, tăng trưởng năng lực, vượt qua sợ hãi. Vì vậy, càng là người học rộng thì tầm nhìn của họ càng khoáng đạt và đầu óc càng thanh tỉnh.

Còn muốn thiện dưỡng chính khí, Gia Cát Lượng đã viết trong “Giới tử thư” (Thư dạy con): “Làm theo đạo của người quân tử, tu thân thanh tịnh, cần kiệm để dưỡng đức, đạm bạc để nuôi dưỡng chí, tĩnh lặng để nghĩ xa”.

Tĩnh khí cần dựa vào sự hỗ trợ của chính khí, chỉ có chính khí trong thân mới có thể không màng danh lợi, không tham muốn, mới có thể không bị vướng mắc phiền toái và làm được “không quan tâm thiệt hơn”.

Vậy người thế nào mới có thể tĩnh tâm được? Người như thế nào mới có thể nhẫn nhịn không tranh biện?

Có một vị thiền sư từng nói: “Một người muốn tâm tĩnh như nước thì điểm mấu chốt là có thể bỏ qua được những phiền não về danh lợi, vứt bỏ được những quấy nhiễu về tình sắc. Cho  nên muốn làm được điều đó thì phải buông bỏ”.

Bởi một người thường thì khi bị suy sụp sẽ cảm thấy thất vọng, bị thương tổn sẽ thấy thống khổ, bị phỉ báng sẽ cảm thấy ủy khuất. Còn khi bị hấp dẫn cám dỗ sẽ cảm thấy lưỡng lự, khi bị phản bội sẽ cảm thấy căm phẫn, khi đứng trước khảo nghiệm sinh tử sẽ sợ hãi vô cùng.

Kỳ thực những người như vậy là do định lực không cao và là kết quả của sự tu dưỡng chưa đủ. Người thật sự hiểu được ý nghĩa của sinh mênh, nhân quả luân hồi sẽ không vì những “vật ngoại thân” làm khó khăn, phiền não, tức giận.

Chỉ có coi nhẹ được danh lợi tình mới đạt được cảnh gới tĩnh tâm. (Ảnh: familialong.com.br)

Một người có thể tu dưỡng đến mức “tâm tĩnh như nước” thì tâm linh đã đạt tới cảnh giới thuần tịnh. Khi một người có tâm tĩnh như mặt hồ phẳng lặng thì tâm người ấy sẽ nở ra những đóa hoa sen từ bi thuần khiết phủ lên vạn vật trong vũ trụ.

Tuy chúng ta là người thường chưa thể lập tức đạt tới cảnh giới cao thượng ấy. Nhưng khi ta có thể bớt đi một chút nóng nảy không buông lời nhục mạ khi gặp chuyện bất bình dù trong tâm còn sân hận, lạc quan một chút dù trong tâm vẫn còn lo lắng khi gặp chuyện bất an… thì dần qua thời gian lâu ta cũng đạt được trạng thái tu dưỡng của sự “tĩnh lặng” vậy.

Nhã Thanh