Con người là một phần tử trong xã hội nên không thể không có giao tiếp với nhau. Xây dựng mối quan hệ giữa người với người, thành công hay thất bại một phần nằm ở giao tiếp. Với người ở độ tuổi và chức vị khác nhau cũng có những cách tiếp cận khác nhau, do đó 6 cách dưới đây có thể là gợi ý cho mọi người.

Giao tiếp với trẻ em, hãy dùng sự hồn nhiên vốn có

Trẻ em thật đặc biệt, chúng ngây thơ hồn nhiên, thuần khiết vui vẻ, không giận quá lâu, không có tâm cơ trong hành động… Ở bên chúng ta cảm thấy như mình trẻ lại và yêu đời hơn.

Giao tiếp với trẻ em, ta đừng trút những bất mãn mệt mỏi về cuộc sống và xã hội lên chúng, điều đó chỉ khiến chúng cảm thấy thế giới của người lớn quá phức tạp mà thôi. Nói những kinh nghiệm xã hội cho chúng không có tác dụng, chỉ nên nói những câu chuyện thường ngày như đi học vui không, chơi với bạn thế nào, thích ăn gì, thích chơi ở đâu… mà thôi. Hãy để chúng tận hưởng tuổi thơ ý nghĩa và trọn vẹn.

Giao tiếp với người già, hãy thể hiện sự tôn trọng

Thời đại hiện nay, sự sai biệt về tuổi tác không đại biểu cho trình độ cao thấp, có người tuổi trẻ tài cao làm những chức vị quan trọng, trong khi cấp dưới có thể là những người lớn tuổi hơn. Những người lớn ấy có khi bằng tuổi cha tuổi chú, cho nên khi giao tiếp ta nên tôn kính, giữ gìn sự tự tôn của họ, không nên bảo thủ ý kiến của bản thân. Việc này cũng thể hiện “kính già, yêu trẻ” trong văn hóa truyền thống.

Giao tiếp với vợ hãy quan tâm đến cảm xúc, giao tiếp với trẻ em hãy dùng sự hồn nhiên
Ảnh minh họa: Tổ chức Hospice Đài Loan.

“Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”, dù sao những người lớn tuổi đã kinh qua gió mưa nên nếu họ có cố chấp, bảo thủ ý kiến bản thân, không nghe lời những người khác thì chúng ta không nên tranh biện. Kinh nghiệm của họ là điều quý báu với người trẻ nhưng những quan niệm không phù hợp thì ta chỉ nghe chứ không bình luận, vì mỗi người đều có chủ kiến của bản thân và năng lực “gạn đục khơi trong”.

Giao tiếp với phụ nữ, hãy quan tâm đến cảm xúc

Hồi tôi còn học đại học, thầy tôi có kể câu chuyện như sau. Sau khi vợ thầy sinh bé thứ nhất thì tăng cân khiến tay đeo không vừa nhẫn cưới. Khi vợ thầy nói với thầy thì thầy đáp: “Vậy thay nhẫn mới thôi”, lúc đó mặt vợ thầy bí xị. Sau khi hiểu ra vấn đề thầy mới chia sẻ với chúng tôi: “Đáng ra nên nói là ’em tăng cân do sinh con, em vất vả rồi’ v.v.”.

Câu chuyện cho thấy cách suy nghĩ của phụ nữ và đàn ông không giống nhau. Đàn ông ưu tiên giải quyết vấn đề còn phụ nữ quan tâm đến cảm xúc nhiều hơn. Phụ nữ dù mạnh mẽ đến đâu thì trong sâu thẳm họ vẫn cần người đàn ông cảm thông và chở che cho họ. Nếu người chồng hiểu được điều này thì gia đình sẽ êm ấp, hòa thuận.

Giao tiếp với đàn ông, hãy giữ thể diện cho họ

Đối với đàn ông mà nói, thông thường thể diện rất quan trọng, do đó khi giao tiếp hãy đứng ở góc độ đối phương mà suy nghĩ cho họ. Người ta thường nói khi gặp vấn đề thì “vợ chồng đóng cửa bảo nhau”, vậy nên nếu người vợ mà không biết cách giữ thể diện cho chồng, gặp chuyện cứ làm ầm ĩ cả lên, tuy có thể giải quyết những bức bối tức khắc trong lòng người vợ nhưng hôn nhân sẽ dần dần rạn nứt. Người vợ làm vậy cũng là chưa biết cách vun vén cho gia đình.

Giao tiếp với người trẻ tuổi, nên đi thẳng vấn đề

Người trẻ là những người tương lai của đất nước, là lực lượng kế cận trong việc đảm đương các công việc sau này. Họ nhanh nhẹn, giao tiếp rất trực tiếp thẳng thắn, nghĩ gì nói nấy. Khi tương tác với họ thì hãy cố gắng không “vòng vo Tam quốc”, chân thành nhiều hơn, bỏ đi những tâm cơ toan tính, cởi mở chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe tâm tư họ nhiều hơn…

Nếu thực hiện được điều ấy, bạn sẽ giao tiếp tốt với họ thôi. Đồng thời thông qua giao tiếp và làm việc ta cũng học hỏi rất nhiều từ họ như sự nhanh nhẹn, lòng nhiệt huyết, không quản ngại gian khó, sự vui vẻ trẻ trung tràn sức sống…

Giao tiếp với cấp trên, đừng quên phẩm giá họ

Khi giao tiếp với cấp trên ta phải chú ý đến sự khác biệt về thân phận và vị trí. Ở vị trí đó họ cũng có những khó khăn và nỗi niềm riêng nên ta không thể đánh giá hết được. Dù thảo luận vấn đề gì nên dùng cái tâm khiêm tốn, không làm tổn hại phẩm giá của họ.

Thời xưa quan viên được ví như phụ mẫu (quan chi phụ mẫu). Thời nay cấp trên không gọi là quan nhưng cách giao tiếp của ta với họ cũng cần có sự chuẩn mực và tôn trọng. Trong bài 6, sách “Phép tắc người con” có đoạn này: “Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi / Mặt ta vui, lời ta dịu”. Khi cấp trên mắc lỗi thì ta cũng nên hành xử như vậy, mặt ta vui chứ không khó chịu, lời ta dịu chứ không gắt gỏng.

***
Mọi người có thể tham khảo những gợi ý trên để giao tiếp tốt hơn với người có độ tuổi và chức vị khác nhau. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn vẫn là sự chân thành bởi điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim.

Một niệm sắc dục khởi lên, lập tức chiêu mời yêu ma đến

videoinfo__video3.dkn.tv||342483c0f__

Từ Khóa: