Hans Christian Andersen là nhà văn nổi tiếng thế giới người Đan Mạch chuyên viết truyện cổ tích. Truyện của Andersen vừa mơ mộng tưởng tượng lại vừa hiện thực. Thế giới nhân vật trong truyện của ông vừa có những con người trong đời thực ở mọi tầng lớp, vừa có những nhân vật tưởng tượng hoặc lạ lùng như: nàng tiên cá, Bà Chúa Tuyết…, vừa có những đồ vật, đồ chơi ngộ nghĩnh như chú lính chì, đồng silinh bạc, con lợn ống tiền…, lại có cả động thực vật như chim họa mi, chim thiên nga, cây lúa mạch, cây thông…

Phong cách ấy biến những câu chuyện cổ tích của ông thành một dạng giống như ngụ ngôn. Truyện của ông đầy chất thơ và tưởng tượng phong phú nên cuốn hút trẻ nhỏ. Nhưng dưới hình thức mơ mộng ấy, nó hàm chứa cái nhìn sâu sắc và nhân ái của Andersen về cuộc đời, về con người, về tôn giáo với những triết lý nhân sinh rất thâm thúy hấp dẫn cả người lớn. Đó là yếu tố biến truyện cổ tích Andersen trở thành độc nhất vô nhị trong kho tàng cổ tích của nhân loại. Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài giới thiệu và phân tích những tác phẩm tiêu biểu của ông.

Cây lúa mạch

Nếu đi qua cánh đồng lúa mạch sau cơn bão bạn sẽ thấy lúa đen như thể là bị cháy. Tôi sẽ kể cho bạn nguyên nhân lúa bị đen, qua câu chuyện một chú chim sẻ, chú ta đã nghe từ lời kể của một ông liễu già mọc ở gần cánh đồng ngô và lúa mạch.

Ông liễu này cao và rất được coi trọng, nhưng vào thời điểm ấy ông đã già cỗi, nhăn nheo. Thân cây bị chẻ làm đôi, cỏ cây mâm xôi mọc len vào kẽ nứt; ông liễu ngã ra phía trước và các cành lá của ông xõa xuống mặt đất như một mái tóc xanh dai. Có nhiều cây ngô tốt sống trên cánh đồng, quây cây lúa mạch. Những bắp ngô được nuôi dưỡng tốt và bắp càng mập bao nhiêu thì lại vít cây nằm ngả xuống bấy nhiêu. Lúa mạch ta vốn kiêu ngạo nên cứ ngẩng thẳng và vươn cao đầu lên. Nó nghĩ thầm: “Mình có khối bắp vàng như cây ngô. Mình còn đẹp hơn hẳn hắn ta nhiều. Những bông hoa của mình đẹp như những nụ táo vậy…”. Thế rồi, Lúa mạch nói:

– Này bác liễu già, bác đã từng thấy cái cây nào đẹp như tôi chưa hả?

Lúa mạch kiêu ngạo hỏi bác liễu. (Ảnh: hitcpm.com)

Ông liễu gật đầu.

Lúa mạch la lên:

– Cái lão thật dớ dẩn. Lão ta già quá rồi. Cỏ mọc cả vào trong óc lão rồi.

Và chợt một cơn bão ập đến. Đám hoa trên cánh đồng xếp cánh lại và cúi gập những ngọn đầu xinh xinh. Lúa mạch ta vẫn kiêu ngạo vươn cao cổ lên. Những bông hoa bảo nó:

– Hãy cúi đầu xuống như chúng tôi đi.

Lúa mạch đáp:

– Không thể được, tôi sẽ chẳng chịu cúi đầu.

Ông liễu già bảo:

– Hãy xếp những cánh hoa và xếp gọn lá vào. Đừng có nhìn vào các tia chớp kẻo lại nhìn thấy thiên đàng sớm. Ngay kể cả con người cũng mù nếu họ nhìn vào tia chớp. Nếu bọn ta vươn đầu lên thì cái gì sẽ xảy ra với đám cỏ dại chúng mình?

Lúa mạch kêu lên khinh bỉ:

– Cỏ dại! Quả thật! Tôi chẳng sợ nhìn lên trời.

Trong giây phút ấy cả thế giới như chìm trong bão tố và tia chớp lửa.

Trong giây phút ấy cả thế giới như chìm trong bão tố và tia chớp lửa… (Ảnh: dkn.tv)

Ngay sau đó, cơn bão đã đi qua, rồi sau một trận mưa mọi vật mới ngọt ngào làm sao. Những bông hoa dại ngẩng lên hít thở khí trời, những cây ngô lại đung đưa theo chiều gió. Chỉ có cây lúa mạch nằm xoài trên đất héo tàn, cháy đen. Ông liễu già lắc đầu. Một giọt nước to rơi xuống từ đám lá liễu như thể ông liễu già đang khóc. Những chú chim sẻ líu lo:

– Tại sao ông lại khóc, ông không thấy sự tươi mát của hoa và lá sao?

Ông liễu già kể lại sự việc xảy ra với cây lúa mạch kiêu ngạo và tôi nghe được câu chuyện này từ các chú chim sẻ vào cái buổi tối mà tôi gợi chuyện với chúng.

(Truyện Cây lúa mạch – Andersen)

***

Nhân vật chính của truyện là cây lúa mạch, nhưng giờ thì nó đã cháy đen và chỉ còn được nhớ lại qua lời kể của một nhân vật phụ: một cây liễu già đứng bên rìa ruộng ngô và lúa mạch. Vậy nên, ta hãy nhìn ngắm người kể chuyện trước.

Cây liễu đã già lắm. Thân cây cao nhưng ngã ra phía trước, cành lá xõa xuống như một mái tóc xanh dai. Tại sao thân cây cao mà không đứng thẳng, lá còn xanh mà thân xù xì, già cỗi nhăn nheo? Lại còn bị chẻ đôi cho cỏ mâm xôi mọc len vào những kẽ nứt. Có thể những kẻ hậu sinh trẻ trung như lúa mạch không thể lý giải được.

Nhưng ai chẳng từng có một thời tuổi trẻ. Biết đâu trong thời thanh niên phơi phới sức xuân, khi nhựa sống căng tràn trong những đường gân thớ thịt, chàng liễu với mái tóc xanh mướt đã từng kiêu hãnh ngẩng đầu lên với cả cánh đồng ngô, với những cây lúa mạch, với gió mây, với cả không gian đất trời… Trong một lúc như thế thì một tia sét nháng lên đánh xuống chàng khiến thân cây nứt toác, rên rỉ đau đớn. Và cũng từ đó, cây liễu học được cách cúi đầu vì biết mình chẳng là gì cả.

Vũ trụ mênh mông kia còn vô vàn những sức mạnh vượt quá sức hiểu của liễu. Và từ khi liễu biết mình nhỏ bé, liễu tồn tại được đến ngày nay. Liễu trở thành cái túi khôn cho cánh đồng cây, một “già làng” rất được coi trọng, dù liễu giờ đây trông có vẻ không được “hợp thời trang” cho lắm trong tiêu chuẩn của lúa mạch. Dù sao thì, “đại trí nhược ngu” mà!

Có thể chuyện là như vậy lắm. Còn có ai già hơn liễu ở cánh đồng để có thể kể lại chuyện của liễu cho chúng ta nghe đâu. Ta đành phải phỏng đoán vậy.

Trong đời liễu đã từng nhìn thấy biết bao cây lúa mạch nảy mầm, lớn lên, phơi phới, nghĩ mình đẹp nhất, hoàn hảo nhất và vươn lên kiêu kỳ không thèm so mình với đám “cỏ dại” xung quanh. Nhưng rồi chúng không tồn tại được qua mưa gió cuộc đời. Những bi kịch của lòng kiêu căng của tuổi trẻ thiếu kinh nghiệm ấy cứ diễn đi diễn lại bao nhiêu lần trước mặt liễu mà liễu không làm sao cho chúng hiểu được. Nên liễu khóc. Nước mắt cứ xuôi xuống biết bao nhiêu đời lúa mạch.

Phải chi lúa mạch có thể giống như ngô và hoa cúi mình xuống, xếp cánh lại thì mới được nhìn thấy bầu trời trong sáng, khí trời tươi mát và vạn vật đều ngọt ngào sau cơn bão. Để những đóa hoa lại đem sắc hương làm đẹp cho đời, hay cây ngô dâng hiến bắp vàng ươm giúp cuộc đời no đủ. Thế là có ích. Nhưng lúa mạch đâu có tin. Lúa mạch như cô gái tuổi đôi mươi hết sức tự tin về sắc đẹp lộng lẫy của mình biết đâu đến mưa gió cuộc đời mà liễu đã trải qua.

Còn chúng ta có tin hay không? Dẫu sao nó cũng chỉ là chuyện truyền miệng từ đám sẻ lắm lời nghe kể lại từ một ông liễu già khụ thôi mà.

Lí Chình