Gia Cát Lượng là người có trí tuệ siêu phàm, thận trọng mọi việc, bách chiến bách thắng, tiếng tăm lẫy lừng từ xưa tới nay. Vậy mà, ông lại kiên quyết cưới cô gái “xấu xí hơn người” Hoàng Nguyệt Anh làm vợ.
Hoàng Nguyệt Anh hoặc Hoàng Thạc, bà người huyện Bạch Thủy (nay là Hồ Bắc), là con gái của danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn và Thái phu nhân, được biết đến là phu nhân của thừa tướng thục hán là Gia Cát Lượng. Tương truyền bà có trí tuệ hơn người, nhưng dung mạo cực kì xấu xí, được liệt vào Ngũ Xú Trung Hoa.
Thời cổ đại, nhất là vào thời đại xã hội loạn lạc, thì trai gái 15, 16 tuổi đã kết hôn thậm chí cả người 13, 14 tuổi cũng đã có đôi có cặp. Gia Cát Lượng khi ấy đã 25 tuổi mà vẫn chưa thành thân được xem là có chút khác thường. Với điều kiện gia cảnh của ông mà nói thì ông +hẳn là người rể hiền lý tưởng của nhiều gia đình danh giá.
Khi Hoàng Thừa Ngạn biết Gia Cát Lượng muốn tìm người kết hôn, liền nói Gia Cát Lượng rằng: “Ta có một đứa con gái da vẻ đen đúa, dung mạo xấu xí, nhưng có thể cùng ngươi xứng đôi”. Sau đó Hoàng Thừa Ngạn đã mời Gia Cát Lượng về Hoàng phủ chơi để gặp mặt.
Hoàng Nguyệt Anh tuy là cô gái xấu xí nhưng có kỳ tài, không phải là nữ nhi bình thường trong thiên hạ. Đối với kỳ tài của Hoàng Nguyệt Anh ngay từ khi còn chưa lấy làm vợ Gia Cát Lượng đã được thử qua.
Ấn tượng từ lần đầu gặp mặt
Truyền thuyết kể lại rằng, Gia Cát Lượng lần đầu tới Hoàng phủ đã rất cao hứng. Khi tới nơi, ông đẩy cổng bước vào, đột nhiên, hai con chó rất to ở hành lang giữa hai căn nhà chính nhảy chồm ra và lao thẳng tới chỗ Gia Cát Lượng. Một a hoàn ở dưới mái hiên thấy vậy liền chạy đến dùng tay phát mạnh vào trán hai con chó.
Thoáng chốc, hai con chó đã dừng lại, không nhảy lên nữa. Khi a hoàn kia véo tai hai con chó thì chúng rất ngoan ngoãn và nhanh nhẹn đi về chỗ hành lang rồi ngồi xổm xuống. Gia Cát Lượng ban đầu có chút hoảng sợ, nhưng sau khi nhìn kỹ mới phát hiện ra hai con chó là hai cỗ máy được làm từ gỗ. Ông liền bật cười ha hả. Hoàng Thừa Ngạn ra nghênh đón Gia Cát Lượng thấy vậy cũng bật cười vui vẻ.
Gia Cát Lượng nhìn thấy Hoàng Thừa Ngạn bèn khen hai con chó gỗ được chế tác thật thần kỳ. Hoàng Thừa Ngạn nói: “Con chó gỗ là do tiểu nữ trong lúc rảnh rỗi đã làm chơi, không ngờ lại khiến tiên sinh sợ hãi, thật là có lỗi quá!”.
Gia Cát Lượng sau khi biết được 2 con chó gỗ là do Hoàng Nguyệt Anh chế tác không khỏi giật mình kính phục.
Gia Cát Lượng vừa đi vào vừa ngắm nhìn bốn phía và thấy trên vách tường có treo một bức tranh vẽ cảnh trong vườn hoa. Hoàng Thừa Ngạn lập tức giải thích: “Bức tranh này do tiểu nữ vẽ, xin đừng chê cười!”. Sau đó, Hoàng Thừa Ngạn lại chỉ vào luống hoa rực rỡ bên ngoài cửa sổ và nói: “Những cây hoa này đều là do tiểu nữ một tay trồng, tưới tiêu, nhổ cỏ và chăm bón”.
Lúc này trong lòng Gia Cát Lượng cũng đã biết rằng Hoàng Nguyệt Anh nhất định là một người đa tài đa nghệ, thông minh hơn người, có phẩm cách lại rất có nội hàm tu dưỡng không hề giống người thường. Cho nên sau này cho dù biết Hoàng Nguyệt Anh là một nữ nhân xấu xí, Gia Cát Lượng vẫn quyết lòng lấy làm vợ. Là một người thông minh như Gia Cát Lượng đương nhiên ông biết rằng người mình cần lấy mà một hiền thê chứ không phải là “Bình hoa”.
Lý do Gia Cát Lượng luôn giữ chiếc quạt lông vũ bên mình
Thuở nhỏ, Hoàng Nguyệt Anh là một cô nương xuất chúng, tài nghệ phi thường, am tường hội hoạ lại biết cả võ nghệ, cô theo học một danh sư trên núi. Sau này, danh sư ấy tặng cho cô một chiếc quạt lông ngỗng bên trên có hai chữ “Minh” và “Lượng”. Vị này còn nói hai chữ này chính là tên phu quân sau này của Hoàng Nguyệt Anh.
Gia Cát Lượng trong lần đầu tới cầu hôn, Hoàng Nguyệt Anh đã tặng chàng một chiếc quạt lông và hỏi: “Gia Cát tiên sinh, có biết tại sao tôi lại tặng ngài quạt lông không?”.
Gia Cát Lượng nói: “Là lễ nhẹ nhưng nghĩa tình thì nặng phải chăng?”. Hoàng cô nương nói: “Còn ý nghĩa thứ hai?”. Gia Cát Lượng suy nghĩ mà không thể giải đáp. Hoàng cô nương nói tiếp: “Thưa Gia Cát tiên sinh, tiên sinh vừa cùng gia phụ đàm luận thiên hạ đại sự, tâm mang đại kế, khí vũ hiên ngang, say mê hứng thú. Nhưng mà, tôi phát hiện khi ngài nói tới Tào Tháo, Tôn Quyền thì chân mày hiện rõ ưu tư. Tôi tặng ngài chiếc quạt này là để ngài che mặt những khi như vậy”.
Quả thực Hoàng Nguyệt Anh quá sâu sắc, bà có thể thấu hiểu được tâm ý của Gia Cát Lượng, biết được điểm mạnh yếu của ông nên bà tặng chiếc quạt, như một thứ bảo bối giúp ông che giấu cảm xúc, suy nghĩ thực sự trước đối phương. Sau khi kết duyên cùng tài nữ Nguyệt Anh, quạt lông vũ trở thành vật bất ly thân với Khổng Minh.
Ông luôn coi nó như thứ báu vật luôn phải nâng niu trân trọng. Chiếc quạt cùng áo Bát quái và người vợ gắn bó từ thuở hàn vi vẫn là những bảo vật đáng giá nhất mà Gia Cát Lượng luôn gìn giữ bên mình.
Hoàng Nguyệt Anh người vợ tài đức vẹn toàn
Quả nhiên sau này khi lấy Hoàng Nguyệt Anh về làm vợ, mọi việc trong nhà lớn nhỏ đều do một tay Hoàng Nguyệt Anh lo liệu, không cần Gia Cát Lượng phải bận tâm suy nghĩ. Đối với mọi việc trong nhà, Hoàng Nguyệt Anh đều xử lý đều trong ấm ngoài êm, mọi người kính mến. Cũng nhờ được điều này mà Gia Cát Lượng có thể chuyên tâm lo việc đại sự quốc gia.
Ngay cả những bạn hữu thân tình thường xuyên lui tới nhà cũng được Hoàng Nguyệt Anh tiếp đón nồng hậu. Thời gian qua đi, mọi người ai nấy đều thay đổi cách nhìn, tâm phục khẩu phục nhãn quan của Gia Cát Lượng có tầm nhìn xa, lấy được một người vợ hiền thông minh tài trí hơn người.
Tương truyền, hồi còn ở Long Trung, bạn bè môn khách của Gia Cát Lượng nhiều người thường xuyên ghé thăm ở lại dùng cơm, người thích ăn cơm, người thích ăn mỳ nhưng Hoàng Nguyệt Anh không hề cho nó là khó khăn, chỉ một chốc là cơm canh, mỳ đều mang lên đầy đủ, nóng hổi.
Sau đó môn khách của Gia Cát Lượng mới xuống bếp xem, lúc này mới phát hiện dưới bếp có mấy người gỗ hỗ trợ, người thì nấu cơm, người thì nấu mỳ, không những vậy, tốc độ rất nhanh, động tác cũng rất chuẩn xác, chả trách cơm nước mỗi lần đều chuẩn bị nhanh như vậy.
Từ việc này có thể thấy Hoàng Nguyệt Anh đúng là bậc sáng chế đại tài, ngay cả nấu cơm, nấu mỳ cũng có thể dùng người máy để nấu thật khiến con người ta khâm phục, ngay cả con người ngày nay cũng khó bề sánh kịp.
Ngoài ra, Hoàng Nguyệt Anh cũng không ít lần giúp đỡ phu quân xử lý việc quân sư đại sự. Ví như sáng chế “Trâu gỗ” vận chuyển quân lương, giúp thay thế 10 vạn đại quân cho Gia Cát Lượng. Hay như phát minh ra một loại vũ khí mới gọi là “Nỏ Liên Châu”, loại nỏ này phát ra uy lực khủng khiếp, trương truyền đại tướng Trương Cáp của nước Nguỵ chính là bị nỏ này bắn chết.
Hoàng Nguyệt Anh lo lắng cho phu quân khi đến phương Nam vào mùa hè thời tiết có nhiều chướng khí nên đã phát minh ra “Gia Cát Hành Quân Tán” và “Ngoạ Long Đan” để phòng khi mặc bệnh dùng.
Con người không thể chỉ đánh giá ở tướng mạo, đối với một người chí huệ thông minh, lại có kỳ tài, là vợ hiền như này thì cũng chỉ có Gia Cát Lượng mới là người tương xứng.
Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Minh Vũ biên dịch