Vào thời kỳ Tam Quốc, có một vị mưu sĩ gọi là Từ Thứ, tự “Nguyên Trực”, nguyên danh là Từ Phúc, thuở nhỏ vì trượng nghĩa báo thù cho người khác mà bị bắt, sau khi được giải cứu, ông đã đổi tên thành Từ Thứ. Có lẽ vì đã trải qua kiếp nạn sinh tử, nên Từ Thứ từ đó bái sư cầu đạo, có quan hệ mật thiết với Gia Cát Lượng và những đạo hữu khác.
Khi Lưu Bị đồn trú ở Tân Dã, Từ Thứ đến đầu quân và tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị, nói rằng tài trí của Gia Cát Lượng cao hơn mình gấp mười lần, hy vọng Lưu Bị sẽ đích thân tự đi mời Gia Cát Lượng xuất sơn phò tá mình, thì bá nghiệp có thể thành tựu! Vì thế mới có chuyện Lưu Bị ba lần đến nhà tranh mời Gia Cát Lượng.
Khi Từ Thứ đi xuống phía nam, mẹ ông bị Tào Tháo bắt, Từ Thứ vì để cứu mẹ, không còn cách nào khác đành phải từ biệt Lưu Bị, gia nhập doanh trại của quân Tào. Câu chuyện này trong nghệ thuật được gia công thành “Từ Thứ tiến vào doanh trại quân Tào, không nói một lời”. Từ Thứ còn trở thành mẫu mực của người con hiếu thảo được đời sau ca ngợi. Dưới thời trị vì của Ngụy Văn Đế Tào Phi, Từ Thứ làm quan đến tả trung lang tướng, ngự sử trung thừa, sau đó ông quy ẩn vân du.
Tương truyền Từ Thứ từng ẩn cư ở Giao Nam, nơi đó từng xây dựng một ngôi miếu Từ Thứ trên đỉnh chóp núi Đại Châu. Theo lịch sử trôi qua, truyền thuyết về Từ Thứ tu Đạo thành tiên, vân du tứ phương triển hiện Thần tích dần dần bắt đầu xuất hiện, trong bút ký của văn nhân cổ đại đều có ghi chép, truyền thuyết trong dân gian lại càng nhiều. Dưới đây là hai đoạn ghi chép từ những năm Khang Hy thời nhà Thanh.
Vào năm Khang Hy thứ mười hai (1673 SCN, Ngô Tam Quế nổi dậy chống nhà Thanh, loạn Tam Phiên bùng nổ. Cách năm, Vương Phụ Thần, một hàng tướng của nhà Minh, nhân cơ hội này đã phản bội triều đình nhà Thanh, bày tỏ ý định theo Ngô Tam Quế phản Thanh. Vào năm Khang Hy thứ mười bốn, hoàng đế Khang Hy sai người đến nói với ông ta: Hy vọng Vương Phụ Thần hồ đồ sẽ biết đường quay đầu về, triều đình nhất định sẽ không truy cứu chuyện đó. Đáng tiếc Vương Phụ Thần đã quyết tâm tiếp tục phản loạn. Vào năm Khang Hy thứ mười lăm, hoàng đế Khang Hy chính thức phong Đồ Hải làm đại tướng quân Phủ Viễn, xuất binh đến Thiểm Tây thảo phạt phản quân Vương Phụ Thần. Sau đây là chuyện xảy ra khi tướng Đồ Hải dẫn quân lên đường thảo phạt.
Một ngày nọ, quân đội của Đồ Hải gặp phải gió mạnh và giông bão, Ư Anh, một binh sĩ trong quân đội, bị lạc đường lạc đội, tách khỏi đoàn quân. Ư Anh một mình cưỡi ngựa trong sơn cốc, đi vòng quanh tứ xứ, nhưng không tìm được đường ra. Đêm đã đến khuya, Ư Anh nghĩ tối nay mình chắc không thể ra khỏi rừng, chỉ có thể đợi đến ngày mai, nên xuống ngựa, tựa vào một gốc cây lớn nghỉ ngơi.
Một lúc sau, Ư Anh nhìn thấy một chiếc đèn lồng màu đỏ, nó từ từ tiến lại gần anh, khi Ư Anh nhìn kỹ hơn thì hóa ra đó là một ông lão với râu tóc và đôi lông mày trắng, đang đi tới với chiếc đèn lồng trên tay. Ngoại hình của ông lão bạch mao giống như những lão nhân trường thọ trong tranh cổ, y phục và mũ miện đều là dạng thức cổ phác của tiền triều, không giống như trang phục người triều Thanh cạo tóc.
Ông lão ân cần hỏi Ư Anh: Cậu bị lạc đường à? Ư Anh đáp: Vâng, chỉ hy vọng lão có thể chỉ đường cho tôi. Ông lão bèn nói: Ngọn núi này rất hoang vắng, có nhiều hổ, sói và mãnh thú, vẫn còn cách đại lộ năm mươi sáu mươi dặm. Hãy nhanh chóng đi với tôi, tôi sẽ đưa cậu ra đại lộ.
Theo đó lão phu đi trước dẫn đường, Ư Anh cưỡi ngựa đi theo. Ông lão bước đi như bay, xuyên qua giữa sơn lâm, loạn thạch, tạp thảo trong màn đêm, tốc độ cực nhanh, ngựa của Ư Anh cũng khó theo kịp. Đi một lúc lâu mới đến được một nơi bằng phẳng thoáng đãng. Lúc đó, ông lão dừng bước chân, đưa chiếc đèn lồng đỏ trong tay cho Ư Anh, chỉ phương hướng và nói: Đại lộ ở ngay phía trước.
Ư Anh nhìn kỹ hơn chiếc đèn lồng đỏ, phát hiện chất liệu không phải là sợi hay giấy, bên trong cũng không có nến hay đuốc, toàn bộ chiếc đèn lồng đỏ biểu hiện thành nhất thể, chiếu sáng trong suốt, màu sắc như pha lê đỏ, vừa đỏ vừa tròn vừa phát sáng, không biết là vật gì. Ư Anh trong tâm cảm thấy rất kỳ quái, không biết đã gặp được thần nhân nào, liền cung kính tạ ơn và hỏi danh tính của ông lão. Ông lão cười nói: Tôi là Từ Thứ thời Tam Quốc. Ư Anh nghe xong, vô cùng kinh hãi, vừa định quỳ xuống bái tạ thì ông lão đã biến mất.
Ư Anh đi theo phương hướng lão nhân chỉ, tự mình cưỡi ngựa đi mấy dặm, quả nhiên đã tới đường lớn, lúc này phía đông bầu trời dần sáng, Mặt trời mọc lên, chiếc đèn lồng đỏ trong tay cũng tắt lịm. Nhìn kỹ, chiếc đèn lồng đỏ đã biến thành một quả hạnh đỏ to bằng miệng bát. Sau khi đi dọc đại lộ và tìm được quân đội, Ư Anh giải thích cặn kẽ những chuyện kỳ lạ mà mình gặp phải, mọi người phân tích rằng hiện tại là khí hậu mùa đông khắc nghiệt, không thể có quả hạnh, mà lại to như vậy, đều cho rằng anh chàng thật sự đã gặp được Từ Thứ, người ẩn cư tu hành thành tiên.
Nhân tiện, hãy nói về cái kết của Vương Phụ Thần. Đội quân bình phản của Đồ Hải đã đến, nhưng Vương Phụ Thần đánh không lại, không còn con đường nào khác đành phải đầu hàng lần nữa. Hoàng đế Khang Hy khoan dung đại lượng vẫn phong cho Vương Phụ Thần làm đề đốc Bình Lương, còn gia phong cho làm thái tử Thái Bảo để an ủi ông ta. Tuy nhiên, Vương Phụ Thần trước sau luôn lấy tâm tiểu nhân độ lòng quân tử, nghi ngờ tội hành phản nghịch của mình quá lớn, cho rằng lòng khoan dung và từ bi của hoàng đế Khang Hy đều là dối trá, là điềm báo tương lai sẽ thanh toán, nên đã uống rượu độc tự sát. Hoàng đế Khang Hy nghe tin Vương Phụ Thần qua đời, đã trầm mặc rất lâu. Sau này, Khang Hy không hề trách phạt gia tộc hay thuộc hạ của Vương Phụ Thần, ông quả là thánh tổ nhà Thanh từ bi vô lượng!
Ngoài ra, theo “Kiến gian tùy bút”, vào năm Khang Hy thứ 35 (năm 1696 SCN), tại núi Ngũ Chỉ Sơn, thành phố Hà Nguyên, tỉnh Quảng Đông, một ngày nọ, hạc tiên, mây cát tường, màn sương thơm phảng phất đã xuất hiện giữa thanh thiên bạch nhật. Lúc đó mọi người nhìn thấy một vị tiên nhân bay lên không trung, nói với chúng nhân trong núi: Ta chính là Từ Thứ thời Tam Quốc, sau khi quy ẩn tu luyện hơn một ngàn năm, hôm nay đã viên mãn rồi, sẽ bạch nhật phi thăng. Các ngươi cần phải tuyên truyền rộng rãi, để thế nhân đều biết kỳ tích của Thần này. (Nguồn: “Nĩ Thực Lục Phần 2” và “Kiến Văn tùy bút”)
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch