Có câu: “Nhân sinh kỷ hà”, đời người được có bao lâu? Vậy cớ gì phải tính thiệt hơn. Chúng ta đại đa số đều sống với những tính toán thiệt hơn, nhưng thực tế có những người nghĩ khôn mà dại, có những người tưởng dại lại hóa khôn.
Thế nên, cha ông ta mới nói: “Người tính không bằng trời tính”, sống chân thành, ở thủy chung mới là người hạnh phúc.
Nhiều người cho mình là thông minh nên thường hay tính toán, nhưng nhìn từ góc độ khác thì đây chính là người sống so bì. Có một điều hiển nhiên: Người sống so bì thì không thể hạnh phúc, đây là định luật muôn đời vạn kiếp bất biến.
Đôi khi có những người cứ nghĩ bản thân thông minh nhưng sau cùng lại là quá dại, bởi đa phần người tính càng nhiều, mất cũng lại càng nhiều, cái họ được thường lại chẳng bằng cái mất, được là cái bề mặt nổi trôi, mất là cái tôi bản ngã.
Khi chúng ta đặt nặng vấn đề được và mất cho bản thân thì cũng chính là lúc họ mất đi sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Mà hạnh phúc được sinh ra là nhờ sự an lạc trong cuộc sống, trí huệ được sinh ra là nhờ sự tĩnh lặng của tâm hồn.
Tâm tĩnh vạn sự hòa,
Tầm phiền sầu khắc tới.
Một người cứ chìm đắm trong được mất, hơn thua thì cũng có nghĩa là họ sống trong suy tư, phiền muộn, vậy vui vẻ ở đâu ra?
Có câu: “Làm người chỉ cần sống thiện lương, trời đất ắt sẽ có an bài”, chúng ta có những người cả đời ngược ngược xuôi xuôi, đêm ngày vất vả cũng chỉ để là kiếm tìm cho mình hai chữ hạnh phúc, bình an. Tuy nhiên hạnh phúc là gì, và bình an thử hỏi nơi đâu? Đâu là kim chỉ nam cho ta tìm về chân lý?
Tĩnh tâm mà suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy rằng, lúc chúng ta càng xuôi ngược tranh đấu, kiếm tìm lại chính là lúc chúng ta xa rời hạnh phúc, xa rời sự an lạc vốn có của tâm hồn nhất.
Nhân sinh như mộng, hạnh phúc ở đâu, an lạc chốn nào?
Kỳ thực, hạnh phúc, niềm vui, sự an lạc luôn hiện hữu quanh ta, nó được bắt nguồn từ chính sự giác ngộ trong tâm hồn mỗi con người. Khi ta biết đủ, biết hài lòng với những gì mình đang có, để cho tâm hồn mình được lắng đọng, ta sẽ bất chợt nhận ra rằng, hạnh phúc luôn kề bên.
Hạnh phúc…
Đó chính là mỗi sớm mai thức dậy, thấy con cười, thấy dáng mẹ an vui. Thấy bình minh ló rạng phía chân trời, mỗi ngày mới ta sống đời ý nghĩa. Không bon chen, không được mất với ai, bởi ở nhà có mẹ già, con trẻ. Và vợ hiền sớm tối ngóng chờ ta, mỗi buổi tan ca bình an vô sự…
Ai đó đã từng nói: “Vạn cảnh tùy tâm sinh, vạn sự tùy tâm biến”. Khi chúng ta buông bỏ truy cầu, tham sân, si hận, có được sự lĩnh lặng trong tâm thì khi đó nhìn cảnh đâu đâu cũng hữu tình tươi đẹp, còn gặp người thì ai ai cũng hiền hòa, niềm vui tự tại.
Đường đời vạn nẻo, lòng người đa đoan, vạn sự đa màu. Trong cuộc sống thì việc gì đến hãy cứ để nó đến, việc gì đi hãy cứ để nó đi, thuận cảnh, tùy duyên, hà tất phải hữu cầu? Ai đó đã từng viết: “Hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình”, kỳ thực, hoa đến ngày hoa lìa cành xa lá, nước đầy nguồn, nước chảy về xuôi.
Khi hoa kia đến lúc phải lìa cành thì dù cây kia có muốn níu, lá kia chẳng muốn rời thì hoa kia vẫn cứ phải rời. Nước đầu nguồn, khi đầy ắt sẽ chảy, khi đó, đá muốn giữ, sông chẳng muốn rời thì cũng ích gì đâu? Làm người cũng lại như vậy, mỗi một việc đến và đi đều do chữ duyên cả, cưỡng cầu chính là đau khổ, tính toán chính là hại thân.
Vậy nên, để đúc kết lại mà nói, thì người sống không tính toán mới là người thông minh nhất. Sống an nhiên tự tại, thoải mái với lòng, mắt nhắm, tay buông, được mất hơn thua thì cũng thấy chẳng có gì khác biệt.
Trăm năm một kiếp thân người ấy
Sướng, khổ được vui nào tại phận
Mà bởi lòng sân si được mất
Buông bỏ hơn thua, lòng tự tại
Ấy cảnh thiên đường tại thế nhân.
Minh Vũ