Khi đến cách đại doanh của Đậu Kiến Đức ba dặm, gặp phải đội tuần tra canh gác, Thái Tông hô lớn: “Ta Tần Vương!” Thuận theo đó tay vung tên bắn hạ thủ lĩnh đối phương. Quân của Đậu Kiến Đức tỏ ra kinh hãi, lập tức năm sáu ngàn kỵ binh đuổi theo…

Thần uy triển hiện tại Võ Lao quan

Vào những năm cuối Tùy Dạng Đế, Đậu Kiến Đức là thủ lĩnh nghĩa quân nổi dậy chống lại sự cai trị của nhà Tùy, từng tham gia vào đội quân khởi nghĩa của Cao Sỹ Đạt ở quận Thanh Hà. Ông không chỉ đánh bại Quách Tuân và Tiết Thế Hùng ở quận Trác mà còn xóa sổ các lực lượng tàn dư của nhà Tùy mà đứng đầu là Vũ Văn Hóa Cập. Đậu Kiến Đức sau đó đã thành lập chính quyền, định đô tại Lạc Thọ, tự xưng là Trường Lạc Vương, sau đổi thành Hạ Vương, xây dựng được lực lượng quân sự hùng mạnh.

Khi Thái Tông tiến đánh Lạc Dương, Vương Thế Sung đã tới cầu cứu Đậu Kiến Đức. Vào tháng 3 năm Võ Đức thứ 4 (năm 621), Đậu Kiến Đức vừa đánh bại Mạnh Hải Công nên đã tỏ ra ngông cuồng tự cao tự đại, lập tức xuất hơn 10 vạn quân, gọi là đội quân 30 vạn, tiến thẳng vây hãm Quản Châu, chiếm Huỳnh Dương; thủy bộ cùng xuất quân, lên thuyền du ngoạn Vận Lương tiếp viện cho Vương Thế Sung. “Quân Vu Thành Cao hướng tới Đông Nguyên, xây dựng cung điện Ban Chử, trợ giúp cho quân Vương Thế Sung”. Vậy là quân Đường gặp phải uy hiếp cực lớn từ hai phía. 

Thái Tông từng viết thư cho Đậu Kiến Đức nói về việc ông ta xuất binh cứu trợ Vương Thế Sung, khuyên ông ta nên hiểu đại nghĩa, nhìn rõ lợi hại, trách ông ta không giữ lời, xuất quân vô cớ, khuyên nên nghĩ lại 3 lần rồi hãy tiếp tục đưa quân đi. Nội dung thư có đoạn viết như sau: “Thế nào là không giữ chữ tín, thay lòng trốn oán? Vô cớ tiến quân khiến cho nguy cơ càng lớn, mất hết phẩm đức, thích trở thành kẻ cầm đầu gây chiến, vậy trách ai đây. Người có lương tâm phải than thở rồi”. 

Tuy nhiên, Đậu Kiến Đức lại khư khư cố chấp, cuối cùng vẫn đưa hơn 10 vạn binh đến giúp Vương Thế Sung. Tiêu Vũ, Khuất Đột Thông, Phong Đức Di nhìn thấy tình huống quân địch uy hiếp từ hai phía, sợ kế hoạch chưa vẹn toàn nên đã thỉnh cầu Thái Tông rút quân để xem xét tình hình. Thái Tông nói:

“Lương thực của Thế Sung đã hết, trong ngoài mất lòng tin, quân ta không nên công kích. Quân ta không cần tấn công, chỉ việc ngồi chờ quân địch tự bại. Gần đây Kiến Đức đánh bại Mạnh Hải Công, tướng soái kiêu ngạo, binh sĩ lười biếng, ta cần đánh chiếm Võ Lao quan, trấn giữ chỗ xung yếu này. Giả như quân địch mạo hiểm cùng quân ta phân định thắng thua, việc công phá quân phản loạn là sự tình tất nhiên. Nếu như quân địch không chiến, trong vòng khoảng 10 ngày chúng sẽ tự bại. Nếu không tức tốc tấn công, quân phản loạn tiến vào Võ Lao trước, các thành vừa mới thu được ở xung quanh cũng sẽ không thể giữ vững. Hai quân địch tập hợp, thì chúng ta sẽ xử lý thế nào?”

Khuất Đột Thông lại thỉnh rằng nếu bỏ vây thì sẽ đem đến nguy hiểm và biến hóa khó lường sau này, nhưng Thái Tông không cho là vậy. 

Ảnh: Đường Thái Tông binh chinh thiên hạ (tranh vẽ Tào Túy Mộng).

Ngày hôm sau Thái Tông đến Võ Lao, dẫn theo 500 binh mã thăm dò doanh trại của Đậu Kiến Đức. Quân đội hai bên đóng quân cách xa nhau 20 dặm, ven đường Thái Tông đều bố trí quân mai phục. Đội quân này do Lý Thế Tích, Trần Thúc Bảo, Trình Tri Tiết thống lĩnh; còn bản thân chỉ đem theo 4 kỵ binh cùng Uất Trì Kính Đức tiến thẳng tới doanh trại của Đậu Kiến Đức.

Thái Tông nói với Uất Trì Kính Đức: “Ta cầm cung tên, ngươi cầm giáo theo sau, dù có thiên quân vạn mã cũng không thể làm khó dễ được ta”. Khi đến địa điểm cách đại doanh của Đậu Kiến Đức ba dặm, gặp phải đội tuần tra canh gác, Thái Tông hô lớn: “Ta Tần Vương!” Thuận theo đó tay vung tên bắn hạ thủ lĩnh đối phương. Quân của Đậu Kiến Đức tỏ ra kinh hãi, lập tức có năm sáu ngàn kỵ binh đuổi theo.

Thái Tông và Uất Trì Kính Đức liền ghìm dây cương cho ngựa chạy từ từ, khi truy binh của địch đuổi tới liền bắn một mũi tên khiến họ thiệt mạng, do đó quân đuổi theo cũng không dám tới gần. Cứ có người tiến đến gần liền bị bắn tên thiệt mạng. Việc như vậy tiếp tục diễn ra. Trong bất tri bất giác, đội quân của Đậu Kiến Đức đuổi theo Thái Tông đã bị dẫn vào vòng mai phục, quân đội Lý Thế Tích đánh ra, quân truy binh đại bại hốt hoảng bỏ trốn. 

Đậu Kiến Đức đi tới Tây Huỳnh Dương và cho xây dựng một thành lũy ở Bản Chử, còn Thái Tông đóng quân tại Võ Lao quan, cầm chân nhau hơn 20 ngày. Mật thám của quân Đường báo tin: “Đậu Kiến Đức thám thính được tin lương thảo của quân Đường đã hết, phóng ngựa tới phía bắc Hoàng Hà để chuẩn bị tấn công Võ Lao”. Thái Tông biết được mưu tính của Đậu liền giả vờ chăn thả ngựa ở Hà Bắc để dẫn dụ.

Sáng sớm hôm sau, Đậu Kiến Đức quả nhiên dẫn quân tới, quân lính tập trung trên mặt nước. Thuộc hạ của Thế Sung là Quách Sỹ Hành bày trận ở phía Nam quân địch, kéo dài vài dặm, nổi trống tiến quân, tướng lĩnh sợ sệt. Thái Tông dẫn theo mấy kỵ binh lên đồi cao quan sát, ông nói với tướng sĩ: “Quân địch khởi binh từ Sơn Đông, chưa từng gặp qua đối thủ cường đại; hôm nay dấn thân vào nơi mạo hiểm vẫn reo hò ầm ĩ, là không có kỷ luật quân lệnh; xếp đặt trận thế bức tường thành là có ý coi khinh chúng ta. Chúng ta án binh bất động, khí thế của chúng tự nhiên suy kiệt, bày trận trong thời gian dài sẽ khiến quân sĩ đói khát, như thế tất sẽ tự động rút lui, lúc đó chúng ta đuổi theo tấn công, ắt sẽ khắc chế địch. Ta hẹn với các vị, qua giữa trưa sẽ đánh bại chúng!”

Tranh Trình Tri Tiết (Trình Giảo Kim) được vẻ bởi Thẩm Nguyên đời Thanh, được sưu tầm bởi Bảo tàng Cố cung Quốc gia ở Đài Bắc. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Đậu Kiến Đức bày trận từ giờ Thìn đến giữa trưa, binh sĩ tỏ ra mệt mỏi ngồi la liệt, hơn nữa còn giành nhau nước uống, tâm lý do dự thối lui. Thái Tông nói: “Có thể tấn công rồi!”

Nói xong, Thái Tông tự mình dẫn theo kỵ binh nhẹ truy đuổi để dụ địch, quân lính còn lại đi theo phía sau. Đậu Kiến Đức trở về trong quân bày trận, việc còn chưa xong thì Thái Tông giành thế tấn công trước, mọi hướng đều không khởi được tác dụng. Rất nhanh sau đó quân đội hai bên giao chiến, bụi bay mù mịt tứ bề ầm ĩ. Thái Tông dẫn theo Sử Đại Nại, Trình Giảo Kim, Tần Thúc Bảo, Vũ Văn Hâm cùng toàn quân vẫy cờ tấn công, xông ra từ phía sau trận địa của ông ta, giương cao cờ xí. Binh lính địch thấy vậy liền tự nhiên tan tác.

Thái Tông cho quân đuổi theo 30 dặm, trảm đầu hơn 3 ngàn tên, thu hơn 5 vạn quân, đồng thời bắt sống Đậu Kiến Đức tại trận. Thái Tông trách ông ta: “Ta dùng chiến tranh hỏi tội, căn bản tại Vương Thế Sung. Được mất tồn vong, sự việc này ngươi không dự liệu được, sao còn quá phận, xâm phạm quân tiên phong của ta?” Đậu Kiến Đức run rẩy mà nói: “Việc hôm nay nếu không xảy ra, sợ rằng phải vất vả viễn chinh mới bắt được”. Ý nói rằng hôm nay nếu không trói ông ta ở trận chiến này thì Thái Tông phải thực hiện cuộc viễn chinh xa hơn nữa mới bắt được. 

Cao Tổ nghe được tin Thái Tông đã thắng lớn, bắt được Đậu Kiến Đức mà vô cùng vui mừng, không khỏi thốt lên lời khen ngợi, hơn nữa còn tự tay viết chiếu thư: “Bộ phận nhà Tùy đã sụp đổ, Hào Hàm ngăn cách. Hai hùng gặp nhau, mạnh yếu đã minh bạch rõ ràng. Quân binh khắc chế địch nhanh chóng, càng không có ai bị hy sinh hay thương tổn. Không thẹn là thần tử, đừng lo cho cha, đây cũng là sự nghiệp của con”. 

Đường Thái Tông trói Đậu Kiến Đức giải đến dưới thành Lạc Dương Đông Đô, Vương Thế Sung nhìn thấy Đậu Kiến Đức bị bắt, vô cùng sợ hãi nên đã dẫn các tướng sỹ xin hàng. (Ảnh: Tào Túy Mộng/ Epoch Times)

Một tay thu về nửa giang sơn cho Đại Đường

Thái Tông trói Đậu Kiến Đức giải đến dưới thành Lạc Dương Đông Đô, Vương Thế Sung nhìn thấy Đậu Kiến Đức bị bắt, tỏ ra vô cùng sợ hãi, nên đã dẫn hơn 2 nghìn tướng sĩ xin hàng. Vùng đất Sơn Đông đã được bình định. Trịnh, Hạ, Đường tạo thành thế chân vạc đã bị Thái Tông phá vỡ. Đến tận lúc này, Thái Tông bách chiến bách thắng, tất cả cuộc chiến đều giành thắng lợi, một tay thu về nửa giang sơn cho Đại Đường.

Thái Tông vào cung thành, lệnh cho Tiêu Vũ, Đậu Quỷ và những người khác đóng ngân khố lại, không lấy dù chỉ một đồng; sai Ký Thất Phòng Huyền Linh thu gom sổ hộ tịch cùng bản đồ đất đai nhà Tùy. Thế là thuộc hạ của Vương Thế Sung là Đoạn Đạt và hơn 50 người đã phóng thích tất cả những người bị nhốt oan, người vô tội đã chết đều được cúng tế và truy điệu. Khi biết được việc ban thưởng cho tướng sĩ có sự phân biệt, Cao Tổ đã lệnh cho quan Thượng thư xử trảm Bùi Tịch để giúp yên ổn lòng quân. 

Tháng 6 năm Võ Đức thứ 4 (năm 621), lúc khải hoàn trở về, Thái Tông khoác lên mình áo giáp vàng, bày trận một vạn kỵ binh, ba vạn binh sĩ mặc áo giáp, trước sau đều cổ vũ. Thái Tông bắt được hai ngụy chủ là Vương Thế Sung và Đậu Kiến Đức, đồng thời thu về vật cống cùng cung điện của nhà Tùy. Cao Tổ vô cùng vui mừng, mở yến tiệc ban thưởng. Cao Tổ nói rằng tự xa xưa, quan lại không khen thưởng công lao đặc thù, bèn dùng bảng danh hiệu đặc biệt (tấm biển) để ghi công đức to lớn cho Thái Tông.

Trong chiến dịch trọng yếu thống nhất thiên hạ của Đại Đường, Huyền Giáp Quân (đội quân áo giáp đen) của Thái Tông nhiều lần dựa vào ngàn kỵ binh mà đại phá quân địch lớn gấp 10 lần. Trước Võ Lao quan, Thái Tông cũng chính là dựa vào Huyền Giáp Quân làm tiên phong, đại hiển thần uy, 3 ngàn thiết kỵ binh đánh thẳng vào doanh trại địch, đại phá hơn 10 vạn quân của Đậu Kiến Đức, thu về hơn 5 vạn người, bắt sống Đậu Kiến Đức và ép Vương Thế Sung đầu hàng, nhờ vậy mà đặt được nền móng cho cơ nghiệp Đại Đường thống nhất.

Nhờ đạt được thắng lợi này, Thái Tông được Cao Tổ phong cho làm Thiên Sách Thượng tướng quân, đứng trên hàng vương được tấn phong. Tới thời điểm này, Thái Tông đã đạt đến vị trí “dưới một người, trên vạn người”. Bởi vì Thiên Sách Thượng tướng quân là tước vị nằm dưới Cao Tổ và tương đương với Thái Tử, điều này cho thấy Cao Tổ vô cùng coi trọng Thái Tông. 

(Còn tiếp…)

Theo Epoch Times
San San biên dịch