Thái Tông không chỉ là một vị hoàng đế kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc mà tại lĩnh vực thư pháp ông cũng đạt được thành tựu phi phàm.

Ngay từ khi còn nhỏ, Thái Tông đã được Hàn Mặc Huân đào tạo, tuy nhiên nửa cuộc đời ông ngồi trên lưng ngựa dấn thân vào các cuộc chiến, tuy vậy chỉ cần có cơ hội là ông liền múa bút sáng tác. Ông đặc biệt yêu thích phong cách thư pháp của Vương Hy Chi, cho rằng bút pháp đó là ‘thập toàn thập mỹ”, cũng từng bỏ ra số tiền lớn để mua lại những bức thư pháp của Vương Hy Chi, đồng thời ông còn tự viết ‘Vương Hy Chi truyện’. Thư pháp của Thái Tông đã đạt được cốt cách của Vương Hy Chi, nét bút khoáng đạt, mãnh liệt thoải mái mà hoàn toàn tự nhiên. Trong bức thư pháp ‘Tấn từ minh’ không chỉ là bức bia thư pháp mở đường mà còn là bức bia thư pháp nổi tiếng hiếm có.

Thư pháp ‘Tấn từ minh’ của Đường Thái Tông. (phạm vi công cộng)

Thư pháp của Thái Tông viết theo các thể chữ chân, hành, thảo, lệ và phi bạch, không kiểu chữ nào ông không viết được. ‘Phi bạch’ là một kiểu viết khó nắm bắt kỹ xảo văn chương, cho nên những bức thư pháp viết theo kiểu thể ‘phi bạch’ của Thái Tông càng được người đương thời coi trọng, các quan đại thần đều mong muốn có được. Tác phẩm thư pháp của ông trôi chảy không có cản trở, nét bút đầy đặn mượt mà, nội lực hùng mạnh. Tống Chu Trường viết trong cuốn ‘Tục thư đoạn’ đã coi tác phẩm thư pháp của của ông là ‘Diệu phẩm’, trong phần luận có viết: “Múa bút có phong cách của Hàn Mặc, khỏe khoắn xinh đẹp hơn hẳn, loan bay phượng múa, rồng uốn lượn, vô cùng huyền diệu”. Tuy nhiên, thư pháp của ông lại bị che dấu sau thành tựu về văn hóa giáo dục cùng võ công cho nên ít được người đời sau chú ý. 

Với tư cách là một vị hoàng đế nắm quyền lực trong tay, Thái Tông đã thực hiện một cuộc sưu tập hệ thống với quy mô lớn đối với di sản thư pháp Trung Quốc, chỉnh lý và tổng hợp được: “Sáng tác cổ kim, bút tích thực của Vương Hy Chi và những nhà thư pháp khác, tổng số lên đến 1510 tác phẩm”. Dùng thư pháp đưa vào giáo dục, thời đại nhà Đường có 6 môn học được giáo dục ở trường học, trong đó thư pháp là môn học thứ 5. Trong các kỳ thi khoa cử có chọn ra 4 môn học để tiến hành khảo thí, thư pháp là môn thi thứ 3, thư pháp kiểu chữ khải cần đạt được cứng mạnh mà đẹp thì mới đạt tiêu chuẩn, nếu không không thể đỗ đạt làm quan.

Đối với thư pháp của Vương Hy Chi, Thái Tông có niềm yêu thích đặc biệt. Ông còn đặt giá cao để mong mua được táp phẩm của Vương Hy Chi, bao gồm cả khải thư, hành thư và thảo thư. Trong đó có tác phẩm ‘Lan đình thiếp’, Thái Tông không chỉ đích thân múa bút họa theo mà còn để cho Thái tử cùng chư vương ‘mài giũa luyện rèn’. Dưới sự chỉ bảo, ảnh hưởng và tác động của Thái Tông mà Cao Tông, Duệ Tông, Huyền Tông, Túc Tông, Tuyên Tông cùng con cháu trong vương thất đều học thư pháp, yêu thư pháp, hơn nữa còn ảnh hưởng đối với quan đại thần và dân chúng. 

Thanh lọc và mở đường cho văn học thời Đường, hoàng đế mô phỏng lại tác phẩm ‘Lan đình tự’. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Đương thời, Thái Tông là một bậc thầy về thư pháp, sáng tác thư pháp của ông đạt được cái tinh hoa của Hy Chi. Trong ‘Uyển Khâu tập’ của Tống Trương Lỗi có viết về Đường Thái Tông như sau: “Dụng bút tinh công, pháp độ túy mỹ, đặt lẫn bút pháp của hai người cùng một chỗ thì không thể phân biệt”. Trong cuốn ‘Thuần hóa các thiếp’ quyển 7, đã nhầm đem tác phẩm ‘Tự Úy thiếp’ và ‘Vãn phục thiếp’ của Đường Thái Tông đặt vào trong bộ tác phẩm của Vương Hy Chi. 

Thái Tông tự tay viết tiểu sử cho Vương Hy Chi, chính là tác phẩm ‘Vương Hy Chi truyện luận’ trong ‘Tấn thư’.

Thái Tông có bình luận về thư pháp của Vương Hy Chi như thế này: “Thư pháp ra đời và phát triển từ thời Trung cổ, và thư pháp thời cổ xưa không đáng xem. Sau đến Chung Diêu và Vương Hy Chi, có thể giải thích một cách đại khái. Chung Diêu có danh tiếng tốt, được cho là siêu quần trác tuyệt, nhưng nói về cái hoàn hảo hay điểm còn tranh cãi trong tác phẩm của ông thì điểm yếu vẫn là văn phong còn cũ và thiếu sáng tạo, kiểu chữ dẹt dài vượt qua thông thường. Vương Hiến Chi mặc dù kế thừa phong cách thư pháp của cha ông nhưng cũng không có ý tưởng mới đặc sắc nào. Chữ của ông như cây khô trong ngày đông giá rét, nghĩa là đường nét tuy có cành nhánh nhưng lại không có sức sống và phát triển. Chữ viết giống như một người tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc nhưng lại trong tình trạng đói kém, gầy yếu mà không có được sự khoáng đạt cũng như hùng mạnh. Kết hợp chúng lại thì nó đã trở thành điểm hạn chế của thư pháp. 

Tiêu Tử Vân, người rất nổi tiếng trong triều đại nhà Lương của Nam Triều. Có thể nói ông cũng đạt được trình độ nhất định về thư pháp nhưng lại thiếu khí phách của bậc trượng phu. Mặc dù ông luyện viết đến mức cùn hết cả ngàn chiếc bút lông thỏ mới đạt được bút pháp tốt, nhưng nét chữ lại không có chút sức lực nào. Tuy rằng cuối cùng ông cũng đạt được trình độ bề ngoài của vạn cốc nhưng lại không có lấy nửa phần cốt nhục. Dựa vào thư pháp như vậy mà lưu truyền danh tiếng há chẳng phải là danh vọng hão huyền sao? 

Vì vậy, thông qua quan sát cẩn thẩn thư pháp cổ kim, nghiêm túc nghiên cứu các tác phẩm, người có thể viết thư pháp được hoàn mỹ chỉ có Vương Hy Chi. Nhìn chữ của ông thấy được công phu bút họa thư pháp, kết cấu chỉnh thể xảo diệu, giống như mây khói lan tràn, sương sớm ngưng kết, chỗ ngưng đoạn của nét bút vẫn đạt được liền mạch; như gió chim bay liệng, giao long uốn lượn, chữ giống như nghiêng mà lại đoan chính. Thưởng ngắm mãi không thấy chán, nhìn kỹ mà vẫn không biết thực hiện như thế nào. Nội tâm thấy ngưỡng mộ, viết phỏng theo chỉ thấy hơi giống, duy chỉ có Vương Hy Chi mà thôi. Còn những cái gọi là danh gia thư pháp khác, căn bản không đáng để nhắc tới. 

“Ý chỉ” của Thái Tông

Trong ‘Toàn đường văn’ (quyển 10), Thái Tông viết:

“Phu tự dĩ thần vi tinh phách, thần nhược bất tri, tắc tự vô thái độ dã; dĩ tâm vi cân cốt, tâm nhược bất kiên, tắc tự vô kính kiện dã; dĩ phó mao vi bì phu, phó nhược bất viên, tắc tự vô ôn nhuận dã. Sở tư tâm phó tương tham dụng, thần khí trùng hòa vi diệu, kim bỉ trọng minh khinh, dụng chỉ oản bất như phong mang, dụng phong mang bất như trùng hòa chi khí, tự nhiên thủ oản khinh hư, tắc phong hàm trầm tĩnh. Phu tâm hợp vu khí, khí hợp vu tâm; thần, tâm chi dụng dã, tâm tất tĩnh nhi dĩ hĩ. Ngu an cát vân: Phu vị giải thư ý giả, nhất điểm nhất họa giai cầu tượng bản, nãi chuyển tự thủ chuyết, khởi thị thư tà? Túng phóng loại bản, thể dạng đoạt chân, khả đồ kỳ tự hình, vị khả xưng giải bút ý, thử nãi loại hồ hiệu tần vị nhập Tây Thi chi áo thất dã. Cố kỳ thủy học đắc kỳ thô, vị đắc kỳ tinh, thái hoãn giả trệ nhi vô cân, thái cấp giả bệnh nhi vô cốt, hoành hào trắc quản tắc độn mạn nhi nhục đa, thụ quản trực phong tắc kiền khô nhi lộ cốt. Cập kỳ ngộ dã, tâm động nhi thủ quân, viên giả trung quy, phương giả trung củ, thô nhi năng duệ, tế nhi năng tráng, trường giả bất vi hữu dư, đoản giả bất vi bất túc, tư dữ thần hội, đồng hồ tự nhiên, bất tri sở dĩ nhiên nhi nhiên hĩ.”

Ý của ông là, tinh hồn thư pháp nằm ở việc người viết chữ phải có thần, thần không rõ ràng thì chữ viết ra sẽ không có thái độ; nhân tâm là gân cốt của chữ, tâm nếu không kiên định, chữ viết ra sẽ không có lực và khỏe mạnh; bề mặt chữ yêu cầu đạt đến mượt mà. Viết chữ yêu cầu thần khí điều hòa, tâm khí tương hợp, tâm cần phải tĩnh. Lúc mà ý của chữ viết không rõ, thì chỉ là bắt chước hình dáng chữ, giống như Đông Thi bắt chước Tây Thi nhăn mặt. Đợi tới lúc hiểu ý rồi, nội tâm cảm động mà khiến bút pháp tuôn ra đều đều, đúng quy củ, thân của bút pháp thô nhưng đã có được sự tiến bộ, bút họa tuy mảnh nhưng đã thể hiện được sự khỏe mạnh, dài ngắn đúng mực, tư tưởng có thể nghĩ tới liên kết với Thần, có thể hòa cùng thiên nhiên, trong bất tri bất giác mà tự nhiên làm được. 

Thái Tông đã lưu lại tâm pháp thư pháp của chính mình cho hậu thế. 

Bản dập thời Đường  thư pháp ‘Ôn Tuyền minh’ của Đường Thái Tông, hiện nằm trong bộ sưu tập của Thư viện Paris, Pháp. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Luận thư của Thái Tông

“Thái Tông thường vị triêu thần viết: Thư học tiểu đạo, sơ phi cấp vụ, thì hoặc lưu tâm, do thắng khí nhật. Phàm chư nghệ nghiệp, vị hữu học nhi bất đắc giả dã. Bệnh tại tâm lực giải đãi, bất năng chuyên tinh nhĩ. Trẫm thiểu thì vi công tử, tần tao địch trận, nghĩa kỳ chi thủy, nãi bình khấu loạn. Chấp kim cổ tất hữu chỉ huy, quan kỳ trận tức tri cường nhược. Dĩ ngô nhược đối kỳ cường, dĩ ngô cường đối kỳ nhược, địch phạm ngô nhược, truy bôn bất du bách sổ thập bộ, ngô kích kỳ nhược, tất đột quá kỳ trận, tự bối nhi phản kích chi, vô bất đại hội. Đa dụng thử trí thắng, trẫm tư đắc kỳ lý thâm dã. Kim ngô lâm cổ nhân chi thư, thù bất học kỳ hình thế, duy tại cầu kỳ cốt lực, nhi hình thế tự sinh nhĩ. Ngô chi sở vi, giai tiên tác ý, thị dĩ quả năng thành dã.”

Đại ý của ‘Luận thư’ là: Thái Tông đàm luận cùng thần tử, thư pháp là tiểu đạo, mới bắt đầu mà nóng vội thì không đạt được, ngẫu nhiên lưu tâm cân nhắc sẽ tốt hơn là cả ngày gác lại. Bản sự của việc học, không phải người học không đến mà vấn đề nằm ở lười biếng, không thể một lòng đạt tới cảnh giới tinh thâm. Khi còn trẻ ta trải qua chiến trận, nhìn trận thế của đối phương là biết rõ mạnh yếu, ta lấy yếu đối địch mạnh, dùng mạnh đối địch với yếu, quân địch tấn công điểm yếu của ta, đuổi theo ta trong 100 bước, ta đánh vào nhược điểm của đối phương, nhất định sẽ tập kích xông qua trận địa của quân địch, từ phía sau lại áp sát tấn công tới, do đó quân địch đều bị ta đánh bại, nghĩ tới đạo lý này ta có cảm thụ vô cùng sâu sắc. Ta noi theo gương của người xưa, không học bề mặt, chỉ khi xương cốt chắc khỏe thì bề mặt ngoài sẽ hiện ra một cách tự nhiên. Khi làm bất kể một việc gì, đầu tiên cần hiểu rõ ý nghĩa, cho nên kết quả sẽ đạt được một cách tự nhiên. 

Bút pháp của Thái Tông thấm đậm điều huyền diệu trong binh pháp võ công của ông, văn võ tương trợ, thông hiểu đạo lý, ‘Bí quyết bút pháp’ có thể dung nạp được chủ ý một cách khách quan. Ở nét chấm, ngang, phẩy, sổ, cong, sóng …, bút pháp cơ bản trong thư pháp của Thái Tông đều chỉ ra điều tinh diệu trong dùng sức và ý, ví như khi đặt bút viết nét chấm thì nhất định phải thu lại đầu bút, rút như thế nào, làm sao để thoát, điều này cũng trực tiếp nói lên ý tứ trong bức thư pháp của ông. 

Trong “Bút ý luận”, Thái Tông có đàm luận về sự tâm đắc phỏng theo thư pháp của Vương Hy Chi: “Nói về học thư pháp, trước tiên cần có được điểm tuyệt diệu đắc ý với thư pháp của Vương, lối chữ khải ‘Lạc nghị luận’, hành thư ‘Lan đình’, thảo thư ‘Thập thất thiếp’, chớ để cho có nét bị chết, đó là đạo lý của thư pháp’. 

Phi bạch thư của Thái Tông

Thái Tông rất tinh thông phi bạch thư. Phi bạch thư chính là một loại phương pháp viết, tương truyền là thời Đông Hán, nhà thư pháp Thái Ung lấy cảm hứng từ việc thợ thủ công Tu Hồng Đô dùng chổi nhúng vào phấn trắng viết chữ mà sáng tạo ra. Nét bút trong phi bạch thư có một số chỗ hiện lên nét khô nhỏ li ti song song với nét chính, chỗ nét bút chuyển hướng thì lộ ra rõ nét, thể hiện sự cứng cáp chất phác. Hoàng Bá Tư thời Bắc Tống có viết: “Dự vào bút tích có sợi nhỏ li ti gọi là bạch, thế của nó như đang bay nên gọi là phi”. ‘Thư thánh’ Vương Hy Chi cùng con trai ông là Vương Hiến Chi đều tinh thông phi bạch. Theo ‘Thư sử hội yếu’ ghi chép, Đường Thái Tông rất giỏi viết thư pháp theo lối phi bạch, lực bút mạnh mẽ, trác tuyệt một thời”.

Đường Trương Ngạn từng viết trong ‘Thư pháp yếu mục’ một câu chuyện như sau. Vào ngày 17 tháng 2 năm Trinh Quán thứ 18 (năm 644), tại Huyền Vũ Môn, Thái Tông đã triệu kiến quan đại thần từ tam phẩm trở lên và mở tiệc chiêu đãi họ. Trong lúc đang dùng cơm, Thái Tông đã đề bút viết phi bạch thư. Các quan đại thần nhìn thấy thì vô cùng ngưỡng mộ, nhân lúc men rượu đang khởi, họ tranh nhau giành lấy cây bút viết thư pháp trong tay Thái Tông. Tùy tùng theo hầu là Thường Thị Lưu đã nhảy lên long sàng (bàn của vua) lấy được phi bạch thư. Những người khác không lấy được đã nhao nhao trách mắng Lưu vì đã giẫm lên bàn rồng, mạo phạm hoàng thượng, tội đáng chết vạn lần. 

Thái Tông cười nói rất hài hước: “Trước đây ta chỉ nghe nói các phi tần tìm lý do để ngồi xe cùng hoàng thượng và hoàng hậu, hôm nay lại tận mắt thấy đại thần Thường tùy tùng nhảy lên cả bàn rồng!” 

Ban thưởng Mã Chu phi bạch thư

Trong ‘Tân Đường thư – Mã Chu truyện’ có ghi lại việc Thái Tông ban thưởng Mã Chu phi bạch thư. Mã Chu, tên chữ Tân Vương, người Trì Bình Bác Châu. Vào năm Trinh Quán thứ 3, thiên hạ gặp hạn lớn. Thái Tông nhiều lần dẫn hàng trăm quan viên đi cầu mưa, ông tuyên bố, vô luận là quan văn hay tướng võ đều cần nói ra những được mất trong chính sách mệnh lệnh mà triều đình ban bố, đồng thời đưa ra ý kiến cụ thể. Võ tướng Thường Hà trở lại phủ, mặt ủ mày chau. Đúng lúc đó lại gặp Mã Chu đến Trường An dạo chơi ở nhờ trong phủ. Mã Chu không nghĩ ngợi nhiều, cúi người xuống bàn viết liền 20 đề nghị đối với triều đình, văn từ vô cùng ưu mỹ. Ngày vào triều sớm hôm sau, Thường Hà tinh thần bất an trình tấu chương lên cho Thái Tông. Thái Tông xem xong liền rời đi, vô cùng thưởng thức, cho rằng những điều này xác thực là có thể thực hiện, tuy nhiên cho rằng vũ phu Thường Hà quyết không phải là người viết ra loại bút tích này. Thường Hà nói cho Thái Tông biết đó là do Mã Chu viết, đồng thời nói: “Gia cảnh của Mã Chu bần hàn, chăm chỉ hiếu học, xác thực tinh thông các gia phái và điển tịch thời Tiên Tần. Thanh tao mà cao ngạo, buồn bực sầu não vì không thành công. Cuộc sống nghèo khó nên thường bị người ức hiếp, vượt qua nhiều khó khăn đi tới Trường An, hiện đang ở nhà của hạ thần, chính là một đại kỳ sĩ hiện nay”. Thái Tông bèn triệu kiến, trước khi gặp mặt, đã cử 4 thế hệ sứ thần tới Đôn Thú. Sau khi gặp mặt trao đổi, Thái Tông vô cùng vui mừng, hạ lệnh thẳng cho Hạ Môn tỉnh. Năm sau Mã Chu bái kiến giám sát Ngự sử, vâng lệnh nhậm chức đi xứ. Thái Tông dựa vào việc Thường Hà biết dùng người nên đã ban thưởng tơ lụa 300 cuộn.   

Vào năm Trinh Quán thứ 12 (năm 638), Mã Chu tiếp nhận chức quan Trung thư xá nhân. Thái Tông từng nói với người bên cạnh rằng: “Ta một ngày không nhìn thấy Mã Chu liền nghĩ tới ông ấy. Lúc đó Tể tướng Sầm Văn Bản cũng nói tài năng của Mã Chu có thể so cùng Trương Lương và Chung Quân của nhà Hán, vô cùng kính nể tài năng của Mã Chu. Trinh Quán năm thứ 18, Mã Chu thăng lên làm Trung thư lệnh, kiêm thầy dạy cho thái tử Lý Trị, khởi tác dụng trọng yếu cho sự nghiệp trị quốc của Lý Trị sau này. Thái Tông đã từng ban thưởng phi bạch thư cho Mã Chu: “Loan phượng xung thiên, tất nhiên có đôi cánh trợ giúp; dựa vào sự hết mực trung thành”. 

Tấn từ minh

Tấn từ minh là lời răn được khắc ở từ đường nhà Tấn, cũng gọi là bia chữ, được đặt tại đình Bảo Hàn, Tấn từ Trinh Quán. Minh Triệu Hàm soạn ‘Thanh mặc tuyên hoa’ có viết: “Sau khi nhà Đường có được thiên hạ, Thái Tông bái tế Tấn Hầu mà khắc lời răn mình. Lúc Cao Tổ khởi binh, từng qua đền thờ Tấn Hầu thắp hương tạ ơn đã phù hộ. Thái Tông chế văn tịnh thư đều chiểu theo lời dạy của thánh nhân, mọi thứ đều tốt đẹp mà thoải mái tung hoành”. 

‘Tấn từ minh’ thư pháp của Đường Thái Tông. (phạm vi công cộng)

Làm Tấn từ là để bái tế Đường Thúc Ngu (con trai út của Chu Vũ Vương Cơ Phát). Cha con Lý Uyên, Lý Thế Dân khởi binh ở Thái Nguyên, từng qua ngôi đền này để cầu khấn. Sau khi thành lập triều đại nhà Đường, vào năm Trinh Quán thứ 20, Thái Tông lại đến ngôi đền này một lần nữa, tạ ơn ân điển của thần Thúc Ngu, khắc chữ trên đồ vật để ca ngợi sách lược lập quốc của Đường Thúc Ngu. 

Tấn từ minh do Thái Tông soạn và viết thư pháp, cũng được khắc lên bia đá vào tháng 8 năm Trinh Quán thứ 21 (năm 647). Toàn bộ bia văn có 1203 chữ, viết thành 28 dòng. Lối viết lên bia văn là thể hành thư, cứng cáp đẹp đẽ và kiên cường, bay chạy thoải mái, cốt cách hùng vĩ, chạm khắc tinh xảo, có thể nói là một bản thư pháp chữ hành mẫu mực. Chữ viết trên bia thư pháp được ghi một cách thuận buồm xuôi gió, sinh khí bừng bừng, thần thái như đang bay, khí phách hơn người, thể hiện một đời phong thái khí độ của bậc quân chủ anh minh. 

‘Tấn từ minh’ thư pháp của Đường Thái Tông. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Trong tác phẩm ‘Đại biều ngẫu bút’ của Dương Tân có viết: “Nay xem bia này, tuyệt đối là dùng bút lực làm chủ, không biết vì sao lại có viền trắng ở giữa, nhưng mà hùng hậu chất phác mà đạt được tự nhiên tốt nhất đồng thời không làm mất đi chuẩn mực của bút pháp”. Tiễn Đại Hân thời nhà Thanh có viết: “Thư pháp cùng với ‘thánh giáo’ của Hoài Nhân vô cùng giống nhau, tâm mô phỏng tay đuổi theo, có lẽ phải là bậc quân vương có trình độ thâm sâu mới viết được vậy”. Vương Hữu người thời nhà Thanh có làm thơ khen: “Bình sinh thư pháp Vương hữu quân, loan lay phượng múa rồng uốn lượn, một thời học sĩ đầy Doanh châu, Ngu Chử Âu Liễu đều bái phục”. Bia thư pháp này chất phác tự nhiên, bút họa rắn chắc lanh lẹ, không tỏ vẻ thái độ, dùng khải thư khơi dòng mở đường. Xưa nay, ở Trung Quốc, viết chữ chỉ được xem là công việc bình thường trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, cũng không được coi trọng lắm. Thời trước đó, phần lớn những danh gia thư pháp đều là có được thiên phú về lĩnh vực này. Người đầu tiên khai mở đạo lý của thư pháp chính là Đường Thái Tông. Sự rộng lớn mạnh mẽ, ầm ầm sóng dậy, danh gia xuất hiện liên tiếp tạo nên sự rực rỡ thư pháp thời Đường suốt 300 năm là do Thái Tông kéo ra mở màn.     

Hoài Nhân tập hợp chữ của Vương Hy Chi thành bản dập ‘Thánh giáo tự’. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

(Còn tiếp…)

Theo Epoch Times
San San biên dịch