Điểm nổi bật của chế độ này là “tam quyền phân lập” – lập pháp, thẩm tra và hành chính. Thái Tông đích thân đề ra chiếu thư cũng phải có ‘phó thự’ đồng ý của Môn hạ tỉnh thì mới có hiệu lực
Chế độ pháp luật phân quyền: Ba tỉnh hợp nghị
Vào thời nhà Đường, triều đình trung ương tiếp tục chế độ ba tỉnh và sáu bộ. Trung thư tỉnh phát ra mệnh lệnh, Môn hạ tỉnh chịu trách nhiệm thẩm tra, còn Thượng thư tỉnh thực thi nhiệm vụ.
- Sắc lệnh chính thức được hình thành, đầu tiên do Tể tướng đề xuất, sau khi thương thảo chính sự với Trung thư tỉnh thì mới hình thành nghị quyết, tiếp đến là dâng lên hoàng đế phê chuẩn, sau đó Trung thư tỉnh dựa vào danh nghĩa hoàng đế mà ban bố chiếu thư.
- Trước khi chiếu thư được ban bố ra cần phải chuyển cho Môn hạ tỉnh thẩm tra, nếu như thấy không thỏa đáng thì có thể cự tuyệt ‘phó thự’ (ký tên). Chiếu thư khuyết thiếu ‘phó thự’, theo lệ là không được ban bố.
- Chỉ khi Môn hạ tỉnh có ‘phó thự’ thông qua thì chiếu thư mới trở thành pháp lệnh chính thức của triều đình và giao cho Thượng thư tỉnh chấp hành.
Ba cơ cấu này phân công hợp tác, hỗ trợ nhau đưa ra các chế độ chế ước, hình thức này gọi là ‘chế độ ba tỉnh hợp nghị (bàn luận thảo luận)’. Điểm nổi bật của chế độ này là “tam quyền phân lập” – lập pháp, thẩm tra và hành chính. Thái Tông đích thân đề ra chiếu thư cũng phải có ‘phó thự’ đồng ý của Môn hạ tỉnh thì mới có hiệu lực. Làm vậy là để đảm bảo tính khả thi của các chiếu lệnh, đồng thời phát hiện các sai sót và sửa chữa chúng kịp thời.
Thái Tông rất coi trọng pháp quyền, “Pháp lệnh không phải là của mình Trẫm mà là pháp lệnh của cả thiên hạ” (Trích trong “Trinh Quán chính yếu ‧ Công bình”). Sau khi chế định pháp luật, Thái Tông mẫu mực làm gương, dẫn mọi người tuân thủ luật pháp, gìn giữ tính thống nhất và ổn định của luật pháp.
Pháp lệnh thận trọng
Rút kinh nghiệm từ bài học của Tùy Dạng Đế, “pháp lệnh quá hà khắc khiến người người không thực hiện nổi vì thế mới dẫn triều đại đi tới diệt vong”, Thái Tông chủ trương: “Tinh giản toàn diện hình phạt, thận trọng khi đưa ra các pháp lệnh”.
Phòng Huyền Linh cùng những người khác tiếp nhận chiếu chỉ mà định ra “luật pháp nhà Đường”. Ông căn cứ vào tinh thần “tinh giản toàn diện sự vụ” mà định ra 500 điều luật, trong đó tên hình phạt chỉ có 20 loại. So với luật cũ của nhà Tùy, giảm đi 92 đầu mục luật tử hình; giảm 71 điều luật về tội đi đày chuyển sang phạt tù; hơn nữa còn sửa hình phạt treo cổ sang hình phạt chặt chân bên phải; hủy cực hình roi quất vào lưng; xóa bỏ rườm rà chuyển sang đơn giản hóa; sửa rất nhiều trọng tội thành tội nhẹ. Sau đó, Trưởng Tôn Vô Kỵ nói rõ ràng và cụ thể về các điều luật ban hành rồi biên soạn thành sách “Đường luật sơ nghị” (Luật nhà Đường thảo luận bước đầu).
Khi chấp pháp, Thái Tông thể hiện ra thiết diện vô tư, lúc cân nhắc hình phạt thì suy xét kỹ càng, vô cùng thận trọng. Chế độ nhà Đường quy định, khi nhận phán tội tử hình, trong vòng 2 ngày người phạm tội có thể xin phúc thẩm 5 lần, còn tại các châu huyện khác thì được 3 lần phúc thẩm. Thái Tông nói: “Người chết không thể sống lại, do đó khi chấp pháp cần phải khoan hồng và giảm nhẹ tội”. Cũng bởi sự khổ tâm này của Thái Tông mà trong những năm Trinh Quán, tình hình pháp chế diễn ra tốt đẹp, ít tội phạm hơn, người bị phán tử hình ngày càng ít. Theo thống kê 3 năm Trinh Quán, cả nước có 29 tội phạm bị phán án tử hình, “Biện pháp hình sự” dường như đạt đến được tiêu chuẩn cao nhất trong việc thống trị xã hội, tức là đạt đến mức không cần dùng hình phạt.
Chân Quyền là một thầy thuốc nổi tiếng vào cuối thời Tùy đầu thời Đường, rất giỏi về châm cứu. Năm 621 sau Công nguyên, sau khi bình định Hà Nam, Thái Tông đã phái Lý Tập Dự tới làm quan địa phương tại Lộ châu. Chân Quyền, với tư cách là một thầy thuốc, cũng trở thành một phụ tá đi theo Lý Tập Dự. Vào năm Trinh Quán đầu tiên, Lý Tập Dự tạm thời làm quan thăm hỏi giám sát cơ quan hành chính. Thái Tông mệnh cho ông chủ trì làm việc cùng Chân Quyền tiến hành hiệu đính lại “Minh Đường nhân hình đồ” (bản đồ kinh mạch huyệt đạo trên thân người), nội dung rất phong phú, thông qua Chân Quyền thẩm định. Vào năm Trinh Quán thứ 5, chính thức hoàn thành việc chỉnh sửa “Minh Đường nhân hình đồ” văn hay tranh đẹp, cũng trình lên Thái Tông ngự lãm.
Thái Tông xem xét rất kỹ bản vẽ “Minh Đường nhân hình đồ”, phát hiện thấy phần ngực, lưng của người là nơi tập trung của ngũ tạng cùng kinh mạch, còn phần mông tập trung ít huyệt vị. Vì thế mà Thái Tông nghĩ đến hình phạt đánh roi. Vào thời Tùy Đường lúc có ngũ hình, chia thành tử, lưu, đồ, trượng, si, trong đó si là hình phạt nhẹ nhất, dùng gậy trúc hoặc cành mận gai đánh vào lưng hoặc mông, đánh từ 10 đến 50 cái, phân thành 5 mức. Mặc dù hình phạt si được cho là nhẹ nhất nhưng lại ẩn giấu sự nguy hiểm. Roi đánh vào lưng có thể khiến phạm nhân lỡ bị đánh tới tàn tật hoặc tử vong. Vì vậy, để ngăn việc đánh phạm nhân chết, từ đó về sau khi áp dụng hình phạt si thì không đánh vào lưng và ngực mà đánh vào mông. Cũng từ thời điểm đó, khi phạm nhân bị phát đánh trên công đường đều bị đánh vào mông.
Tử tù thủ tín
Vào cuối tháng 12 năm Trinh Quán thứ 6 (năm 632), Thái Tông kiểm tra nhà tù nơi giam giữ các tử tù, nghĩ đến ngày tết đang đến gần, những phạm nhân này còn đang bị nhốt trong tù, không thể đoàn viên với người thân nên đã sinh lòng thương cảm. Ông đã hạ lệnh thả những tử tù này về nhà, nhưng cũng quy định sang năm mới họ phải tự động quay lại Trường An để tiếp nhận hình phạt. Yêu cầu những tử tù này phải giữ chữ tín, thời hạn đến cần quay lại tiếp nhận hình phạt.
Điều này có vẻ như không thể thành sự thật. Thế nhưng, trái với dự đoán của mọi người, vào tháng 9 năm Trinh Quán thứ 7 (năm 633), 390 tử tù trong tình huống không ai giám sát, không người áp giải, “đều đúng thời hạn quay về thụ án, không ai bỏ trốn”. Trong cuốn 195 ‘Tư trị thông giám’, Thái Tông đã dùng thành tín giáo hóa cảm hóa dân chúng, ngay cả tử tù cũng chịu ảnh hưởng, dâng tặng thủ tín, tự nguyện trở lại tiếp nhận cái chết. Cuối cùng, cũng bởi sự việc này mà Thái Tông đã quyết định giảm án cho tử tù. Và sự việc giảm án cho tử tù này đã trở thành câu chuyện được lưu truyền thiên cổ.
Nền tảng quản lý việc chính sự
“Chính bản luận” của Thái Tông:
“Vi chính chi yếu, vụ toàn kỳ bản. Nhược trung quốc bất tĩnh, viễn di tuy chí, diệc hà sở ích. Tùy dương đế toản tộ chi sơ, thiên hạ cường thịnh, khí đức cùng binh, dĩ thủ điên phúc. Hiệt lợi cận giả túc vi cương đại, ý ký doanh mãn, họa loạn tư cập, tang kỳ đại nghiệp, vi thần vu trẫm. Diệp hộ khả hãn diệc đại cường thịnh, tự thị phú quý, thông sử cầu hôn, thất đạo hỗ loạn, yểm chí phá diệt. Kỳ tử ký lập, tiện tứ sai kỵ, chúng bạn thân ly, phúc cơ tuyệt tự. Trẫm tuy bất năng viễn mộ nghiêu thuấn vũ thang chi bị, mục đổ thử bối, hà đắc bất giới cụ hồ”.
Ý của Thái Tông là: Điều trọng yếu nhất trong việc quản lý đất nước chính là tập trung vào nền tảng quốc gia. Ví như quốc gia không ổn định thì địa phương khác tới trợ giúp, điều này không có lợi. Lúc Tùy Dạng Đế mới soán quyền, lực lượng quốc gia còn thịnh, nhưng vì ông ta không trọng đức, vô cùng hiếu chiến, nên mới tự nhận lấy diệt vong. Gần đây nói về Hiệt Lợi, ông ta cũng được coi là nhân vật có thế lực, nhưng bởi dương dương tự đắc, tiến đến làm loạn, mất quyền mất nước, đầu hàng Đại Đường. Khả hãn Diệp Hộ cũng là như thế. Mặc dù Thái Tông không được trực tiếp nhìn cảnh trị nước thời Nghiêu Thuấn Vũ Thương Thang, nhưng những việc diễn ra trước mắt này đã trở thành những bài học giáo huấn, lẽ nào ông lại không tự cảnh giới chính mình?
Đề bạt chức quan quý ở “tinh”
Vào năm Trinh Quán thứ nhất (năm 627), Thái Tông nói với Phòng Huyền Linh: “Quan viên quý chất lượng không quý ở số lượng. Quan viên thật giả lẫn lộn cũng giống như vẽ đất làm bánh, phí công vô ích, mong các khanh ngẫm lại đạo lý này. Nay muốn biên chế chức quan cố định, sau đó cắt giảm quan viên”.
Phòng Huyền Linh lập tức thực hiện, đem tất cả quan viên trên cả nước xác định biên chế là 640 người (Trước đó là hơn 2000 quan viên). Trong ‘Tân đường thư ‧ Bách quan chí’ có viết: “Thái Tông tinh giản quan nội ngoại sau đó cố định 370 quan viên”. Nội quan tức là chỉ quan chức làm việc tại triều đình, ngoại quan là chỉ quan viên làm việc tại địa phương.
Chính sách quốc gia cần được bảo đảm bằng hệ thống luật pháp. ‘Đường luật sơ nghi ‧ Chức chế’ quy định: “Chư quan hữu viên sổ, nhi thự trí quá hạn cập bất ứng trí nhi trí, nhất nhân trượng nhất bách, tam nhân gia nhất đẳng, thập nhân đồ nhị niên; hậu nhân tri nhi thính giả, giảm tiền nhân trí đẳng nhất đẳng; quy cầu giả vi đồ tọa, bị chinh giả vật luận”.
Quy định này có nghĩa là, từ trung ương tới địa phương của triều đại nhà Đường thông qua lệnh biên chế đã hạn chế số lượng quan lại. Nếu như bố trí quan chức vượt giới hạn và sai người thì luật hình sự sẽ được áp dụng. Vượt biên chế 1 người thì quan trên sẽ chịu nhận phạt đánh 100 gậy, từ 3 người trở lên sẽ chịu nhận hình phạt tăng hơn một bậc, 10 người trở lên sẽ bị phạt tù 2 năm. Quan viên đảm nhiệm chức vụ về sau biết rõ việc sai trái của quan tiền nhiệm mà lại mặc kệ, đối chiếu với hình phạt quan tiền nhiệm mà chịu nhận hình phạt dưới một bậc. Đối với quan viên không tuân thủ quy định yêu cầu thì sẽ bị phạt tù. Quan viên bị ép không tuân theo quy định thì không đáng bị phạt. Theo quy định hành chính này, Thái Tông đã thực hiện thành công vấn đề số lượng quan lại.
Ngoài việc giải quyết vấn đề số lượng quan lại, Thái Tông cũng rất coi trọng phẩm đức chất lượng quan viên. Vào năm Trinh Quán thứ 3 (năm 629), Thái Tông nói với Lại bộ Thượng thư Đỗ Như Hối: “Bỉ kiến lại bộ trạch nhân, duy thủ kỳ ngôn từ đao bút, bất tất kỳ cảnh hành. Sổ niên chi hậu, ác tích thủy chương, tuy gia hình lục, nhi bách tính dĩ thụ kỳ tệ”. Ý tứ là lựa chọn quan viên không nên chỉ nhìn vào việc họ có biết ăn nói hay không mà cần xem xét kỹ về phương diện phẩm hạnh. Nếu không, mấy năm sau, việc xấu quan viên đó làm được biểu lộ ra rõ ràng, mặc dù thi hành hình phạt đối với người này nhưng dân chúng địa phương cũng đã bị người đó làm hại.
Vào năm Trinh Quán thứ 6, Thái Tông nói với Ngụy Trưng: “Dụng đắc chính nhân, vi thiện giả giai khuyến; ngộ dụng ác nhân, bất thiện giả cạnh tiến. Thưởng đương kỳ lao, vô công giả tự thối; phạt pháp kỳ tội, vi ác giả giới cụ. Cố tri thưởng phạt bất khả khinh hành, dụng nhân di tu thận trạch”. Nghĩa là, việc chọn người khó ở biết nhìn người. Nếu chọn được quan lại là bậc chính nhân quân tử thì sẽ khích lệ mọi người hành thiện. Nếu chọn phải người có tâm địa ác độc thì sẽ có những hành vi không hợp với tư cách làm người, họ sẽ tranh nhau luồn cúi.
Thái Tông đã vì quan viên mà viết “Sắc lệnh cấm quan chức vi phạm pháp luật”, cấm quan viên làm trái pháp luật, cần hành theo luật pháp, nếu vi phạm thì sẽ bị nêu tên thông báo. “Trẫm cung kính bảo vệ sinh mạng con người cho tới từng tấc đất, Vương tộc sẽ tự làm gương trước, học theo các điển cố… Từ nay về sau, quan viên không nghiêm khắc thực hiện theo luật, dựa vào cơ quan tư pháp uốn nắn, chuẩn bị sẽ bị nêu danh”.
(Còn tiếp…)
- Xem trọn bộ Thiên cổ anh hùng
- Xem trọn bộ Đường Thái Tông Lý Thế Dân
Theo Epoch Times
San San biên dịch