Ông ngoại bị bắn chết, tuổi thơ của tôi là những năm tháng ai oán cơ cực đầy đau khổ. Đi học xa nhà có lúc phải ăn món lúa non rang vàng, đem giã thành món bột như cám được gọi là “lớ”. Muốn nuốt được “lớ” thì phải nhấp nước nếu không sẽ bị nghẹn. Sau bao cố gắng để vào được đại học thì bị từ chối, tôi thêm một lần cay đắng oan trái nữa…
Tôi viết lại câu chuyện đời mình khi đã cận kề tuổi 70, độ tuổi được coi là xưa nay hiếm. Đi qua những trải nghiệm năm tháng cuộc đời, tôi đã luôn dành nụ cười cho người đối diện, còn nước mắt, tôi giấu vào nơi sâu thẳm. Bởi vậy nên thoạt nhìn, ai cũng nghĩ tôi là một bến nước bình yên. Nhưng thực ra thì mới chỉ 5 năm trở lại đây, tôi mới biết thế nào là một cuộc sống hạnh phúc. Nếu ví rằng đời người là một dòng sông thì tôi đang là dòng chảy đoạn cuối nguồn, nước êm trôi, dòng hiền hòa uốn lượn, dịu dàng nghiêng nghiêng soi bóng những bông mây trắng trên bầu trời xanh thẳm. Nếu tôi không nói ra, thì chẳng ai biết được dòng sông cuộc đời tôi đã phải trải qua những đoạn lên thác xuống ghềnh, những lúc quanh co khúc khuỷu, bên lở bên bồi, hay khi gặp lũ dâng tràn đôi bờ như muốn vỡ tan…
Chuyện đau buồn đầu tiên mà tôi cảm nhận qua lời kể, qua nỗi đau của người mẹ là chuyện ông ngoại tôi. Nỗi đau ấy bao trùm lên người ở lại. vì tiếc thương oán hận, vì thái độ ghẻ lạnh, xa lánh của những người quanh tôi. Cái án oan nghiệt ấy gieo xuống đầu gia đình bên ngoại khi tôi chưa biết nói tròn câu. Ông ngoại tôi bị bắn chết bằng ba phát đạn. Khi ông còn thoi thóp, người ta lại chém đầu ông lìa khỏi cổ. Rồi những người đã chém đầu ông lại lấy cào sắt móc vào ngực, vào đầu kéo lê ông trên bãi cát khoảng gần 100 m, có cái lỗ đào sẵn để vùi ông tôi vào đó.
Sau khi giết ông, người ta còn chẳng để lại cho gia đình ông cái gì, kể cả cái bát ăn cơm. Ông ngoại tôi bị giết vì tội là “Địa chủ”, mặc dầu nhà ông không có đất đai ruộng vườn như nhiều địa chủ khác. Nhưng nhà ngoại tôi giàu lắm. Ông giàu có là do buôn bán nước mắm ra tận Hải Phòng, Hà Nội.Thuở ấy, tiền vào nhà ông như nước. Kể ra thật khó mà tin. Mỗi lần thắp hương, ông thường xin tổ tiên, đất trời… tiền hãy vào từ từ. Nhưng tiền bạc vẫn rủ nhau đổ về, rồi thành mối họa… Hồi ấy, mỗi lần người giúp việc xin tiền về quê, ông tôi dặn: vào kho mà lấy. Lấy vừa đủ phân phát cho họ hàng người thân, đừng gánh nhiều mà lãng phí. Ông tôi thương người, hiền lành như thế, mà sao phải chịu cái án oan khiên như vậy! Một kết cục đau thương quá sức. Chết chẳng toàn thây, không một manh chiếu bó, không một người đưa tiễn… nỗi đau ấy ám ảnh tôi mãi đến sau này. Một câu hỏi không lời đáp.
Cái án oan ấy trở lại thêm một lần nữa
Tôi trải qua mấy năm học cấp 3 với một quyết tâm theo lời mẹ dặn: dứt khoát phải học để cứu mình, dứt khoát phải thoát thân khỏi mảnh đất chứa nhiều đau thương này. Mỗi ngày đi học phải đi bộ 25 km cả đi lẫn về. Phải dậy đi học từ lúc 3 giờ sáng. Nhà ở Thạch Kim mà trường học ở Thạch Tiến. Trời rét căm căm, lạnh thấu xương, chân trần đi qua những con đường buốt giá để đến trường. Năm cuối cấp được ở trọ gần trường để đi học nhưng cũng cách 12 km cả đi lẫn về. Mỗi con chữ là mồ hôi và nước mắt, là sự cố gắng phi thường của bản thân tôi và mẹ tôi. Bởi vì, năm tôi 10 tuổi, tôi mồ côi cha. Ông ra đi đột ngột vì một lí do… ngộ độc thức ăn. Thế là, mẹ tôi tứ bề cô quạnh. Gồng gánh nuôi con. Tôi đã tặng bà những câu thơ:
Một đời cõng chiếc đòn tre
Đôi vai chai sạn, đè lên kiếp người
Chân trần nhịp gánh bước thôi
Từ nơi đất tổ, bãi bồi Thạch Kim
Dẫu cho giá rét mẹ tìm
Từng đồng, từng cắc, một mình nuôi con…
Tôi đi học, ở trọ nhà dân, mẹ phải nộp cho họ 15 kg gạo. Nhưng chủ nhà ăn gì thì tôi ăn nấy. Có lúc phải ăn món lúa non rang vàng, đem giã thành món bột như cám, mà chủ nhà gọi là “lớ”. Muốn nuốt được “lớ” thì phải nhấp nước nếu không sẽ bị nghẹn. Khổ là thế, đói là thế, nhưng tôi học giỏi. Kết thúc quãng đời phổ thông với điểm số đứng thứ nhì toàn tỉnh Hà Tĩnh (sau con ông bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh lúc đó). Hồi bấy giờ, không cần thi đại học. Cứ tốt nghiệp cấp 3 là được vào đại học. Nhưng giảng đường đại học đóng sập cửa trước mắt tôi, vì cán bộ xã không cho tôi đi học, với lý do tôi là cháu của địa chủ. Tôi chỉ được đi học hệ 10+1 để về dạy cấp 2. Bao ước mơ, bao cố gắng đều sụp đổ. Con đường tôi đi, tăm tối vô cùng. Tôi buồn đến mức không muốn gặp bạn bè nữa.
Rồi tôi vào sư phạm, ra làm cô giáo một năm thì mẹ ra đi. Đau đớn nhất, nỗi tiếc nuối nhất là tôi không được gặp mẹ, không thể chăm mẹ lúc mẹ đi xa. Mẹ đi rồi, tôi mang trọng trách người chị cả, thay mẹ lo cho em. Đứa lớn vừa 18, đứa bé 10 tháng tuổi (mẹ tôi đi bước nữa khi bà đã 40 tuổi)
Không biết có phải những vết thương tinh thần ấy đã biến thành vết thương thể xác hay không mà bỗng nhiên tôi bị nhiều căn bệnh đến hỏi thăm một lúc: khớp, tim, dạ dày, mất ngủ triền miên… rồi cộng thêm con gái bỗng lâm bệnh khi tuổi mới đôi mươi. Nước mắt đã rơi, rồi nhiều năm mất ngủ triền miên, tôi chỉ mong được chết đi để quên hết muộn phiền. Hai lần tôi lao đầu vào ô tô nhưng người ta dừng lại được. Tôi càng đau khổ thêm. Nghĩ đến nợ trần ai, kiếp đoạn trường chưa trả hết… mà xót xa không bút nào tả hết. Thực ra, đói nghèo chưa phải là cái đáng sợ nhất. Nỗi đau khổ, sự giày vò về tinh thần còn đáng sợ hơn nhiều. Và khi phải nếm trải cả hai nỗi sợ này thì… nỗi đau cộng dồn như núi. Không tháng nào tôi không ghé thăm bệnh viện. Hàng ngày, tôi uống 5 loại thuốc, nhưng bệnh không giảm.
Rồi một ngày hè năm 2012, một học sinh cũ của chồng tôi và cũng là con một người bạn cũ đã nói với tôi về một môn tu luyện mà người tu sẽ có sức khỏe tốt, tinh thần tốt, đạo đức thăng hoa. Nhưng tôi chỉ nghe thôi mà không tin. Cậu ấy đã kể cho tôi bao nhiêu chuyện thần kì về những người học Đại Pháp nhưng tôi thấy nó rất huyền hoặc. Làm sao có thể tin được các câu chuyện thần thoại kiểu này. Nào là người bạn cùng quê với cậu ấy đã bị liệt mà đứng dậy, rồi đi lại được sau khi đọc sách Chuyển Pháp Luân, nào là người nào đó ung thư đã khỏi… nói chung là những chuyện nghe thấy hết sức hoang đường. Nhưng cuối cùng tôi cũng bị thuyết phục sau 3 lần cậu ấy nói tha thiết. Tôi nghĩ đến con mình và tôi mơ hồ: biết đâu, đây là vận may. Mình hãy thử xem sao. Dù sao thì cũng không ai lấy tiền bạc hay cái gì của mình. Nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn bán tín bán nghi.
Nhưng đó lại là lần thử may mắn nhất của đời tôi. Tôi đã có một sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn và thể xác sau lần thử vận may ấy. Bao khổ đau dồn nén, bao uất ức một đời người chưa lý giải được, nay tôi đã tỏ tường mọi nguyên do. Nước mắt khổ đau đã dần vơi rồi ngưng hẳn. Tôi đã không còn nuôi dưỡng trong lòng mình nỗi phẫn uất, hận thù những người đã từng làm cho gia đình ngoại tôi và bản thân tôi khốn khổ. Sau một thời gian tập công và đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, tôi cũng không còn những đêm dài trằn trọc, thẫn thờ nghĩ đến cái chết. Và rồi, cả 5 căn bệnh đeo bám tôi và các đơn thuốc cũng lùi vào dĩ vãng. Tôi không còn phải trải qua những cơn đau tim bóp thắt lồng ngực phải nằm chúi đầu xuống cầu thang nữa. Các bệnh viêm khớp, dạ dày, mất ngủ… của tôi cũng tự biến mất lúc nào chẳng hay. Học Phật Pháp, tôi đã ngộ rằng: sống tùy kì tự nhiên, bao dung tha thứ cho bản thân và cho mọi người, hết lòng yêu thương con cháu là niềm hạnh phúc của mọi thành viên trong gia đình rồi.
Giờ đây, có dịp là tôi lại về quê hương, về trường cũ, trường trung học cơ sở Thạch Mĩ, Thạch Hà, Hà Tĩnh nơi tôi gắn bó thời trẻ hoặc trường trung học cơ sở Lý Tự Trọng, Phan Rang, Ninh Thuận nơi tôi gắn bó những năm cuối cùng của nghề phấn trắng bảng đen. Tôi kể lại câu chuyện của tôi, nói lên những hiểu biết của mình về Đại Pháp cho các đồng nghiệp và những người tôi đã gặp. Ai cũng mừng cho tôi và nhiều người mong muốn được học theo để có được một cuộc sống vui vẻ, an lành như tôi hiện nay.
Cuộc đời tôi chính là minh chứng cho câu nói: được sống một ngày không đau đớn trong thân tâm còn hơn sống vạn ngày trong u mê, đau khổ và đen tối. Chỉ khi biết đến Pháp Luân Đại Pháp, khi đã được hưởng 5 năm với gần 2000 ngày hạnh phúc, không bệnh tật khổ đau, tôi mới ngộ ra những điều mà trước đây tôi chưa biết. Tôi hiểu rằng tôi có duyên với nhà Phật nên đã đắc Pháp, mới khỏi hết bệnh tật và được sống một cuộc sống an nhiên tự tại như hiện nay. Mỗi khi nhắc đến người sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, Đại Sư: Lý Hồng Chí, tác giả cuốn “Chuyển Pháp Luân”, tôi chỉ còn biết chắp tay, nước mắt nhạt nhòa, thành kính cảm tạ Người Thầy vĩ đại của tôi, Người đã ban cho tôi cuộc đời mới.
Cuối cùng thay cho lời kết của phút trải lòng về cuộc đời mình, tôi có một ước mong, rằng mọi người hãy đừng hạn hẹp vào những điều mình cho là đã biết. Bởi vì nếu ta không tin vào những phát hiện mới, nếu ta không có niềm tin vào những điều tốt đẹp mà ta lựa chọn và gắng sức vươn tới thì ta tự đánh mất đi viên ngọc quý của đời mình, ta tự chặn các con đường rộng mở mà số phận đã ban cho ta.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 4 năm 2017
Phạm Thị Lan
Xem thêm: