Vào năm Đạo Quang thứ mười lăm (1835), Lật Dục Mỹ làm tổng đốc đường sông ở Sơn Đông, Hà Nam, thành tựu lớn nhất trong cuộc đời ông là trị thủy cứu dân. Sau khi ông bệnh mất, dân gian xây dựng miếu thờ ông, bái ông là “Thần sông”. Bình thường, ông luôn mang theo bên mình một thẻ gỗ nhỏ có viết ba chữ “Ân thái thái”, đó là câu chuyện gì? 

Lật Dục Mỹ (1778-1840 SCN) quê ở huyện Hồn Nguyên, tỉnh Sơn Tây, vào năm Gia Khánh thứ bảy triều Thanh (1802), ông được tiến cử làm tri huyện Hà Nam. Sau đó, ông liên tiếp giữ các chức vụ tri châu, tri phủ, bố chính sứ, hộ lý tuần phủ v.v. Công trạng lớn nhất trong cuộc đời của Lật Dục Mỹ là trị thủy sông Hoàng Hà. Vào những năm Đạo Quang, sông Hoàng Hà tràn qua Hà Nam và gây ra thảm họa lũ lụt khiến triều đình chú ý; Đến năm Đạo Quang thứ 15 (1835), Lật Dục Mỹ được bổ nhiệm làm tổng đốc đường sông Hà Nam và Sơn Đông, chủ trì trị thủy hai tỉnh. Trong thời gian nhậm chức, Lật Dục Mỹ đã tiến hành khảo sát thực địa sông Hoàng Hà, kết luận nguyên nhân gây ra lũ lụt là do nước tích tụ trong chuỗi mương làm vỡ đê. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, ông đề xuất phương pháp “ném gạch đắp kè”.

Trong ghi chép của “Thanh sử cảo” gọi Lật Dục Mỹ là người “giỏi nhất trong các quan trị thủy đương thời.”

Lật Dục Mỹ tuy mới làm tổng đốc đường sông được 5 năm, nhưng trong trị thủy đã lập được thành tích xuất sắc, trong não luôn trữ sẵn kế hoạch trị thủy, nước sông khúc nào uốn khúc nào thẳng, cao hay thấp, rộng hẹp nông sâu, tốc độ dòng chảy nhanh chậm v.v. ông đều nắm rõ trong lòng bàn tay. Khi gặp mưa gió, ông lập tức đi đến nơi nguy hiểm; Gặp lũ lụt, ông đích thân đi chỉ huy hộ đê phòng lũ, được dân chúng vô cùng yêu mến. Đáng tiếc là do làm việc quá sức, ông bị bệnh và qua đời khi đang tại chức. Khi quan tài của ông được vận chuyển từ bắc Hà Nam về Sơn Tây, người dân đứng cả ngàn dặm dọc đường, khóc lóc tiễn đưa ông. Rất nhiều quan lại cũng rơi nước mắt sau khi biết tin. Sau khi mất, ông nhận được nhiều vinh dự hơn nữa. Hoàng đế Đạo Quang nhận xét: “Lật Dục Mỹ làm việc thực tâm, tiết kiệm hàng trăm ngàn tiền mỗi năm, bệnh mất thật đáng tiếc.” Ông được truy phong là Thái tử Thái Bảo, ban tước “Cung Cần”, còn được làm tế văn và bia văn, được ban tế táng.

Để tưởng nhớ ông, dân gian đã xây miếu thờ ông, tôn ông là “Thần sông”, gọi là “Lật đại vương”. Cho đến nay vẫn còn những ngôi miếu Lý Đại Vương ở Hà Nam, Sơn Đông, Giang Tô và những nơi khác. Lật Dục Mỹ cũng trở thành vị thần sông Hoàng Hà cuối cùng trong lịch sử.

Có một ghi chép trong những năm đầu liên quan đến Lật Dục Mỹ trong “Đối sơn dư mặc” của Mao Tường Lân thời nhà Thanh, như sau:

Cố nhân biểu thị chân tình như thế nào? (Pixabay)

Vào thời nhà Thanh, Lật Dục Mỹ, người gốc Hồn Nguyên, Sơn Tây, từng là tổng đốc đường sông ở Sơn Đông, Hà Nam. Bình thường lúc ở nhà hay khi ra ngoài, ông nhất định sẽ mang theo một thẻ gỗ nhỏ và một bộ y phục màu nâu vàng, trên thẻ gỗ không có tên mà chỉ có ba chữ “Ân thái thái” viết trên đó. Vì sao?

Nguyên lai, Lật Dục Mỹ khi còn nhỏ cô đơn và nghèo khó, có một quý ông giàu có khi chọn con rể đã coi trọng ông, đưa ông về nhà học cùng con trai của mình, hai người sống trong cùng một phòng, tương xử hòa hợp. Chỉ vài năm nữa, Lật Dục Mỹ sẽ kết hôn với con gái của phú ông. Nhưng một đêm nọ, người ta đột nhiên phát hiện con trai phú ông bị sát hại trên giường, khi Lật Dục Mỹ tỉnh dậy, ông bàng hoàng hô hoán mọi người đến kiểm tra. Nhưng thấy khóa cửa phòng vẫn nguyên vẹn, không phát hiện dấu vết người ngoài đột nhập. Lúc đó trong phòng chỉ có hai người, nên mọi người đều nghi ngờ Lật Dục Mỹ là hung thủ, còn bản thân Lật Dục Mỹ thì không cách nào tự biện giải. Phú ông vô cùng thống khổ vì mất đi con trai, liền tố cáo sự việc lên quan phủ. Quan phủ cũng không điều tra ra được, không phát hiện được nghi phạm, vì vậy đã kết án tử hình Lật Dục Mỹ, ấn định ngày hành quyết ông.

Con gái của phú ông vốn rất tài hoa và xinh đẹp, cùng thôn có một phú nhân họ Vương, trước đó từng ngỏ lời cầu hôn con gái phú ông. Nhưng phú ông thấy con gái đã đính hôn với Lật Dục Mỹ, nên từ chối. Sau khi Lật Dục Mỹ bị kết án, Vương lại đến cầu hôn, và phú ông đã gả con gái cho anh ta.

Sau khi kết hôn, Vương mỗ rất đắc ý, một đêm nọ, anh ta nói với vợ: “Anh trai nàng đã chết thật đáng tiếc, trước đây nhà nàng đã cự tuyệt lời cầu hôn của ta, ta trong tâm cảm thấy căm phẫn bất bình, đã dùng nhiều tiền thuê kiếm khách, nguyên là muốn giết chết Lật Dục Mỹ, ai ngờ giết nhầm anh trai của nàng. Hiện tại, may là Lật Dục Mỹ đang chờ án tử hình, mà nàng thì ta đã cưới được rồi, ta hiện tại đã như nguyện, đáng tiếc là anh trai nàng không cách nào hồi sinh.” Người phụ nữ nghe xong, mặt không biến sắc, bình tĩnh coi như không có chuyện gì xảy ra.

Ngày hôm sau, nàng lễ phép nói có việc phải về nhà bố mẹ đẻ, vừa ra khỏi nhà liền tiến thẳng đến huyện nha, kể lại tất cả những gì Vương mỗ đã nói với nàng, nói rằng nàng muốn rửa nỗi oan khuất của Lật Dục Mỹ. Quan viên lập tức bắt Vương mỗ đi thẩm vấn, vì lời khai có bằng chứng chắc chắn, Vương mỗ không thể che giấu được nữa, phải thú tội. Quan phủ đã phóng thích Lật Dục Mỹ khỏi giám ngục.

Trong công đường, người phụ nữ nhìn thấy Lật Dục Mỹ, rơi lệ nói với ông: “Em sở dĩ nhẫn tâm làm thế này là vì oan tình của chàng, không phải là em không thể giải được mối oán hận đó. Hôm nay sự thật đã minh bạch, nhưng thân thể của em đã thuộc về người khác rồi, em không thể lại làm vợ chàng được nữa. Hiện tại em vẫn là vợ của Vương mỗ, Vương mỗ vì em tố cáo mà đã bị kết án tử hình, đây chính là mạo phạm giết chồng, vậy em còn mặt mũi nào mà sống tiếp nữa đây? Duy có cái chết mới thuận tai!” Nói xong, nàng tự vẫn trước mặt Lật Dục Mỹ.

Sự việc này khiến Lật Dục Mỹ vô cùng chấn động. Ông vạn phần cảm kích nghĩa khí của nàng, từ đó ông lập chí khổ hành, nỗ lực học tập, cuối cùng quan lập hiển đạt. Bởi vì người phụ nữ này đã xả thân mình tẩy nỗi oan tình cho ông, vị trí của người vợ cả trong đời ông đành để trống. Lại vì hai người còn chưa chính thức thành hôn, ông không thể lấy danh phận của một người vợ để thờ phụng, nên đã viết ba chữ “Ân thái thái” lên tấm thẻ gỗ đeo bên mình để tưởng nhớ nàng. Cùng với tấm thẻ gỗ là bộ y phục tử tù màu nâu vàng, là những kỷ vật mà ông luôn mang theo bên mình, để không quên câu chuyện năm xưa và nữ ân nhân đã vì mình mà xả thân cứu mạng. (Nguồn: “Đối sơn dư mặc”)

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch