Trong lịch sử Việt Nam đây chính là vị tướng tài ba dưới trướng Trần Hưng Đạo và được vinh danh bởi khả năng bơi lặn có một không hai của mình.
Đối với người bình thường chúng ta, việc có thể nín thở dưới nước chỉ có đạt tới mức tối đa là khoảng 3 – 4 phút. Một số trường hợp đặc biệt được ghi nhận trong kỷ lục thế giới thì họ có thể nín thở tới 22 phút trong 1 bể kính. Tuy nhiên, có lẽ ít người có thể sánh được với một kình ngư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, một vị tướng với những chiến tích đáng tự hào trong cuộc chiến với đội quân Nguyên Mông hùng mạnh: Yết Kiêu.
Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế. Quê cha (cụ Phạm Hữu Hiệu) ở làng Hạ Bì, còn gọi là làng Quát (xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngày nay). Cha ông làm nghề đánh cá nhưng mất sớm, nhà lại nghèo nên từ nhỏ Phạm Hữu Thế đã phải lăn lộn trên sông nước kiếm ăn.
Khả năng bơi lội khác người của Yết Kiêu được cho là bắt nguồn từ mối duyên kỳ lạ của ông với trâu thần. Một hôm khi ông đi gánh nước về Lôi Động thì thấy hai con trâu, một đen một trắng đang húc nhau chí mạng. Con trâu đen thua nhưng cục, đánh sừng rất hiểm. Con trâu trắng phi phàm, húc khỏe nhưng ra đòn nhởn nhơ.
Chàng trai Hữu Thế vốn có sức khỏe phi phàm, bèn hạ đôi thùng gánh nước rồi lấy đòn gánh vụt chúng. Trâu đen sợ hãi chạy vào làng, nhưng con trâu trắng lại né đòn như người. Hữu Thế đâm một cú xiên rất hiểm làm nó ngã lăn ra đất. Kỳ lạ thay con trâu trắng tan thành ánh nắng mờ ảo rồi biến mất. Tại chỗ con trâu trắng đứng, Hữu Thế nhìn thấy hai chiếc lông bèn cầm lên nhặt.
Vừa cầm vào tay, Hữu Thế thấy máu bừng lên mặt. Ông vội chạy ra ao nước, bước xuống thì nước rẽ đôi, khi lên bờ rồi đôi lông nhặt được không ướt chút nào. Hữu Thế bèn nuốt vào bụng và kể từ đó, ông có thân thể cường tráng, trí lực hơn người, đặc biệt bơi lội dưới nước như đi trên mặt đất bình thường.
Kỳ lạ hơn nữa là sau đó, cả ông và mẹ đều cùng mơ thấy một giấc mơ. Hai mẹ con được đón một đôi trai thanh gái lịch, họ vừa bước vào nhà ông thì ngôi nhà đất biến thành lâu đài. Cái ao trước nhà vỗ thành con sông dài tít tắp, nơi gốc xoan con trâu trắng gặp ban sáng được buộc vào gốc cây.
Người con trai và cô gái bảo: “Ta là Ngưu Lang và Chức Nữ, nay dịp Ngâu chúng ta gặp nhau, không chăn trâu cho trời được, phải buộc mũi không nó đi khắp bầu trời biết đâu mà tìm”. Mẹ Hữu Thế hỏi: “Chúng tôi đang ở đâu?”. Ngưu Lang bảo: “Lúc sáng tôi đi tìm trâu gặp con trai bà, con bà không làm hại trâu. Tôi muốn mời hai mẹ con bà lên trời chơi để trả ơn. Đây là đào tiên vườn Tây Vương Mẫu, tôi biếu bà một giỏ. Còn con trai bà sau này sẽ được lưu danh trong quốc sử vì có nhiều công lao giúp nước”.
Cả Hữu Thế và mẹ đều có chung một giấc mộng. (Ảnh minh họa)
Hữu Thế không biết con sông trước mặt là gì mà lại sáng rực như thế bèn cất tiếng hỏi. Người con trai vỗ tay cho con sông cuộn sóng cao ngất: “Đó là sông Ngân Hà. Ta sẽ còn bảo trâu thần, cày thần xuống giúp đất Bàng Hà sau vài bốn trăm năm nữa”. Nói xong chợt có đàn quạ kêu rồi bay đan kết thành cầu Ô Thước, đôi trai gái nhẹ nhàng bước qua, đằng sau là con trâu trắng. Khung cảnh dần mờ nhạt và mẹ con Hữu Thế tan giấc mộng.
Trong dân gian còn luôn lưu truyền lại khả năng kỳ tài của Hữu Thế. Có lần ông lặn một hơi 7 ngày 7 đêm (tương đương 10080 phút) mới ngoi lên mà vẫn khỏe mạnh bình thường. Tài năng của Hữu Thế ngày một vang xa và nổi tiếng, được Trần Hưng Đạo trọng dụng, đổi tên thành Yết Kiêu. Ông cùng với Dã Tượng là hai tướng tài và là cận vệ trung thành, tài trí mưu lược dưới trướng Trần Hưng Đạo.
Có phen chặn giặc ở biên giới, thế địch quá mạnh khiến quân Đại Việt phải lui. Hưng Đạo vương tính rút quân theo đường núi nhưng được Dã Tượng can vì e có quân Nguyên mai phục. Nhưng rút bằng đường thủy thì lại không biết đi đường nào. Yết Kiêu bèn đi dò đường từ hôm trước rồi đợi ở bãi Tân. Khi Hưng Đại vương đến nơi trời đã mờ tối, nhưng vẫn có con thuyền nhỏ đứng đợi ông ở đó. Quân ta rút lui an toàn khiến cho quân Nguyên bối rối, không hiểu quân nhà Trần có tài thăng thiên hay độn thổ mà có thể thoát được. Hưng Đạo vương mừng rỡ mà khen ngợi: “Chim Hồng hộc bay được cao và xa là nhờ 6 cái trụ lông cánh, nếu không khác gì chim thường. Yết Kiêu, Dã Tượng là cánh chim hồng hộc của ta”.
Sử sách còn ghi chép lại một mình Yết Kiêu đã đục thủng hơn 20 chiến thuyền của địch, góp phần quan trọng giúp quân Trần phá thủy quân Nguyên Mông. Vậy nên không quá khi nói rằng, Yết Kiêu có những đóng góp quan trọng trong chiến thắng vang dội của nhà Trần trước sự hùng mạnh của quân Nguyên.
Yết Kiêu còn từng tháp tùng đoàn sứ bộ sang cống nhà Nguyên sau khi nước ta giành được chiến thắng. Vua Nguyên cho công chúa và nhiều nàng hầu tới dinh sứ bộ phục vụ từng người, nhưng mục đích chinh là muốn con gái tìm cách giữ chân Yết Kiêu. Nàng công chúa cảm phục vị tướng tài đất Đại Việt, đem lòng yêu thương và nguyện theo Yết Kiêu suốt đời, nhưng Yết Kiêu lại thờ ơ vô tình. Đoàn sứ bộ làm tròn bổn phận rồi quay về quê hương. Thế nhưng nàng công chúa không bỏ được nhớ thương, mặt mày ủ ê, sầu muộn… rồi sinh bệnh.
Vua Nguyên lo lắng bèn phái người đưa công chúa sang Đại Việt, cầu hôn Yết Kiêu. Nhưng khi đi đến vùng biên giới, sứ Đại Việt cho người đưa tin giả là Yết Kiêu đã tạ thế. Công chúa đau buồn lập đàn cầu siêu cho Yết Kiêu rồi quyên sinh trên đất Đại Việt. Chỉ đáng thương cho công chúa nhà Nguyên, không biết mình chỉ là con tốt “mỹ nhân kế” của vua cha, sang Đại Việt gặp phải người anh hùng, không vì chuyện nữ nhi thường tình mà mắc vào bẫy. Yết Kiêu nghe tin, cũng thật thương cho người con gái đài các cao sang mà nhẹ dạ.
Trong sử sách không ghi nhiều về Yết Kiêu, một phần có lẽ do xuất thân và chức phận của ông. Thế nhưng những điều quan trọng mà Yết Kiêu để lại cho thế hệ sau chính là tấm lòng tận tụy, trung nghĩa với vua, báo đáp ơn nước qua mỗi bài học ông lưu lại. Đích thân vua Trần cũng đã ban tặng danh hiệu “Đệ nhất Đô soái Thủy quân” cho Yết Kiêu, nhưng đối với người dân, tướng quân Yết Kiêu – Hữu Thế có lẽ mãi sống trong huyền thoại và dã sử, sống mãi trong lòng dân tới muôn đời.
Video: Hoàng đế Khang Hy – minh quân bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa
Thủy Tiên tổng hợp
Xem thêm: