Trên ngọn núi phía Nam có một ngôi chùa, trong chùa có thờ một pho tượng Phật. Tương truyền tượng Phật vô cùng linh thiêng, chỉ cần tín đồ thành tâm nguyện ước chân chính, Phật đều từ bi giúp đỡ họ hoàn thành ước nguyện.

Có một tín đồ nghe được chuyện này, để bày tỏ lòng thành kính, vào ngày Phật đản, anh ta đích thân cõng lễ gồm gà, lợn, cá từng bước leo nên núi, chuẩn bị cho ngày Phật đản, và bày tỏ nguyện ước với Phật.

Anh leo hết núi này qua núi khác, khi mồ hôi ướt đẫm lưng, nhưng anh sợ sẽ thất kính với Phật, nên nhất quyết không để lễ xuống để nghỉ ngơi một chút. Khi sức cùng lực kiệt, nhưng anh sợ lỡ mất ngày Phật đản, nên cũng chẳng dám dừng lại nghỉ ngơi. Trải qua muôn vàn vất vả, người tín đồ thành tâm đó cuối cùng cũng đã đến được ngôi chùa.

Anh cung kính đem lễ dâng lên bàn thờ, sụp xuống quỳ dưới đất, hai tay hợp thập, thành kính cầu xin Phật: “Con lạy Đức Phật linh thiêng, con đã 10 năm thi cử tìm công danh, nhưng đều không được như mong ước. Đức Phật Pháp lực vô biên, xin Ngài hãy lượng lòng thành kính này của con, để con năm nay có tên trên bảng vàng”.

Sau khi tín đồ thành kính cầu nguyện xong, anh thu dọn đồ lễ chuẩn bị trở về. Anh vừa ra khỏi cổng chùa, thấy một người ăn xin chìa tay ra xin anh: “Thí chủ đại lượng, tôi đã đói 3 ngày 3 đêm rồi, xin thí chủ thương tình, cho tôi một chút đồ lễ để đỡ đói lòng”.

Thấy dáng vẻ bẩn thỉu của người ăn xin, tín đồ vẻ mặt ghê tởm xua tay: “Đi đi, xem ông vừa rách rưới lại bẩn thỉu, đừng có mà làm bẩn đồ cúng của ta. Ta còn phải đem về nhà cho vợ con ta ăn chứ, đâu có phần của ông”.

Người ăn xin không ngừng dập đầu cầu khẩn: “Thí chủ rộng lượng, tôi đói sắp chết rồi, chỉ cần cho tôi một chút thôi là đủ rồi. Xin thí chủ hãy cứu tôi”.

'Đức Phật, tại sao Ngài không giúp con?', câu trả lời khiến nhiều người phải suy ngẫm
Thấy dáng vẻ bẩn thỉu của người ăn xin, tín đồ vẻ mặt ghê tởm xua tay đuổi đi. (Ảnh: dkn.tv)

Tín đồ sợ người ăn xin đến cướp đồ lễ, vội vàng cõng lên, chạy xuống núi không hề ngoái lại. Người ăn xin đói lả, cuộn người vào tấm thảm rách, co ro ngồi bên chùa.

Đêm xuống, thời tiết càng lúc càng lạnh. Người ăn xin dùng tấm thảm rách quấn chặt thân hình đang run cầm cập. Chẳng biết từ đâu một con chó ghẻ lở toàn thân mụn nhọt xuất hiện, nó tập tễnh đến bên người ăn xin, gặm một góc tấm thảm, che thân hình đầy mụn nhọt, nép sát vào thân người ăn xin để sưởi ấm.

Mụn nhọt trên thân con chó vỡ, mủ dính bẩn hết tấm thảm của người ăn xin, khiến tấm thảm vừa thối vừa nhớp nhúa.

Người ăn xin tức giận đạp con chó và nói: “Cút, cút, mày khắp người mụn nhọt máu mủ, chớ có làm bẩn tấm thảm của ta. Đây không phải chỗ cho mày làm ổ”.

Con chó không chịu nổi đau, nước mắt ròng ròng, chậm rãi rời đi. Đêm đó, nó chết rét bên cổng chùa.

Ngày hôm sau, người ăn xin có chiếc thảm che thân nên không bị chết rét, nhưng vì thiếu thức ăn lâu nên đã chết đói.

Nửa năm sau, anh tín đồ thành kính lên kinh dự thi, lại trượt. Anh ta giận đùng đùng chạy đến ngôi chùa, oán trách Phật rằng: “Nào là nói Ngài Pháp lực vô biên, toàn là lừa người. Nếu Ngài thực sự linh nghiệm, tại sao chỉ một kỳ thi đơn giản cũng không giúp con được, còn để con trượt”.

Đức Phật hiển linh, Ngài lấy bảng danh sách ra, hỏi tín đồ: “Tại sao ta phải giúp con?”.

Tín đồ đáp: “Con thành kính cõng đồ lễ lên núi, để kịp lễ Phật đản, chẳng dám nghỉ một phút. Chỉ riêng lòng thành kính đó, Ngài cũng nên giúp con”.

'Đức Phật, tại sao Ngài không giúp con?', câu trả lời khiến nhiều người phải suy ngẫm
Tại sao ta phải giúp con? (Ảnh: pinterest.com)

Đức Phật cho gọi linh hồn người ăn xin tới. Linh hồn người ăn xin khóc rống lên nói với anh tín đồ: “Tôi chỉ xin anh một chút đồ lễ để tôi đỡ đói, anh cũng không cho. Ngay một chút lòng thí xả cũng không có, thì Đức Phật sao lại phải giúp anh? Nhưng thưa Đức Phật, Ngài thật là tàn nhẫn, nhìn con chết đói mà cũng không cho một chút đồ ăn. Lẽ nào Ngài không có một tí lòng thương xót nào?”.

Đức Phật lại cho gọi linh hồn con chó đến. Linh hồn con chó nhằm người ăn mày mà sủa, nói rằng: “Tôi chỉ xin ông cho tôi trú ở bên tấm thảm, cho tôi một chút hơi ấm. Đối với ông cũng chẳng tổn thất gì, mà ông cũng không cho, vậy anh tín đồ kia sao lại phải thí xả cho ông? Đức Phật sao lại phải thương xót ông?”.

Cuối cùng Đức Phật chỉ anh tín đồ nói, để con có tên trên bảng vàng, rồi lại chỉ người ăn xin nói, để con cơm no áo đủ, đối với ta như trở bàn tay. Các con đều có khả năng giúp người khác nhưng lại không chịu làm, vậy sao các con vẫn còn mong cầu Phật bảo hộ?”.

***

Có người tín Phật, lễ Phật, thắp hương, hành lễ rất là cung kính, nhưng họ thực sự chỉ là cái vẻ bề ngoài cung kính mà thôi. Họ nghĩ cung kính với Đấng quyền năng để được Ngài giúp đỡ, phù hộ. Họ cung kính là có điều kiện, là mong được phù hộ chứ không phát xuất từ thiện tâm, từ Phật tính.

Phật nhìn nhân tâm, không nhìn hình thức, không xem dập đầu bái lạy thế nào, thắp hương thành kính ra sao, niệm Phật nhiều như thế nào, đặt lễ to ra sao. Phật là vạn năng, thần thông quảng đại, Phật muốn gì đều lập tức làm ra được, vậy đâu có cần cái lễ to lễ nhỏ của con người làm gì?

Có lẽ cũng do có người chưa hiểu rõ Phật pháp. Phật từ bi phổ độ chúng sinh là vô điều kiện, chỉ nhìn nhân tâm. Ai có thiện tâm, còn Phật tính, nghe theo lời dạy của Ngài thì Ngài sẽ hoan hỷ phù hộ, chứ đâu cần hình thức thắp hương lễ bái. Ngài phù hộ con người cũng xuất phát từ lòng từ bi, và cũng hợp với luật Nhân – Quả của vũ trụ.

Một người luôn khởi thiện tâm, luôn nghĩ cho người khác, vì lợi ích người khác, lợi ích cộng đồng xã hội thì ắt sẽ được Ngài phù hộ, cũng hợp với Nhân – Quả, người tốt được phúc báo. Vì giúp đỡ người đó, thì cũng chính là giúp đỡ nhiều người khác, giúp đỡ chúng sinh.

Còn những người chỉ vì mình, không hề đoái hoài gì đến lợi ích người khác, không để ý gì đến đau khổ của người khác, khư khư giữ lợi ích cho mình và gia đình, gia tộc. Nếu giúp người đó, thì chính là làm hại người khác, làm hại chúng sinh, chính là làm việc xấu vậy. Thần Phật sao có thể giúp họ được?

Nhưng con người, ai cũng có Phật tính. Chỉ vì còn giữ các quan niệm ích kỷ, vì mình, và còn ôm giữ cái tâm cầu công danh, phú quý, và các ham muốn sở hữu, chiếm hữu cho bản thân, vinh thân phì gia, khiến cho con người mê muội rơi vào ác đạo, thì họ có lễ bái thành kính thế nào cũng không Thần Phật nào ra tay giúp họ được. Thế nên, Đức Phật có dạy “đời người là bể khổ”, con người cứ mê muội vẫy vùng trong bể khổ, tranh giành quyền lực, tranh đoạt lợi ích, phóng túng ham dục. Nếu họ biết quay đầu là bờ, thì sẽ được đắc cứu, thoát khỏi bến mơ, ra khỏi bể khổ.

Nhất Tâm