Trong cuộc sống, ai cũng có những thứ tình cảm hầu níu kéo, bảo vệ hạnh phúc cá nhân. Nhưng nhiều người đã vô tình lãng quên một tình cảm cao thượng nhất trong tâm thức mỗi người, đó là tâm từ bi. Nó chính là mỏ neo giữ vững tâm hồn ta trong rất nhiều biến động của cuộc sống này.
Chuyện kể rằng, có vị vương tử tên là Bồ Đề đã xây cất một tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ. Vì thế ông rất muốn Đức Phật đầy tôn kính là người đầu tiên bước chân vào nhà mình.
Sau khi Bồ Đề vương tử thỉnh Phật đến nhà và được nhận lời, ông tất bật chuẩn bị mọi thứ để nghênh đón Đức Thế Tôn. Ông đặc biệt cho trải một tấm vải trắng từ trong nhà xuống tới tam cấp, ra thẳng tới cổng. Khi Đức Phật cùng thánh đệ tử đến, ông thỉnh Phật hãy đặt chân lên tấm vải trắng này và bước vào tòa lâu đài để ban phước báu. Đức Phật im lặng và đứng tại chỗ. Lần thứ hai, Bồ Đề Vương Tử tiếp tục thỉnh nữa, Đức Phật vẫn im lặng, rồi lần thứ ba cũng lại như thế.
Lúc đó, đức A Nan hiểu được ý của Đức Phật, bèn nói: “Đức Thế Tôn không thể để chân mình bước lên tấm vải trắng vì Đức Thế Tôn đang nghĩ đến người nghèo”. Bồ Đề vương tử nghe lời, vội cuốn tấm vải trắng đó lên. Lúc đó Đức Thế Tôn mới đi vào tòa lâu đài.
Sở dĩ Đức Phật không bước lên tấm vải trắng tinh mà Bồ Đề vương tử trải là vì Ngài nghĩ đến người nghèo Ấn Độ, những người còn không có quần áo lành lặn mà ăn mặc. Đây chỉ là một trong vô số câu chuyện về lòng từ bi sâu sắc của Đức Phật. Từ bi chính là biết lo lắng, đồng cảm với những thống khổ, bất hạnh của người khác.
“Từ” nghĩa là chia sẻ, yêu thương. “Bi” chính là hi sinh. Dẫu thế chúng ta đang sống vì lòng từ nhiều hơn lòng bi. Bởi hi sinh lợi ích của bản thân cho người khác, chịu thiệt cho mình để người khác được an vui là điều rất khó. Chúng ta chỉ đang mới làm được một nửa của từ bi, hoàn thiện tâm từ, san sẻ cho người nghèo khổ bằng của cải vật chất mà mình dư thừa.
Muốn hiểu sâu sắc về lòng từ bi trọn vẹn, ta hãy nhìn điều Đức Phật làm. Ngài đã bỏ hết được những cái của riêng mình vì mọi người, sẵn sàng từ bỏ danh lợi bậc tôn vị, địa vị và quyền lực để trở thành một người tu sĩ không nhà không cửa, sống trong rừng sâu. Đức Phật chịu đựng khổ hạnh để mong cầu tìm thấy con đường giải thoát cho chúng sinh bớt đi đau khổ.
Đó chính là lòng từ bi của một bậc giác giả chân chính, để lại cho chúng ta một tấm gương sáng. Đức Phật cũng đã giảng rõ tác dụng mà tâm từ bi sẽ mang lại cho chúng ta:
Người ấy ngủ ngon giấc.
Người ấy thức giấc tươi tỉnh.
Người ấy ngủ không thấy giấc mơ xấu.
Người ấy được những người khác yêu mến.
Người ấy được các chúng sinh khác yêu mến.
Chư thiên (Devā) bảo vệ người ấy.
Lửa, chất độc, và gươm không thể hại người ấy.
Tâm người ấy có thể tập trung rất nhanh.
Sắc mặt của người ấy sáng sủa.
Người ấy chết với tâm thanh thản.
***
Bước sang thời đại thông tin, sự bùng nổ của điện thoại thông minh và hệ thống mạng xã hội mang tới tiện ích giao tiếp trực tuyến tức thời nhưng cũng nhanh chóng xói mòn cảm giác gần gũi, hạnh phúc và lòng từ bi. Các chuyên gia nhận thấy việc cập nhật thông tin liên tục dễ làm người ta so sánh, cạnh tranh, dằn vặt, trầm cảm, tăng sự ích kỷ, không muốn tiếp xúc trực tiếp với các mối quan hệ ngoài xã hội.
Một số chuyên gia tâm lý cho rằng hơn bao giờ hết xã hội lúc này cần phát triển tâm từ bi vì nó bao hàm “đồng cam cộng khổ”, thông cảm quan tâm không chỉ với mọi người mà cả với chính bản thân. Nghĩa là, người ta phải ngừng việc đánh giá, chê trách, dằn vặt, mở lòng bao dung chấp nhận mỗi người.
Năm 2014 đài phát thanh cộng đồng NPR của Mỹ trong chương trình “TED talk” (các bài diễn thuyết của các chuyên gia trong các lĩnh vực: Technology, Entertainment, Design – Công nghệ, Giải trí, Thiết kế) cũng nhấn mạnh việc nuôi dưỡng lòng từ bi làm cho gia đình hạnh phúc, công việc hanh thông.
Trong chương trình “TED talk” của đài phát thanh cộng đồng NPR với tiết mục: “Tấm lòng cao thượng” một chuyên gia đã liên hệ từ bi với chỉ số cảm xúc EQ. Với tâm thái từ bi hòa ái thì từ lời nói tới cử chỉ trong ứng xử đều điềm tĩnh bất luận là phê bình hay tán thưởng. Những người nỗ lực lấy từ bi làm kim chỉ nam cảm thấy hạnh phúc hơn, tự tin hơn và cuộc sống hôn nhân cũng vững chắc hơn.
Bồi dưỡng tâm từ bi, biểu đạt lòng từ bi, không chỉ là cốt lõi của mọi chính giáo trên thế gian, mà còn là điểm trọng yếu trong tâm lý học. Trong những thập kỷ gần đây số lượng người tập luyện thiền định tăng một cách ổn định và ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học khẳng định ích lợi đối với sức khỏe và tâm lý cho cuộc sống tràn đầy năng lượng.
Thiền định nuôi dưỡng lòng từ bi trắc ẩn và tình yêu thương thông qua việc tĩnh lặng trở về với chân ngã của mình không còn những ưu tư lo lắng của trần tục. Khi đó bạn là người ở vị trí trung lập, tâm từ bi xuất phát từ bản thân bạn và sau đó là hướng ra người thân, bạn bè và vạn vật xung quanh.
Hiệu quả tích cực đó nhiều khi sẽ bất ngờ đến chỉ sau một buổi tập ngắn chừng 30 phút. Việc này làm cho người tập luyện tăng độ nhạy cảm trong các mối quan hệ xã hội và suy nghĩ tích cực hướng đến những người thân quen, trong gia đình và ngoài xã hội.
Thiền định với tâm hòa ái từ bi cũng đem lại nhiều lợi ích cho những người tập luyện thường xuyên. Dưới đây là 5 lợi ích của việc tập luyện thiền định với tâm thái từ bi đã được khoa học chứng minh.
1. Gia tăng những cảm xúc tích cực
Nếu bạn muốn gia tăng cảm xúc hạnh phúc và khỏe mạnh thì thiền có thể là bài tập hữu ích cho bạn. Một nghiên cứu cho rằng tập luyện thiền liên tục trong vòng 7 tuần sẽ giúp tăng những cảm xúc tích cực lên nhiều lần.
Cảm xúc tích cực đó bao gồm cảm giác yêu thương, sự vui vẻ, sự mãn nguyện, lòng biết ơn, niềm tự hào, niềm hy vọng, sự thích thú và lòng kính phục. Các cảm xúc tích cực đó tạo nên hiệu quả lâu dài cho người tập, làm gia tăng cảm giác hài lòng với cuộc sống của họ và giảm thiểu các triệu chứng trầm cảm.
2. Giảm bớt việc tự lên án bản thân
Chúng ta đều có những màn độc thoại nội tâm và những cuộc nói chuyện liên tiếp diễn ra trong tâm trí. Với nhiều người, giọng nói bên trong tâm trí có thể rất gay gắt, dữ dội thậm chí gây ra ảo giác nghiêm trọng.
Nhiều người sau khi hành thiền chia sẻ rằng những lời nói, chỉ trích đáng sợ đó sẽ được giảm thiểu rất nhiều khi luyện tập thiền chăm chỉ và ổn định chỉ trong vài tháng.
Thiền giúp giảm thiểu các triệu chứng của việc tự lên án bản thân và trầm cảm. Người tập còn được cảm nhận sự cải thiện của lòng từ bi và cảm xúc tích cực, tác động tốt đến tâm trạng, thái độ sống và làm việc hằng ngày.
May mắn rằng những cảm xúc tuyệt vời đó sẽ duy trì tối thiểu là 3 tháng sau mỗi đợt tập luyện đều đặn. Nếu muốn sống vui, sống khỏe, đừng chần chừ gì nữa mà không thiền để làm mới bản thân và cảm nhận sự thay đổi!
3. Tăng cường sự đồng cảm
Các tiến bộ khoa học gần đây trong lĩnh vực thần kinh đã chỉ ra rằng những gì chúng ta nghĩ, làm và chú ý sẽ tạo ra những thay đổi về cấu trúc và chức năng của não bộ.
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, thường xuyên tập luyện sẽ giúp bạn kích hoạt và tăng cường các vùng của não phụ trách sự đồng cảm. Một trong những lợi ích quan trọng nhất của sự đồng cảm chính là cải thiện mối quan hệ, giảm bớt sự hung hãn, tư duy thiện tâm nhân ái và nói năng nhẹ nhàng hơn.
4. Tăng lòng từ bi
Theo Đức Đạt Lai Lạt Ma, tình yêu và lòng từ bi là điều cần thiết chứ không phải một thứ xa xỉ. Nếu không có những điều đó, nhân loại không thể tồn tại. Thiền định với tâm từ bi lại chính là một trong những bài tập hiệu quả nhất để tăng lòng từ bi.
Đừng chần chừ gì nữa, vì từ bi hơn đem lại cho bạn những lợi ích không tưởng: Bản thân bạn được cải thiện sức khỏe, cuộc sống gia đình hạnh phúc, và các mối quan hệ xã hội, công việc cũng thay đổi vì bạn luôn suy nghĩ cho người khác chứ không chỉ cho riêng mình.
5. Giảm chứng đau nửa đầu và trẻ hóa bản thân
Có phải đã đến lúc vứt đống thuốc giảm đau, kháng sinh, cảm cúm và thuốc đau nửa đầu bạn được các dược sĩ kê đơn đi chăng? Phải khẳng định với bạn rằng, một buổi tập thiền ngắn sẽ giúp giảm đau và giải tỏa phần nhiều căng thẳng liên quan đến chứng đau nửa đầu kinh niên ngay lập tức.
Thực tế đã cho thấy, nhiều phụ nữ thiền lâu dài và ổn định thường trẻ và có làn da, cơ thể, sức đề kháng hơn hẳn người cùng độ tuổi. Thậm chí nhiều người đã có thể vĩnh biệt nếp nhăn, không cần uống thuốc cảm cúm và các bệnh khác.
Chân Tâm