Có người khi nghe nói đến ‘nhân quả báo ứng’ hay ‘phong thủy toán mệnh’ thì liền cho đó là mê tín. Tác giả của bài viết dưới đây cũng là 1 người trong số đó. Tuy nhiên sau khi xâu chuỗi những sự việc đã xảy ra một cách hết sức logic và khoa học, anh đã phải thay đổi chính mình.

Từ một người vô Thần, coi chuyện phong thủy là mê tín…

Có người của một gia tộc nọ, vào tết Thanh minh đi tảo mộ phần của tổ tiên, trong lúc tảo mộ, hết thảy cỏ dại bên mộ đều dọn sạch. Chẳng bao lâu, đã xảy ra một việc khiến mọi người không sao ngờ được. Chỉ trong một năm đó, người trong gia tộc đó đã chết mất ba, bốn người.

Tôi hỏi ông nội về nguyên nhân cái chết của họ, ông nội bảo: Lúc mới đầu thì mọi người đều không biết rõ là nguyên nhân gì. Người của gia tộc đó đã đi hỏi thầy toán mệnh. Cuối cùng đã rõ cả, mấy cái cây cỏ mọc dại ở phía trước mộ kia chính là “long mạch”, vốn không cắt bỏ được. Nếu như cắt bỏ rồi, thành viên trong nhà sẽ xảy ra chuyện.

Khi đó tôi nghe xong, vội cho là ‘mê tín’. Tôi hỏi lại ông nội: “Trên đời này, mấy chuyện phong thủy là có thật hả ông?”. Ông nội nói một cách chắn chắn như đinh đóng cột rằng: “Trên đời này có một số chuyện, vốn không thể dùng khoa học là có thể giải thích rõ được. Có những điều mà khoa học không thể giải nói được rõ ràng, nên có những người liền cho đó là mê tín. Thật ra không phải như vậy đâu!”.

Dù bạn tin hay không thì các bậc tiền bối đã có bài học của mình để răn dạy con cháu đời sau. Ảnh biography.com

Cuối cùng phải khâm phục trí huệ của người xưa

Khi đó, tôi cảm thấy ông nội rất có trí huệ, ông không bài xích khoa học, nhưng ông cho rằng trên đời này những sự tình mà khoa học không thể giải nói rõ ràng được, thì không có nghĩa là chúng không tồn tại. Còn về những điều mà khoa học không thể giải thích rõ ràng này, ta cũng nên phải biết kính sợ, đấy mới là trí huệ, mới có thể mang đến bình an cho bản thân và người nhà.

Thời Bắc Tống, có một nhà triết học, nhà thơ nổi tiếng tên Thiệu Ung, ông cũng được biết đến với rất nhiều lời tiên tri chuẩn xác phi thường. Vào một buổi tối nọ, Thiệu Ung cùng con trai đi lên cầu ngắm trăng. Bỗng gió âm nổi lên bốn phía, nhìn lên bầu trời, thì thấy mây đen che khuất Mặt Trăng. Một lúc sau trong không trung vọng đến tiếng kêu của chim cuốc, tiếng kêu như xé nát tâm can, thảm thiết vô cùng. Thiệu Ung ngay lập tức trong lòng lo lắng.

Con trai hỏi ông cớ sao tâm trạng lại nặng nề như vậy? Thiệu Ung nói: “Chim cuốc là giống chim ở phương Nam, Lạc Dương trước đây không có, hôm nay lại bay đến, thiện hạ sắp loạn rồi!”. Lại nói: “Dựa theo kinh nghiệm ngày trước, thiên hạ sắp thái bình, địa khí từ Bắc hướng về phía Nam, nếu như sắp có loạn lạc, địa khí từ Nam hướng lên phía Bắc. Mấy năm sau, Đại Tống ta ắt có đại nạn”.

Không lâu sau, Thiệu Ung dẫn theo cả nhà dời sang Tây Thục, nhờ vậy mà may mắn tránh được chiến loạn nước Kim đánh xuống phía Nam. Người đời sau khen rằng: “Thiệu Khang Tiết nghe thấy tiếng chim cuốc mà biết trước thiên hạ sắp có chiến loạn”. Thiệu Ung thật đúng là một người có trí huệ! Ông tinh thông phong thủy, có thể thông qua một vài hiện tượng tự nhiên mà đoán ra được hình thế biến hóa của thiên hạ, giữ được tính mệnh của cả nhà mình.

Phong thủy là môn khoa học bác đại tinh thâm, là một loại học vấn rộng lớn đầy trí tuệ. Con người thời nay coi thường phong thủy toán mệnh, giễu cợt là mê tín phong kiến, cũng vì vậy mà phong bế chính mình, không thể đột phá cao xa hơn.

Phong thủy là môn khoa học bác đại tinh thâm, là một loại học vấn rộng lớn đầy trí tuệ. Ảnh cafeastrology.com

Vào thời Bắc Tống lại có câu chuyện Tống Giao bắc cầu trúc cứu bầy kiến. Tống Giao và em trai là Tống Kỳ từng ở chung với một vị tăng nhân. Vị tăng nhân này rất giỏi về xem tướng mặt, nói Tống Kỳ sau này sẽ làm quan lớn, thăng quan tiến chức vùn vụt, còn Tống Giao trong khoa cử cũng sẽ có được thành tích không tệ.

Mười năm sau, huynh đệ tham gia khoa cử, giữa đường lại gặp được vị tăng nhân này. Vị tăng nhân lấy làm kinh ngạc, nói tướng mặt của Tống Giao đã hoàn toàn khác xưa, vẻ mặt hồng hào, giống như đã từng cứu sống hơn mười vạn sinh mệnh? Ông hỏi Tống Giao: “Có từng làm qua loại việc công đức tương tự như vậy hay không?”.

Tống Giao nghĩ ngợi một hồi, nói: “Bên cạnh thư phòng có một tổ kiến, có lần trời mưa to, nước nhấn chìm cả tổ kiến, tôi bắc một cây cầu tre giúp bầy kiến bò đến nơi an toàn”. Vị tăng nhân nói: “Chính là việc này”. Tống Giao bởi đã làm một việc tốt này, về sau đã thi đậu Trạng nguyên.

Câu chuyện này nói rõ: Trong thế giới vô minh huyền diệu, đều hiện hữu nhân quả báo ứng, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Cũng nói rõ: Hết thảy sinh linh trên thế gian này đều rất trân quý, vậy nên ta cần phải biết trân quý, không nên tùy tiện giết hại chúng, có thể cứu sống được các sinh linh cũng sẽ tích được phúc phận to lớn cho chính chúng ta.

Còn có một câu chuyện khác như sau. Một tên buôn người dụ dỗ được một bé trai 4 tuổi. Trên xe lửa, bé trai không hề kêu khóc như mấy đứa trẻ khác, mà là cứ gọi kẻ buôn người kia là chú, còn đòi chú ấy kể chuyện cho cậu nghe. Cậu bé nói: “Chú ơi, có phải chú cũng hay kể chuyện cho con chú nghe, thì con chú mới chịu ngủ phải không?”.

Câu nói vô tư này khiến kẻ buôn người động lòng trắc ẩn, gã cũng có một cô con gái 5 tuổi, mỗi ngày vẫn quấn quýt bên cha đòi kể chuyện cho nghe. Chỉ trong khoảnh khắc đó, gã ta quyết định đưa đứa bé trở lại, hơn nữa, còn tự đi tự thú. Sau khi phá án, tất cả những kẻ phạm tội khác đều bị tử hình, chỉ có gã là bị tuyên án 15 năm tù. Nhưng điều đáng nói hơn cả ở đây, chính là tâm hồn gã cuối cùng đã được giải thoát.

Câu chuyện này chính là đã nói rõ, mỗi một người đều có lòng trắc ẩn, đều có phía mặt lương thiện trong tâm, chỉ là với những kẻ xấu thì bản tính tốt đẹp này đã bị che lấp mất mà thôi. Và chỉ trong một số tình huống đặc thù, tấm lòng trắc ẩn và lương tri bất chợt thức tỉnh, biết hối cải và bỏ ác theo thiện. Đồng thời, cũng một lần nữa chứng minh đạo lý: Thế giới này có tồn tại nhân quả báo ứng. Kẻ buôn người đó, đã lựa chọn thiện lương, vứt bỏ ác niệm và hành vi tội lỗi, cuối cùng đã cứu vãn được mạng sống của mình, cũng cứu vớt được linh hồn của chính mình.

“Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, không phải không báo, chỉ là chưa đến lúc mà thôi” . Ảnh goodreads.com

Trên trang “Thời Báo Thanh Niên” từng đưa tin về một câu chuyện ly kỳ xảy ra ở huyện Tam Môn tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Tháng 10 năm 2002, Lâm Nhật Đa vốn yêu thích săn bắn, trong lúc cùng với chúng bạn đi săn không may sảy chân ngã xuống, cây súng rớt xuống mặt đất cướp cò, viên đạn bắn trúng người bạn đồng hành khiến người đó tử vong. Ngày 26 tháng 4 năm 2009, Lâm Nhật Đa hẹn mấy đứa bạn thân lên núi săn bắn, trong lúc đi săn không may bị một người bạn trong nhóm tưởng nhầm là heo rừng, một phát súng bắn mất mạng. Theo cách nhìn của người xưa thì coi những chuyện như vậy, chính là một mạng đền một mạng. Tôi cũng hoàn toàn tin như vậy.

Thực sự tin vào nhân quả báo ứng

Giờ đây, tôi đã thực sự tin rằng, người đang làm trời đang nhìn; hết thảy những gì bạn làm đều không tránh khỏi ánh mắt của Thần. Tôi cũng thường khuyên bạn bè của mình rằng, chớ xem nhân quả báo ứng của người xưa là mê tín phong kiến, mà cần nhận thức được rằng, nhân quả báo ứng là thiên lý bất di bất dịch. Giáo huấn của người xưa: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, không phải không báo, chỉ là chưa đến lúc mà thôi”, là thiên lý bất di bất dịch.

Bởi vậy, vì hạnh phúc trong kiếp sống này, cũng vì bình an thanh thản sau khi chết đi, chúng ta hãy luôn nhớ rằng cần làm nhiều việc thiện, cũng chớ thấy việc ác nhỏ mà vội làm.

Tâm tồn thiện niệm, một lòng kính ngưỡng Thần linh, có thể gìn giữ đạo đức và lương tri – Đây chính là lựa chọn sáng suốt nhất của sinh mệnh để có được một tương lai tốt đẹp.

Theo NTDTV
Quang Minh biên dịch