Đặng Thác từng giữ chức tổng biên tập và xã trưởng tờ Nhân dân Nhật báo trong 10 năm, nhưng bị Mao phê là “bất tài” và bị điểm danh là “kẻ phản bội” ​​tại đại hội. Đêm khuya ngày 17 tháng 5 năm 1966, Đặng Thác treo cổ tự vẫn tại nhà, trở thành quan chức cấp cao đầu tiên của ĐCSTQ tự sát trong Cách mạng Văn hóa. Ông ấy vì sao mà khiến Mao oán hận như vậy? 

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Ngày 16 tháng 5 năm 1966, đại hội mở rộng của Bộ Chính trị ĐCSTQ thông qua “Thông tri ngày 16 tháng 5”, đánh dấu sự khởi đầu chính thức của cuộc “Cách mạng Văn hóa”, mang đến cho dân tộc Trung Hoa hạo kiếp 10 năm. Cùng ngày, các tờ báo lớn trong cả nước, trong đó có Nhân dân Nhật báo, đồng loạt chuyển tải bài viết “Bình luận về lập trường giai cấp tư sản của ‘Tiền tuyến’ và ‘Nhật báo Bắc Kinh’” của Thích Bản Vũ. Bài báo chỉ đích danh ông và nói: “Đặng Thác là người như thế nào? Hiện tại đã kiểm tra minh bạch, ông ta là một kẻ phản bội.”

Đương thời, Đặng Thác là bí thư Ban Bí thư Thành ủy Bắc Kinh phụ trách văn hóa và giáo dục, đồng thời là một trong số ít “cây bút” cấp tỉnh và cấp bộ trong ĐCSTQ. Còn Thích Bản Vũ, người phê phán ông, là thư ký của Mao Trạch Đông, lãnh tụ tối cao của ĐCSTQ. Đặng Thác ngay lập tức nhận ra, bài báo của Thích Bản Vũ chính là đại biểu cho Mao Trạch Đông.

Đêm khuya ngày 17/5/1966, Đặng Thác treo cổ tự vẫn tại nhà ở tuổi 54.

Hôm nay, chúng ta dựa trên bài viết “Bạn vua như bạn hổ – Mao Trạch Đông đã bức Đặng Thác đến tuyệt lộ như thế nào” do cựu tổng biên tập Nhân dân Nhật báo Hồ Kế Vĩ viết, hồi ức về cái chết của Đặng Thác.

Bị Mao Trạch Đông phê là “người chết điều hành một tờ báo”

Đặng Thác, sinh năm 1912, người Mân Hầu, Phúc Kiến, từng học tại Đại học Quang Hoa, Học viện Pháp chính Thượng Hải, Đại học Hà Nam v.v. Ông gia nhập ĐCSTQ năm 1930 và bắt đầu sự nghiệp báo chí từ năm 1938, chủ biên tờ “Nhật báo  Tấn Sát Kí” trong 10 năm, sau năm 1949, ông giữ chức tổng biên tập và chủ tịch tờ Nhật báo Nhân dân trong 10 năm. 

Ngay từ năm 1942, trong bài xã luận của “Nhật báo Tấn Sát Kí” do Đặng Thác chấp bút, ông đã đề xuất khái niệm “chủ nghĩa Mao Trạch Đông”. Năm 1944, ông chủ biên xuất bản cuốn “Tuyển tập Mao Trạch Đông” trong 5 tập đầu tiên của lịch sử ĐCSTQ. Ông cũng viết không ít lý luận văn chương, tản văn và thơ ca tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông. Nhưng sau khi ĐCSTQ nắm chính quyền, tư tưởng của Mao càng ngày càng thiên tả, Đặng Thác càng ngày càng không theo kịp.

Vào tháng 2 năm 1957, Mao đề xuất tại hội nghị Quốc vụ Tối cao, hy vọng những nhân sĩ ngoài đảng sẽ giúp đảng chỉnh phong. Ý đồ chân thực của nó là “dụ rắn khỏi hang”, dụ dỗ những người có ý kiến bất đồng và ý kiến phản đối ĐCSTQ lên tiếng, rồi bắt hết.

Sau phát biểu của Mao, các tờ báo phái dân chủ trong đảng đã lần lượt hưởng ứng lời kêu gọi, đăng các bài báo đề xuất ý kiến cho đảng và chính phủ, tuy nhiên “Nhân dân Nhật báo” lại biểu hiện rất “bảo thủ”. Đặng Thác đặc biệt quy định rằng các bản thảo phải được kiểm soát chặt chẽ, ngôn từ kịch liệt của tác giả phải bị xóa đi trước khi xuất bản, nhưng vẫn bảo trì nguyên ý định ban đầu của tác giả, đồng thời thêm ghi chú của người biên tập để làm dịu bớt hỏa khí.

Bắt đầu từ tháng 4 năm 1957, “Văn Hối Báo”, “Nhật báo Quang Minh” đã xuất bản một số lượng lớn các bài báo có tiếng vang lớn, dẫn phát ảnh hưởng kịch liệt trong xã hội. Mao Trạch Đông đã nhiều lần công khai biểu dương hai tờ báo này, chỉ thị cho giới báo chí cần “làm nóng lên, làm nóng lên”. Tuy vậy, trước phản ứng ôn hòa của Nhân dân Nhật báo, Mao rất tức giận.

Theo bài báo “Đặng Thác mắc kẹt trong vết nứt chính trị mà đi đến tuyệt đường”, ngày 10 tháng 4 năm 1957, Mao triệu tập tổng biên tập “Nhật báo Nhân dân” Đặng Thác, phó tổng biên tập Hồ Kế Vĩ cùng những người khác, nghiêm khắc phê bình: “Hội nghị Quốc vụ Tối cao đã mở ra được một tháng rồi, mà báo chí của đảng Cộng sản không lên tiếng. Các cậu án binh bất động, trái lại cho phép các tờ báo ngoài đảng giật cờ xí của chúng ta chỉnh chúng ta. Ngày xưa nói các bạn là thư sinh làm báo, không đúng, nên phải nói là người chết làm báo. Đa số các cậu là lạc điệu với phương châm của Trung ương, là xung đột, phản đối phương châm của Trung ương.”

Mao còn mắng Đặng Thác: “Ông đừng chiếm lấy cái hố tiêu mà không đại tiện. Trung ương đã mở rất nhiều cuộc họp, ông cũng tham gia, nhưng không viết, điều này chỉ làm tăng chi phí khấu hao của ghế ngồi.” “Ông được đối xử ưu ái, chỉ biết xe vào xe ra. Tôi thấy ông rất giống Hán Nguyên Đế, do dự thiếu quyết đoán. Ông mà làm hoàng đế, thì không vong quốc không được!” 

Đặng Thác mấy lần cố gắng giải thích nhưng đều bị từ chối, cuối cùng ông nói: “Tôi không biết mình có giống Hán Nguyên Đế không, nhưng tôi thực sự cảm thấy mình không đủ năng lực để đảm nhiệm công việc đó, hy vọng chủ tịch sẽ triệt tiêu chức vụ của tôi. Tôi đã mấy lần thành tâm thành ý đề xuất thỉnh cầu này.” 

Thế nhưng, Mao lại nói Đặng Thác là “từ chức giả”, và phê bình mấy phó tổng biên tập tại đó là “không dám cách mạng Đặng Thác”, cổ động họ phê phán Đặng Thác.

Hồ Kế Vĩ sau đó nói rằng những lời buộc tội của Mao đối với Đặng Thác là vô đạo lý. Thứ nhất, Đặng Thác làm việc theo các quy định do Trung ương đặt ra; Thứ hai, cấp trên trực tiếp của Đặng Thác là thư ký cấp cao của Mao, Hồ Kiều Mộc, người thay Mao quản “Nhân dân Nhật báo”. Cho dù có sai sót, thì trách nhiệm thuộc về Hồ Kiều Mộc chứ không phải Đặng Thác. Không lâu sau, Mao Trạch Đông bổ nhiệm Ngô Lãnh Tây, một nhân viên thân cận của Mao, làm tổng biên tập Nhân dân Nhật báo, phụ trách tin tức, quyết định bố cục; Đặng Thác được bổ nhiệm làm xã trưởng phụ trách lý luận và văn nghệ, thực ra là minh thăng âm giáng, bị cho ngồi không.

Tại Hội nghị Nam Ninh tháng 1 năm 1958, Mao lại nhắc lại chuyện cũ, phê bình Đặng Thác trước mặt tất cả những người tham gia. Khi Đặng Thác bước vào hội trường, Mao nói: “Vừa nói đến Tào Tháo thì Tào Tháo có mặt. Nhân dân Nhật báo, đảng Cách mạng không cách mạng. Bài phát biểu của tôi tại hội nghị Quốc vụ Tối cao ngày 27 tháng 2, phái dân chủ đảng đã lợi dụng văn chương của tôi, Nhân dân Nhật báo nghe tin lại bất động… Tôi nói cho các cậu biết, nếu các cậu không chấp hành thì tại sao không từ chức?… Đặng Thác chính là bất tài, tôi đã nói ông ấy là một giáo sư đang điều hành một tờ báo, một học sinh đang điều hành một tờ báo, lại nói một người chết đang điều hành một tờ báo…”

Tại hội nghị đó, Mao cũng phê bình bài xã luận “Cần phản đối chủ nghĩa bảo thủ, cũng cần phản đối tâm thái hấp tấp” xuất bản hai năm trước của Đặng Thác “là chống chủ nghĩa Mác-Lê. Cách xây dựng bài xã luận giống như đề pháp của Ngụy Trung Hiền, rằng: ‘Đông Lâm tuy có quân tử, nhưng cũng có tiểu nhân. Đây là bút pháp của Ngụy Trung Hiền, kỳ thực là nói Đông Lâm đều là tiểu nhân…. Về hình thức là chống cả hai, thực ra là chống tả khuynh.”

Khi đó, bài xã luận này là thụ ý của Lưu Thiếu Kỳ, nhân vật quyền lực thứ hai trong ĐCSTQ. Ý định ban đầu của Lưu là muốn chống tả khuynh, nhưng ông lại lo lắng về thái độ của Mao, nên trên tiêu đề thì nói là phản hữu, nhưng trong bài lại nói về phản tả. Khi bài xã luận được gửi cho Mao xem, Mao phê: “Tôi không đọc!” Đặng Thác đọc xong chỉ thị không biết xoay xở thế nào, nhưng vẫn cho đăng bài xã luận này, vì thế trong lòng Mao luôn ôm mối hận.

Sau Hội nghị Nam Ninh, Đặng Thác lại lần nữa đề xuất việc từ chức. Tháng 8 năm 1958, ông được điều động về Thành ủy Bắc Kinh làm bí thư phụ trách văn hóa giáo dục. Tuy nhiên, đây không phải là tất cả những nguyên do khiến Đặng Thác được công khai điểm danh trong Cách mạng Văn hóa. “Yến Sơn dạ thoại” và “Tam gia thôn trát ký” mới gây họa cho ông.

Nhà văn hóa bị oán hận

Ngày 9 tháng 3 năm 1961, Đặng Thác được mời mở chuyên mục “Yến Sơn dạ thoại” (Chuyện đêm Yến Sơn) trong phụ san “Ngũ sắc thổ” của “Bắc Kinh Vãn Báo”. Đến năm 1962, tổng cộng 149 bài báo đã được viết. “Tam Gia thôn trát ký” là một chuyên mục được tạo trên tạp chí “Tiền tuyến”, một ấn phẩm của Thành ủy Bắc Kinh, vào tháng 9 năm 1961. Đặng Thác, Ngô Hàm, Liệu Mạt Sa thay phiên nhau viết tổng cộng hơn 60 bài báo.

Nói chung, những truyện ngắn này đều được viết trong khuôn khổ văn hóa đảng của ĐCSTQ, nhưng một số bài cũng nói lời thật, ngầm phê bình vận động “Đại nhảy vọt”, đồng thời cũng thẳng thắn biện hộ cho Bành Đức Hoài, nguyên soái ĐCSTQ bị đả đảo.

Chẳng hạn, trong bài “Biện hộ cho Lý Tam Tài”, Đặng Thác miêu tả Lý Tam Tài, một đại thần thời nhà Minh, bị bãi chức vì dũng cảm vạch trần tội ác của thái giám tại triều đình. Lý lại lần nữa thượng tấu, yêu cầu hoàng đế đích thân thẩm vấn, nhưng bị từ chối. Tình tiết này bị coi là ám chỉ việc Mao Trạch Đông không chịu lắng nghe lời thật của Bành Đức Hoài, bãi quan Bành Đức Hoài.

Mao chỉ trích Đặng Thác là “học sinh điều hành tờ báo”, nhưng Đặng Thác lại dùng những học giả cổ đại trực ngôn tiến gián, nhiều lần dẫn ra những tấm gương về các đảng nhân Đông Lâm tích cực tham gia chính trị vào cuối thời nhà Minh. Ông đã viết một bài thơ ca ngợi: “Đừng nói thư sinh chỉ nghị luận suông, đầu họ chỗ nào cũng đầy vết máu”, “Hảo nam nhi Đông Lâm một đời, cực lực kháng quyền chí bất di”

Các bài viết của Đặng Thác dẫn dụ các loại vấn đề đời thường, mượn cổ dụ kim, văn chương sinh động hấp dẫn không ít độc giả. Hồ Kế Vĩ, người từng là tổng biên tập tờ Nhân dân Nhật báo sau Cách mạng Văn hóa, sau này đã viết trong cuốn tự truyện của mình: “Sau khi tôi đọc các tác phẩm của Đặng Thác, điều khiến tôi ngộ rõ ràng hơn là, cuộc ‘Đại cách mạng văn hóa giai cấp vô sản’ do Mao Trạch Đông phát động chính là muốn ‘trảm mạng văn hóa’, muốn trảm cái mạng của toàn bộ nền văn hóa ưu tú của Trung Quốc. Mao Trạch Đông căm hận Đặng Thác đến mức sớm đã hạ quyết tâm ‘cách cái mạng’ của ông ấy.”

Tất nhiên, Mao không chỉ muốn đả đảo Đặng Thác, mà còn muốn đả đảo những người đứng sau ông ấy.

Những người đứng sau Đặng Thác: Bành, Lưu, Đặng

Từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 3 năm 1966, Mao đã tổ chức ba cuộc hội đàm với vợ là Giang Thanh và những người khác ở Hàng Châu, cáo buộc Thành ủy Bắc Kinh là một “vương quốc độc lập”, kim châm không vào, nước xuyên không thủng, cần phải giải tán. Mao cũng chỉ đích danh phê bình “Tam Gia thôn trát ký” và “Yến Sơn dạ thoại” là phản đảng phản chủ nghĩa xã hội.

Từ ngày 6 tháng 4 đến ngày 11 tháng 4, Thành ủy Bắc Kinh tổ chức hội phê đấu Đặng Thác lần thứ nhất. Kể từ ngày đó Đặng Thác bị đình chỉ công tác, chuyên tâm làm kiểm điểm. Từ đó, những lời phê phán Đặng Thác từ các tờ báo lớn của đảng trong toàn quốc ngày càng leo thang. Vấn đề của Đặng Thác đã được nâng lên đến mức “một cuộc đại tấn công chống chủ nghĩa xã hội có mục đích, có kế hoạch, có tổ chức”, phải đào ra “gốc rễ thâm sâu nhất”.

Ai là “gốc rễ sâu nhất”? Cấp trên trực tiếp của Đặng Thác trong Thành ủy Bắc Kinh là Bành Chân, bí thư Thành ủy Bắc Kinh. Bành Chân còn là ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, ủy viên Ban Bí thư Trung ương, có quan hệ mật thiết với Lưu Thiếu Kỳ, lãnh tụ thứ hai của ĐCSTQ, và Đặng Tiểu Bình, tổng bí thư Trung ương ĐCSTQ.

Mao tấn công Đặng Thác, đập tan Thành ủy Bắc Kinh, đả đảo Bành Chân, cuối cùng phá hủy cái gọi là “Bộ tư lệnh phản cách mạng của chủ nghĩa xét lại Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình.”

Vì sao Đặng Thác tự sát?

Tháng 5 năm 1966, Mao Trạch Đông lợi dụng Thích Bản Vũ để định tính Đặng Thác là “kẻ phản bội”, Đặng Thác sau đó vội vàng kết liễu đời mình, trở thành quan chức cấp cao đầu tiên của ĐCSTQ tự sát trong “Cách mạng Văn hóa”. Tại sao ông lại chọn cách tự sát? Có lẽ, ông cảm thấy bản thân đã nhất mực trung thành với đảng, nhưng cuối cùng lại bị coi là “kẻ phản bội” ​​đảng, điều này rất oan uổng.

Trong thư tuyệt mệnh gửi Thành ủy Bắc Kinh, ông đã dành không ít câu chữ để phân tích bối cảnh và thiếu sót của mình khi viết “Yến Sơn dạ thoại” và “Tam gia thôn trát ký”, nỗ lực biểu bạch bản thân không có “Tư tưởng chống đảng, chống xã hội chủ nghĩa và chống Mao Trạch Đông”.

Đặng Thác cũng kể chi tiết về hai lần bị bắt và ra tù trong lịch sử của mình, đồng thời kết luận: Tôi không nghĩ mình “hỗn tiến vào đảng, giả vờ tích cực, lừa gạt lòng tin của đảng và nhân dân”, “Tôi tin rằng bản thân luôn nỗ lực hết mình phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của đảng.”

Quả thực, từ năm 1949 đến năm 1958, Đặng Thác giữ chức tổng biên tập và chủ tịch tờ Nhân dân Nhật báo trong gần mười năm. Trong thời kỳ này, ĐCSTQ đã phát động một loạt chiến dịch chỉnh nhân, bao gồm phê phán “Vũ Huấn truyền”, “Hồng Lâu Mộng”, phê phán Hồ Thích, phê phán “Tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong”, phê phán “Tập đoàn phản đảng Nhiêu Phan Dương”, phê phán cánh hữu. “Nhân Dân Nhật Báo” đã xuất bản một lượng lớn các bài báo phê bình, với tư cách là người phụ trách “Nhân Dân Nhật Báo”, Đặng Thác cũng là một phần trong cỗ máy chỉnh nhân này.

Nhưng, tuân thủ chặt chẽ sự chỉ huy của đảng liền được an toàn chăng? Đặng Thác đã nhìn không thấu, trong quan trường của ĐCSTQ vốn sùng thượng triết học đấu tranh, người người đều được dạy cách đấu tranh chống lại người khác, và người người cũng là đối tượng bị đấu tranh. Khi nắm đấm sắt đập vào chính đầu ông, thì đã quá muộn để thức tỉnh.

Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch