Tháng 9 năm 1955, Vương Minh Trinh du học ở Mỹ trở về, trở thành nữ giáo sư đầu tiên trong lịch sử Đại học Thanh Hoa. Sau khi Cách mạng Văn hóa nổ ra, không rõ vì sao bà đã bị giam giữ trong Nhà tù Tần Thành hơn 5 năm. Bà ấy có phạm tội không? 

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Vào tháng 9 năm 1955, Vương Minh Trinh, người vừa trở về từ Mỹ, được bổ nhiệm vào Khoa Vật lý của Đại học Thanh Hoa và trở thành nữ giáo sư đầu tiên trong lịch sử của Đại học Thanh Hoa.

Tuy nhiên, sau 11 năm giảng dạy, Vương Minh Trinh bị bắt một cách khó hiểu và sau đó bị giam giữ tại Nhà tù Tần Thành. Một lần giam là 5 năm 8 tháng.

Bà ấy có phạm tội không? Đã phạm tội gì? Hôm nay, dựa trên cuốn sách “Tự truyện sinh nhật lần thứ 90 của Vương Minh Trinh” và các tài liệu khác, chúng tôi sẽ kể cho các bạn nghe về bí ẩn trải nghiệm trong tù của nữ giáo sư này.

Bị bắt không rõ lý do 

Vào đêm khuya ngày 14 tháng 3 năm 1968, một tiếng gõ cửa bất ngờ đã đánh thức Vương Minh Trinh và chồng bà Du Khải Trung đang ngủ say. Sau khi mở cửa, một số cảnh sát xông vào, đi thẳng vào phòng ngủ lôi Du Khải Trung đi. Chưa đầy hai phút sau, thêm hai cảnh sát nữa xông vào phòng ngủ bắt giữ Vương Minh Trinh.

Khi cảnh sát yêu cầu Vương Minh Trinh ký vào giấy chứng nhận giam giữ, bà vừa cẩn thận hỏi vừa ký: “Tại sao anh lại bắt tôi?” Cảnh sát trả lời: “Cô đã phạm sai lầm, vẫn chưa biết điều đó sao?” Vương Minh Trinh nói: “Không biết”, liền bị lôi vào ô tô đậu sẵn bên ngoài. Vương Minh Trinh lúc đó nghĩ chắc chắn có hiểu lầm gì đó, chỉ cần giải thích rõ ràng, bà sẽ sớm có thể về nhà. Tuy nhiên, bà không bao giờ ngờ rằng lần này mình sẽ phải xa nhà hơn hai nghìn ngày đêm.

Tại sao vợ chồng Vương Minh Trinh lại bị bắt? Nó có liên quan đến nguồn gốc và xuất thân của họ không?

Sinh ra trong một danh môn vọng tộc

Gia cảnh của Vương Minh Trinh quả thực không tầm thường.

Năm 1906, Vương Minh Trinh sinh ra trong một ngôi nhà cổ trên phố Thập Toàn ở Tô Châu, đứng thứ năm trong số các anh chị em của bà. Ông tổ xa xưa của bà có thể bắt nguồn từ Vương Ngao, đại học sĩ Văn Yên Các thời nhà Minh. Ông nội của bà, Vương Tụng Úy, là một tiến sĩ năm thứ sáu dưới triều đại của Quang Tự nhà Thanh, và là một trong “ba tài tử Tô Châu” nổi tiếng. Thái Nguyên Bồi, hiệu trưởng sau này của Đại học Bắc Kinh, gọi bà là “ân sư” của mình. Bà nội của bà, Tạ Trường Đạt, là một nữ giáo dục gia nổi tiếng ở Trung Quốc cận đại, và là người sáng lập Trường Trung học Nữ sinh Trấn Hoa Tô Châu. Cha bà, Vương Quý Tông, là nhà tiên phong toán học và chuyên gia cơ điện ở Trung Quốc hiện đại.

Khi 10 tuổi, Vương Minh Trinh vào trường tiểu học trực thuộc trường trung học nữ sinh Trấn Hoa. Khi đang học lớp hai trung học cơ sở, gia đình bà chuyển đến Thượng Hải, bà vào Trường trung học nữ Yến Ma của giáo hội, đạt điểm A ở tất cả các môn. Năm 1926, Vương Minh Trinh được nhận vào Đại học Nữ Kim Lăng Nam Kinh với kết quả xuất sắc, học được hai năm, thì chuyển sang Khoa Vật lý của Đại học Yến Kinh ở Bắc Kinh, kết quả học tập của bà vẫn rất xuất sắc.

Duyên cơ tại đại học Michigan

Sau khi tốt nghiệp đại học, Vương Minh Trinh gửi bảng thành tích trung học và đại học cùng một số thư giới thiệu của giáo viên đến Đại học Michigan. Đại học Michigan nhanh chóng phản hồi: Sẵn sàng cấp học bổng toàn phần bốn năm. Học phí và chi phí sinh hoạt cho việc du học đã được giải quyết, nhưng chi phí đi lại vẫn chưa được trang trải. Vì phá vỡ hôn ước đã được lập ở nhà, nên Vương Minh Trinh không dám xin tiền cha, khi còn học đại học, bà đã nhận sự tài trợ từ anh chị em, nhưng giờ bà rất ngại ngùng không dám hỏi lại.

Vì vậy, bà phải tạm gác lại kế hoạch du học và đến Đại học Yến Kinh làm trợ giảng để tiết kiệm tiền, trong khi hoàn thành chương trình thạc sĩ. Sau đó, bà được Ngô Di Phương, hiệu trưởng trường Đại học Nữ Kim Lăng, mời đến dạy toán và vật lý ở đó.

Năm năm trôi qua trong chớp mắt. Vào mùa hè năm 1937, Nhật Bản phát động một cuộc xâm lược Trung Quốc toàn diện, quân đội của họ đã sớm có mặt tại cửa khẩu Nam Kinh. Vương Minh Trinh không thể không chuyển đến Hán Khẩu. Khi đó, hiệu trưởng Ngô Di Phương bất ngờ hỏi bà: “Em còn muốn vào Đại học Michigan không?” Vương Minh Trinh trả lời: “Rất muốn ạ.” Ngô Di Phương ngay lập tức viết thư giới thiệu cho Đại học Michigan. Ngay sau đó, liền nhận được thư trả lời: Sẵn sàng nhận Vương Minh Trinh, cấp học bổng toàn phần bốn năm.

Nữ tài năng vật lý

Vào tháng 8 năm 1938, Vương Minh Trinh qua Mỹ, ước mơ du học của bà cuối cùng đã thành hiện thực. Bà đang theo đuổi học vị tiến sĩ tại khoa vật lý tại Đại học Michigan, nơi bà là người phụ nữ duy nhất và là người ngoại quốc duy nhất trong lớp.

Trong hai năm đầu, bà chỉ có một môn thực nghiệm đạt điểm B, các môn khác đều đạt A hoặc A+, còn giành được 3 giải thưởng danh dự “Chìa khóa vàng”, trong đó có một giải mang tên “Phi-Beta-Kappa” được trao cho sinh viên Mỹ vào thời điểm đó, giải thưởng danh giá nhất của giải thưởng danh dự “Chìa khóa vàng”.

Sau khi nhận bằng tiến sĩ năm 1942, người hướng dẫn của Vương Minh Trinh, giáo sư S. Goudsmit, đã giới thiệu bà vào làm việc trong tổ lý luận của Phòng thí nghiệm Radar thuộc Viện Công nghệ Massachusetts. Bà là người Trung Quốc duy nhất trong tổ. Chẳng bao lâu, người hướng dẫn tiến sĩ của bà, giáo sư G. E. Uhlenbeck, đã trở thành người đứng đầu tổ lý luận này.

Vào mùa hè năm 1944, dựa trên luận án tiến sĩ của mình, bà đã đồng viết một bài báo về chuyển động Brown với giáo sư hướng dẫn của mình, bài báo này được đăng trên Tạp chí Vật lý Hiện đại năm 1945. Cho đến ngày nay, bài báo này vẫn là một trong những luận văn chủ yếu trong việc tìm hiểu chuyển động Brown.

Kết hôn với danh môn vọng tộc

Cuối năm 1946, Vương Minh Trinh trở về Trung Quốc, sau đó được thuê làm giáo sư tại Khoa Toán và Vật lý của Đại học Vân Nam. Chẳng bao lâu, bà gặp Tra Lương Chiêu, hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Côn Minh.

Hiệu trưởng Tra có một môn sinh đắc ý tên là Du Khải Trung, là “thiếu gia thứ tư” của gia tộc họ Du nổi tiếng ở Thiệu Hưng. Ông nội của Du Khải Trung, Du Minh Chấn, là một nhân sĩ trứ danh cuối thời nhà Thanh, nổi danh đình đám trong giới thơ ca, giới giáo dục và giới chính trị, cha ông là Du Đại Thuần từng du học ở Nhật Bản và Đức, sau khi trở về Trung Quốc, ông giữ chức cục trưởng Cục Công nghệ của chính phủ quân phiệt Bắc Dương và cục trưởng Cục Đường sắt Long Hải của Bộ Giao thông vận tải Chính phủ Quốc Dân đảng và các chức vụ khác; anh họ của ông, Du Đại Duy là một chuyên gia công binh, từng du học ở Đức và trở thành bộ trưởng Bộ Quốc phòng sau khi đến Đài Loan.

Sau khi được hiệu trưởng Tra Lương Chiêu giới thiệu, Vương Minh Trinh và Du Khải Trung gặp nhau, sau vài tháng hẹn hò, họ từ bạn bè trở thành người yêu và kết hôn vào năm 1948. Du Khải Trung kém Vương Minh Trinh tới 7 tuổi. Cặp đôi chị em này rất nổi tiếng trong giới thân bằng hảo hữu đương thời.

Sau khi kết hôn, cuộc nội chiến giữa Quốc dân đảng và Cộng sản đảng ngày càng kịch liệt. Vào tháng 9 năm 1949, Vương Minh Trinh lại đưa Du Khải Trung sang Mỹ để nghiên cứu tại Khoa Vật lý của Đại học Notre Dame ở Michigan.

Bị mắc kẹt ở Mỹ

Năm 1950, chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Trung Quốc và Mỹ đối đầu nhau trên chiến trường Triều Tiên.

Dự án nghiên cứu mà Vương Minh Trinh đang tham gia tại Đại học Notre Dame được Bộ Hải quân Mỹ tài trợ. Vì Trung Quốc và Mỹ trở thành hai nước thù địch nên cuối năm 1952, Vương Minh Trinh từ chức tại Đại học Notre Dame và muốn trở về Trung Quốc phục vụ. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ cấm sinh viên Trung Quốc các ngành khoa học, kỹ thuật, nông nghiệp và y học trở về Trung Quốc, đơn xin quay trở lại Trung Quốc của vợ chồng Vương Minh Trinh nộp cho Sở Di trú Mỹ đã bị từ chối.

Để kiếm sống, bà dạy học tại một trường học ở miền nam California, trong khi chồng Du Khải Trung làm quản trị viên và thủ quỹ của một khách sạn nhỏ ở địa phương.

Sau hiệp định đình chiến trên bán đảo Triều Tiên năm 1953, Trung Quốc và Mỹ đã đạt được thỏa thuận thông qua đàm phán để một số sinh viên Trung Quốc trở về nước. Vào tháng 5 năm 1955, hai vợ chồng Vương Minh Trinh cùng với hơn 70 sinh viên Trung Quốc khởi hành từ San Francisco trở về Trung Quốc.

Tù nhân nhà tù Tần Thành

Sau khi trở về Trung Quốc, Vương Minh Trinh được bổ nhiệm vào Khoa Vật lý của Đại học Thanh Hoa. Tại Mỹ, hướng nghiên cứu của bà là “Chuyển động Brown” và “Lý thuyết tiếng ồn”. Sau khi về nước, Trung Quốc lúc đó không thể cung cấp cho bà điều kiện nghiên cứu sánh ngang với Mỹ, nên bà phải tạm dừng việc nghiên cứu, chuyển hướng sang giảng dạy, chủ yếu dạy vật lý thống kê và nhiệt động lực học, đôi khi là cơ học lượng tử, điện động lực học… Ngoài việc dạy học sinh, bà còn bồi dưỡng giáo viên.

Cho đến khi “Cách mạng Văn hóa” nổ ra vào tháng 5 năm 1966, công tác và cuộc sống bình thường của bà bỗng bị gián đoạn, bà phải họp hành suốt ngày và không thể nào lên lớp. Ngày 14 tháng 3 năm 1968, hai vợ chồng Vương Minh Trinh bất ngờ bị bắt.

Từ đầu năm 1970 đến cuối năm 1972, Vương Minh Trinh đã bị thẩm vấn nhiều lần. Sau khi thẩm vấn, các điều tra viên luôn yêu cầu bà phải đưa ra lời khai bằng văn bản. Một lần, bà được yêu cầu viết về chuyến trở lại Trung Quốc năm 1955 và tình huống giao vãng của bà. Bà đã dành 12 ngày và viết hơn 100 trang, vắt óc để khai ra mọi điều bà có thể nghĩ ra.

Bà từng một thời sinh ra các loại huyễn tượng khủng khiếp đáng sợ, ví như, huyễn tượng liệu bản thân có bị coi là phần tử không chuyển hóa hay không, liệu bà có bị lôi đến một đại hội phê đấu hàng chục nghìn người để phê đấu hay không, liệu có bị xử tử hay không…

Ngày 9 tháng 11 năm 1973, Vương Minh Trinh được ra tù sau khi bị giam giữ 5 năm 8 tháng không rõ lý do. Vào ngày 5 tháng 4 năm 1975, chồng bà là Du Khải Trung sau khi bị giam hơn bảy năm mà không rõ lý do, cũng được ra tù.

Một lần, Vương Minh Trinh hỏi nhân viên phụ trách vụ án của Cục Công an rằng tại sao họ bị bắt, và câu trả lời là: Có lý do nhưng không có bằng chứng chắc chắn. Vậy câu trả lời cho bí ẩn này là gì?

Anh ba nhà họ Du đã gây rắc rối?

Lý do kỳ thực rất đơn giản: Anh trai thứ ba của Du Khải Trung, Du Khải Uy, là người tình chung sống của Lý Vân Hạc vào những năm 1930.

Lý Vân Hạc chính là Giang Thanh, tổ phó tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương và là vợ của Mao Trạch Đông, người đã trở nên cực kỳ quyền uy trong cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài 10 năm.

Khi Giang Thanh 17 tuổi, bà ta kết hôn với Bùi Minh Luân, một thiếu gia con nhà giàu ở Tế Nam; khi 18 tuổi, bà ta sống với Du Khải Uy, một thiếu gia con nhà giàu ở Thanh Đảo; và khi 22 tuổi, bà ta kết hôn với nhà phê bình phim lãng mạn Đường Nạp ở Thượng Hải. Sau đó, bà ta và Du Khải Uy nối lại tình xưa, cùng nhau bỏ trốn, Đường Nạp tự sát bất thành, Giang Thanh quay lại bên Đường Nạp. Sau đó, bà ta lại trở mặt với Đường Nạp, Đường Nạp lại tự sát bất thành, Giang Thanh chia tay Đường Nạp trên báo, sau đó chung sống với đạo diễn Chương Dân, dẫn đến Chương Dân vợ con ly tán. Năm 24 tuổi, Giang Thanh kết hôn với Mao Trạch Đông ở Diên An.

Du Khải Uy sau đó đổi tên thành Hoàng Kính, sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949, ông giữ chức thị trưởng Thiên Tân, bí thư thành ủy, kiêm bộ trưởng Bộ Công nghiệp Máy móc thứ nhất. Tháng 1 năm 1958, ông suy nhược thần kinh sau khi bị Mao Trạch Đông khiển trách, sau đó trở nên điên loạn, nhảy lầu tự tử vào ngày 10 tháng 2.

Trong “Cách mạng Văn hóa”, Giang Thanh lo lắng rằng vụ bê bối của bà ta vào những năm 1930 sẽ bị vạch trần, ảnh hưởng đến địa vị chính trị của bà ta với tư cách là đệ nhất phu nhân của ĐCSTQ, do đó, bà ta đã bắt tất cả những người biết về bê bối của bà ta để bịt miệng họ. Du Khải Trung không phải em trai của Du Khải Uy sao? Vương Minh Trinh không phải là em dâu của Du Khải Uy sao? Giang Thanh lo lắng: Có lẽ hai người này cũng biết chuyện của bà ta. Đây là lý do thực sự khiến vợ chồng Vương Minh Trân bị giam giữ ở nhà tù Tần Thành.

Là một trong những nữ tiến sĩ vật lý hiếm hoi của Trung Quốc du học ở Mỹ vào những năm 1940, nếu Vương Minh Trinh tiếp tục làm việc ở Mỹ, bà ấy có thể đã trở thành một nhà vật lý nổi tiếng quốc tế. Nếu Trung Quốc có môi trường nghiên cứu khoa học bình thường, bà ấy cũng có thể trở thành nhà vật lý nữ nổi tiếng nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, từ khi trở về Trung Quốc năm 1955 cho đến khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ năm 1966, bà đã ở lại Đại học Thanh Hoa trong 11 năm. Trong thời kỳ này, ĐCSTQ đã phát động rất nhiều vận động chính trị khiến bà không thể chuyên tâm vào công việc giảng dạy.

Sau khi ra tù năm 1973, Vương Minh Trinh không còn tham gia giảng dạy vật lý và nghiên cứu khoa học nữa, tháng 12 năm 1976 bà chính thức nghỉ hưu. Từ năm 1966 đến năm 1976, bà đã hoang phí 10 năm trong ngành vật lý học chuyên nghiệp. Một tài năng vật lý xuất sắc không chỉ bị bỏ tù bất hợp pháp 5 năm 8 tháng vì sự nghi kỵ của Giang Thanh và cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của ĐCSTQ, mà bản thân bà cũng chưa bao giờ đạt được bất kỳ thành tựu nào trong nghề nghiệp của mình. ĐCSTQ đã tiêu diệt bao nhiêu anh tài? Điều này có thể được nhìn thấy từ tai họa bất ngờ của Vương Minh Trinh.

Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch