Các hoàng đế vĩ đại trong lịch sử, dù ở phương Đông hay ở phương Tây, đều là những biểu tượng lớn của lịch sử. Ở họ, ta thấy được khí chất, khả năng lãnh đạo tuyệt vời cùng với lòng say mê văn hóa, nghệ thuật, giúp đặt định những yếu tố căn bản cho văn minh nhân loại.
Hoàng đế Khang Hy của Trung Hoa và vua Louis XIV của nước Pháp có những điểm tương đồng kỳ lạ trong vai trò là người bảo trợ cho văn hóa, nghệ thuật phát triển.
Xem thêm: Phần 1
Hoàng đế Khang Hy và lòng mến mộ khoa học Pháp
Vào thế kỷ XVII, các nhà truyền giáo của Pháp phụng mệnh vua Louis XIV đến Trung Quốc. Họ học hỏi cách xây dựng đài Thiên văn của Trung Hoa và thường xuyên cung cấp thông tin về các lĩnh vực khác nhau cho vua Louis XIV. Ngoài ra, họ cũng tiến hành hoạt động truyền giáo. Trong một báo cáo gửi vua Louis XIV của một nhà truyền giáo người Pháp tên Joachim Bouvet có kể lại rằng ông ta có ảo tưởng muốn Hoàng đế Khang Hy thay đổi tín ngưỡng sang đạo Thiên Chúa. Ông cho rằng, nếu Hoàng đế Trung Hoa thay đổi tín ngưỡng, thì các nước luôn tôn thờ văn hóa Trung Hoa lân bang sẽ noi theo Trung Quốc chuyển sang đạo Thiên Chúa.
Tuy nhiên, ảo tưởng vẫn chỉ là ảo tưởng, Khang Hy Đại đế nói rõ với họ rằng ông không phản đối các tôn giáo Tây phương nhưng ông hy vọng đạo Thiên Chúa không truyền tới Trung Quốc. Hoàng đế Khang Hy sáng suốt đã không thực hiện bất kỳ biện pháp cứng rắn nào với các nhà truyền giáo. Nhưng ông khéo léo giữ họ lại trong cung để ngăn họ thuyết giáo, đồng thời lại có thể lưu giữ lại những tinh hoa văn hóa nghệ thuật của phương Tây ở Trung Quốc. Joachim Bouvet nhanh chóng học được tiếng Hán và tiếng Mãn Châu. Ông sống ở Trung Hoa gần 50 năm và mất tại Bắc Kinh.
Các nhà truyền giáo Pháp đã mang rất nhiều đồ chế tác từ phương Tây tới Trung Quốc, bao gồm đồng hồ, kính thiên văn, kính hiển vi, nhiệt kế, hộp nhạc, kiếm kiểu phương Tây, quả địa cầu, các loại dụng cụ đo lường… Nhiều hiện vật hiện nay vẫn còn được lưu giữ trong các bảo tàng ở hoàng cung.
Khi đó, đồng hồ là vật dụng được Hoàng đế Khang Hy vô cùng yêu thích. Trong bức thư viết cho bạn mình, nhà truyền giáo Joachim Bouvet nói: “Đại đế Khang Hy thường đề nghị các thợ thủ công sản xuất sản phẩm theo mẫu của Pháp, đặc biệt là của Paris. Bởi Hoàng đế rất yêu thích các sản phẩm này và có am hiểu sâu sắc về chúng nên tại Bắc Kinh mỗi ngày ông đều cử người mang các sản phẩm mới chế tác tới nơi nghiên cứu của hoàng cung (khi đó được gọi là Như Ý quán). Hoàng đế Khang Hy đều đích thân kiểm tra những sản phẩm này và chỉ ra những thiếu sót cần sửa chữa. Ông đều lưu lại những kiệt tác này và ban thưởng cho người thợ đã sản xuất ra chúng, thậm chí còn thăng chức cho họ”.
Giáo sĩ Cơ đốc giáo người Pháp Jacques Brocard sở hữu một kỹ thuật cao siêu, từng làm việc ở Như Ý quán trong những năm Khang Hy trị vì. Từ sau khi tới Trung Quốc năm 1701, ông ở trong nội cung và chuyên chế tạo các dụng cụ vật lý, đồng hồ và những đồ dùng khác cho Hoàng đế cũng như những bậc hoàng thân quốc thích. Ông đã sống ở Trung Quốc 17 năm. Ngoài ra, do sở thích và nhu cầu thực tế của Hoàng đế Khang Hy, một số đồ dùng cá nhân của Hoàng đế cũng được chế tạo mô phỏng theo phong cách Pháp.
Người ta nói Khang Hy là một Hoàng đế siêng năng bậc nhất. Sau khi thiết triều vào buổi sáng, ông dùng bữa trưa rồi sau đó sẽ dành hai giờ đồng hồ nghiên cứu lịch Thiên văn học. Tiếp đó, ông quay lại cung điện để xem xét và phê chuẩn sắc lệnh. Sau bữa tối, ông đến nơi ở của nhà truyền giáo để giải các bài toán hình học và các vấn đề toán học khác. Ông tuân thủ nghiêm ngặt thói quen này mỗi ngày.
Khi vi hành khắp đất nước, ông luôn mang theo một chiếc kính thiên văn của phương Tây. Ông liên tục thực hành tính toán thiên văn cho vĩ độ và kinh độ tại những địa phương mà ông đi qua. Bất cứ khi nào có vấn đề không thể giải quyết, ông sẽ hỏi nhà truyền giáo đi cùng.
Louis XIV – Vị vua yêu nghệ thuật say đắm
Không chỉ để lại cho nước Pháp một nền kinh tế, kỹ nghệ và quân sự lớn mạnh, Vua Louis XIV còn đóng góp cho nền nghệ thuật thế giới những công trình sống mãi với thời gian. Ông luôn hỗ trợ tối đa cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật, kiến trúc. Điều đó thể hiện ngay trong những điều bình dị nhất như chọn ra thầy giáo âm nhạc cho gia đình hoàng gia hay các nhà thiết kế phụ trách xây dựng các khu vườn…
Ông tỏ ra là vị vua quan tâm tới nghệ thuật nhiều hơn là chính trị. Nhiều nhà phê bình cho rằng sở dĩ ông hào phóng cho các nghệ sĩ vì ông muốn được “bất tử” trong thi ca, kịch hay hội họa. Nhưng dù có là như vậy thật thì không ai có thể phủ nhận chính Louis XIV là người đã giúp văn hoá nước Pháp thăng hoa. Chính vị vua này đã tiến hành xây dựng Điện Versailles nổi tiếng, một trong những cung điện vĩ đại nhất thế giới.
Cung điện này không có thành lũy bảo vệ vì nó thể hiện sức mạnh tuyệt đối của Pháp lúc đó, đồng thời trở thành biểu tượng quyền lực và thể hiện tình yêu to lớn của Louis XIV cho nghệ thuật. Thật thú vị khi biết rằng chính vị vua này là người thay đổi bộ mặt thời trang của cả đất nước, riêng ông đã sở hữu hơn 10.000 bộ tóc giả, mỗi lần xuất hiện ông đều sử dụng giày cao gót và tóc giả đồ sộ nhằm khiến mình cao hơn mọi người
Trong khi Đại đế Khang Hy học hỏi tìm tòi nghiên cứu văn hóa Pháp trong Tử Cấm Thành thì ở Paris, vua Louis XIV có niềm đam mê đặc biệt với vũ đạo. Ông xuất hiện trong 21 vở ba lê. Vào thời trị vì của ông, hội sĩ Jesus đã biên soạn lượng lớn các cuốn sách giới thiệu về lịch sử, địa lý, hệ thống xã hội, thiên văn học, y học, động thực vật và văn hóa Trung Hoa. Những cuốn sách với nội hàm thâm sâu là biểu trưng trí huệ của Trung Hoa như Luận Ngữ, Đại Học đều được dịch và xuất bản tại Pháp vào năm 1662. Trung Dung được dịch sang tiếng Pháp và xuất bản tại Paris năm 1663 lấy tên là “Đạo đức chính trị học Trung Quốc”. Tứ Thư, Ngũ Kinh, những trước tác nổi tiếng đều được dịch và phát hành rộng rãi ở phương Tây.
Năm 1699 (năm Khang Hy thứ 38), trong lời nói đầu cuốn “Lịch sử của đế quốc Trung Hoa” của giáo sĩ người Pháp Joachim Bouvet có viết: “Nho học được dự báo có khả năng là một loại quan niệm đạo đức phổ biến mang tính toàn cầu. Trong Hán tự cũng ẩn chứa những phương ngôn siêu việt, mang tính toàn cầu và là ngôn ngữ của hy vọng”.
Mặt khác, sau gần một trăm năm truyền bá của hội sĩ Jesus Pháp, từ năm 1685 đến 1789, ở Châu Âu xuất hiện “cơn sốt văn hóa Trung Quốc”, và Đại học Paris của Pháp trở thành “Trung tâm văn hóa Trung Quốc”. Trung Quốc, Khổng Tử và Nho giáo ở châu Âu đã trở nên phổ biến chưa từng thấy. Mặc dù thế kỷ XVIII là thế kỷ của nước Anh nhưng văn hóa và nghệ thuật của Trung Quốc dường như còn phổ biến hơn văn hóa Anh.
Kiên Định
Theo NTDTV