Chứng kiến cuộc trò chuyện điện thoại của vị khách nữ với người đàn ông ở đầu dây bên kia khiến tôi không khỏi nghĩ suy. Quả thực, gia đình, vốn dĩ là nơi để yêu thương, là nơi để tương thân tương ái, chứ không phải nơi để xả giận trút hờn…

Tôi có một cô bạn chơi thân mở tiệm làm móng. Mấy hôm trước rảnh rỗi nên tôi tranh thủ tới thăm cô ấy, nhân tiện rủ nhau đi ăn luôn. Nhưng khi đến nơi thì thấy tiệm đang có khách nên tôi ngồi chờ.

Khách tới làm móng là một phụ nữ dung mạo đoan trang, dáng vẻ bình dị nhưng lại toát lên sự quý phái tiềm ẩn từ bên trong khiến tôi cảm thấy có gì đó rất gần gũi và kính phục.

Trong lúc đang làm móng, đột nhiên cô ấy có điện thoại gọi đến, nghe âm thanh từ đầu dây bên kia là giọng đàn ông rất trầm ấm. Người đàn ông đó nhờ vị khách nữ này giúp anh ấy giặt quần áo, nghe cách hai người nói chuyện rất có chừng mực và nho nhã nên lúc đầu chúng tôi cứ tưởng đó là một cặp tình nhân đang yêu nhau.

– Alo! Em đang ở đâu vậy?

– Dạ, em đang ở tiệm làm móng.

– Vậy làm xong em có bận gì không?

– Dạ em không, làm xong em về nhà.

– Vậy em giặt giúp anh hai chiếc áo khoác treo trên giá nhé! Tuần sau anh có việc đi công tác chắc sẽ dùng đến.

– Một chiếc màu xanh đậm và một chiếc màu cafe đúng không anh? Vâng, em biết rồi.

– Thật vất vả cho em rồi! Thế nếu không còn gì khác thì anh tắt máy trước nhé!

Cô nhân viên của bạn tôi đang làm móng cho cô ấy nghe xong hiếu kỳ hỏi vị khách nữ: “Là ai vậy? Bạn trai chị gọi à?”.

Vị khách nữ vui vẻ trả lời: “Bạn trai gì chứ, đó là chồng chị đó. Vợ chồng chị kết hôn được 10 năm rồi”.

Cô nhân viên nghe xong tròn xoe mắt, miệng há hốc kinh ngạc thốt lên: “10 năm rồi?”

Thường như các cặp vợ chồng khác kết hôn lâu ngày mà tôi hay thấy, khi nhấc điện thoại lên là: “Alo, đang ở đâu đấy? Đem hai chiếc áo khoác của tôi trên kệ đi giặt sớm sớm đi, tuần sau tôi cần dùng đến nó rồi”.

Còn ở đây, chồng cô ấy là một người đàn ông ấm áp, cho dù là đối đãi với ai cũng vậy, dẫu là người lớn tuổi hơn mình hay trẻ nhỏ, vẫn luôn nhẹ nhàng nói chuyện, tôn trọng đối phương.

Cô ấy chia sẻ, lúc đầu khi mới yêu rồi về nhà chồng chơi cũng có chút không quen, đôi khi chỉ tiện tay đi chợ mua chút hoa quả, hoặc nấu bữa cơm, dọn dẹp nhà cửa cho nhà chồng. Khi đó, tất cả các thành viên trong nhà đều không ngừng cảm ơn. Những lời này lúc đầu đối với cô ấy nghe rất không quen tai. Tuy nhiên cô ấy để ý bố mẹ chồng đối xử với ai cũng vậy, kể cả con cái hay cháu trong nhà cũng như thế, chỉ cần người khác làm giúp một chút thì cũng mở lời cảm ơn.

(Ảnh minh họa: baidu.com)

Sau này dần dần phát hiện, những lời này không phải là những lời nói khách sáo trống rỗng xem mình như người ngoài mà thực sự xuất phát từ nội tâm người nói.

Được gả cho một gia đình ấm áp như vậy, dần dần cô ấy phát hiện bản thân mình cũng thay đổi rất nhiều.

Thứ nhất là tính cách của cô cũng dần thay đổi. Trước đây cô là một người cá tính, hay nóng giận, còn bây giờ thì luôn hoà ái, nhu mì. Sự biến chuyển này khiến ngay cả bố mẹ đẻ và bạn bè của cô đều phải kinh ngạc. Mẹ cô ấy còn nói, sau khi lấy chồng tính cách của cô con gái so với trước đây cứ như thể hai người khác biệt. Cô ấy bây giờ đối nhân xử thế đều có lễ nghĩa, nhu hòa.

Thứ hai, sau khi lấy chồng, ở với nhau 10 năm nhưng hai vợ chồng rất hiếm khi cãi nhau, những việc trong nhà đều có thể thương lượng và giải quyết êm ấm.

Thứ ba, con cái trong nhà vui vẻ, phát triển lành mạnh, thông minh lanh lợi, tính tình thoáng đãng, bao dung, nhân hậu. Ngay cả cách nói chuyện cũng giống ông bà và ba mẹ trong nhà. Mấy đứa trẻ tuy tuổi còn nhỏ nhưng đã biết quan tâm chăm sóc người khác, điều này khiến cho mọi người đều yêu quý.

Từ đây có thể thấy, biết nói chuyện nhẹ nhàng ấm áp chính là nền tảng của một gia đình hạnh phúc. Ngược lại những gia đình thường hay xảy ra cãi lộn, bất hòa, phần lớn đều do cung cách nói chuyện mà ra. Nói cách khác, dùng lời lẽ và thái độ khác nhau nói chuyện sẽ mang lại kết quả khác nhau. Vì vậy, mỗi ngày tự học cách nói chuyện nhẹ nhàng, dần dần sẽ đem lại kết quả tốt cho mái ấm gia đình.

Cùng một sự việc nhưng cách nói khác nhau, ngữ điệu khác nhau sẽ có kết quả khác nhau

Trời mưa, vợ không có nhà muốn nhờ chồng cất quần áo đang phơi, nên gọi điện về nhờ chồng cất hộ. Thay vì nói: “Trời sắp mưa anh có biết đường ra thu quần áo vào nhà không, hay lại ngồi đó xem điện thoại”, thì hãy nói: “Anh ơi trời sắp mưa, anh thu quần áo vào giúp em nhé, em về không kịp. Cảm ơn chồng nhiều!”. Nghe được câu nói này thì không người chồng nào không vui vẻ giúp vợ, không khí gia đình cũng êm ấm, tình cảm cũng mặn nồng.

'Dễ nói chuyện' là điều quyết định tình yêu vợ chồng
(Ảnh minh họa: lovepik.com)

Gia đình, vốn dĩ là nơi để yêu thương, là nơi để tương thân tương ái, cùng giúp nhau trưởng thành trong cuộc sống, chứ không phải nơi để xả giận trút hờn. Bố mẹ hay con cái, vợ chồng hay người thân, tất cả các mối quan hệ đều cần tôn trọng lẫn nhau. Tôn trọng người khác chính là tôn trọng chính mình. Dẫu đối phương là người bề dưới hay con cái trong nhà cũng vậy, tôn trọng và nói chuyện nhẹ nhàng luôn là điều cần thiết. Cách nói chuyện như vậy không chỉ thể hiện sự ấm áp, quan tâm lẫn nhau mà còn là biểu hiện của con người có giáo dưỡng.

Thanh Vân là cô gái lớn lên trong một gia đình mà ba mẹ thường xuyên cãi nhau, vậy nên sau khi trưởng thành, tính cách của cô cũng vô cùng mẫn cảm. Cha mẹ thường xuyên cãi nhau sẽ ảnh hưởng tâm lý con cái vô cùng to lớn. Cô nhớ lại, tuy cha mẹ rất thương yêu nhau nhưng chỉ cần một lời không hợp là trở mặt cãi nhau. Có khi mới một phút trước hai người vẫn còn hiền hoà ấm áp nhưng sau đó lại cãi nhau ‘long trời lở đất’ chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt.

Khi trưởng thành, Thanh Vân cũng có cách nói chuyện giống như cha mẹ của cô vậy. Rõ ràng là bạn bè thân thiết với nhau, trong tâm thì thiện ý muốn tốt cho người khác nhưng miệng lại nói ra những lời khó nghe, lâu dần khiến những người xung quanh tránh né.

Sau khi kết hôn, cô thường xuyên cãi vã với chồng. Trong một lần hai vợ chồng cãi nhau kịch liệt, cô bất ngờ nhìn thấy đứa con gái nhỏ đang đứng sau cánh cửa sợ hãi, khóc lóc. Thanh Vân đột nhiên nhớ lại hình ảnh của mình trước đây. Mấy chục năm trước, cô cũng đã từng như vậy. Sau lần ấy cô quyết tâm thay đổi chính mình, thay đổi cách nói chuyện với mọi người, nhất là với người thân trong gia đình. Cô không muốn con gái phải đi theo vết xe đổ của mình. 

Sau khi Thanh Vân thay đổi cách nói chuyện, quan hệ vợ chồng đã trở nên tốt đẹp hơn. Cô con gái cũng có biến chuyển nhanh chóng. Cô bé trở nên vui vẻ hoạt bát, biết yêu thương giúp đỡ người khác hơn xưa. Không khí gia đình cũng từ đó mà ấm áp, chan hoà.

Nếu như mỗi người đều nói chuyện nho nhã, lễ độ thì mọi việc đối nhân xử thế đều thuận lợi, càng dễ dàng nhận được thiện cảm từ người khác.

Nhân cách của một người, phần lớn ảnh hưởng từ gia đình. Trong một gia đình, nếu mọi người đều yêu thương tôn trọng lẫn nhau, kính trên nhường dưới, nói năng chừng mực nho nhã, thì đây chính là cái nôi phong thủy tốt nhất để dưỡng thành những người con ưu tú. Còn trong một gia đình mà người lớn thường xuyên cãi vã, tranh cãi đúng sai, thì con cái là người thiệt thòi nhất khi phải lớn lên trong một không khí đầy u ám, ngột ngạt. 

Thay đổi cách nói chuyện cũng đồng nghĩa thay đổi vận mệnh gia đình

Minh Vũ
Theo Cmoney

Xem thêm: