Đạo giáo thịnh hành vào triều Minh, và không ít người đã tu luyện đến cảnh giới cao thâm, nhưng họ tách ly khỏi thế gian mà ở ẩn trong rừng núi. Cũng có người cố học được chút phương thuật ở bề mặt, để nịnh bợ những kẻ quyền quý, đổi lấy chút vinh hoa. Đối với những đạo môn bại hoại như vậy, Đại đạo Chân nhân Trương Tam Phong sẽ cho “một gậy bổng hát” như một lời cảnh báo.

Đạo sĩ thời Thanh triều Lý Hàm Hư trong tác phẩm “Trương Tam Phong tiên sinh toàn thư” có ghi lại một vài câu chuyện như vậy.

Đạo sĩ hại người muốn sử dụng tên thần để bắn oan hồn, kết quả tự hại mình

Có một Mã Tiên Ông ở dãy núi Thái Hành Sơn Tây bắn trừ yêu ma bằng những mũi tên thần (thần tiễn); điều này thu hút rất nhiều người đến đây tìm sự giúp đỡ. Lúc đó, có một đạo sĩ tên là Đặng Thường Ân, sau này làm quan đến chức Thái Thường Khanh (là trưởng tông miếu lăng viên tế tự, lễ nhạc, thuật thiên văn, số học, v.v.) Tuy nhiên, nhưng người này rất nham hiểm, độc ác, từng giết một người, sau đó oan hồn của người bị hại này thường xuyên đến biệt thự của Đặng để tác quái. Vì vậy, Đặng Thường Ân đã ra lệnh cho đồ đệ của mình là Trần Oai Nhi đến dãy núi Thái Hành Sơn để tìm kiếm sự giúp đỡ từ đạo thuật của Mã Tiên Ông.

Trần Oai Nhi tức khắc đi, và gặp một đạo sĩ trên đường. Vị kỳ nhân này có phong cách ngang tàng, trong tay cầm một cây cung dài, và bảy mũi tên cài vào thắt lưng. Vị kỳ nhân tự xưng ông có thể bắn ma trăm phát trăm trúng.

Trên thực tế, vị kỳ nhân đó là Trương Tam Phong. Từ “Trường cung” hợp lại chính là “Trương”, và “Thất tiễn”  (bảy mũi tên) là một ẩn dụ của “Tam Phong”. Khi Trương Tam Phong đi khắp thế gian, ông thường giấu danh tính của mình với người khác, tự xưng là Thất Châm tiên sinh, hoặc gợi đến tên mình bằng bài thơ “Nhất Trương, Tam Phong”, hoặc thể hiện danh tính của bản thân bằng “Trường cung và Thất tiễn” (cung dài với bảy mũi tên).

Trần bán tín bán nghi, liền cùng với vị đạo sĩ đồng hành cho tới sáng, ngồi nghỉ ngơi trong cùng một ngôi miếu đổ nát. Đêm trong núi rừng tối trăng, giữa những bụi trúc tùng và cây cổ thụ truyền tới những âm thanh véo von ma quái. Trần lắng nghe, cảm thấy rất sợ hãi. Trương Tam Phong nói với anh ta: “Anh có thể xem tôi bắn quỷ”. Sau đó ông kéo cung lên và bắn từ khe cửa sổ; con ma thét lớn và bỏ chạy. Trần vô cùng thán phục và cầu xin đạo sĩ dạy bắn cung cho mình vào sáng hôm sau. Trương Tam Phong khảng khái đồng ý và đưa cung tên cho anh ta.

Trần Oai Nhi quay trở lại kinh thư, kể với Đặng Thường Ân những gì mình đã thấy và nghe trên đường đi, xảo quyệt nói: “Mã Tiên Ông đã đi ra ngoài, và không thể tìm thấy ông ta. Giờ tôi may mắn lấy được thần tiễn, đây hẳn là phúc lớn của đại nhân!” Đặng Thường Ân nghe xong rất vui mừng, chuẩn bị lúc tối sẽ thử thần tiễn.

Đêm trăng hôm đó mờ ảo, và Đặng phủ hoa viên lại bị ma ám. Nhưng sau khi nghe thấy những âm thanh ma quái, Đặng Thường Ân đã ra lệnh cho Trần thể hiện kỹ thuật bắn cung của mình. Sau đó Đặng Thường Ân chuyển vị trí qua hành lang và đi đến cửa sổ ở tầng đối diện để kiểm tra. Lúc này Trần đột nhiên nhìn thấy hồn ma bay vào trong lầu, nên rút cung thật mạnh bắn một mũi tên, lập tức nghe thấy tiếng kêu thất thanh, có người bị trúng tên rơi xuống đất. Trần liền đến xem, mới biết anh ta đã bắn trúng Đặng Thường Ân. May mắn thay, mũi tên chỉ bắn trúng vào cánh tay trái của Đặng Thường Ân, và nó sẽ không gây tử vong. Trần vô cùng sợ hãi và vội vàng bỏ trốn.

Viên Thông Tử đã bình luận về việc này và nói: “Tội giết người đã cực kỳ nghiêm trọng, mà còn muốn giết chết oan hồn của nạn nhân, thật là vô cùng tàn nhẫn! Lên núi Tây Sơn, tên đồ đệ kia sao có thể lấy được thần tiễn của Mã Tiên Ông, chẳng phải bất tri mà bắn phải Đặng Thường Ân sao?”

Phương sĩ tâm thuật không chính, quan bất chính liền gặp cao nhân 

Thời kỳ Minh Hiến Tông, Vạn Trinh Nhi (1430- 1487) thống lĩnh hậu cung, sau khi sinh hạ hoàng tử, liền được phong làm quý phi. Có một vị quan tên gọi là Vạn An (1417 – 1488), người này không có học thuật, đã thông qua một hoạn quan dâng sớ cho Vạn quý phi, tự xưng mình là cháu của Vạn quý phi. Ông ta dựa vào quyền thế của Vạn quý phi để được thăng tiến, nhờ đó mà tiến vào nội các với chức Thủ Phụ (quân sư trưởng).

Vạn An đã tìm đến phương sĩ hỏi về thuật phòng the, định hiến kế cho hậu cung. Phương sĩ Lộ Phùng Uyên, tự xưng là pháp sư, chuẩn bị kế hoạch truyền thuật này cho Vạn An, lệnh cho Vạn An đến tiếp nhận các giáo lý của Tây Sơn. Lộ Phùng Uyên lên đường trước, giữa đường chờ Vạn An, nhưng đợi mấy ngày sau cũng không thấy bóng dáng của Vạn An. Trong lòng chán nản đủ thứ, phương sĩ đi dạo trong khu phế tích ở ngoại ô, và bất ngờ gặp một vị đạo sĩ lâu năm.

Vị đạo sĩ có vẻ ngoài rất đẹp, giống như Xích Tùng Tử và Hoàng Thạch Công. Lộ Phùng Uyên hỏi tên vị đạo sĩ, rằng đã tu đạo nào? Lão nhân không trả lời, mà chỉ cười hát: “Lộ Phùng oan, Lộ Phùng oan, hôm nay làm sao gặp được Vạn An?” Nói xong liền đi mất. Lộ Phùng Uyên nghe vậy sửng sốt, lão nhân gia làm sao có thể biết tên của mình?  Anh ta đứng lặng tại chỗ, chuẩn bị quay đầu lại, thì chỉ nhìn thấy cảnh hoàng hôn trên núi, rừng cây và tiếng quạ kêu. Anh ta nhìn xung quanh, trong lòng thất kinh, đột nhiên quên mất cả phương hướng.

Lúc này, Lộ Phùng Uyên nhìn thấy một tiều phu già lưng gánh củi đi ngang qua, bèn hỏi danh tính, tiều phu chỉ nói là “họ Trương” nhưng không nói tên. Lộ Phùng Uyên cầu xin người tiều phu chỉ đường. 

Người tiều phu già chỉ ánh đèn xanh. Có một lữ quán cách đó không xa. Lộ chào tạm biệt người tiều phu và tiến về lữ quán. Về tới lữ quán, anh ta thấy đó là một túp lều đổ nát, đến tối thì nghe thấy tiếng thở dài từ phòng bên cạnh, nhìn qua khe hở thì chính là Vạn An. Vì vậy, anh ta đã phá vỡ bức tường chắn để gặp Vạn An.

Khi đó, Vạn An đang chuẩn bị đi ngủ thì bất ngờ nghe thấy tiếng động, tưởng là trộm nên giơ chiếc ghế đẩu lên và đánh người đàn ông này ngã xuống đất. Vạn An nhìn kỹ lại, thì hóa ra là người tự xưng là pháp sư – Lộ Phùng Uyên.

Vạn An vội vàng nằm rạp xuống đất nhận tội, Lộ Phùng Uyên đành phải miễn cưỡng chào lại một tiếng, sau đó hỏi Vạn An: “Tướng Công vì sao không đi đường lớn, mà lại đi vào lữ quán dột nát như vậy?” Vạn An nói: “Tôi theo lệnh của quý pháp sư tiến về núi Tây Sơn. Khi đến Tây Sơn, trong đêm nằm mơ thấy một vị thần tiên dặn dò rằng: “Vạn An, Vạn An, phóng đạo Tây Sơn, Tây Sơn đại lộ, bất phùng duyên.” Vì vậy, tôi đánh xe xuống đường mòn, và không ngờ lại gặp được pháp sư. Trò đùa này đã xảy ra.”

Cuốn “Minh Sử” kể lại rằng, một ngày nọ, Minh Hiến Tông (hoàng tử thứ ba của Hoàng đế Tây An nhà Minh) thấy trong cung có một chiếc hộp nhỏ, phát hiện nội dung bên trong không phải về luận bàn quốc gia đại sự, mà là thuật phòng the, có ký danh “Thần An Tiến” ở dưới. Hiến Tông lệnh cho thái giám Hoài Ân mang nó vào nội các và chất vấn: “Đây là việc đại thần nên làm à?” Vạn An toát mồ hôi vì xấu hổ, quỳ rạp trên mặt đất không dám phát ra một tiếng động.

Các đại thần đã trình lên vua tấu chương để luận tội Vạn An; và Minh Hiến Tông ra lệnh cho Hoài Ân đọc cho Vạn An nghe. Vạn An nhiều lần quỳ xuống cầu xin hoàng thượng tha tội, nhưng không có ý định từ quan. Hoài Ân trực tiếp bước lên, gỡ bỏ nha bài (quan hàm), và lệnh cho Vạn An: “Ông có thể đi ra ngoài.”

Vạn An hoang mang trở về nhà, tự thỉnh từ quan về nhà. Lúc đó ông ta dù đã hơn bảy mươi tuổi, trên đường về nhìn thấy sao Tam Thai (là sao quan lộc), vẫn hy vọng sẽ lại được triều đình trọng dụng. Nhưng một năm sau, ông đã qua đời. Sau khi ông qua đời, con trai và cháu trai của ông cũng lần lượt qua đời, và Vạn gia sau đó đã tuyệt tự.

Theo “Trương Tam Phong tiên sinh toàn tập” – tập 1, “Minh Sử” tập 168 

Theo Hồng Hi, The Epoch Times, Hương Thảo biên dịch