Chỉ vì một câu buộc tội vô căn cứ, Nhạc Phi ‘tinh trung báo quốc’ đã bị gian thần Tần Cối vu hãm mưu hại, khiến người đời đau xót suốt ngàn năm. Khi Nhạc Phi hàm oan nhập ngục, phần lớn quan viên đều lựa chọn im lặng để bảo vệ bản thân, nhưng có một người đã đứng lên chất vấn Tần Cối, tức giận nói: “Buộc tội vô căn cứ, làm sao có thể khiến người trong thiên hạ tín phục?”
Nguyên lai, lời biện hộ vạn năm đê tiện của Tần Cối bị một vị đại thần kiên trì chính nghĩa bức vấn mà ra, ông chính là Hàn Thế Trung, một trong “Bốn tướng phục quốc” của Nam Tống. Ông thân hình cao lớn, ánh mắt như điện, 18 tuổi đã tòng quân đánh giặc. Võ công của ông khá cao, giỏi bắn cung, cưỡi ngựa, trong chiến tranh chống giặc Kim, ông đã lập được công lao hàn mã, nhờ đó, ông từ một tiểu binh tốt trở thành đại tướng quân trấn một phương trời. Từ đó mà xét, con đường trưởng thành của ông có phần tương tự đại nguyên soái Nhạc Phi!
Hàn Thế Trung khi chiến đấu có một đặc điểm, ông luôn là một người một ngựa dẫn đầu, với lòng dũng cảm và võ thuật hơn người, ông có thể lấy ít thắng nhiều. Ví dụ, khi quân Tống giao chiến với Tây Hạ, sau một thời gian dài vây hãm vẫn không chiếm được thành, Hàn Thế Trung xông lên phía trước, qua quan trảm tướng, leo lên đỉnh tường thành. Trước khi viên tướng thủ thành kịp định thần lại, ông đã giơ kiếm lên, chặt đầu viên tướng địch và ném ra khỏi thành. Lòng dũng cảm của ông đã nâng cao tinh thần của quân Tống, họ nhanh chóng đánh bại kẻ địch.
Những bạn đã đọc “Thủy Hử” chắc hẳn vẫn còn nhớ đoạn phim tuyệt đẹp khi Võ Tòng bắt Phương Lạp bằng một cánh tay phải không? Nhưng trong lịch sử thực tế, người anh hùng đánh bại Phương Lạp chính là Hàn Thế Trung. Đối mặt với lực lượng địch đông đảo đang hùng dũng tiến về phía mình, ông đích thân lãnh binh phục kích, khiến bọn cướp đại loạn, giẫm đạp lẫn nhau, thương vong vô số. Vị chủ tướng của quân Tống vô cùng ấn tượng, thán phục Hàn Thế Trung: “Thực là một người địch vạn người!” Năm đó, Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ đã coi việc học tập bản lĩnh “một người địch vạn người” là mục tiêu.
Lúc đó Phương Lạp là một con thỏ gian xảo có ba hang, hắn dẫn theo binh lính bí mật ẩn núp trong một hang động sâu, tướng sĩ quân Tống đều không biết cửa hang ở đâu. Vào lúc mọi người đều bó tay vô kế, Hàn Thế Trung nhờ sự giúp đỡ của người dân địa phương, đã thuận lợi tìm được nơi ẩn náu của Phương Lạp. Hàn Thế Trung, một người vừa võ nghệ cao cường, vừa sẵn có lòng dũng cảm, đã cầm kiếm tiến sâu vào hang hổ, vượt qua vô số nguy hiểm và chướng ngại vật để đến được bản doanh của Phương Lạp. Ông chiến đấu anh dũng, giết chết hàng chục tên lính địch, cuối cùng bắt sống Phương Lạp, lập công đầu.
Vào thời Nam Tống, Hàn Thế Trung chủ trương kháng chiến chống Kim, điều này khiến Tống Cao Tông vô cùng cảm động, tặng cho ông ta hai chữ “trung dũng” do chính tay viết, khảm lên lá cờ chiến như một phần thưởng. Trong khi trấn thủ Trấn Giang, Hàn Thế Trung đối mặt với trận chiến nổi tiếng nhất trong cuộc đời mình – Đại chiến Hoàng Thiên Đãng, nơi 8.000 người chiến đấu chống lại mười vạn quân địch. Đương thời, Kim Ngột Truật, tổng soái của nhà Kim, đang chuẩn bị vượt sông Trường Giang để tiêu diệt nhà Nam Tống. Hàn Thế Trung được lệnh bảo vệ sông Trường Giang, đã thề với Tống Cao Tổ: “Thần nguyện ở lại sông Trường Giang để chặn đánh quân Kim, quyết tử trận này!“
Kim Ngột Truật cũng là một danh tướng của nhà Kim, đối đầu với ông ấy chắc chắn sẽ là một trận chiến khó khăn. Trong cuộc chiến này, Nhạc Phi cũng được lệnh hỗ trợ Hàn Thế Trung chặn đánh quân Kim trên bộ. Trong một trận chiến, quân đội của Nhạc Phi đã giết chết 175 thủ lĩnh quân Kim, thu giữ hơn 3.700 bộ áo giáp và vũ khí. Đây là trận đại bại đầu tiên mà quân Kim phải chịu kể từ khi nam tiến.
Về phía bờ sông của Hàn Thế Trung, nhờ sự tương trợ tuyệt đỉnh của Nhạc Phi, cuộc chiến cũng diễn ra vô cùng vẻ vang. Quân Tống chiến đấu anh dũng. Vợ của Hàn Thế Trung, nữ anh hùng Lương thị, đã dũng cảm vượt qua làn mưa tên, đích thân đánh trống ở tiền tuyến để cổ động tướng sĩ. Quân Kim không thể vượt sông, nên Kim Ngột Truật đề xuất nghị hòa, đồng ý trả lại đất đai đã chiếm được trong cuộc xâm lược này, và tặng 5.000 con ngựa tốt, chỉ yêu cầu đại tướng Hàn cho mượn đường để vượt sông. Hàn Thế Trung ngạo mạn đáp lại sứ giả nhà Kim: “Để lại Kim Ngột Truật, rồi mới được đi!”
Kim Ngột Truật không còn cách nào khác ngoài việc cầu viện, lập đội quân 10 vạn người, bày binh bố trận ở bờ bắc sông Trường Giang, tìm đường khác để vượt sông. Hàn Thế Trung đích thân dẫn thủy quân chặn đánh quân Kim không quen với nước, dồn vào cảng nước đọng Hoàng Thiên Đãng gần đó. Dựa trên thực tế là phần lớn tàu chiến của quân Kim đều là thuyền nhẹ, Hàn Thế Trung nhanh chóng chế ra một lượng lớn xích sắt và móc sắt làm pháp bảo khắc địch. Khi quân Kim tấn công, quân Tống đã ném những chiếc móc sắt nặng này để lật úp từng chiếc thuyền của quân Kim. Thì ra, Hàn Thế Trung không chỉ dựa vào sức mạnh để chiến đấu, ông còn khéo léo vận dụng binh pháp, vừa dũng cảm vừa mưu trí.
Tại Hoàng Thiên Đãng, 8.000 thủy quân của Hàn Thế Trung đối đầu với quân Kim đông hơn gấp mười lần trong vòng 48 ngày. Trong thời gian này, Kim Ngột Truật đã hết cách, quay lại muốn mượn đường. Hàn Thế Trung trả lời một cách chính nghĩa: “Trả lại ta nhị Thánh, khôi phục lãnh thổ biên cương của ta, mới có thể làm được!” Một người chặn cửa, vạn người hết đường, đường thủy của quân Kim đã bị Hàn Thế Trung chặn chết. Tuy nhiên có kẻ hiến kế cho quân Kim, dùng hỏa công bức Hàn Thế Trung thoái binh, nhưng lòng dũng cảm và mưu trí hơn người của ông đã khiến quân Kim sợ hãi, vứt bỏ kế sách vượt sông, quân Tống bảo vệ toàn vẹn giang sơn của nhà Tống, do đó chiến thắng này có thể được coi là một chiến thắng vĩ đại.
Từ đó, danh hiệu “trung dũng” của Hàn Thế Trung vang khắp thiên hạ, ông trở thành anh hùng chống Kim lưu danh sử sách.
Tài liệu tham khảo: “Tống sử”
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch