Bà là đại sư xem tướng mặt đầu tiên được ghi vào chính sử trong lịch sử các triều đại Trung Quốc, được gọi là bà tổ tướng thuật. Thuật xem tướng của bà sánh ngang với Viên Thiên Cang.

Bà đã từng tiên tri triều đại nhà Tần diệt vong, Lưu Bang trở thành thiên tử, một cô gái thường dân sẽ sinh con rồng. Bà còn tiên tri tể tướng địa vị cao tột bậc trong những bề tôi sẽ chết đói, một sủng thần giàu có tài sản sánh với cả quốc gia sẽ không còn một xu. Các tiên tri của bà không điều nào không linh nghiệm.

Sinh ra tay nắm ngọc kinh động Tần Thủy Hoàng

Năm 221 TCN, Tần Vương Doanh Chính kết thúc thời đại Chiến Quốc, Thủy Hoàng Đế đại khánh thiên hạ, ra chiếu lệnh cho tất cả các địa phương thu thập những chuyện Thần Tiên, kỳ lạ, cát tường làm báo cáo trình lên triều đình.

Một ngày, có một viên quan báo cáo vợ của Hứa Vọng, huyện lệnh huyện Ôn Thành tỉnh Hà Nam là Triệu thị sinh được một bé gái. Khi đó trong căn phòng ánh hào quang rực rỡ, bé gái ra đời với một viên ngọc đẹp nắm trong tay. Trên viên ngọc thấp thoáng đồ hình bát quái. Bé gái này sinh được 100 ngày đã biết nói. Tần Thủy Hoàng sau khi nghe tin cho rằng đó là điềm lành, lệnh ban thưởng 100 dật vàng (tức 2.000 lạng vàng) để gia đình nuôi dưỡng tốt bé gái.

Được hoàng thượng ban thưởng, Hứa Vọng đặt tên con con là Mạc Phụ, nghĩa là chớ phụ long ân của Thánh thượng.

Đắc được bí kíp của Hoàng Thạch Công

Tương truyền khi bé Mạc Phụ lên 4, cha bé là Hứa Vọng có mời một thầy đồ già đến dạy bé học chữ. Mạc Phụ xem qua liền nhớ ngay, chưa đến nửa năm đã nhận biết được 4.000 chữ. Bé Mạc Phụ thường lấy viên ngọc ngồi ngây người ra xem hình bát quái trên đó. Thầy đồ già phát hiện ra bé gái nhỏ tuổi này lại thông hiểu ý nghĩa chân thực của bát quái, ngay cả những điều ông không hiểu thì bé cũng hiểu được, nên cho rằng bé chính là Thiên Thần hạ phàm, đề nghị cho bé đi tìm Hoàng Thạch Công để học.

Hứa Vọng dắt con gái đến Dĩnh Châu tìm Hoàng Thạch Công. Không ngờ Hoàng Thạch Công đi vân du, không biết tông tích. Hai cha con đành quay trở về Ôn Thành.

Bức tranh Hoàng Thạch Công tại Bảo tàng Nghệ thuật Boston. (Ảnh: epochtimes.com)

Một hôm Mạc Phụ chơi đùa ngoài cổng thì có một cụ già tóc bạc dáng siêu thoát đi đến. Cụ già nói với bé rằng: “Ta khô miệng rát lưỡi, con có thể cho ta hớp nước uống được không?”

Mạc Phụ nói: “Xin cụ đợi một lát con đem trà ra cho cụ”.

Khi bé bưng bát nước trà ra thì không thấy cụ già đâu, chỉ thấy trên bệ tượng sư tử đá phía trước có một quyển sách lụa. Mở sách ra xem thấy có mấy chữ lớn “Tâm khí bí chỉ”, bên cạnh có mấy hàng chữ nhỏ: “Đạo Trời thầm kín, Mạc Phụ là ai? Là người xem tướng, có huệ nhãn. Quần hùng nổi dậy, thiên hạ loạn lạc. Cẩn trọng xem tướng, trợ giúp quân vương và người hiền tài”.

Mạc Phụ liền giở mấy trang, toàn là những bí kíp thuật xem tướng. Bé biết cụ già này chính là Hoàng Thạch Công, thế là quỳ gối xuống đất miệng niệm sư phụ bái vọng phương xa.

Mạc Phụ quỳ gối xuống đất miệng niệm sư phụ bái vọng phương xa. (Ảnh: womenbooks.com)

Sau khi đắc được “Tâm khí bí chỉ”, Mạc Phụ chuyên tâm nghiên cứu, rất nhanh chóng cô bé đã nắm vững, đồng thời có thể lý giải được quy luật của các sự việc. Cô bé lại kết hợp thuật xem tướng với âm dương bát quái, đã hình thành thuật bát quái xem tướng mặt và bát quái xem tướng tay độc đáo của riêng mình.

Biết Thiên cơ, cáo bệnh từ chối xem tướng mặt cho hoàng thượng

Sau này Mạc Phụ xem tướng cho người ta, không điều gì không ứng nghiệm, danh tiếng của nàng đã truyền rộng ra khắp nơi. Sau này Tần Thủy Hoàng sai người đến mời Mạc Phụ xem tướng mặt cho mình, Mạc Phụ xưng bệnh không đi.

Cha cô hỏi: “Hoàng thượng triệu kiến tại sao không đi?”

Mạc Phụ nói: “Thiên hạ sắp đại loạn, con đi thì có ích gì?”

Hứa Vọng thất kinh nói: “Mới tí tuổi đầu mà con dám nói những lời đại nghịch vô đạo thế này sao”.

Mạc Phụ chỉ cười không trả lời. Hứa Vọng sợ cô bé không giữ mồm giữ miệng gây ra đại họa nên không cho phép cô xem tướng cho người ta nữa, đồng thời đổi tên cô từ Mạc Phụ thành Hứa Phụ. Quả nhiên sau đó nước Tần bị diệt vong.

Tiên đoán Lưu Bang sẽ xưng thiên tử, Bạc sơ sẽ là long mẫu (mẹ vua)

Cuối thời Tần, Lưu Bang và Hạng Vũ khởi sự, thiên hạ đại loạn. Lưu Bang dẫn quân tấn công Hàm Dương (kinh đô nhà Tần), trên đường đi qua Ôn Thành. Hứa Phụ đứng trên tường thành trông thấy Lưu Bang, thấy ông khí độ phi phàm liền nói: “Người này sau này sẽ thành thiên tử”. Cô kiến nghị cha đầu quân Lưu Bang. Thế là Hứa Vọng quy thuận Lưu Bang.

Sau này Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, thống nhất thiên hạ lập nên nhà Hán. Lưu Bang phong Hứa Phụ khi đó mới 19 tuổi làm Ô Thư Đình Hầu.

Ngụy Báo vốn là quý tộc nước Ngụy thời Chiến Quốc, Bạc Cơ là thiếp của Ngụy Báo. Một lần mẹ Bạc Cơ mời Hứa Phụ xem tướng mặt cho Bạc Cơ. Hứa Phụ ngắm nghìn Bạc Cơ thấy tướng mặt tôn quý, có khí chất đế vương bèn tiên đoán: “Bạc cơ sẽ là long mẫu (mẹ vua)”.

Ngụy Báo nghe vậy vô cùng mừng rỡ, trong lòng nghĩ sau này mình sẽ có con trai làm hoàng đế, đó chẳng phải ta chính là cha hoàng đế đó sao, cũng có mệnh thiên tử ngồi cai quản thiên hạ đó sao? Ngụy Báo vốn đầu quân Lưu Bang liền quyết tâm phản bội Lưu Bang, dẫn theo Bạc Cơ tự lập làm vương. Ngụy Báo còn sai người liên lạc với Hạng Vũ. Kết quả rất nhanh chóng, Ngụy Báo đã bị Lưu Bang đánh bại.

Ngụy Báo bị giết, Bạc Cơ bị Hán vương bắt và chiêu nạp vào hậu cung. Vào cung hơn một năm Bạc Cơ cũng không gặp Lưu Bang. Sau này Lưu Bang ngẫu nhiên nghe người ta nói về Bạc Cơ, cảm thấy cô rất đáng thương, bèn triệu kiến Bạc Cơ một lần. Kết quả Bạc Cơ sinh hạ con trai là Lưu Hằng. Sau này Lưu Hằng quả nhiên trở thành Hoàng Đế, tức Hán Văn Đế. Bạc Cơ tự nhiên tôn quý trở thành long mẫu, trở thành thái hậu.

Chân dung Hán Văn Đế. (Ảnh: epochtimes.com)

Tiên tri tể tướng địa vị hiển quý tột bậc sẽ bị chết đói

Thời kỳ Hán Cao Tổ và Hán Văn Đế, Hứa Phụ ở trong triều đình xem tướng cho các quan lại.

“Sử ký” có ghi chép rằng, Chu Á Phu là con trai thứ của Giáng Hầu Chu Bột – danh tướng khai quốc triều Hán. Một lần Văn Đế mời Hứa Phụ xem tướng cho Chu Á Phu. Hứa Phụ nói: “3 năm sau ngài được phong hầu, phong hầu 8 năm sẽ là thừa tướng, nhưng sau 9 năm tiếp nữa sẽ bị chết đói”.

Chu Á Phu không cho là vậy, một mặt ông cũng không phải con trưởng, tước vị của phụ thân không thể nào đến lượt ông, hơn nữa ông lúc đó mới là một quận thú nhỏ bé, chức thừa tướng đối với ông quả là cao vòi vọi. Ông nói với Hứa Phụ rằng: “Anh trai ta đã kế vị Hầu Tướng, làm sao ta có thể được phong hầu? Hơn nữa nếu quả đúng như cô nói, nếu ta hiển đạt làm thừa tướng thì sao có thể chết đói được?”

Hứa Phụ chỉ vào miệng của Chu Á Phu và nói: “Ngài có đường vân dọc chạy vào miệng, đây là dấu hiệu của chết đói”. Chu Á Phu cho rằng đó là lời nói vô căn cứ, chỉ cười cho qua.

Ba năm sau anh trai của Chu Á Phu phạm tội, bị tước bỏ tước vị, Chu Á Phu quả nhiên được kế thừa tước vị Hầu Tước. Tám năm sau, Chu Á Phu bình định 7 nước phản loạn, được làm thừa tướng.

Sau này con trai Chu Á Phu bí mật mua 500 bộ khiên giáp chuẩn bị làm đồ tùy táng cho Chu Á Phu khi ông qua đời. Việc này bị một người nô bộc tố cáo, bởi vì quan phủ cấm cá nhân mua trang bị vũ khí, tự ý mua sẽ bị kết tội mưu phản.

Cảnh Đế sai người điều tra. Đình úy (tương đương với Chánh án tòa án tối cao ngày nay) hỏi Chu Á Phu: “Tại sao ngài mưu phản?”.

Chu Á Phu đáp: “Đồ con trai tôi mua là vật tùy táng, sao lại là mưu phản được?”.

Đình úy nói: “Ngài không mưu phản trên mặt đất thì cũng mưu phản dưới lòng đất”.

Chu Á Phu bị tống giam hỏi tội. Khi bị bắt ông muốn tự sát, bị vợ ông ngăn lại. Sau khi vào trong ngục Chu Á Phu không cam lòng chịu nhục đã tuyệt thực để bày tỏ chí mình, sau 5 ngày thì nôn ra máu mà chết, hoàn toàn ứng nghiệm với lời tiên tri “chết đói” của Hứa Phụ. Lúc đó Chu Á Phu làm thừa tướng cũng vừa vặn 9 năm.

Tranh vẽ chân dung Chu Á Phu. (Ảnh: epochtimes.com)

Tiên tri “Thần tài” giàu sánh ngang quốc gia sẽ không có một xu

Tương truyền Văn Đế đã từng mời Hứa Phụ xem tướng cho sủng thần Đặng Thông. Hứa Phụ nói với Văn Đế rằng: “Ông ấy quả là có tướng mặt phú quý nhưng sẽ không còn một xu mà chết, hơn nữa còn thiếu nợ rất nhiều tiền. Trước khi chết thì ông ấy có quan vận hanh thông, được phong thưởng rất nhiều, làm quan đến chức đại phu”.

Hán Văn Đế cười lớn: “Cả giang san là của trẫm, có trẫm bảo hộ thì ông ấy làm sao thiếu nợ tiền được?”

Hán Văn Đế thưởng cho Đặng Thông một quả núi có quặng đồng để ông ta tự khai thác, tự đúc tiền. Đặng Thông rất mau chóng trở thành người giàu có nhất đương thời, được dân gian gọi là Thần tài, giàu có sánh ngang với quốc gia. Nhưng sau khi Hán Cảnh Đế kế vị đã lấy lý do “Khai thác quặng trái phép, lạm đúc tiền” trị tội Đặng Thông. Toàn bộ tài sản của Đặng Thông bị tịch thu, hơn nữa ông ta còn thiếu nợ quan phủ rất nhiều tiền. Đặng Thông không còn một xu đành phải dựa vào công chúa trưởng cung cấp ăn mặc, sau đó chết ở nhà trọ, đã hoàn toàn ứng nghiệm với lời tiên tri của Hứa Phụ.

Khi Hứa Phụ 50 tuổi, bà xin hoàng đế cho từ quan rồi rời khỏi kinh thành quy ẩn, lấy việc giúp chồng và giáo dục con làm niềm vui, đồng thời chuyên tâm nghiên cứu thuận xem tướng cho đến khi qua đời, hưởng thọ 84 tuổi.

***

Trong lịch sử truyền thừa thuật xem tướng cổ đại thì Hứa Phụ là một nhân vật, là cột mốc lịch sử. Hiện nay còn lưu truyền trên thế gian như thuật xem vận mệnh cát hung quý tiện dựa vào đặc trưng dung mạo của ngũ quan, tứ chi, chân tay v.v… đều có nguồn gốc từ Hứa Phụ.

Theo sử sách ghi chép bà có trước tác các sách như “Đức khí ca”, “Ngũ quan tạp luận”, “Thính thanh tướng hành”, “Hứa phụ tướng nhĩ pháp” …, xứng đáng là bà tổ của tướng thuật. Người đời sau tôn xưng Hứa Phụ và Viên Thiên Cang hợp nhất lại gọi, và tướng thuật cũng được gọi là “Viên Hứa chi thuật”.

Tài liệu tham khảo:

  • Nghiên cứu sách xem tướng bản chép tay Đôn Hoàng
  • Tác giả và nguồn chảy sách “Tướng thư” của Hứa Phụ
  • Sở Hán xuân thu
  • Sử ký – Ngoại thích thế gia
  • Sử ký – Giáng Hầu Chu Bột thế gia
  • Sử ký sách ẩn
  • Hoài Khánh phủ chí.

Theo Tần Thuận Thiên, Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiến Thiện biên dịch

videoinfo__video3.dkn.tv||156b7c1b9__