Với những người nước ngoài phải vượt vạn trùng dương để tới Đài Loan mà nói thì chỗ nào cũng khiến họ vô cùng hiếu kỳ.
“Khi trở về Canada, điều tôi nóng lòng muốn chia sẻ với mọi người nhất là, nếu một ngày nào đó bạn tới Đài Loan du lịch thì hãy đến Đài Bắc. Bạn đừng vội vã làm gì cả, hãy hòa vào với mọi người, để xem mình có thể đúc rút ra điều gì trong cuộc sống”.
Trước khi tới Đài Loan, McCarthy từng nghĩ muốn sinh tồn phải đấu tranh
“Trước khi chưa đặt chân tới Đài Bắc, tôi cho rằng đây là một khu vực chưa phát triển…”. Đây là Đài Loan trong trí tưởng tượng của McCarthy, một phóng viên người Canada. Không may mắn vì có một tuổi thơ bất hạnh, những kinh nghiệm vật lộn với cuộc sống đã khiến McCarthy quen nhìn thế giới bằng cặp mắt lạnh lùng. Không ngờ chỉ tới Đài Loan một ngày đã khiến tâm trạng gò bó của anh dần dần được nới lỏng. Sự ấm áp, nhiệt tình mà mọi người dành cho anh càng khiến anh lần lượt cởi bỏ từng lớp vỏ vũ trang của mình xuống.
Anh phát hiện ra rằng, điều đáng quý nhất ở Đài Loan là nơi nào cũng có không gian để con người có thể thư thái hít thở trong lành và đối xử với nhau một cách chân tình, ấm áp. Sống chậm mới có thể trải nghiệm sâu sắc những giá trị sinh mệnh đáng quý. Đài Loan là một thế giới mới xinh đẹp vượt ngoài sự mong đợi của anh.
Cuối tháng 2 năm 2011, vào một mùa đông không lạnh, McCarthy đặt chân tới Đài Loan. Khi vừa tròn 18 tuổi anh đã bắt đầu tự lập, nên có những trải nghiệm vô cùng độc đáo về cuộc sống. Anh đã từng làm công nhân ở bến tàu, sống trong khoang thuyền hơn nửa năm. Không được che chở và yêu thương trong căn nhà ấm áp đã ảnh hưởng sâu sắc tới cách anh nhìn thế giới này.
Anh từng cho rằng, con người phải biết đấu tranh thì mới tìm được địa vị của mình trong cuộc sống. Nhìn xã hội một cách lạnh lùng và giành giật tìm cơ hội sống đã trở thành thói quen của anh.
Hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên thanh bình và lòng người ấm áp nơi đây, McCarthy lần lượt cởi bỏ lớp áo vũ trang của mình
Hôm đó, chúng tôi tới đường đi bộ Kiến Hành tại vịnh Long Động ở góc Đông Bắc, rồi mới đến đường hầm xanh Thảo Lĩnh đạp xe ngắm cảnh biển bao la. Sau đó chúng tôi xắn ống quần, lội xuống làn nước mát lạnh, cùng thưởng thức những con sóng bạc đầu ầm ào mà những tay lướt ván yêu thích tại vịnh Trăng Mật. Đến khi mệt nhoài hai gã thanh niên lại cùng ăn cơm bình dân Phúc Long hai bên đường sắt một cách ngon lành.
Buổi tối trở về khách sạn Phúc Long nằm bên bờ biển, McCarthy nói: “Mặc dù chúng ta liên tục di chuyển, nhưng trong tâm tôi lại thấy mình đang sống chậm lại, để thưởng thức những tháng ngày du lịch vô cùng dễ chịu”.
Ngày đầu tiên hòn đảo này đã có thể khiến một chàng trai trẻ luôn phải gồng mình nhìn thế giới với đôi mắt lạnh lùng như McCarthy phải bước chậm lại. Anh rong chơi hồn nhiên như một đứa trẻ trong tiếng sóng vỗ rì rào của góc Đông Bắc. Anh nói sự lôi cuốn của hòn đảo này là điều anh muốn chia sẻ với cả thế giới.
Ngày hôm sau chúng tôi tới thăm Nghi Lan. Cả hai phóng tầm mắt nhìn đảo Núi Rùa từ viện bảo tàng Lan Dương với tạo hình vô cùng độc đáo. McCarthy hỏi: “Chỗ đó có người ở không? Họ sống bằng gì nhỉ? Tôi đã kiểm tra lại thông tin được biết rằng Đài Loan chỉ có vài hòn đảo lẻ. Đây là một trong số hòn đảo đó phải không?”.
Nhân đây tôi cũng chia sẻ thêm: “Đảo Rùa” hiện nay là một hòn đảo hoang, vì để lưu giữ lại môi trường sinh thái phong phú và hoàn chỉnh trên đó, nên chính phủ đã di rời toàn bộ thôn trang ra ngoài. Hiện nay nơi đó chỉ giống như một công viên tự nhiên. Rất nhiều người đến mùa cá voi biểu diễn sẽ đi thuyền ra đây thưởng thức, nhân tiện dạo qua một vòng quanh đảo. Nếu muốn lên thăm đảo, thì phải xin cấp phép thêm.
Rất nhiều chuyện nhỏ mà người Đài Loan đã thuộc nằm lòng, những khung cảnh chúng ta đã quen mắt thì với những người nước ngoài vượt vạn trùng dương tới đây mà nói, chỗ nào cũng khiến họ vô cùng hiếu kỳ.
Nghi Lan là vùng đất quý kết hợp giữa công nghệ hiện đại, văn hóa truyền thống của Đài Loan và cuộc sống nơi thôn dã. Món ngon không thực đơn được lưu hành mấy năm nay cũng được bắt nguồn từ đây.
Tôi hẹn sẽ đưa McCarthy đến một nơi thiết kế theo phong cách cung đình, khắp phòng đá vàng lóng lánh và đủ các món ngon đựng trong nồi sành. Món hải sản tươi ngon nóng hổi vừa được bê lên, tôi còn đang bàng hoàng lo lắng thì McCarthy hai mắt sáng rỡ nói: “Tuyệt cú mèo! Món ăn tươi ngon, phong phú, màu sắc đẹp, đĩa đựng đồ ăn trông mãn nhãn, nhìn đã thấy ứa nước miếng”.
McCarthy quay đầu nhìn lên dòng chữ rất to trên tường: “Thịt có thể không ăn, nhưng canh không thể không uống”. Rồi hỏi tôi ý nghĩa là gì thế? Tôi nói rằng: “Bởi vì tinh hoa của canh gà trong nồi sành đều ở nước canh. Cho nên chúng ta có thể không ăn thịt, nhưng canh thì nhất định phải uống hết”. Thế là chúng tôi cùng uống canh được hầm rất nhừ trong nồi sành. Anh cũng đã hiểu thêm nhiều điều về triết học ẩm thực của người Đài Loan.
Chúng tôi lại rảo bước tới công viên suối nước nóng Thang Vi ở Tiều Khê. Những người bản địa và du khách đang vui vẻ ngâm chân, nói nói cười cười. Đột nhiên chúng tôi bị cuốn hút bởi một cảnh tượng khá thú vị: Trong suối nước nóng có một đàn cá nhỏ đang gặm gặm cẳng chân và da chân của mọi người.
McCarthy cũng nóng lòng muốn thử. Kết quả là trải nghiệm về việc ngâm chân ở suối nước nóng này của anh đã trở thành ký ức vui vẻ nhất ở Đài Loan.
McCarthy hồi tưởng lại những tháng ngày ở Đài Loan
Đây là những dòng tâm sự của anh:
“Trước khi tới Đài Loan, tôi cho rằng đây là một khu vực chưa phát triển… Sáng sớm hôm đó, cậu hướng dẫn viên du lịch dẫn tôi ra bến xe buýt. Xe buýt ở Đài Bắc rất sạch. Giữa hai trạm xe buýt tôi nghe thấy chiếc loa phát ra mấy thứ tiếng, thông báo tên bến và lúc dừng đỗ. Tôi cứ cho rằng đương nhiên là mình sẽ chẳng hiểu họ nói gì. Nhưng tôi giật mình khi nghe hiểu những gì họ nói bởi lẽ trong đó có một thứ tiếng mà tôi hiểu, đó là tiếng Anh.
Chỉ có 2 trạm xe buýt mà tôi lại liên tục nhìn thấy những bạn trẻ của Đài Loan hễ nhìn thấy các cụ lớn tuổi lên xe, liền lập tức ngồi dậy tỏ ý muốn nhường chỗ. Hóa ra đây chính là nét văn hóa và sự tôn trọng người khác đã thất lạc trên đất nước tôi.
Xuống xe buýt, cậu hướng dẫn viên dẫn tôi tới quán cà phê salon nghệ thuật “Kho sách Thu Huệ” ngay bên cạnh con đường Khang Thanh Long. Tại đây tôi có thể bắt gặp những vật phẩm sinh hoạt như những bản văn hiến lịch sử “trở lại thuở ấy”, cùng các tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc Đài Loan thời xưa, và những bộ đồ pha trà cổ kính ở khắp nơi.
Dường như tôi đang bước vào một đường hầm thời gian lạ lẫm, nhìn thấy một thái độ sống khiến lòng người mê mẩn. Mọi người đều rất thong dong, không hề vội vã.
Lúc này đã là 10h sáng, chúng tôi ghé vào một quán trà. Dẫu chưa hề quen biết nhưng ông chủ cửa hàng lại dốc cạn tâm huyết vào những món đồ văn vật lịch sử. Ông nhẫn nại pha một ấm trà và nói chuyện với tôi về bộ sưu tập của mình. Đây là gian hàng tràn đầy cảm hứng về cuộc sống mà tôi đừng ghé thăm.
Tiếp đó, chúng tôi đi vào quán trà “Dã Đường” trên con hẻm nhỏ trên đường Vĩnh Khang. Bên ngoài giống như một ngôi nhà bình thường. Nội thất bên trong cũng không giống với một không gian kinh doanh. Ông chủ hiếu khách đã mang loại trà tốt nhất tới chia sẻ cùng chúng tôi, cùng nhâm nhi ly trà và đàm luận về trà.
Sau đó chúng tôi tới văn phòng sáng chế tượng gỗ thủ công. Đó là nơi kế thừa văn hóa truyền thống và khai thác, phát triển các loại tượng gỗ truyền thống của Đài Loan. Tại đây tôi thấy ai nấy đều vui vẻ chìm đắm trong cuộc sống của mình, và hạnh phúc chia sẻ chúng với người khác, không một chút giả tạo.
Chỉ trong khoảng cách vài trạm xe buýt tôi đã thấy người Đài Loan rất văn minh”.
Bài viết này được McCarthy đăng trên tờ báo Vancouver Sun. Trước khi tôi dẫn McCarthy đi dạo ở Đài Bắc, anh ấy từng nói không thể hình dung được điểm độc đáo của Khang Thanh Long từ những điều tôi nói. Nhưng khi về nước thì anh lại viết một bản báo cáo đầy cảm xúc như vậy.
Những con hẻm nhỏ ấm áp và bài học sâu sắc về cuộc sống đô thị kiếm sống nhân văn…
“Khang Thanh Long” dưới ngòi bút của McCarthy là một khu phố đặc sắc do vài con phố như đường Vĩnh Khang, đường Thanh Điền, đường Long Tuyền hợp thành. Nơi đây tập trung rất nhiều những cửa tiệm nhỏ, quán trà, nhà hàng, văn phòng sáng tác văn học và những salon văn nghệ tinh tế.
Những ông chủ cửa hàng ở đây đa số đều là những người có chút kinh nghiệm sống hoặc những trải nghiệm về biến cố trong cuộc sống. Họ suy ngẫm về nhân duyên hợp tan và muốn lưu lại những ký ức trong đời mình. Do họ vậy mới chuyển làm những việc mà tâm họ mong muốn và có liên hệ mật thiết với văn hóa.
Đối với những người này mà nói, mục đích họ mở cửa hàng hoàn toàn không phải chỉ vì doanh thu, mà phần lớn là muốn thực hiện lý tưởng của mình, để báo đáp xã hội. Tới nửa đời sau thì việc kiếm sống nhân văn còn quan trọng hơn việc kiếm tiền.
Tôi đã giải thích với McCarthy như vậy về cội nguồn của khu phố này. Nhân đây tôi cũng nhắc tới “nghề thứ 2” này (kiếm sống nhân văn), một khái niệm phổ biến hiện nay tại Đài Loan.
“Nơi đây quả là một thế giới mới mỹ lệ”. McCarthy đã thong dong nói như vậy khi tới thăm Khang Thanh Long.
Trước đây, McCarthy thường quen với việc bàng quan nhìn xã hội bằng ánh mắt lạnh lùng, và cũng từng nhìn Đài Loan bằng cặp kính như vậy. Nhưng, chỉ trong vài ngày, sự ấm áp và nhiệt tình của những con người nơi đây đã khiến anh buông bỏ lớp ngoài vũ trang của mình.
Anh đã nhìn thấy những lễ nghi trên xe buýt ở Đài Bắc, được sống những ngày ấm áp trong những con hẻm nhỏ, được học những bài học sâu sắc về cuộc sống đô thị kiếm sống nhân văn… Những điều ấy khiến anh phải thốt lên rằng: “Cuộc sống đa phần là vì những điều bình thường, đều chạy theo Danh, Lợi, Quyền thế nhiều hơn. Trong khi con người nơi đây lại sống một cách thong dong, tự tại. Họ sẵn lòng chia sẻ trải nghiệm tốt đẹp của mình về cuộc sống với nhiều người hơn”.
“Khi trở về Canada, điều tôi nóng lòng muốn chia sẻ với mọi người nhất là, nếu một ngày nào đó bạn tới Đài Loan du lịch thì hãy đến Đài Bắc. Bạn đừng vội vã làm gì cả, hãy hòa vào với mọi người, để xem mình có thể đúc rút ra điều gì trong cuộc sống không. Hãy sống một ngày của người Đài Bắc, để cảm nhận vẻ đẹp về cuộc sống của người Đài Loan. Đây là nét đẹp văn hóa chỉ có ở một nơi vô cùng văn minh…”.
Theo tác giả Tạ Mạnh Dĩnh
Hiểu Liên biên dịch
Xem thêm:
- Tâm sự của du khách Trung Quốc: ‘Tới Đài Loan, tôi mới nhận ra mình đã từng bị lừa dối’
- Pháp Luân Công phát triển mạnh mẽ tại Đài Loan
- Đọc báo, một phương pháp giáo dục: Từ đường tà chuyển sang chính đạo, câu chuyện của Thụy Cường