Càng trong lúc rối ren và hoang mang, tình cảm ở giai đoạn tụt dốc và cục diện mất kiểm soát, thì càng phải duy trì tính trật tự của nội tâm, bớt ưu phiền lo lắng, loại bỏ ý nghĩ rối ren, trầm tĩnh giành lại cuộc sống…
Khi con gái tầm 1 tuổi, tôi phát hiện một hiện tượng thú vị: Ban đầu tôi để một khung ảnh nhỏ ở phòng khách, một lần nọ dọn dẹp nhà cửa tôi chuyển khung ảnh sang phòng khác. Con gái tôi sau khi nhìn thấy vậy, ngạc nhiên chỉ vào cái khung ảnh nhỏ treo ở trên cao không ngừng gào khóc ầm ĩ, cho đến khi tôi mang nó trả về vị trí cũ thì bé mới chịu nín lặng.
Một lần khác cả nhà tôi đi ăn tối ở ngoài hàng về, bà ngoại của bé vô tình xỏ đôi dép lê của tôi, còn tôi thì lại đi một đôi khác vào nhà. Cô bé con sau khi nhìn thấy vậy, nó cứ đuổi theo bà ngoại, lẩm bẩm nói “dép… dép”, cho đến khi bà ngoại và tôi đổi lại cho nhau đôi dép mới thôi. Khi đó con gái tôi mới hài lòng.
Còn có một lần, chồng tôi đi làm về, hôm đó không giống như thường ngày là gõ cửa sau đó chờ con chạy ra mở cửa cho mình, anh ấy tự lấy chìa khóa mở cửa vào nhà. Con gái tôi vừa chạy ra đến cửa nhìn thấy bố, liền khóc nức nở một cách thất vọng, cho đến khi bố nó lại phải đi ra khỏi cửa, gõ cửa lại, và cô bé mở cửa cho bố. Khi đó, cháu mới cảm thấy được an ủi phần nào.
Một lần, tôi cảm thấy đứa trẻ này nhỏ tuổi nhưng cố chấp một cách đáng sợ, nhưng sau này trao đổi với rất nhiều bà mẹ có con nhỏ như vậy, thì phát hiện đều có cảm nhận tương tự.
Về sau, tôi đã tìm thấy đáp án trong một cuốn sách giáo dục trẻ em rằng: Độ tuổi từ 0-6 chính là thời kỳ nhạy cảm thiết lập “tính trật tự” của trẻ nhỏ.
Thế nào gọi là tính trật tự? Đó là yêu cầu của thể sinh mệnh đối với bố cục không gian, hình thức tồn tại, sự kiện phát sinh có một quy luật và trật tự hài hòa. Trẻ em trước 6 tuổi, thế giới nội tâm đang trong giai đoạn nhạy cảm như thế.
Mà biểu hiện cụ thể thường thấy là: Yêu cầu khắt khe đối với bố cục hoàn cảnh, rất nhạy cảm với quyền sở hữu của đồ vật, yêu cầu hoàn hảo đối với trình tự và thiết lập trước sau.
Tính trật tự này đối với sự trưởng thành của trẻ là có giá trị không hề nhỏ. Nó có thể giúp trẻ khám phá và cảm nhận thế giới, thiết lập ý thức trật tự ngăn nắp, điều này sẽ mang lại cảm giác an toàn trong cuộc sống.
Qua các cuộc khảo sát cho thấy, môi trường bên ngoài dẫu yên tĩnh hay biến đổi trở nên ồn ào, hỗn loạn, thì một đứa trẻ đã được bồi dưỡng tính trật tự tốt, vẫn có thể tự giác, học tập và sinh hoạt đúng giờ, gọn gàng ngăn nắp, thong dong điềm tĩnh…
Tính trật tự tốt cũng giống như hình thành sức mạnh nội tâm và hành vi thói quen
Tính trật tự tốt không chỉ ở trẻ em, mà ở người lớn cũng có sức mạnh kỳ diệu.
Hai tháng nay, tôi vừa trải qua cảm thận thực tế. Tháng 7-8 là thời gian nghỉ hè của bọn trẻ, tôi cũng cho phép mình có kỳ nghỉ nhỏ. Tôi cùng con gái đi du lịch, sau đó cho cháu tham gia lớp học cảm hứng, rồi hai mẹ cọn ở nhà tập viết lách, cùng đi chơi chạy bộ… Kỳ nghỉ của bọn trẻ thực sự phong phú, nhưng trong lòng tôi lại cảm thấy rối bời.
Mấy lần tôi định cầm bút viết lách, nhưng lại không thể tập trung suy nghĩ, đặc biệt là tôi muốn viết lại không thể viết ra được, càng để tâm lại càng viết không vừa ý… Cứ như vậy công việc yêu thích bị gác lại và gián đoạn trong một thời gian quá dài. Thậm chí đến cả mấy tháng bị ngắt quãng như vậy, không có ý nghĩ muốn viết trở lại.
Khi ấy, một người bạn đã khuyên tôi: Nếu cảm thấy không viết được thì chẳng thà tĩnh tâm đọc sách, cũng coi như tự mình tích lũy vốn sống cho mình, hà cớ gì nhất thời vội vã như vậy!
Tôi cảm thấy có lý, và bắt đầu mỗi ngày sau khi đánh thức con dậy, mở cuốn sách, cầm giấy bút ra, đọc được câu hay bèn đánh dấu và ghi chép lại; đọc được đoạn hay, dừng lại để suy nghĩ; phát hiện ra ví dụ phù hợp, ghi chú vào một bên, ghi lại cảm nhận của riêng mình… Và quả nhiên rất nhanh sau đó, tâm tôi đã không còn rối bời nữa, mà dần dần tĩnh lại.
Nguyên nhân có thể là: Mỗi ngày trong thời gian quy định, đọc, ghi chép và suy nghĩ một cách có trật tự, đã giúp tôi tránh được những cạm bẫy về cảm xúc và áp lực của môi trường bên ngoài. Từ đó tôi có thể tập trung vào trường hợp cụ thể, tập trung vào cảm xúc nội tâm, bóc kén lấy tơ, lần lượt vượt qua khó khăn và giải quyết vấn đề.
Dường như không ít người cũng từng có cảm nhận tương tự như vậy:
Có người mượn cớ chạy bộ, hít thở, từng bước lấy lại sự tĩnh lặng của nội tâm;
Có người mượn cớ chỉnh lý trang phục quần áo, từng chiếc từng chiếc gấp lại để đó, mong tìm lại nhịp sống;
Có người lại rửa rau làm thức ăn, từng nhát dao thái, từng món ăn bày trên đĩa, cuối cùng đạt được sự an ủi trong nỗi buồn;
Càng trong lúc rối ren và hoang mang, tình cảm ở giai đoạn tụt dốc và cục diện mất kiểm soát, thì càng phải duy trì tính trật tự của nội tâm, bớt ưu phiền lo lắng, loại bỏ ý nghĩ rối ren, trầm tĩnh giành lại cuộc sống.
Có trật tự giúp con người an định, không có trật tự khiến con người hoảng loạn.
Nghĩ lại trong cuộc sống này, có nhiều lúc chúng ta mất đi kiểm soát, nội tâm rối bời, kỳ thực là bắt nguồn từ việc mất trật tự dù đó là những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày.
Lẽ ra mỗi ngày phải tiện tay quét dọn, thu xếp đồ đạc trong phòng, nhưng bởi vì lười biếng, dẫn đến căn phòng dần dần trở nên bẩn thỉu lộn xộn, khiến người ta suy sụp. Lẽ ra có thể qua rèn luyện sức khỏe và ăn uống điều độ để giữ gìn dáng vóc, nhưng ngày lại ngày buông thả, mà khiến cho hình dáng ngày càng mất kiểm soát. Lẽ ra theo thứ tự dần tiến, từng bước hoàn thành công việc, thì lại trì trệ mỗi ngày, sắp đến thời hạn mới cảm thấy nhiệm vụ nặng nề, thời gian gấp gáp, áp lực vô cùng, bởi vậy mà không thể hoàn thành…
Người tràn đầy năng lượng trong cuộc sống, đa số là người có nội tâm mạnh mẽ và có tính trật tự
Họ trong cuộc sống và công việc rất có kế hoạch, có kỷ luật và phương hướng. Bởi họ biết mình nên làm gì, mục đích ra sao, vì vậy có thể toàn tâm điều chỉnh năng lượng trong nội tâm, bước đi đúng hướng mà tích lũy.
Họ cũng không tản mạn và lười biếng, không vội vã, không kiêu ngạo trong cuộc sống, vì vậy mới không dễ dàng bị vật chất bên ngoài lôi kéo và cám dỗ…
Một người có thể tự khống chế kiểm soát hành vi của mình, tức là có thể tự nắm bắt điều khiển cuộc đời, ung dung tự tại từng bước theo nhịp sống của riêng mình.
Tính trật tự trong cuộc sống càng lớn, thì càng điềm tĩnh trước sinh lão bệnh tử, phong sương bão tuyết
Hoan lạc và bi thương đến rồi lại đi, đều trở thành khách qua đường trong cuộc đời;
Chúng ta chỉ quản thuận theo tự nhiên, một lòng một dạ hoàn thành việc mình muốn làm.
Bởi vì hiểu được thế giới vô thường, vì vậy gặp phải cảnh ngộ trước mắt vẫn thong dong điềm tĩnh;
Bởi vì biết đời người có trật tự, vì vậy nội tâm trước sau có quy luật.
Cuộc sống có trật tự, mới là tự tại lớn nhất của cuộc đời.
Theo soundofhope.org
Hoàng Lan biên dịch