Vương Dương Minh cho rằng “Thi trượt không xấu hổ, thi trượt mà động tâm mới là xấu hổ”.

Ở Đông Nam Á, có một loại bẫy dùng để bắt khỉ. Người thợ săn cột một trái dừa vào thân cây, khoét một cái lỗ nhỏ bên trên và bỏ thức ăn mà con khỉ thích vào trong đó. Con khỉ ngửi thấy mùi thơm của thức ăn, thế là trèo lên cây và thò tay vào trái dừa để lấy. Nhưng vì cái lỗ khi khoét đã được tính toán rất kỹ chỉ vừa đủ cho bàn tay khỉ thò vào nhưng khi đã nắm lấy 1 nắm thức ăn thì không thể nào rút tay ra được. Khi người thợ săn đến, nếu con khỉ vẫn không từ bỏ được sự hấp dẫn của thức ăn thì đành chịu bị bắt.

Không có ai bắt được con khỉ đó, mà do nó không buông được ham muốn của chính mình nên đã trở thành tù nhân. Điều này so với con người nào có khác chi, dục vọng trong tâm mỗi người luôn khiến chúng ta không thể buông bỏ, nội tâm đầy ham muốn khiến chúng ta bị ràng buộc. Cuộc đời mỗi con người chính là một trường tu hành, là phúc hay họa chính là 4 chữ mà thôi: Buông bỏ chấp niệm.

“Thi trượt không xấu hổ, thi trượt mà động tâm mới là xấu hổ”

Vào năm Hoằng Trị thứ 9 đời Minh (năm 1496), một ngày nọ, bên dưới bức tường thành lâu của kinh sư dán bảng kết quả thi Hội, người xem đông tựa hồ một giọt nước cũng không lọt. Có vài người thanh niên vui mừng ra mặt, ngẩng đầu bước ra khỏi đám đông nói là đi về mở tiệc rượu mừng công. Còn lại những người thi rớt vốn chiếm đa số đều bưng mặt đau đớn thống khổ, thậm chí đấm ngực giậm chân.

Có một người trong số đó cũng thấy tên mình trong danh sách thi rớt nhưng trên mặt anh ta vẫn bình thản, mọi người đều cho rằng chắc do anh này đau lòng quá đỗi nên thành như thế rồi. Chàng trai ấy chỉ cười mà nói rằng: “Các anh đều vì thi rớt mà thấy xấu hổ, còn tôi thì cho rằng thi rớt mà động tâm mới là đáng xấu hổ”.

Người thanh niên đó tên là Vương Dương Minh, người được xem là thánh nhân cuối cùng của Trung Quốc. Ông cho rằng cuộc đời con người vốn là để tu hành, khoa cử cũng chỉ là một bước của tu hành mà thôi, nên ngay cả khi thi rớt, thì người ta vẫn phải tiếp tục bước đi, tiếp tục tu hành.

Vương Dương Minh. (Ảnh: dkn.tv)

Trong “Tiểu Song U Ký” có một câu đối:

“Sủng nhục bất kinh, khán đình tiền hoa khai hoa lạc

Khứ lưu vô ý, vọng thiên không vân quyển vân thư”

Tạm dịch:

“Vinh nhục chẳng động, ngắm hoa tàn hoa nở trước đình

Đến đi vô ý, ngắm mây trời lúc hợp lúc tan”.

Con người ta lúc tài năng đang phát triển hay lụi tàn, phải chăng cũng như một bông hoa. Bản thân sự vinh hay nhục, tiến hay thoái trong đời chẳng phải là quy luật tự nhiên hay sao. Như hoa kia, nở rộ rồi cũng có lúc tàn phai, ai có thể đi ngược lại với tuần hoàn của vũ trụ? Nhưng thói đời lại ưa thích hoa nở mà chán ghét lúc hoa tàn, vui lúc vinh mà buồn lúc nhục, vậy chẳng phải là đang tự làm khổ bản thân sao. Người hiểu chuyện sẽ giống như khách dạo chơi dừng chân bên đình mà ngắm hoa vậy. Nếu được hoa nở thì xem, hoa tàn cũng chẳng để tâm, coi vinh nhục như hoa ở đình, vật ngoại thân thì thân tâm sẽ luôn an lạc. 

Cổ nhân hay nói, danh lợi phú quý ở đời chỉ như áng mây trôi kia thôi, vì nó hay tụ tán bất chợt và không có gì là mãi mãi. Có người đến vào lúc trời xanh mây trắng nắng đẹp, công danh như ý thì cũng phải có người công danh sự nghiệp rơi rớt vì thế sự đảo điên, mây đen vần vũ, mưa to gió lớn. Như người khách bộ hành ven đình ngắm hoa kia, gặp lúc mưa to gió lớn thì trú mưa, nắng đẹp thì ngắm mây thật ung dung tự tại. Không có ôm giữ chấp niệm nào thì sẽ không có khổ tâm khi phải mất đi.

Con người sống ở đời mười phần thì có đến tám chín phần là không như ý, nên khi đối mặt sóng gió trong đời quan trọng nhất là phải bình tâm tĩnh khí, bảo trì bản thân cho tốt là được rồi.

Năm Chính Đức đời Minh Vũ Tông (1506), hoàng đế tin dùng bè lũ hoạn quan, đặc biệt là Lưu Cận. Vương Dương Minh dù chỉ là một nhị giáp tiến sĩ quan hàm lục phẩm nhưng khẳng khái dám trách nhà vua tin dùng hoạn quan mà bắt tội bề tôi trung nghĩa. Vũ Tông nổi giận sai đánh ông bốn mươi trượng rồi giáng xuống làm cai trạm ở Long Trường, tỉnh Quý Châu giáp Vân Nam. Người trưởng trạm già đã làm tại Long Trường 3 năm rất vui mừng khi thấy Vương Dương Minh đến, hô lên rằng: “Cuối cùng rồi ta cũng được về nhà”.

Nơi biên thùy này không có phòng ốc hay lương thực, chỉ có thể hái dương xỉ để ăn lúc đói và sống trong sơn động với sinh hoạt gần như thời thượng cổ.

Nhưng Vương Dương Minh đã làm cho những nô bộc đi theo không ngờ rằng ông lại không bỏ về khi cuộc sống quá khó khăn. Ngược lại, ông còn tổ chức khai hoang, dạy dân trồng lương thực và bắt đầu tự cấp tự túc.

Không bỏ về khi cuộc sống quá khó khăn,  ngược lại ông còn tổ chức khai hoang, dạy dân trồng lương thực. (Ảnh minh họa: Emaze.com)

Không có phòng ốc, thì ông lấy cây dựng một cái gác ngay hang động và gọi là “Ngoạn Dịch Oa” (hang nghiên cứu Dịch) và đặt cho cái gác này tên là “Hà Lậu Hiên” (căn gác không thô lậu).

Tên của sơn động và gác này khá thú vị khi Vương Dương Minh dùng những điển cố Nho Giáo để nói lên cái chí của mình. Không vì khó khăn gian khổ mà làm nhục cái ý chí của mình.

Ngoạn Dịch Oa nghĩa là cái hang để nghiên cứu kinh Dịch, nguyên lấy từ câu viết trong Hệ Từ Thượng:

“Thị cố quân tử sở cư nhi an giả. Dịch chi tự dã. Sở lạc nhi ngoạn giả. Hào chi từ dã”.

Tạm dịch: Người quân tử sống ung dung tự tại không bị động tâm nơi ngoại cảnh. Niềm vui chính là nghiên cứu Dịch, nắm hàm ý thâm sâu của hào từ.

Vương Dương Minh coi việc sống trong động đá là một cơ hội để nghiên cứu Kinh Dịch, hiểu lẽ huyền vi của vũ trụ. Sự khó khăn sẽ không làm ông nản chí, chỉ làm ông thêm vui thú với học vấn của mình.

“Hà Lậu Hiên” là một điển tích chép trong Luận Ngữ.

“Luận ngữ, thiên Tử hãn chép: “Tử dục cư, cửu di”, hoặc viết: “Lậu, như chi hà?”. Khổng Tử viết: “Quân tử cư chi tắc hoá, hà lậu chi hữu?”

Tạm dịch:  Khổng Tử (chán vì thi hành đạo của mình ở Hoa Hạ không được) muốn ở lại miền mọi rợ. Có kẻ hỏi: “Quê mùa quá, ở sao cho nổi?”, ngài đáp: “Người quân tử ở đó thì cải hoá phong tục đi, có gì là quê mùa?”. Bốn chữ “hà lậu chi hữu” lấy ở điển đó, mà dùng theo một nghĩa khác, không nói về phong tục, văn hoá mà nói về sự tồi tàn của căn nhà.

Khi đặt tên Hà Lậu Hiên, Vương Dương Minh đã mô tả sự tồi tàn của căn gác mình ở bằng một điển tích nhằm nói lên cái chí của mình. Nếu phải ở nơi thô lậu thì người quân tử sẽ dùng đức của mình để giáo hóa phong tục nơi đó tốt lên. Nên cái chí của Thánh nhân khác với người thường ở chỗ là không xem trọng ngoại vật, chỉ chú trọng tu tâm. Căn gác đó tuy thô lậu nhưng nhờ vào sự giáo hóa và đạo đức của bản thân ông mà trở nên đẹp đẽ vậy. Đẹp vì dân chúng quanh vùng từ căn gác đó có thể học tập giáo hóa và thay đổi thành tốt hơn. Đó chính là cái Dũng và lòng Nhân của bậc quân tử noi gương Thánh Hiền vậy.

Sức khỏe của Vương Dương Minh không tốt lắm, nơi này lại lắm lam sơn chướng khí nên ông ta đã dứt khoát làm sẵn một chiếc quan tài để sau này không phải lo lắng về hậu sự.

Cuộc sống ở Long Trường chính là một trường tu hành khiến cho Vương Dương Minh phải bỏ hết những ưu tư vinh nhục, thậm chí cả sự quyến luyến đối với sống chết để tập trung tinh lực nghiên cứu về tâm học.

Cuộc sống ở Long Trường chính là một trường tu hành khiến cho Vương Dương Minh phải bỏ hết những ưu tư vinh nhục… (Ảnh minh họa: sina.com)

Khi có thời gian thì ông tọa thiền minh tưởng để ngộ về Đạo học, ngoài ra ông còn dạy cho người man ở đó chữ Hán và giáo hóa cho họ.

Mỗi ngày cứ trôi qua như vậy, Vương Dương Minh chìm đắm trong công việc của mình, cũng chẳng biết thời gian đã qua bao nhiêu năm.

Vào một ngày nọ, lúc nửa đêm, ông đột nhiên thức giấc hét to một tiếng. Ông tỉnh dậy, toàn thân đầm đìa mồ hôi, nhưng trong tâm lại sung sướng vô ngần vì hốt nhiên mà đốn ngộ, cảm thấy vũ trụ vô biên như trải ra trước mặt, trong sáng không gợn chút bụi trần.

Từ đêm “Long Trường ngộ đạo” , ông đã minh bạch ra một chân lý gọi là “tâm tức lý”, nhận ra rằng muốn hiểu được đạo trời, đạo của Thánh nhân, tất phải quay về bản tâm của mình, nơi mà tự tính đã đầy đủ và sáng rõ, sự vật bên ngoài chỉ là giả tướng mà thôi. Ông cũng hiểu ra bậc Thánh nhân thực chất không bao giờ chấp vào ngoại vật hay truy cầu biến đổi hoàn cảnh mà chỉ chuyên chú tu tâm của mình để không bị hoàn cảnh làm xao nhãng việc tu hành của bản thân.

***

Đại tướng Hải Quân Nhật Bản là Đông Hướng Bình Bát Lang (Hachiro Higashi Hira) tại tiệc mừng công của mình cũng từng nói về việc biết rõ chính mình tức là đã biết cái đạo lý nhân sinh ở đời vậy. Sau đó ông lấy từ trong thắt lưng ra một tấm thẻ bài đưa cho mọi người xem, trên đó ghi dòng chữ: “Nhất sinh phục thủ bái Dương Minh” (đời này chỉ chắp tay phục có Vương Dương Minh .

Phật gia giảng: con người ai cũng có chấp trước. Vậy nên việc tu hành ở đời chính là học cách buông bỏ các chấp trước này. Nửa đời Vương Dương Minh truy tìm học hỏi Trang Tử và Chu Hy nhưng vẫn chưa hiểu thông. Đến khi bỏ đi chấp trước vào câu chữ của Thánh nhân, chuyên tâm tham ngộ Đạo học, quy về với bản tâm của mình mà đạt được “Long Trường Ngộ Đạo” để cho phái Tâm học ra đời.

Có thể nói rằng, không phải bạn không thể làm nên việc lớn, chỉ là vì thiếu một trường tu hành ở đời mà thôi.

Theo secretchina.com
Tĩnh Thủy biên dịch