Vào thời nhà Thanh, ở huyện Nghi Xương có một ông già họ Hứa. Khi còn trẻ, gia đình ông rất nghèo, ông kiếm sống bằng nghề chở khách thuê. Vào thời vua Văn Tông Hàm Phong nhà Thanh, ông đã đưa một vị khách đến Tứ Xuyên, nửa đường thì vị khách không may qua đời, để lại 100.000 lượng bạc. Sau đó, ông Hứa đã lấy toàn bộ 100.000 lượng bạc cho mình. Đó là thời kỳ binh biến hỗn loạn, không ai quan tâm đến việc này. Sau đó, khi thiên hạ an định, ông Hứa tự nhiên trở thành người giàu nhất vùng. Khi đó, ông đã bảy mươi tám tuổi, có bốn người con trai, hai người cháu trai và một người cháu gái.

Con trai cả của Hứa ông là Hứa Giáp, yêu thích võ nghệ, nhập học ở huyện, trở thành võ sinh. Hứa Giáp tính tình thô lỗ bộc trực, cha không ưa, hơn nữa ba người em trai thường xuyên nói xấu anh cả trước mặt cha, nên Hứa ông càng không thích con trai cả của mình. Hứa Giáp cảm thấy cha mình luôn thiên vị ba đứa em trai, trong tâm bất bình, cậy bản thân có võ, thường xuyên đánh đập ngược đãi các em trai, khiến mâu thuẫn ngày càng trầm trọng. Ba người em trai ghét Hứa Giáp đến mức lập mưu trả thù anh cả.

Một ngày nọ, Hứa Giáp cùng vợ và con gái đến chúc thọ bố vợ là Trần Tẩu. Đi được nửa đường, năm người đột nhiên nhảy ra từ cánh đồng hoang, nhìn kỹ thì ra là ba người em trai và hai người cháu trai của Giáp. Hứa Giáp hỏi: “Các người muốn làm gì?” Họ nói: “Chúng tôi muốn đánh anh.” Thế là năm người cùng nhau tấn công Hứa Giáp, họ dùng gậy sắt, không phân nặng nhẹ, đánh Hứa Giáp đến chết. Vợ của Hứa Giáp đi cứu chồng cũng bị đánh, sau khi về nhà được mấy ngày thì mất.

Khi chị gái và anh rể bị sát hại, Trần Thượng Xã, em trai của vợ Hứa, đã vô cùng phẫn nộ, đến quan phủ tố cáo. Ba người em trai của Hứa Giáp bàn bạc đối sách, nói: “Nếu không có cha già đứng ra bảo vệ, chúng ta không thể sống sót!” Vì vậy, họ đã hối lộ quan lại một khoản tiền lớn, yêu cầu cha mình là Hứa ông ra tòa để làm chứng. Trong tòa, Hứa ông hét lớn: “Con trai cả của tôi là Hứa Giáp, không nghe lời, bất hiếu, tôi đánh chết nó bằng gậy. Chuyện này không liên quan gì đến những đứa con khác. Trần Thượng Xã tự nhiên đâm đơn kiện, không nên nghe những lời hồ đồ của hắn.” Vì quan huyện đã nhận hối lộ lớn, nên dùng lời của ông Hứa làm bằng chứng, thả hết những hung thủ trong gia tộc họ Hứa.

Hứa Giáp có một cô con gái mới mười sáu tuổi. Ngày hôm đó, cô bé cũng cùng bố mẹ đến nhà bà ngoại, chứng kiến ​​cảnh bố mẹ mình bị giết hại. Cô khóc lóc nói với người tiểu thiếp của cha mình: “Hận cha không báo, sống còn ý nghĩa gì? Mong dì hãy giúp con.” Người thiếp cũng khóc lóc nói: “Nếu có thể báo thù cho cha, thực sự là người con hiếu thảo. Nhưng nhất định phải bí mật làm, các chú không được biết. Nếu không, bọn họ sẽ không tha cho con.” Từ đó về sau, Hứa tiểu thư không biểu lộ cảm xúc gì nữa. Cô chỉ làm chút việc thêu thùa, giao lưu với mọi người, nói chuyện cười nói bình thản. Lúc đầu, các chú rất cảnh giác với cô, sợ cô sẽ trả thù cho cha mình. Sau đó, họ dần dần khinh thường cô, không còn cảnh giác với cô nữa.

Một ngày nọ, ông Hứa cùng các con cháu ra ngoài làm ăn, con gái của Hứa Giáp cùng tiểu thiếp đã nhân cơ hội này lẻn ra khỏi nhà. Hai người vội vã chạy đến quận Kinh Châu để khiếu nại oan tình với Kinh Nghi Thi Đạo (một quận hành chính của tỉnh Hồ Bắc vào thời nhà Thanh). Người gác cổng không cho họ vào phủ quan, vì vậy họ đã khóc lớn ngoài cổng ba ngày ba đêm. Khi án sát phó sứ (quan chính ngũ phẩm, phò tá án sát sứ xử lý các vấn đề tư pháp và hình ngục của một tỉnh) nghe tin này, ông đã ra lệnh cho người gọi hai người phụ nữ vào, hỏi tại sao họ lại khóc nhiều như vậy. Con gái Hứa Giáp khóc lóc kể lại cảnh cha mẹ bị sát hại. Án sát phó sứ cảm thấy rất thông cảm với họ, nên đã ra lệnh cho huyện lệnh Nghi Xương chuyển vụ án cho ông để thẩm lý trực tiếp.

Tại công đường Châu quận, con gái Hứa Giáp kể lại chi tiết sự việc khi đó. Cô nói: “Cậu ba đánh cha tôi trước, sau đó là hai cậu kia, sau đó hai người anh họ của tôi cũng bắt đầu đánh ông. Cha tôi bị đánh chết tại chỗ, mẹ tôi bị thương nặng. Bà qua đời vào ngày thứ ba sau khi trở về nhà. Sự thật không thể chối cãi, tôi đã tận mắt chứng kiến.” Hứa ông hét lên: “Điều này thật hồ đồ! Cha của mày vì không nghe lời và bất hiếu, khiến ta tức giận. Ta đã đánh chết nó bằng một cây gậy. Tại sao mày lại vu oan cho các cậu của mình?” Con gái Hứa Giáp nói: “Cha tôi vẫn luôn giỏi võ thuật, ông ấy chỉ mới bốn mươi tuổi và khỏe mạnh. Ông nội, ông đã già yếu rồi, làm sao ông có thể giết cha tôi bằng một gậy! Bây giờ, tôi yếu ớt và đứng trước mặt ông, ông có thể đánh chết tôi bằng một gậy không?” Hứa ông không nói nên lời, vì vậy tất cả hung thủ trong gia đình họ Hứa đã phải thú nhận tội ác của mình, đều bị hành hình.

Những người hiểu rõ sự việc cho biết, ông Hứa đột nhiên giàu lên thế nào, có nhiều điều không thể nói ra, con gái của Hứa Giáp lại sinh ra vào đúng ngày vị khách qua đời. Có lẽ, cô chính là chuyển thế đầu thai của vị khách đó.

Nguồn: “Nhĩ bưu”

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch