Với tài năng của mình, ông được mệnh danh là học giả “bách khoa toàn thư”, sánh ngang Leonardo da Vinci. Tuy nhiên, ở chính quê hương Trung Quốc lại không biết. Vậy ông là ai?
Leonardo da Vinci là nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Ông được người đời tôn vinh là “đại diện hoàn hảo nhất của thời Phục Hưng” mà không ai có thể sánh kịp. Ông vừa là hoạ sĩ bậc thầy, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, nhà toán học, nhà phát minh, nhà giải phẫu học, nhà địa chất học, địa lý học, nhà thực vật học và nhà văn. Nhưng có lẽ, người đời biết đến Leonardo da Vinci nhiều nhất trong vai trò thiên tài hội họa với các kiệt tác như “Mona Lisa”, “The Last Supper “, “Virgin of the Rocks”…
Hiện có khoảng 6.000 bản ghi chép nghiên cứu khoa học của ông đang được lưu giữ. Theo thiên tài Einstein, nếu như thành quả nghiên cứu khoa học của Leonardo da Vinci được công bố vào thời điểm đó, thì khoa học và kỹ thuật dự kiến đã phát triển sớm hơn từ 30 – 50 năm.
17 năm sau khi Leonardo da Vinci qua đời, vào năm 1536, ở bên kia bán cầu có một vị vương tử hoàng thất Chu Tái Dục chào đời. Ông sinh ra ở phủ Hoài Khánh, tỉnh Hà Nam, là hậu duệ đời thứ chín của Minh Thái Tổ, là thế tử đời thứ sáu của Trịnh Phiên. Thừa hưởng tài đức từ người cha là Trịnh Cung Vương, Chu Tái Dục từ nhỏ đã thông minh hiếu học, tu đức giảng học, sống một cuộc đời thanh đạm.
Theo “Minh sử Nghệ văn chí” ghi chép, gia tài Chu Tái Dục để lại cho hậu thế là các tác phẩm nổi tiếng như 40 quyển “Nhạc luật toàn thư”, 3 quyển “Gia lượng toán kinh”, 4 quyển “Luật lịch dung thông”, 1 quyển “Âm nghĩa”, 1 quyển “Vạn niên lịch”, 2 quyển “Vạn niên lịch bị khảo”, 2 quyển “Lịch học tân thuyết”…
Chúng có nội dung liên quan đến âm nhạc, thiên văn, lịch pháp, toán học, vũ đạo, văn học… Sự cống hiến của ông đối với lịch sử văn minh Trung Hoa có thể sánh ngang các khoa học gia nổi tiếng như Lý Thời Trân, Tống Ứng Tinh, Từ Quang Khải, Từ Hà Khách…, đồng thời ông cũng là một học giả nổi tiếng uyên bác.
Trong các tác phẩm đồ sộ lên đến hàng trăm vạn chữ của ông, nổi tiếng nhất là “Nhạc luật toàn thư”. Đới Niệm Tổ đã trích dẫn câu nói của nhà Vật lý học người Đức Helmholtz: “Người ta nói ở Trung Quốc có một Vương Tử tên gọi Chu Tái Dục. Ông là thiên tài nghệ thuật và khoa học của triều đại nhà Minh, là một trong những người đi ngược lại với các nhà âm nhạc theo trào lưu cũ, đề xướng bảy bậc âm thanh, chia mỗi quãng 8 thành 12 bán cung và phương pháp biến điệu. Đây là sự sáng tạo tuyệt diệu của thiên tài đất nước Trung Hoa này”.
Trong khi người châu Âu ca ngợi, áp dụng và thực tiễn hóa các phát minh của Chu Tái Dục, thì tại cố hương của ông, những phát kiến này lại hoàn toàn bị quên lãng. Sau hơn 400 năm bị ngủ vùi, những phát kiến của ông mới được nhắc đến và công nhận, nhưng vẫn chỉ loanh quanh trong thư phòng nghiên cứu của các học giả.
Nếu mở bất kỳ cuốn sách giáo khoa lịch sử ở cấp tiểu học hay trung học, người ta đều có thể dễ dàng đọc thấy thành tựu của các bậc thầy vĩ đại như Lý Thời Trân, Tống Ứng Tinh, Từ Quang Khải hay Từ Hà Khách, nhưng không thể tìm thấy tài liệu nhắc đến Chu Tái Dục. Đến nỗi nhà sinh vật học, nhà thần học nổi tiếng thế giới Joseph Needham phải thốt lên rằng: “Điều này quả là đáng kinh ngạc!”.
Chu Tái Dục bắt đầu nghiên cứu các thuật toán bình phương, đưa ra những giải pháp để áp dụng cho trình tự hình học. Ông cũng là người đầu tiên sáng tạo ra chuỗi nốt nhạc, đề xuất ra “dị kính quản thuyết”, thiết kế và sáng tạo các hợp âm. Ngoài ra, ông còn sáng tác rất nhiều tác phẩm âm nhạc dành cho vũ đạo, sáng tạo ra các thế múa, phát minh ra phương pháp tính toán chính xác vị trí địa lý và “độ từ thiên” của Bắc Kinh, cũng như tính toán chính xác độ dài của “năm chí tuyến” và tỷ lệ thủy ngân.
Là một học giả âm nhạc, ông cũng là nhạc sĩ, người chế tạo nhạc cụ, nhà vũ đạo học, đồng thời vừa là nhà toán học, nhà vật lý học, nhà thiên văn lịch pháp. Trong các lĩnh vực mỹ thuật, triết học và văn học, ông cũng đạt được những thành tựu tuyệt vời khiến người đời ngưỡng mộ.
Ông được mệnh danh là học giả “bách khoa toàn thư”, một danh nhân thấm nhuần tinh hoa văn hóa truyền thống của Trung Hoa. Vào triều đại nhà Minh, Chu Tái Dục đã đạt được nhiều vị thế đứng đầu trên thế giới cho quốc gia của mình. Các học giả Trung Quốc và nước ngoài tôn sùng ông như là “danh nhân chân chính của nền văn hóa lịch sử thế giới”.
Thành tựu chủ yếu của Leonardo da Vinci là hội họa, còn thành tựu chủ yếu của Chu Tái Dục là âm nhạc. Leonardo da Vinci chủ yếu áp dụng khoa học ứng dụng, trong khi Chu Tái Dục lại dựa nhiều hơn vào lý luận tri thức. Họ không phải là hóa thân của nhau, nhưng ở họ có một điểm chung, đó là cả hai được người đời mệnh danh là “bách khoa toàn thư” của nhân loại.
Tuy nhiên, trong khi cả thế giới ngưỡng mộ, ca ngợi và không thể đếm xuể có bao nhiêu bài viết về Leonardo da Vinci, thì với Chu Tái Dục, tại sao chúng ta lại lãng quên ông cũng như không nhắc tới những thành tựu mà nhân loại đang được hưởng từ trí huệ của ông?
Theo soundofhope.org
Khải Phong biên dịch