Người xưa nói ‘tích đức’, từ mặt chữ cho thấy, đức là có thể tích được thì ắt không phải là những thứ như không khí, bong bóng…, mà phải là một loại vật chất tồn tại, cho nên mới dùng chữ ‘tích’. Từ xưa tới nay, có nhiều câu chuyện lưu truyền trong dân gian cũng giúp chúng ta nhận thức về điều này.
Tổ tiên tích đức khác nhau, con cháu công danh cũng khác nhau
Năm Càn Đạo thứ 5 (năm 1169) đời Tống Hiếu Tông thời Nam Tống, La Duy Phan người Cát Thủy sau khi đi thi tỉnh xong trở về lữ quán nghỉ ngơi. Trong giấc mộng, ông thấy người cha đã mất nói với ông rằng: “Con trai, ở trường thì con không được tranh với Đỗ Thân người Phúc Đường. Vì nhà họ La chúng ta thiếu nợ nhà Đỗ Thân 38 năm âm đức”.
Tuy La Duy Phan và Đỗ Thân đều nổi tiếng giỏi thơ văn, văn chương không người nào kém người nào, nhưng sau khi treo bảng, mọi người thấy Đỗ Thân đỗ đầu Kinh học. La Duy Phan cũng có tên trên bảng, nhưng đứng sau Đỗ Thân 28 người.
Hai người cùng tham gia thi điện (tức thi đình). Kết quả thi điện Đỗ Thân đỗ đệ nhị giáp, La Duy Phan đỗ đệ tứ giáp, thứ tự giữa hai người cách nhau rất xa.
Từ lời nói của cha, La Duy Phan thấy rằng, tổ tiên tích đức có thể để phúc huệ cho cháu con. Nói cách khác, công danh phú quý của cháu con là do đức mà sinh ra.
Trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện rằng: nếu người ta tích nhiều đức thì khi gặp tai nạn, còn có thể hóa giải được.
Cả đời tích đức, được giải thoát khỏi nạn sông nước
Năm Đinh mão niên hiệu Thiệu Hưng (năm 1147) đời Tống Cao Tông thời Nam Tống, bách tính Cù Châu tổ chức đua thuyền rồng để mừng tết Đoan Ngọ. Hôm đó tập trung rất nhiều thuyền. Để xem đua thuyền, bách tính trong quận tranh nhau lên cầu phao trước chùa Phù Thạch.
Thiệu Dục người Từ Châu và mấy người bạn vốn ban đầu đến chùa lễ Phật, sau đó một mình trở về nhà. Khi ông đi đến cầu phao, đột nhiên dây cáp đứt, thuyền bè đều trôi theo dòng nước, các tấm ván cầu phao cũng bị tách rời ra, từng tấm từng tấm rơi xuống nước. Mấy trăm người trên cầu cũng bị rơi xuống nước.
Thiệu Dục rơi xuống nước, phát hiện có vật gì đỡ chân ông nâng lên, do đó phần đầu ông không bị chìm trong nước. Trong lúc hốt hoảng, ông thấy dưới trụ cầu có mấy vị đại Thần thân cao 3 trượng (khoảng 10m), tay cầm búa đứng đó. Hai vị đại Thần nói với ông: “Ông là Thiệu Dục, không đáng bị kiếp nạn này mà chết”. Thế là kéo ông lên chiếc thuyền rách, sau đó chiếc thuyền đó trôi vào bờ. Vì sự việc quá ly kỳ, trở về nhà ông không dám kể cho người khác biết.
Năm sau, ông và mấy người bạn đi qua đình Dư Diêu, đợi xem nước thủy triều. Ông leo lên đình xem những bài đề ký trên bức tường. Không biết là người nào từ phía sau ông nói: “Nếu không phải là ông đã tích đức thì sao lại dễ dàng vượt qua kiếp nạn sông nước năm ngoái?”
Không tham tài sản không phải của mình, đức tốt khiến cuộc đời như gấm thêu hoa
Ngoài ra, khi một người có đức tốt, thì người đó không chỉ hành thiện giúp người mà còn có phúc phận tốt đẹp, khiến cuộc đời như gấm thêu hoa.
Lâm Tích người Nam Kiến vào kinh, trên đường qua Thái Châu, buổi tối ngủ ở một lữ quán. Anh nằm trên giường, cảm thấy có vật gì cộm lưng. Thế là lật chiếu lên xem, bên dưới là một túi vải, trong có mấy lớp túi gấm. Anh mở ra thấy có mấy trăm viên ngọc quý.
Sáng hôm sau, Lâm Tích hỏi chủ quán: “Hôm trước người nào ngủ trọ ở trong phòng trọ của tôi?”.
Chủ quán nói là một đại thương gia. Lâm Tích nói với chủ quán rằng: “Đó là người quen của tôi, sau này gặp lại nhờ ông bảo ông ấy đến Thượng Tường tìm tôi”.
Lâm Tích nghĩ, đại thương gia có thể trở lại tìm, thế là lại để lại cho ông ta một manh mối. Lâm Tích viết tên mình chỗ túi vải rằng: “Ngày này tháng này năm này, Lâm Tích ở Kiếm Phố đã tá túc ở đây”. Sau khi để lại những thông tin đó, Lâm Tích liền ra đi.
Đại thương gia sau khi đến kinh thành chuẩn bị mua hàng, lúc đó mới phát hiện mất túi ngọc quý. Thế là ông quay trở lại theo đường cũ, một mạch tìm về lữ quán. Đại thương gia theo lời chủ quán truyền đạt lại, đến Thượng Tường tìm Lâm Tích. Mấy trăm viên ngọc quý bị mất, đã mất hoàn toàn rồi lại nhận được. Đại thương gia muốn tặng Lâm Tích một số ngọc quý để báo đáp. Lâm Tích nói: “Nếu như tôi muốn thì mấy hôm trước nó đã là của tôi rồi”.
Ông nhất quyết từ chối không lấy.
Đại thương gia cũng không ép ông được, thế là lấy khoản tiền lớn tổ chức lễ chay lớn cầu phúc cho Lâm Tích. Sau này Lâm Tích thi đỗ có được công danh, làm quan đến Trung đại phu. Con trai Lâm Tích cũng làm quan ở vị trí cao. Mọi người nói, đó là Lâm Tích không tham của cải không phải của mình nên đã tích được đức dày.
Những câu chuyện lưu truyền mấy trăm năm nay, đã trải qua biết bao tháng năm gió mưa, tồn tại mãi đến ngày nay. Phải chăng đó cũng là kỳ vọng tha thiết của người xưa cổ vũ con người vươn lên, hướng về phẩm chất cao thượng và đức tính tốt đẹp!
(Theo “Di kiên giáp chí” quyển 18, và “Di kiên chi giáp chí” quyển 12)
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiến Thiện biên dịch