Theo chiết tự tiếng Trung, kết cấu chữ “人” (nhân) gồm một nét phẩy và một nét mác. Cũng theo lý luận của Đạo gia, phía bên trái là dương bên phải là âm. Bởi vậy nét phẩy bên trái, nét mác bên phải để hợp thành chữ “人” (nhân), đây cũng chính là thể hiện của Đạo.
Nguyên lý thái cực cho rằng tương ứng với âm dương lần lượt là vật chất và ý thức. Đối chiếu với con người chúng ta thì chính là thể xác và tinh thần. Trong đó tinh thần là thuộc về dương, thể xác hay thân thể người là thuộc về âm, dương là thể (chủ thể, chủ ý thức), âm là dụng (thân thể, ứng dụng).
Như thế đối với con người mà nói, tinh thần mới thực sự chính là bản thân mình. Thân thể con người vì có tinh thần mới sống và hoạt động. Bởi vậy trong cách viết chữ “人” (nhân) nét phẩy thường dài còn nét mác thường ngắn, nét phẩy thường cao còn nét mác thường thấp.
Tinh thần mới thực sự là chủ thể của bản thân chúng ta. Bởi vậy, một cuộc sống có chất lượng tinh thần cao mới là điều mà con người cần hướng tới. Lời giáo huấn của các bậc thánh hiền luôn hàm chứa một giá trị tinh thần thâm sâu, lớn lao. Chỉ một câu ví như “Nhân chi sơ, tính bản thiện” cũng đã có ý nghĩa trải dài suốt mấy nghìn năm trong đời sống các dân tộc Á Đông.
Đối với truy cầu lợi ích vật chất và các thứ dục vọng, người ta chẳng nên quá coi trọng. Coi trọng chúng quá thì hoá thành tự ràng buộc, tự lấy dây trói chặt mình lại, không cách nào thăng hoa. Đề cao tinh thần mới chính là con đường duy nhất thăng hoa hạnh phúc của đời người. Thân thể con người tồn tại được là vì có tinh thần. Tinh thần không phải là nô dịch cho thân thể.
Nếu một người đeo đuổi dục vọng, truy cầu vật chất, tiền tài quá độ, rơi rớt hết cả tinh thần, đạo đức, ý thức thì đã không còn là một người bình thường nữa, đừng nói đến việc có thể làm người trí huệ. Kiểu người như vậy chính là “âm thịnh dương suy“. Cách viết của chữ “人” (nhân) sẽ bị đảo ngược, trở thành chữ “入” (nhập). “Nhập” chính là: nhập mê, nhập vào dục vọng, nhập vào ngu dốt, cuối cùng tiến nhập vào địa ngục.
Những từ đồng âm với chữ “人” (nhân) là “仁” (nhân), “忍” (nhẫn), “韧” (nhận), “任” (nhậm). Đây đều có thể coi là yêu cầu, quy phạm đạo đức làm người. Theo giải thích của Khổng Tử, cái gọi là “仁” (nhân) chính là yêu thương con người. Lòng nhân ái chính là hạt nhân cơ bản của đạo làm người. Chữ “忍” (nhẫn) chính là chỉ ý khoan dung, độ lượng, có khí phách của người quân tử. Bởi vì thế giới này vô cùng rộng lớn, rất nhiều người có tính cách và lối sống không nhất định phù hợp với quan niệm của chúng ta, ngay chính lối sống của chúng ta cũng không nhất định là phù hợp với quan niệm của người khác, cho nên mọi người đều nên khoan dung, nhường nhịn, hòa thuận với nhau. Chữ “韧” (nhẫn) chính là có ý nói con người cần có ý chí kiên cường, trải qua phong ba, bão táp vẫn không thay đổi, chí vững như bàn thạch. Chữ Nhậm (任) khuyên chúng ta làm người phải có trách nhiệm với cuộc sống của mình.
Con người là thể hiện của Đạo, làm người nên phải có tâm cầu Đạo, cũng nên tu Đạo đắc Đạo, trở thành “Chân Nhân”, đây mới là mục đích duy nhất để làm người.
Nhẫn là ý chí kiên cường, trải qua phong ba bão táp vẫn không thay đổi. Ảnh theo pinteres.com
Trong văn hoá truyền thống Á Đông, nhân nghĩa luôn là đạo gốc làm người hàng đầu. Khổng Tử xây dựng học thuyết Nho gia của mình cũng từ một chữ “nhân” ấy. Nguyễn Trãi trong tác phẩm bất hủ “Bình Ngô đại cáo” của mình cũng viết:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo“
Trong xã hội cổ đại, “nhân” chính là thái độ ứng xử cơ bản của con người. Dù là làm việc gì người ta cũng lấy nhân nghĩa làm đầu. Thậm chí khi đánh trận, đối đầu với kẻ địch cũng không quên ứng xử theo đạo của người quân tử, “tiên lễ hậu binh” (trước dùng lễ, sau động binh), hai bên giao chiến cũng không chém sứ giả…
Các y học gia thời cổ đại cũng luôn coi “nhân” là cái gốc của nghề. Người ta thường gọi Đông y là “Nhân thuật”, muốn trở thành thầy thuốc giỏi thì phải biết hành xử theo đạo “nhân”.
Mạnh Tử, người được hậu thế gọi là “á thánh” (tức chỉ đứng sau Khổng Tử) cũng thường bàn về vấn đề “nhân” trong đạo làm người này. Ông cho rằng người quân tử phải có “hạo nhiên chính khí”, biết lấy đức mà thu phục kẻ khác, ngoài ra còn nói một câu: “Nhân giả vô địch” (người nhân thì khắp thiên hạ không có kẻ thù).
Đạo gia xưa cũng giảng nhiều về chữ nhân mặc dù trọng điểm của họ là tu theo lý “Chân”. Chữ “Chân nhân” mà Đạo gia hay giảng chính là có nguồn gốc như vậy. “Chân nhân” là làm người chân chính, tu thành đắc đạo, có thể mang lòng nhân mà đối xử với kẻ khác, từ đó đạt được cái lý “Chân”.
Kiên Định (theo Chánh Kiến)
Xem thêm: